Carina Hoàng ngồi trên thuyền trong chuyến đi lần thứ tám
và có lẽ chuyến đi cuối cùng đến Đảo Kuku.
|
Liz Mak (PRI'S The World) - Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Carina Hoàng đang chuẩn bị cho chuyến đi. Đến một nơi hầu hết mọi người không bao giờ nghe đến: Đảo Kuku, ở vùng Anambas xa xôi, ở Indonesia. Chị sẽ đi tìm mộ.
"Thông thường ta không thấy ai thực sự quyết định trở lại rừng tìm mộ người không quen biết," chị nói. "Nhưng đến nay, bất kỳ lúc nào ai nhờ, tôi cũng không bao giờ từ chối - vì tôi biết đường còn họ thì không."
Người ta không biết đường đến Kuku vì hầu hết mọi người không bao giờ nghe đến đảo này; thậm chí nó cũng không có tên trên hầu hết các bản đồ. Nhưng đối với Hoàng, Kuku có ý nghĩ đặc biệt. Đấy là nơi cách đây gần 40 năm chị bị bỏ rơi khi chị chỉ mới 16 tuổi. Đấy là nơi chị phải học cách sinh tồn.
"Đó không phải là trại tỵ nạn"
Hoàng là người gốc Việt Nam Cộng Hòa. Quốc gia này bị đảo lộn sau cuộc chiến Việt Nam. Những người Việt Nam ở miền Bắc chiếm Việt Nam và áp đặt chế độ cai trị cộng sản. Hàng vạn người bỏ nước ra đi.
Nhưng gia đình Hoàng không đi được. Cha chị, một cựu trung tá, bị tù đày, còn mẹ chị phải ở lại để trông coi con còn rất nhỏ. Vì vậy gia đình tìm cách cho Hoàng, lúc đó 16 tuổi; em trai Sài Gòn, 12 tuổi; và em gái Mimi 10 tuổi, vượt biên.
Năm 1979 Hoàng cùng với hai em bước lên thuyền để trốn khỏi Việt Nam.
Hoàng nhớ chiếc thuyền - dài độ 24 mét rộng 4 mét rưỡi-chở đầy đến 373 người.
"Chúng tôi ngồi bó gối," chị nhớ lại. "Không có chỗ cựa quậy hay duỗi chân ra."
Họ trải qua một tuần kinh hoàng trên biển cả.
Thuyền họ đến Malaysia, nơi Hoàng nói nhà chức trách địa phương cướp đoạt họ và rồi đẩy thuyền họ ra lại ngoài biển, không cho những người tỵ nạn lên bờ. Sau đấy thuyền hết lương thực và nước. Nhiều người bắt đầu chết trên thuyền.
Vào ngày thứ tám, thuyền đến một làng đánh cá nhỏ ở Indonesia. Tại đây thuyền trưởng làm chìm thuyền để mọi người không thể bị đẩy ra lại ngoài biển.
Những người tỵ nạn được ở lại trong làng, nhưng người ta báo cho họ biết họ sẽ được chuyển đến trại tỵ nạn ở trên đảo khác. Vì vậy Hoàng và hai em vui vẻ leo lên một chiếc thuyền cuối cùng.
"Thuyền đi rất lâu," chị hồi tưởng. "Phải mất mấy giờ chúng tôi mới đến đảo này. Chúng tôi thấy đảo hình bán nguyệt này, với bờ biển cát đẹp và cây cối."
Khi chị và những người khác rời thuyền để bơi vào bờ, Hoàng cảm nhận cái gì đấy không bình thường.
"Chúng tôi nhìn quanh," chị nói. "Chỉ thấy toàn là rừng rậm. Chúng tôi chẳng thấy bất kỳ nhà cửa, lều hay trại nào. Chỉ là đảo với cây cối và bụi rậm. Còn trước mặt chúng tôi là đại dương. Đó không phải là trại tỵ nạn."
Đảo hoàn toàn không có người ở. Không có nhà cửa, đường xá, tuyệt nhiên không có dấu hiệu gì của cuộc sống con người. Đấy là nơi hoàn toàn hoang dã. Sau khi họ lên bờ, chiếc thuyền bỏ đi.
Đêm ấy Hoàng và hai em ngủ trên bờ biển, dưới cơn mưa tầm tã.
Mọi người ngồi trên bờ biển, ngóng đợi thuyền quay lại. Một ngày trôi qua. Rồi hai ngày.
"Đến ngày thứ ba mọi người bắt đầu nhận thức rằng có lẽ chúng tôi sẽ ở lại nơi này." Hoàng nói.
"Người ta bắt đầu chết"
Đây là Đảo Kuku-thật ra, nó là Bãi biển Kuku, trên Đảo Jemaja. Nhưng tất cả những người tỵ nạn chỉ biết quanh họ chỉ toàn rừng rậm và không có bóng thuyền bè lai vãng. Cho nên họ gọi đảo là Kuku.
Trên Kulu, không có công cụ, không có lương thực dự trữ, không có nhà vệ sinh. Người tỵ nạn chỉ có những thứ họ mang theo để giúp họ tồn tại.
"Có rất nhiều dừa," Hoàng nói. "Nhưng chúng tôi không thể trèo lên cây hái dừa. Mà dù có hái xuống thì chúng tôi cũng không có dao hay bất kỳ cái gì dùng để chặt dừa."
Người tỵ nạn không còn cách nào khác chỉ còn biết sống nhờ vào đảo. Đối với hầu hết mọi người, cuộc sinh tồn thật chẳng dễ dàng.
"Tôi sợ bơi ra biển để bắt mấy con vật," Hoàng nói. "Tôi không biết bắt cá hay săn bắn. Tôi sợ rắn rết và thú dữ. Tôi ngại đi vào rừng."
Ban đầu, Hoàng và hai em sống nhờ vào những gói mì họ mang theo. Mỗi ngày chị thường xé ra một gói mì rồi bẻ ra làm bốn góc. Một bữa ăn ba chị em ăn chung một góc gói mỳ. Họ làm mọi cách để sống, nhưng bệnh bắt đầu lan rộng ra. Người ta bắt đầu chết vì sốt rét và tiêu chảy.
"Người ta bắt đầu chết trên đảo đó sau ngày thứ 10," Hoàng nói.
Tình cảnh trở nên thê thảm đến mức chẳng mấy chốc Hoàng tuyệt vọng.
"Chúng tôi chẳng ăn gì trong mấy ngày trời," chị nhớ lại. "Em gái tôi và em trai tôi nằm ra đấy như xác chết. Chúng chỉ nói thì thầm - Chị ơi, em khát quá, đói quá và yếu lắm."
Nhiều lần tôi nghĩ, "chúng tôi sẽ không qua khỏi."
Nhưng ngay cả khi họ càng ngày càng trở nên yếu hơn, những người tỵ nạn vẫn không nản lòng.
Họ còn sống nhờ ăn cá và thằn lằn và bất kỳ con gì khác họ có thể săn được.
Họ sống được một tháng. Rồi hai tháng. Rồi ba tháng.
Trong tháng thứ ba ấy, họ giật mình khi nghe tiếng gì đấy bay trên trời.
"Chúng tôi nhìn lên và có chiếc trực thăng mang phù hiệu Hồng Thập Tự bay vòng quanh," Hoàng nói. "Mọi người nhảy tưng lên và la hét và vẫy tay không ngừng. Đến lúc ấy chúng tôi biết chúng tôi sẽ bình an. Và chúng tôi còn sống. Cả ba chị em chúng tôi."
"Đây sẽ là chuyến đi cuối cùng của tôi trở lại Đảo Kuku"
Sau khi Hồng Thập Tự đến, Hoàng và hai em ở lại Kuku thêm năm tháng khi Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc lập ra trại tỵ nạn trên đảo. Họ được chuyển đến trại tỵ nạn khác trên Golang thêm hai tháng trước khi cuối cùng họ được tái định cư ở Hoa Kỳ. Tại đây, họ cố gắng quên đi Kuku.
"Tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ thấy lại hay muốn thấy lại Kuku," Hoàng nói.
Nhưng Kuku tìm đến chị. Vào giữa thập niên 1990, dì của Hoàng cũng từng trốn khỏi Việt Nam và bị kẹt trên một hòn đảo gần đấy ở Indonesia, nhờ Hoàng trở lại. Bà muốn Hoàng tìm hài cốt con đã mất ở đấy để dựng bia mộ tử tế.
Khi trên đảo Anambas có người qua đời, người tỵ nạn tìm bất kỳ tảng đá lớn nào để đánh dấu mộ.
Khi những người Việt khác nghe chuyện Hoàng đi đến các đảo Anambas, họ bắt đầu cũng nhờ chị đưa họ trở lại chốn xưa. Vào thời đó, có rất ít thông tin về các đảo này hay cách đi đến đấy. Khi Hoàng lần đầu đến Lãnh sự quán Indonesia, thậm chí các nhân viên ở đấy cũng chưa từng bao giờ nghe đến các đảo này.
Ngay cả hôm nay, chuyến đi cũng phải sắp đặt công phu, phải bay đến Singapore, đi thuyền đến Batam, bay tiếp đến Tanjung Pinang, rồi đi ba lần thuyền nữa đến Kuku. Hoàng nói mỗi chuyến đi chị phải mất hàng tháng trời chuẩn bị, chị phải báo trước cho các chính quyền địa phương. Không ai trả công cho chị để làm công việc này.
Những ai liên lạc với Hoàng cũng muốn tìm hài cốt của người thân và làm mộ tử tế cho họ. Vì thế Hoàng đồng ý trở lại Đảo Kuku một lần, rồi thành hai lần. Rồi ba, bốn lần. Đến nay, Hoàng đã trở lại bảy lần.
Rồi từ đó đến nay, Hoàng đã giúp đỡ khoảng 15 gia đình đi tìm lại mộ người thân. Nhưng, chị nói, tuy những chuyến đi tìm mộ làm cho chị mãn nguyện và hàn gắn vết thương lòng, nhưng cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
"Sau rất nhiều chuyến đi tìm mộ," Hoàng nói, "Tôi cảm thấy đuối sức. Đã đến lúc tôi phải ngưng lại. Chuyến đi này sẽ là chuyến đi cuối cùng của tôi trở lại Đảo Kuku."
"Tôi đã cố gắng quên đi"
Tony Lưu, 57 tuổi, mẹ anh, Trương Ơn, 77 tuổi, và em anh, Daniel, tham gia vào chuyến đi cuối cùng của Hoàng đến Đảo Kuku.
Họ cùng nhau đi tìm mộ của Lưu Cao, cha của Tony Lưu, mất ở trên đảo cách đây gần 40 năm. Lưu nói anh lo lắng trước những gì anh có thể thấy.
Hoàng và Lưu cả hai đến Kuku vào tháng Sáu 1979. Họ là những người đi chính chuyến tàu đầu tiên đến đảo và họ trải qua những ngày tháng khó khăn nhất ở đấy.
Lưu 18 tuổi khi anh từ giã Kuku và bỏ lại lại sau lưng người cha nằm dưới nấm mộ vùi nông. Trong suốt thời gian về sau, anh chưa bao giờ nói với một ai về chuyện đã xảy ra ở đấy: cha anh, bị bệnh sốt rét, mất trên đảo như thế nào.
"Tôi không bao giờ nghĩ cha có thể chết," Lưu nói, "Cho nên tôi không bao giờ muốn nói đến chuyện đó nữa. Tôi thậm chí không bao giờ muốn nhớ đến. Tôi cố gắng quên đi."
Nhưng ngoài nỗi đau cha chết, trong suốt bốn chục năm qua Lưu còn mang nặng bên mình một nỗi đau khác còn lớn hơn nhiều. Anh nghĩ anh có can hệ đến cái chết của cha.
"Tôi là nguyên nhân khiến cha tôi mất," Lưu nói.
Lưu tin cha anh không bao giờ phải rời Việt Nam. Lưu 18 tuổi lúc họ ra đi vì cha mẹ anh lo lắng anh sẽ bị bắt đi quân dịch và rồi cuối cùng có thể đánh nhau trong cuộc xung đột biên giới giữa Việt Nam với Cambodia.
Lưu miễn cưỡng tham gia vào chuyến đi trở lại Đảo Kuku, nơi anh muốn quên đi mãi mãi. Anh đi chính vì mẹ, để mẹ thực hiện ước mơ của mẹ là dựng bia mộ cho cha và tỏ lòng thành kính trước mộ người.
"Nhưng trong thâm tâm tôi biết tôi phải làm điều này," anh nói. "Chỉ có tôi thôi, tôi cảm thấy tôi không có can đảm, tôi không có dũng cảm. Điều ấy khiến tôi buồn phiền."
Carina Hoàng, trái, và con gái, phải ôm nhau trên chuyến thuyền tới Đảo Kuku
Đảo Kuku giống như đảo nghỉ mát: những bóng dừa rải rác trên bờ biển đong đưa qua lại. Tiếng của sóng biển màu ngọc xanh tạo cho du khách cảm giác êm đềm giả tạo- vì ở phía xa đằng sau, rừng rậm lờ mờ hiện ra.
Hoàng khóc suốt từ lúc từ xa chị đã nhận ra Kuku . Bây giờ, nước mắt vẫn chảy xuống theo bước chân chị đi trên cát.
"Bây giờ tôi đang đứng ở đây, tôi cũng thật sự không biết tại sao chúng tôi vẫn còn sống," chị nói. "Đúng là phép lạ. Chẳng ai ở thế giới bên ngoài biết chúng ta đang ở đây. Chỉ có bụi rậm, cây cối và rừng thẳm."
Cả nhóm đi theo Hoàng, người biết rành địa lý trên Kuku sau bảy chuyến đi trở lại trong mười năm. Chị đi đến con suối nhỏ, nơi Trương Ơn nhớ đã chôn người chồng quá cố. Hoàng nói chị biết về một nghĩa địa lớn gần đấy. Trước đây chị đã tìm thấy những nấm mồ khác ở đấy.
Cổng được xây dựng để vinh danh những người tỵ nạn trên Đảo Kuku.
"Tôi đã đặt tảng đá ấy"
Một số mộ bên suối có những tấm bia lớn xây bằng xi măng đơn sơ có khắc tên và ngày tháng năm của người đã khuất. Đây là những mộ của những người mà gia đình họ đã quay trở lại với Hoàng và đã tìm thấy được.
Rồi có những nấm mộ không có ai trở lại tìm. Những tảng đá lớn nằm rải rác khắp nơi khiến ta không rõ đá nào đánh dấu mộ đá nào chỉ là đá thường.
Hôm nay, đi tìm mộ cha của Lưu, sẽ là chuyến đi tìm mộ cuối cùng của Hoàng trên Kuku. Lưu lúc 18 tuổi đã chọn tảng đá để đánh đấu mộ cha. Anh nhớ anh đã tìm được một tảng đá khá lớn, hình tam giác, có bề mặt láng.
Hoàng đưa những người dân địa phương đi cùng với chị ra đảo để giúp khai quang lá và đất che lấp kín các mộ. Khi nhóm đến khu vực nơi gia đình Lưu bắt đầu tìm kiếm cha, Hoàng chỉ những tảng đá khác nhau và hỏi gia đình có nhận ra tảng đá nào quen không. Một tảng đá đập vào mắt họ. Họ nhìn tảng đá đến mấy phút, cố gắng nhớ lại nơi họ đặt bia mộ cha cách đây gần 40 năm. Và rồi, sau dường như chỉ nửa giờ, Lưu chỉ tảng đá có hình tam giác.
"Tôi đã đặt tảng đá ấy," anh nói.
Không có cách nào chứng minh rằng đây thực sự chính là tảng đá mà Lưu còn nhớ chỉ bằng cách nhìn nó thôi. Cách duy nhất để biết có đúng là tảng đá ấy hay không là phải khai quật hài cốt để tìm đồ dùng cá nhân hay áo quần thân thuộc của cha họ. Nhưng gia đình quyết định họ không muốn dùng đến cách tàn nhẫn như thế. Họ không muốn động mồ mả.
Tony Lưu cùng mẹ, Trương Ơn, và Carina Hoàng cúng trước mộ cha của anh.
Đối với gia đình Lưu, dù hoàn toàn không chắc chắn, nhưng như vậy cũng đủ.
Trong bốn mươi năm qua mẹ Lưu thường muốn lo cho mồ mả chồng. Bà rửa tảng đá. Rồi bà đốt hương và cắm hương trên mặt đất bên cạnh trái cây cúng. Hai anh em mỗi người ở riêng với cha một lát. Tony bật khóc nức nở.
Hoàng đứng ở phía sau nhìn. Chị cũng khóc tự lúc nào.
"Tôi buồn khi thấy mộ sao mà thảm thương," chị nói.
Tảng đá đủ lớn để giữ trong hai tay. Đá không có nét chữ hay dấu khắc; nó chỉ là tảng đá tốt nhất mà Tony tìm được lúc ấy, được đặt lên trên một khoảng đất trống, trên một hòn đảo hoang vắng giữa đại dương. Nó rất quan trọng, nhưng đồng thời, bia mộ tạm ấy sao có vẻ rất buồn thảm.
Hai anh em Tony và Daniel Lưu khắc chữ và ngày tháng vào bia mộ cha.
"Họ không bị lãng quên"
Mọi người quay về trước khi trời tối. Họ băng qua con suối, đi ra khỏi rừng, đi qua đám cỏ cao, qua bờ biển để leo lại lên thuyền.
Ngày hôm sau, tại nhà trọ, Lưu trầm tư về chuyện tìm thấy mộ. Anh nói mặc dù điều này sẽ giúp anh có được sự bình an để sống tiếp, nhưng anh cũng nói có những điều anh tin anh sẽ không bao giờ vượt qua được.
"Đôi khi," anh nói, "tôi hồi tưởng. Nếu như chúng tôi biết trước chúng tôi sẽ trả giá rất đắt như vậy thì liệu chúng tôi vẫn quyết định ra đi?"
Còn Hoàng, thật khó hiểu điều gì đã khiến chị hết lần này đến lần khác sẵn sàng trở lại đảo nơi chị trải qua bao khổ đau. Hoàng nói điều thôi thúc chị bắt nguồn từ một ký ức chị không bao giờ có thể quên được.
"Khi chúng tôi ở trên Đảo Kuku, chúng tôi chẳng có thuốc men," chị nói. "Nhiều lúc tôi ở đấy ban đêm. Tôi đếm số người đang hấp hối ngồi quanh tôi. Buối sáng khi tôi trở lại, tôi biết sẽ mất đi một hay hai người."
"Trở lại đây, tôi nghĩ đó là điều tối thiểu tôi có thể làm được cho những người đã khuất ở đây. Và tôi nghĩ điều tối thiểu ai cũng có thể làm được là đưa gia đinh họ trở lại thăm viếng họ để họ biết rằng họ không bị lãng quên."
25/7/2018
Nguồn:
Người dịch: