David Thiên Ngọc (Danlambao) - Kính thưa quý độc giả trong suốt mấy ngày qua chắc vì tiếng chuông đánh thức lương tâm nghề nghiệp luôn hiện hữu tận đáy lòng tôi mà trong cõi vô thức đã hiện về một giấc mơ nói lên sự trăn trở của tôi trong hữu thức về cái gọi là đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi Quốc Gia (csVN) tốt nghiệp bậc THPT. Trong giấc mơ ấy là có một thí sinh sau khi đã hoàn tất bài thi của mình và không hiểu sao? Có lẽ do Thiên định nên em đã đọc nguyên văn bài thi đó cho tôi ghi lại như sau:
Bài làm
Kính thưa: - Hội đồng Giám Khảo
- Thầy, Cô Giám khảo chấm bài.
Như quý thầy cô đã biết em là một thí sinh, thanh niên tuổi 18. Cái tuổi mà cha mẹ, ông bà và xã hội thường cho rằng ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Lúc này chung quanh em là các bạn đồng lứa cùng là thí sinh đang mải mê húy hoáy trên trang viết bài làm của mình. Em thì cắn bút ngồi định tâm, tư duy suy nghĩ hơn 15 phút và bắt đầu có những dòng sau.
Kính thưa thầy, cô! Xin quý thầy cô chớ ngạc nhiên về bài luận văn này vì hình thức lẫn nội dung nó không giống như những bài tập trong niên khóa mà thầy cô đã hướng dẫn và giảng dạy hay với những bài trong những kỳ thi khác qua nhiều năm, nhiều thế hệ… mà nó đích thực là một bài phản biện. Nơi đây em xin trãi bày hết ưu tư, suy nghĩ của mình lẫn sự trăn trở của em, của một công dân vừa mới thành niên trước dòng chảy của xã hội-em chưa dám nói là vận mệnh non sông- em không thể câm miệng vì bất cứ một lý do nào, cho dù trong môi trường vô cùng khắc nghiệt về “thời tiết” từ môi sinh, văn hóa đến chính trị… cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Trong trang sử nhà-Trần Quốc Toản bóp nát quả cam ở tuổi vị thành niên cũng vì nghĩ đến sơn hà đang hồi chao đảo nhưng không được tham dự luận bàn chính sự chỉ vì các bô lão cho chàng là “trẻ người non dạ”, Triệu thị Trinh cỡi con cá kình, đạp con sóng dữ diệt giặc Bắc phương năm vừa 16 tuổi mà không màng đến chuyện lứa đôi…, hai bà Trưng cỡi voi phất ngọn cờ vàng diệt quân Nam Hán khi chưa quá tuổi đôi mươi… xem cái chết tựa lông hồng! thế thì tại sao em phải cúi mặt, bẻ bút không viết lên chính kiến của mình? Qua đề bài thi này nó gợi lên cho em quá nhiều tâm tư… như những cơn cuồng lũ đang cuốn phăng nhà cửa, đồng bào và hoa màu, gia cầm gia súc ở các tỉnh vùng cao Việt Bắc thật đau lòng.
Em đọc mấy lượt liền đề thi với đoan thơ của nhà thơ Nguyễn Duy đã viết vào những năm 1980-1982 thế kỷ trước như sau.
"Hãy thức dậy đất đai!
Cho áo em tôi không còn vá vai,
Cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn…
Xin bắt đầu từ cơm no áo ấm
Rồi thì xa hơn – đẹp và giàu và sung sướng hơn
Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non
Châu báu vô biên dưới thềm lục địa
Rừng đại ngàn bạc vàng là thế
Phù sa muôn đời như sữa mẹ
Sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể
Còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?
Lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?
Lúc này ta làm thơ cho nhau
Đưa đẩy mà chỉ mấy lời ngọt lạt
Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực
tiềm lực còn ngủ yên…”
Ngụ ý chính của Bộ GD&ĐT là đánh thức tiềm lực đất nước trong mỗi con người chúng ta trong thời hiện đại. Cái thời đại mà em nghe quá nhiều qua đài báo là thời đại rực rỡ nhất trong mọi thời đại? khi mà chưa cần phải đánh thức đất đai.
Để bài làm cho đúng trọng tâm và ý (đồ) của bộ thì có khi nếu em không có được những dòng chảy này thì chắc em đành “nộp quyển” với tờ giấy trắng… trắng như thế hệ chúng em "Phấn trắng, giấy trắng, tâm hồn trắng…" còn ngoài sân trường thi thì “phao trắng sân” và ngoài đời thì em luôn nghe người dân kêu gào “mất trắng”…!
Để đi vào bài thi-Trước hết em xin khẳng định rằng đoạn thơ trên Nguyễn Duy đã làm từ những năm 1980-1982 thế kỷ 20. Cái thời mà các ông chủ “ba tê bốc”, ông “gú gờ”… còn ở mãi đâu đâu… ở thế giới nào và cả ba mẹ em cũng mới là những đứa trẻ tay cầm cây roi đi sau đít những con trâu, con bò mà nghêu ngao hát bài "từ Bắc vô Nam…". Do đó dưới lòng biển nhất là trong thềm lục địa của chúng ta chưa có “cáp quang để cho cá mập cắn đứt!” cho nên chuyện năm châu chỉ là chuyện mơ hồ… thậm chí là “phản động và thù địch”. Thế thì hàng ngày ba mẹ em nghe (chứ em chưa có) loa thôn loa xã ra rả… nào là rừng vàng biển bạc… sông nước… đồng ruộng mênh mông bạt ngàn… cá tôm đầy ắp nhảy cả lên bờ mà trẩy hội đêm trăng… quang cảnh lúc đó trước mắt mọi người do đảng vẽ là cả một thiên đường với muôn hồng ngàn tía…
Cái cảnh thanh bình, giàu có, hạnh phúc ấy em tin là có thật tuy em chưa từng thấy vì khi em ra đời cảnh non sông, đất nước xã hội… ra sao trước mắt em, em sẽ nói sau.
Mở đầu cho đoạn thơ ở đầu đề tác giả nói:
“…Hãy thức dây đất đai
Cho áo em tôi không còn vá vai,
Cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn…”
Hoàn cảnh đất nước trong những giai đoạn này và trước nữa em cho là đúng là vì chiến tranh và đất đã ngủ, một giấc ngủ miên trường… ôm đạn bom mà ngủ khiến cho muôn người thiếu đói, áo phải vá vai và khoai ngô sắn thay cho hạt gạo. Có được áo vá vai là đã tốt lắm rồi… chứ em nghe kể thời ông nội, ông ngoại chúng em và xa hơn nữa dưới thời phong kiến đế quốc thì ông và bà chỉ có một cái quần. Nếu ông mặc vào đi ra ngoài thì bà phải ở truồng và chui vào xó bếp để ẩn thân chứ làm gì có buồng cho kín đáo? Thật tội nghiệp. Cũng trong thời gian bài thơ này ra đời (1980s) và sau nữa em nghe nói đã nhờ đảng khai phá, dẫn đường… nên cảnh người rắn rồng xếp hàng để nhận “ơn mưa móc” ở các cửa hàng nông sản thực phẩm hay họp tác xã… cũng từ từ biến mất và trong mỗi cặp vợ chồng đã có đủ hai cái quần. Đảng đã kêu gọi, đánh thức đất dậy qua cơn ngủ mê, chim hót líu lo trước buổi bình minh và xa xa vẳng về tiếng hát… qua cơn mưa… trời lại sáng… lẫn “mặt trời chân lý chói qua tim…”
Đến câu:
“…Xin bắt đầu từ cơm no áo ấm
Rồi thì xa hơn – đẹp và giàu và sung sướng hơn…”
Phải công tâm mà nói và em thấy sao nói vậy trong lối văn tả thực. Từ khi em cắp sách đến trường và có nhận thức thì đại bộ phận trong dân cảnh thiếu đói không còn nữa. Tuy mỗi nhà có mức sinh hoạt cao thấp khác nhau… còn xa hơn là đẹp và giàu, sung sướng… thì ngày ngày trước các nhà hàng hoa lệ, nơi cổng trường nhất là các cổng trường chuyên, trường điểm, trường của con em cán bộ cao cấp, của giới quý tộc (nghe nói là các nhà tư bản đỏ) thì em thấy đúng là "ngựa xe như nước áo quần như nêm" ngay trong thời hiện đại chứ không phải trong tác phẩm của cụ Nguyễn Tiên Điền. Những người như em và bạn bè cùng đẳng cấp nhìn vào mà không thèm thuồng, ước mơ mới lạ! Thế thì câu thơ trên của Nguyễn Duy chỉ để khơi mào, kích thích cho đất nước ở thời điểm đó (1980s) chứ đến nay để làm chất xúc tác cho mọi người đánh thức đất đai thức dậy và đánh thức tiềm lực… thì em thấy "đã qua rồi cái thuở ngu ngơ…". Nếu em phân tích đúng theo ý thực của tác giả Nguyễn Duy, và nói vuốt theo ý đồ của bộ GD&ĐT thì em đã tự lừa dối mình. Cái điều tối kỵ mà những ngày đầu em bước chân đến trường, cô giáo đã dạy em 5 điều bác Hồ dạy trong đó có “thật thà, dũng cảm”. Giờ em phải nói ra điều không đúng là thiếu thật thà và không dàm nói lên sự thật và chính kiến của mình là phi dũng cảm! đã làm trái lời bác dạy? em quyết không làm.
Bây giờ em xin tiếp sự nhận thức của mình và rất trung thực qua các câu thơ dưới.
Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non
Châu báu vô biên dưới thềm lục địa
Rừng đại ngàn bạc vàng là thế
Phù sa muôn đời như sữa mẹ
Sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể
Còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?
Lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?
Khoáng sản của đất nước ta đúng là vô cùng dồi dào, được thiên nhiên ưu đãi như trong câu thơ tác giả viết. Nhưng trên thực tế với trí tuệ đỉnh cao của đảng (đảng tự xưng) thì cụ thể như mỏ than ở Quảng Ninh, nói là mỏ (phải đào sâu trong lòng đất) chứ thật ra nó lộ thiên bạt ngàn… nhất là ở Đông Triều, Cẩm Phả, Hòn Gai… Quảng Ninh và cứ thế xúc lên mà bán thì hà cớ gì tập đoàn than khoáng sản VN lại bị thua lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng? Nhân dân phải còng lưng đóng thuế để bù vào khoảng lỗ? và em nghe đâu ta phải nhập than từ anh bạn vàng bốn tốt? điều nghịch lý này em chỉ biết ngửa mặt hỏi trời chứ biết hỏi ai? Thầy cô có biết?
Lại nữa! mỏ Titan Bauxit Tây Nguyên… ẩn tàng trong lòng đất là kho báu muôn vàng… thế mà “chủ trương lớn của đảng” đã làm tiêu tan vì giao cho anh cả lớn! mặc cho sự can ngăn của nhiều nhà khoa học, quân sự, chính trị…? thua lỗ dân mình oằn vai gánh chịu mà còn đe dọa mạng sống của hàng triệu người từ Tây nguyên cho xuống đồng bằng về môi trường và cả mặt an ninh Quốc Gia?
Châu báu vô biên dưới thềm lục địa ư? Đúng vậy! nhưng nhục nhã thay đã vì ai mà đảng phải cam lòng bỏ tiền thuế xương máu của dân ra đền bù họp đồng cho tập đoàn dầu khí Repsol Tây Ban Nha? Tài sản của ông cha ta để lại mà ta không được quyền khai thác? Biển của ta mà ngư dân không được quyền đánh bắt mà còn phải đối diện với hiểm nguy, bị đâm chìm tàu, mất mạng bởi bọn hải tặc Bắc phương? Đảo của ta mà ngư dân gặp bão to sóng lớn không được vào trú ngụ? bị xua đuổi ra chìm đắm giữa ngàn khơi? Khiến cho linh hồn của An Tiêm cùng các tử sĩ ở Hoàng Sa, Gạc Ma cùng anh linh các chiến sĩ trong lễ “khao lề thế lính” phải nổi cơn sấm động cuồn cuộn sóng bạc đầu nhằm cuốn phăng loài quỷ dữ trừ hại cho ngư dân.
Nói đến rừng thì em thật xấu hổ khi em đi qua các đoạn đường trên QL1 có rừng và đèo núi em đã đọc được câu này: “đốt rừng như thể đốt nhà-Cháy rừng như thể cháy da thịt mình”. Thầy cô có cảm thấy xấu hổ như em không? Ai đã tự đốt nhà và đốt cháy da thịt mình? Khi các tập đoàn lâm tặc lại chính là tay chân, sân sau của lực lượng kiểm lâm? Thử hỏi chỉ một anh tiều phu đốn củi rừng cũng không qua khỏi sự bức bách của cán bộ kiểm lâm. Thế mà hàng đoàn xe chở gổ quý phá đại ngàn đều lọt qua nhiều cửa ải kiểm lâm, lọt qua lỗ kim một cách ngon lành. Thậm chí đại xa chở cây đại thụ đi từ Nam ra Bắc qua hàng loạt lỗ kim mà không ai hay biết? có lẽ nhà văn Kim Dung đã truyền thụ cho đoàn xe này bí kiếp “tích cốt thu trâm” để tàng hình chui lọt qua những lỗ kim của đảng. Từ Bắc chí Nam hàng hàng biệt phủ được xây dựng bằng gỗ quý? Gỗ quý ấy ở đâu ra và tất cả những biệt phủ ấy đều do các đầy tớ của nhân dân làm chủ??? Cái hành động đốt nhà và da thịt mình đó cũng là một nguyên nhân cho “trời làm cơn lũ mỗi năm…”
Nói đến sông, biển! "phù sa muôn đời như sữa mẹ…/Sông giàu đằng sông, bể giàu đằng bể..." vào những năm mà tác giả viết những câu thơ này thì em thấy đúng. Vì sông Hồng sông Cửu Long và nhiều con sông lớn khác mang phù sa ngọt ngào như sữa mẹ nuôi đàn con Việt bằng những vựa lúa muôn trùng…. Nhưng than ôi… cái thời vàng son ấy nay còn đâu? Nước sông Hồng tuôn về muôn ngàn chất độc từ lòng nham hiểm của đảng bề trên, dòng Cửu Long tắc mạch tự trên nguồn… hàng chục đập thủy điện đã ngăn dòng nước là ý đồ thâm độc của ai?. Đồng bằng miền Tây Nam Bộ thì- đất nức nẻ cá tôm đà hóa kiếp, thân rạ buồn trơ mặt với thời gian! Nghe đâu ta phải nhập gạo từ Thái Lan, Ấn Độ nhưng cửa kho đảng hào phóng mở toang xuất hàng ngàn tấn gạo cho các đồng chí Cu-Ba, Bắc Triều Tiên? Hàng chục triệu USD máu xương của dân mà đảng trưởng đã hào phóng vung tay “cho không biếu không” cho các nước bạn gần xa hầu đánh bóng tên tuổi và có thể để “xây mộ về sau”??? hay là ông ấy học cách Phùng Huyên mua nghĩa thời Chiến Quốc bên Tàu?
Nói thêm về sông biển, núi rừng em không biết viết gì hơn… em xin mượn hai câu thơ của cô giáo dạy văn của em-Cô giáo Trần Thị Lam-để cạn nỗi niềm.
“…Rừng đã hết và biển thì đang chết.
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…”
Trở về với trích đoạn bài thơ “đánh thức tiềm lực” vớ sứ mệnh đánh thức tiềm lực của đất nước trong mỗi con người trong giai đoạn này như em đã nói ở phần đầu bài rằng một là em nộp giấy trắng ra về vì em nhất định không tự lừa dối mình mà viết lời “ngọng nghệu”… hai là với những dòng trên.
Với những dòng trên em đã nói lên sự chông chênh trong việc quyết định ra đề thi như đã có. Trong ấy em xét thấy nó có hai chủ đích.
- Một là lãnh đạo bộ GD&ĐT “ngọng nghệu, ngố ngáo, ngây ngô…” đem Chí Phèo-Thị Nở ra mà đánh thức cái tiềm lực mà chỉ còn là hoài niệm và trong nỗi ấm ức không nguôi của toàn dân tộc. Khiến cho mọi người thấy bộ GD&ĐT chỉ là một đám tuồng hề không hơn không kém.
- Hai là bộ GD&ĐT đã chơi khăm, tát, vả vào mặt đảng. Đã khơi dậy lòng căm hận của nhân dân bằng cách bươi tìm cái tiềm lực, cái của quý, cái kho tàng châu ngọc mà đảng đã lần mò lén lút đi đêm bò qua ải Bắc mà trộm bán đi rồi. Bây giờ đánh thức, moi tìm cái nỗi gì? Càng đánh thức càng moi tìm, càng vực dậy cái đã mất thì kẻ ốt dột, nhột lòng và run sợ bị phanh phui hành vi đen tối chính là kẻ đã “chôm đồ nhà” mà lại chôm cả gia bảo, sản nghiệp của tổ tiên sang giao cho hàng xóm.
Một ý quan trọng nữa là bài thơ trên nó chỉ có giá trị và đúng với thời gian ra đời và hoàn cảnh xã hội lúc ấy mà thôi. Nay ngành giáo dục đem bài thơ trên làm đề thi môn ngữ văn trong điều kiện xã hội ngập tràn “gú gờ và ba tê bốc” thì khác nào “mùa nực mặc áo bông” khiến cho nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương phải bịt mũi mà nín cười!
Ý tưởng đánh thức tiềm lực-Kêu gọi hãy thức dậy đất đai nó hoàn toàn lạc hậu với thời hiện đại bởi chưng một đất nước giàu tài nguyên như nước ta “rừng vàng, biển bạc”, than nổi ở Quảng Ninh, dầu chìm trong thềm lục địa, trầm hương gỗ quý, khoáng sản… vô cùng ở rừng núi Tây Nguyên nhưng đất nước nghèo nàn vẫn hoàn đói khổ. Venezuela trữ lượng dầu gấp 12 lần Qata nhưng dân chúng phải chui đầu vào thùng rác để kiếm ăn, phải bò qua các nước cận kề mong tìm mua được cuộn giấy vệ sinh. Nam và Bắc Hàn có cùng một dân tộc, một nền văn hóa và tài nguyên Bắc Hàn còn được thiên nhiên ưu đãi hơn nhiều nhưng GDP Nam Hàn gấp 10 lần Bắc Hàn. Nhật Bản là một đất nước quần đảo, đất đai tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn eo hẹp, thiên nhiên khắc nghiệt luôn bị bão tố, sóng thần, động đất uy hiếp… nhưng họ đứng hàng Top kinh tế thế giới. Singapore là đảo quốc với diện tích khoảng 721km2 lớn hơn đảo Phú Quốc của ta một chút, dân số khoảng 5,6 triệu chỉ bằng ½ dân số TP HCM hiện tại và chỉ mới độc lập năm 1963 từ Anh quốc nhưng kinh tế nước họ như thế nào, nền giáo dục họ ra sao thì ai cũng biết là nhất nhì thế giới. Còn nhiều nước điển hình khác nữa. Thử hỏi nguyên do cốt lõi là đâu mà có được kết quả và phải nhận hậu quả như các dẫn chứng trên thầy cô có biết? em xin thưa là do “THỂ CHẾ” mà ra! cũng do thể chế mà chảy máu chất xám. Thầy cô đã biết hầu hết như 100/100 các khôi nguyên đường lên đỉnh Olympia có ai quay về cố quốc để xây dựng quê hương? Nước ta nhân tài không thiếu nhưng thiếu kẻ dụng nhân tài. Những nhân tài khi bước vào cơ quan để được phỏng vấn xin việc làm đã rớt ngay vòng đầu từ câu hỏi “đồng chí là con của đồng chí nào”? nếu không thì phong bao phải to và dày cộm. Do đó ngay thành phố mang tên bác tôi có nghe một bà lãnh đạo nọ phát biểu rằng “con của lãnh đạo mà làm lãnh đạo là phúc lớn của người dân”!!!??? ấy là thể chế đó thưa thầy cô! Bởi con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, hay rau nào sâu nấy là vậy nên đất nước ngập chìm vẫn hoàn tăm tối. Thể chế định đoạt vận mệnh của một đất nước. Một thể chế không đem lại quyền lợi, hạnh phúc cho người dân, không hợp lòng dân thì ta cần phải thay đổi cái thể chế ấy bằng một thể chế khác do toàn dân quyết định. Tài nguyên thiên nhiên ắt hẳn có ưu thế phần nào nhưng không là tất cả như em đã dẫn chứng ở trên. Thế nên có những người ngồi trên mỏ vàng mà than đói phải xin ăn và có những kẻ nằm trên đống thuốc mà phải vong thân vì những chứng bịnh xoàng xoàng…
Kính thưa quý thầy cô! Em biết khi em hoàn tất bài thi này là em đã xác định cũng là lúc cánh cửa học đường của em đóng lại. Nhưng như em đã trình bày bên trên rằng em quyết mở miệng nói ra, nói hết suy nghĩ tư duy, chính kiến của mình qua đề thi trên rồi kết quả ra sao… thì ra chứ em không chịu cúi đầu câm miệng mà phản bội lại lời dạy của bác Hồ “thật thà-dũng cảm” khi mới bước vào ngưỡng cửa học đường. Và rằng trong những ngày tiếp theo là em đã “xếp bút nghiên quá độ sang SEA” như ngày xưa chàng trai ấy chui dưới gầm tàu mong tìm đường cứu nước.
Kính chào quý thầy cô.
Trên là nguyên văn bài thi của một em học sinh trong kỳ thi Quốc Gia THPT môn ngữ văn năm 2018 mà tôi có cơ duyên ghi lại được.
Ngày 29/6/2018