Mở đường cho nô lệ - Dân Làm Báo

Mở đường cho nô lệ

Leonard E. Read * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Chắc chắn nô lệ không bao giờ có thể thắng khi đương đầu với sự kháng cự quyết liệt và liên tục.

Chẳng hạn, sở thú sẽ không có hổ nếu như hổ vẫn hung dữ như lúc đầu bị bắt. Con người không thể nào chịu đựng con thú như thế. Tuy nhiên, con hổ trong chuồng không hung dữ mãi. Con hổ rừng chẳng mấy chốc như con mèo nhà trở nên ngoan ngoãn và biết ơn con người cho ăn và săn sóc.

Tại sao? Con hổ vốn tự do trong môi trường sống tự nhiên của nó, đã trải qua tự do, nhưng sự hung dữ chỉ thể hiện trong giai đoạn đầu giam cầm. Con hổ chắc chắn mau chóng trở nên ngoan ngoãn trong cảnh tù hãm. Phải chăng con hổ không hiểu sự phân biệt giữa tự do và nô lệ? Không biết định nghĩa? Nếu con hổ không biết hay ý thức về tự do của nó, nó không thể nào nhớ sự hiểu biết mà nó không bao giờ có. Chuồng của nó trở thành môi trường sống duy nhất nó biết, nên nó ăn ngủ, một cách mãn nguyện.

Mỹ sẽ không bao giờ có người nô lệ da đen nếu như người da đen vẫn bất trị như lúc đầu bị rơi vào tay những kẻ buôn nô lệ. Ban đầu họ cũng kháng cự nhưng chẳng mấy chốc họ trở nên ngoan ngoãn. Họ cũng từng tự do ở môi trường Châu Phi của họ. Tuy nhiên họ là những người nguyên thủy. Họ thiếu khả năng diễn đạt lưu loát và mạch lạc trong lĩnh vực tư tưởng. Họ không có những định nghĩa và phân biệt giữa tự do và nô lệ. Họ thiếu ý thức; họ cũng không thể nhớ đến điều mà họ đã không bao giờ biết. Họ chẳng bao lâu chấp nhận số phận trở thành nô lệ của họ là bình thường.

Họ chỉ có cuộc đời nô lệ bình thường để từ đấy mà biết thân phận họ.

Và, theo tôi nghĩ, lý do nô lệ thì giống nhau: không hiểu về những định nghĩa và phân biệt rất rõ ràng giữa tự do và nô lệ.

Điều hiển nhiên là hổ sẽ chẳng tự mình làm được gì để thoát khỏi sở thú.

Sự thật lịch sử là chế độ nô lệ ở Mỹ bị xóa bỏ chẳng phải do bất kỳ cuộc kháng cự nào của người da đen.

Cuộc phản kháng tinh thần không phải sinh thành từ vô cảm hay ngoan ngoãn. Nó sinh thành từ tính cách quyết liệt hơn. Cội rễ của cuộc phản kháng tinh thần này là sự nhận thức sáng suốt rằng tự do là tự do làm một cách sáng tạo những gì ta muốn; tự do không có hạn chế ngoại trừ hạn chế hành động phá hoại, cướp bóc; còn nô lệ hạn chế hoạt động sáng tạo. Nô lệ thay thế sự tự mình làm chủ mình bằng kẻ khác làm chủ mình. Tước đoạt của ai sự tự chủ ấy là khiến cho họ chán nản chẳng say mê tư tưởng ích lợi hay tư tưởng sáng tạo. Không có ước muốn ấy, ta chẳng mấy chốc đánh mất khả năng tự chủ.

Ai hiểu ra những sự phân biệt này thì cho dù họ ở trong tù hay trong mỏ muối dưới đầu súng thì ta cũng không thể nào gọi họ là nô lệ. Ta chỉ có thể nói đúng hoàn toàn về họ là, "Có người tự do đang bị kìm chế."

Những người tự do, như được miêu tả là những người hiểu những phân biệt này, là những người duy nhất có thể giải thoát những người vô cảm và những người ngoan ngoãn dễ bảo ra khỏi ách nô lệ càng ngày càng lớn. Gánh nặng giải thoát này đặt trên vai họ và chỉ trên vai họ thôi. Những ai không ý thức thì không thể nào chia xẻ gánh nặng này cùng với họ.

Ý thức về sự khác biệt giữa nô lệ và tự do là sự bảo vệ duy nhất của cá nhân chống lại sự áp đặt ách nô lệ lên họ. Vì vậy, điều cực kỳ quan trọng là phải gìn giữ những lý tưởng về tự chủ được phản ánh qua những khái niệm chọn lựa cá nhân, tư hữu, tự do trao đổi, và vai trò của chính quyền chỉ giới hạn trong việc bảo vệ những quyền cá nhân này. Để mất ý thức về những lý tưởng này là mở đường cho nô lệ mà không đấu tranh. Đấy là sự từ bỏ thụ động lý do duy nhất, nếu không phải là cơ hội duy nhất, để sống.

Leonard E. Read (1898-1983) là người sáng lập cơ quan Foundation For Economic Education ở Mỹ.

Nguồn:

Trích dịch từ tạp chí Mỹ The Freeman số tháng Mười Một, 1955. Tựa đề nguyên tác "Why Is Slavery Possible?". Tựa đề tiếng Việt của người dịch.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo