Mai Hữu Tín (Danlambao) - Các cuộc biểu tình đã tạm lắng dịu. Trong lúc các nhà quan sát và bình luận cũng như các nhà hoạch định chiến lược đang rút tỉa kinh nghiệm để chuẩn bị cho bước kế tiếp, chúng ta hãy xem lại những gì đã xảy ra.
Đầu tiên hãy xem xét vị trí địa lý nơi các cuộc biểu tình đã xảy ra trong thời gian qua cũng như những cuộc biểu tình lớn trong thời gian vài năm gần đây.
Tại phía Bắc, ngoại trừ Hà Nội còn lại các tỉnh khác đều yên tĩnh, ít nhất là trong khoảng thời gian 3 năm trở lại đây. Phần lớn các cuộc biểu tình xảy ra từ miền Trung trở vào đến Sài Gòn.
Trong đó các tỉnh ven biển nơi cuộc sống rất khó khăn và lại chịu ảnh hưởng của đại hoạ Formosa khiến cuộc sống của ngư dân vốn đã khốn khó lại càng lầm than nhiều hơn. Nếu tính thêm yếu tố lịch sử, các vùng địa phương nói trên trước năm 1975 đều nằm trong sự quản trị và ảnh hưởng của chính thể VNC, nơi người dân có được cuộc sống tự do về nhiều mặt so với các địa phương miền Bắc đang nằm dưới ách thống trị độc tài CSBV. Phải chăng bên cạnh thảm họa mất nước còn có sự luyến tiếc cuộc sống tự do đã bị cướp mất bởi cộng sản đã góp thêm phần vào sự căm giận của người dân?
Mặt khác, các vùng từ Nghệ An, Hà Tĩnh trở vào, trong những thập niên gọi là "đổi mới" đã nhận được rất ít đầu tư, dự án phát triển cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của nhà cầm quyền. Điều này đã khiến cuộc sống của người dân vốn đã hết sức khó khăn do thiên nhiên, khí hậu khắc nghiệt, cho đến con người, xã hội, lại thêm yếu tố Tàu cộng ức hiếp ngoài biển, khiến người dân dường như không có lối thoát. Uất ức dồn nén lâu ngày trở thành thái độ căm hận nhà cầm quyền thờ ơ trước cuộc sống khổ cực của dân nghèo. Về kinh tế thì không khuyến khích đầu tư, không có những kế hoạch phát triển cho những vùng địa phương nghèo, khó khăn. Về môi trường thì nhắm mắt làm ngơ hoặc cấu kết với tư bản nước ngoài, đặc biệt là Tàu cộng, để đầu tư mà không kiểm soát, dẫn đến huỷ hoại và tàn hại môi trường sống, phá hoại và huỷ diệt môi trường Biển. Về An ninh thì hèn nhát bạc nhược, sợ hãi để mặc cho Tàu cộng ức hiếp, tàn sát ngư dân, khiến ngư dân mất dần ngư trường, nguồn sống duy nhất của họ. Trong lúc đó lại dùng thủ đoạn mị dân kiểu cũ, xúi bậy ngư dân bán mạng giữ biển, để đổi lấy cờ máu vốn chẳng có chút giá trị nào về kinh tế.
Người dân đã hiểu quá rõ bản chất của nhà cầm quyền CSVN đối với quan thầy Tàu cộng, đã phẫn uất trước viễn cảnh rồi đây những nhượng địa kiểu Đặc khu kinh tế sẽ mọc lên khắp nơi. Họ kinh sợ trước viễn cảnh kẻ thù Tàu cộng vốn từng ngày đâm thủng tàu cá, giết chết người thân là ngư dân. Những kẻ thù đó, rồi đây sẽ không chỉ thấp thoáng trên vùng biển trước nhà, mà còn hiện diện đầy đường, mang con cháu, gia đình đến sinh sống, cư trú, nghênh ngang khắp nơi trên đất Việt. Căm giận trước sự trơ tráo của những kẻ bán nước mang danh đảng lãnh đạo nhà nước quản lý, người dân đã đứng lên phản kháng, đã lên tiếng đáp lời những Lê Chiêu Thống mang lớp áo đảng viên CS đang mưu mô hợp thức hoá việc bán nước của họ bằng cái gọi là Luật Đặc Khu Kinh tế 99.
Nhưng các cuộc biểu tình lần này, cũng chuyển đi một số thông điệp quan trọng không thể bỏ qua và đồng thời cũng chứa đựng những dấu hiệu bất bình thường cho tất cả mọi phe.
Trước hết, phải nói về thông điệp mà người biểu tình chống Đặc khu đã chuyển tới đảng CSVN là:
- Người Việt nam không chấp nhận hành động bán nước một cách gián tiếp của đảng qua việc cho Tàu cộng thuê đất mở đặc khu tới 99 năm mà hiệu quả kinh tế thì hoàn toàn không nhìn thấy được. Việc làm này không khác gì nhượng địa cho Tàu cộng, giúp họ tìm cách di dân qua VN một cách hợp pháp. Đạo luật này giúp Tàu cộng lấn dần đất đai của người Việt, giúp tiến trình đồng hoá và thôn tính VN của Tàu cộng diễn ra một cách dễ dàng.
- Những việc làm của nhà nước CSVN đã ngày càng lộ rõ bản chất khiếp nhược, sợ hãi trước Tàu cộng. Từ đó họ rắp tâm làm tay sai cho Tàu cộng, giúp cho mưu đồ biến VN trở thành một tỉnh của Tàu cộng trở thành sự thực. Hành động này, đã hiển hiện từ lâu trong tất cả mọi sự kiện. Từ việc sợ hãi không dám gọi tên công khai Tàu cộng ngoài biển Đông, cho đến việc ký kết các hiệp ước biên giới trên bộ, mà kết quả là làm mất đi hàng trăm ngàn kilomet đất đai dọc theo biên giới mà tổ tiên và cha ông người Việt đã vất vả, đổ mồ hôi xương máu để gìn giữ cho con cháu đời sau. Qua sự việc này đã khiến người dân Việt, thực sự cảm nhận được và nhìn thấy được bản chất thật sự của nhà cầm quyền CS vốn từ lâu đã rắp tâm cúi đầu thuần phục trước kẻ xâm lược Tàu cộng. Việc làm này đã khiến người dân tức giận, đứng dậy phản kháng bằng các cuộc biểu tình ôn hoà, buộc nhà nước CS cuối cùng phải lùi bước.
- Sức chịu đựng của người dân đã đạt đến giới hạn cuối cùng khi cuộc sống của họ và tương lai con cháu họ biến thành những đồng dollars chạy vào túi các đảng viên tham nhũng. Đất đai của tổ tiên bị biến thành các lâu dài và biệt thự của cán bộ cộng sản. Biển cả bao nhiêu đời nuôi sống ngư dân, bị hủy hoại nghiêm trọng khiến cuộc sống ngư dân ngày càng lầm than vì không kế mưu sinh. Tài sản và sinh mạng của họ bị đồng bọn của CSVN (người anh em 16 chữ vàng 4 tốt) ngày ngày tàn sát, phá huỷ ngoài biển khơi, trong đất liền mà không hề được bảo vệ, che chở. Với Dự luật An ninh mạng mà quốc hội bù nhìn vừa mới bấm nút thông qua, tiếng nói phẫn uất của họ không hề được nghe thấy, bị đè bẹp trong tắt nghẹn. Tất cả những thông điệp đó được chuyển tải qua những cuộc biểu tình ôn hoà của hàng trăm ngàn người từ khắp nơi tại miền Nam VN, nhưng bị đáp trả bởi những trận dùi cui từ lực lượng côn an còn đảng còn mình.
Điều quan trọng nhất là qua những cuộc biểu tình chống Đặc Khu là đã biểu lộ một điều hết sức quan trọng là: Niềm tin của người dân đối với nhà cầm quyền CSVN đã mất hẵn, nhất là trong những vấn đề có liên quan đến Tàu cộng. Nói như vậy, vẫn chưa hoàn toàn đúng, khi thực tế và cách hành xử của nhà cầm quyền CS, kể từ khi cưỡng chiếm toàn cõi Việt Nam, đã không hề tạo được sự tin tưởng nơi người dân. Chính vì vậy, người dân Việt luôn nhìn CSHN với cặp mắt nghi ngờ hầu như trong tất cả mọi vấn đề. Mà một khi lòng tin đã mất thì sẽ không còn có việc từ nay người dân sẽ tiếp tục ngoan ngoãn làm con cừu cho cộng sản vặt lông. Sẽ tiếp tục có những cuộc biểu tình khác nữa cho chính sách đất đai, vốn chỉ làm lợi cho những tập đoàn tư bản đỏ. Sẽ có những cuộc biểu tình khác cho những người bị đánh đập đến chết trong đồn công an. Sẽ có những cuộc biểu tình khác biểu lộ sự phẫn nộ khi đảng CSVN ra sức bao che cho những đảng viên tham ô, hối lộ, bức bách dân lành xâm hại trẻ em v.v...
Trước mắt, nhà cầm quyền CSVN có vẻ thắng khi 86% dân biểu quốc hội bù nhìn nhắm mắt bấm nút thông qua luật An ninh mạng. Tuy nhiên họ cũng thừa hiểu rõ, càng bịt miệng người dân thì sự phẫn nộ sẽ ngày càng dâng cao. Đến một lúc nào đó phẫn nộ sẽ biến thành cơn bão lửa, thiêu cháy tất cả cơ đồ mà họ đã ăn cướp của dân, của nước trong bao nhiêu năm nay.
Ngày đó đang đến dần.
19.06.2018