Hoàng Tất Thắng (Danlambao) - Ngụy biện, loạn ngôn với chủ ý đánh tráo đúng sai, thật giả, tức cứ đưa ra các lập luận quanh co, nói vòng vo, thậm chí nói bừa, nói láo, dựa theo vài hình thức tương đồng, để làm đa số người dân bị lầm lẫn, hiểu sai lạc về bản chất của vấn đề, hay của sự việc, nhằm mục đích lường gạt để thủ lợi, hoặc phủi bỏ trách nhiệm, đã và đang là biện pháp hành xử đắc sách của mọi tầng lớp cán bộ cộng sản trong xã hội Việt Nam ngày nay và qua đó nó cũng là thủ thuật tuyên truyền đắc dụng trong toàn bộ hệ thống truyền thông, dưới chiếc gậy chỉ huy của đảng cộng sản Việt Nam.
Đất nước và con người Việt Nam đang rơi vào vòng cai trị bởi một tập đoàn lãnh đạo vô sỉ, từ đảng cộng sản Việt Nam, qua nhà nước CHXHCNVN, từ cấp cao xuống cấp thấp, từ trung ương đến địa phương và trong tất cả mọi ban, ngành pháp quyền. Đây chỉ là một băng đảng hơn là một chính quyền đúng nghĩa. Tất cả mọi hoạt động từ khi đảng cộng sản Việt Nam cướp được chính quyền đến nay, dù tùy từng giai đoạn, nhưng tựu trung cũng chỉ nhằm vào mục tiêu phục vụ cho lợi ích bành trướng của cộng sản quốc tế, giữ được sự trường tồn cho (chi) bộ đảng Việt Nam và cuối cùng là xâu xé, cướp bóc tài nguyên quốc gia, ăn không chừa một thứ gì của dân, làm giàu cho mọi phe nhóm đảng viên trong đảng và bọn khuyển, ưng ăn theo, để tom góp hầu bao, hay phóng tài hóa kết bè, tụ đảng để giữ đảng và tiếp tục ăn trên ngồi trốc.
Ngoài các tội ác gây chiến với bao cảnh cảnh xương trắng máu đào từ 1945 mãi đến cuối thập niên 90, chỉ tính riêng về giấc mơ xây dựng chủ nghĩa xã hội từ khi đảng cộng sản cướp được chính quyền, đến khái niệm huyễn hoặc kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm đổi màu lý tưởng cộng sản sang thời kỳ tư bản hoang dã, đảng cộng sản Việt Nam cũng đã liên tiếp đề ra các chính sách dòm ngó, cướp giựt, đánh vào bao tử và túi tiền còm cõi của người dân, che đậy dưới các chiêu bài lưu manh ích quốc lợi dân, như cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp và phân phối xã hội chủ nghĩa tại miền bắc trong thập niên 50, 60, đến đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp, đổi tiền, ngăn sông cấm chợ và cưỡng bức mua công khố phiếu tại miền nam trong thập niên 70, 80… đều là các trọng tội khó lòng tha thứ, hay không thể phai mờ trong ký ức mọi người dân Việt Nam.
Do bị lãnh đạo bởi một băng đảng bất tài, giỏi nghề tráo trở và giết người, nhưng lại bết bát, kém cỏi trong điều hành và xây dựng nền kinh tế quốc dân, bởi chủ trương nhân sự hồng hơn chuyên và lòng tham không đáy của mọi tầng lớp đảng viên cộng sản, nên Việt Nam ngày nay mỗi lúc mỗi thêm lún sâu vào khủng hoảng. Tài nguyên tan hoang. Rừng đã hết và biển đã chết do bị vơ vét bán sạch, hay bị ô nhiễm tàn phá. Nợ công vượt ngưỡng báo động, đã ở mức 431 tỷ USD, bằng 210% GDP từ năm 2016 (1) và chẳng còn ai cho vay. Viện trợ không hoàn lại, hay cho vay phát triển chính thức ODA (Official Development Assistance), với lãi suất thấp, hoặc không có lãi cũng đã cạn nguồn từ năm 2014 (2). Ngân sách cạn kiệt và luôn luôn bội chi, năm sau nhiều hơn năm trước, vì gánh nặng 31% trả nợ, trả lãi và 83% chỉ nuôi bộ máy song trùng đảng, nhà nước, với các thành phần thanh gươm lá chắn đông đúc, luôn cả 30% "đầy tớ" chỉ có mỗi việc sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về. Trăm bề đều bối rối, nên chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dù đã được tuyên giáo và bọn bồi bút tán tụng là chính phủ kiến tạo, cũng mau chóng hiện nguyên hình chỉ là thứ chính phủ đổ vỏ và phải cật lực tìm mọi cách đổ vỏ, để cứu nguy cho đảng và tránh sự sụp đổ gần kề.
Cùng tất biến, hay nói đúng hơn vì ăn cướp là nghề của chàng nên âm mưu cướp vàng và trữ kim USD trong dân đã được Hà Nội "dòm dỏ ngó oi" và hoạch định việc cướp cạn từ năm 2011. Những phát ngôn… hồn nhiên (?) đúng tầm cao trí tuệ của bản thân cán bộ lãnh đạo trước giờ ra tay!! hay của bọn theo đóm ăn tàn luôn vỗ ngực tự xưng trí thức, bằng cấp đầy mình, chức danh rỗn rảng, nhưng cũng luôn có thừa sự trơ tráo, để cung cúc phụ họa, hầu hưởng chút của rơi, của vãi, đã khởi sự các cung bậc hợp xướng đầu tiên trong cánh đập của loài kên kên và nhịp nhàng theo từng bước đi của đại kế hoạch ăn cướp gom vàng trong dân.
Ngày 1/9/2011, Nguyễn Văn Bình đương nhiệm thống đốc ngân hàng nhà nước loan báo Hà Nội đã đồng ý về chủ trương đối với đề án "huy động" nguồn vàng trong dân. Theo Bình, do luật định không ngăn cấm việc mua, bán, tích trữ quý kim, khiến không ít người dân đã không biết phải để vàng ở đâu (?), nên sắp tới ngân hàng nhà nước sẽ đứng ra "huy động giữ hộ vàng cho người dân" giúp dân có sự an tâm tuyệt đối, trong tinh thần nhà nước bảo đảm an toàn nhất, lãi suất có lợi nhất và nhấn mạnh "Dân có vàng thì dân giàu, nhà nước giữ hộ vàng cho dân thì nước sẽ mạnh" (?).
Các "đầy tớ của nhân dân" đã mau mắn nhìn vào từng góc nhà, kẹt tủ của người dân, để hồ hởi phỏng đoán có đến 500 tấn vàng, thời giá khoảng 22 tỷ USD đang là của nhàn rỗi ở trong dân.
Các hệ thống truyền thông cũng nhanh nhảu không kém, tung ra luận điệu ngay cả đế quốc Mỹ và bọn tư bản giãy chết Hàn Quốc cũng đã từng cấm dân tích trữ vàng, hay "huy động" vàng trong dân, theo nguyên tắc cắt đầu, bỏ đuôi, diễn dịch tùy thích và bởi sở trường đánh lận con đen của hệ thống thông tin cộng sản hầu gây hoang mang nữa tin, nữa ngờ trong tâm lý người dân và tạo ra hiệu ứng cam tâm nộp mạng cho chằn tinh.
Do đồng USD từ năm 1879 được đặt trên căn bản kim bản vị, tương ứng với điều kiện phải có 40% vàng thuộc Cục Dự trữ liên bang FED (Federal Reserve System) để bảo đảm giá trị quy đổi bằng vàng cho lượng tiền đang lưu hành, nên trong cuộc đại khủng hoảng (Great Depression) vào thập niên 30, dân Hoa Kỳ vừa đổ xô rút tiền mặt khỏi ngân hàng, vừa gia tăng tích trữ vàng, vì vậy đã đặt nhiều ngân hàng trước nguy cơ phá sản, đồng thời làm cho nguồn cung về vàng cạn kiệt khiến chính phủ Hoa Kỳ khó có thể in thêm tiền vì giới hạn luật định. Giải pháp gia tăng lãi suất ký gởi lại làm cho việc cho vay, kích thích sản xuất gặp khó khăn hơn do phải chịu lãi suất cho vay cao, tạo ra vòng luẩn quẩn kinh tế trì trệ và nạn thất nghiệp tràn lan.
Để chấm dứt sự đình đốn và đáp ứng cho nhu cầu cần phải gia tăng lượng tiền lưu hành, ngày 5/4/1933 Tổng thống F.D Roosevelt ban hành sắc luật 6102 ngăn cấm hành vi tích trữ vàng. Người dân phải bán lại các tiền vàng, vàng thoi và mọi chứng chỉ vàng trị giá từ 100 USD trở lên cho Cục Dự trữ liên bang trong thời hạn trước ngày 1/5/1933, với giá chính thức 20,67 USD một ounce vàng, nhờ đó chính phủ đã mua lại được 300 triệu USD tiền vàng và 470 triệu USD vàng. Tháng 6/1933 quốc hội cũng thông qua thêm một đạo luật giảm bớt mối ràng buộc giữa đồng USD với vàng, quyết định bải bỏ quyền các chủ nợ được đòi hỏi phải thanh toán bằng đồng tiền vàng, có cùng trọng lượng và tuổi vàng trong mọi khế ước tài chánh về vay mượn, công cũng như tư. Năm 1934 giá vàng tăng lên 35 USD một ounce, giúp tổng giá trị vàng của Cục Dự trữ lên mức 69%, cho phép chính phủ in thêm được lượng tiền lưu hành và thoát ra khỏi cuộc đại khủng hoảng. Hoa Kỳ đã duy trì giá quy đổi cố định 35 USD một ounce vàng đến tháng 8/1971 mới hủy bỏ khi chấm dứt luôn chế độ kim bản vị đối với đồng USD và người dân Hoa Kỳ lấy lại quyền sở hữu vàng thỏi các loại từ năm 1974 (3).
Tình hình "huy động" vàng ở Nam Hàn lại là một mặt khác, trái ngược hẳn với bản chất "huy động vàng nhàn rỗi trong dân" mà Hà Nội đang nhắm tới.
Đang là con cọp Đông Á, một trong bốn con rồng châu Á với kỳ tích sông Hàn (The Miracle on the Han River), lột xác từ xứ chậm tiến lên cường quốc kinh tế hạng 11 trong đầu thập niên 90, cư dân có thu nhập đầu người cao và bắt đầu được hưởng thụ cuộc sống thoải mái theo tiêu chuẩn tây phương, đột ngột Nam Hàn rơi vào cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997, với những hậu quả nặng nề. Nhiều doanh nghiệp, ngân hàng, các nhà đầu tư bị nợ nần chồng chất và đứng trước viễn cảnh phá sản, thất nghiệp bùng phát. Đầu tư quốc tế thoái vốn hơn 18 tỷ USD, điểm tín dụng Moody’s từ A1 xuống A3 và B2, thị trường chứng khoán sụt mất 4% và tỷ giá đồng Won (KRW) giảm còn 1.700 KRW/USD so với mức 1.000 KRW/USD trước đó chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Tháng 12/1997 Nam Hàn phải vay quỹ tiền tệ quốc tế IMF một ngân khoản kỷ lục, lớn nhất trong lịch sử trị giá đến 58 tỷ USD để cứu vãn tình thế vẫn đang có chiều hướng suy đồi. Do bị ràng buộc phải chấp nhận nhiều điều kiện thắt lưng buộc bụng khắt khe, nên cuối cùng Seoul chỉ đồng ý vay 19,5 tỷ USD từ IMF trong tổng số 30,2 tỷ USD vay mượn từ các định chế tài chánh quốc tế. Đồng tiền vay chưa gây được tác dụng tích cực, thì một cuộc khủng hoảng mới lại nổ ra bởi tâm lý sợ phải quay về với chính sách khắc khổ và được người dân Nam Hàn cay đắng gọi đó là cuộc khủng hoảng IMF (IMF Crisis).
Tháng 1/1998 chính phủ Nam Hàn ra lời kêu gọi người dân quyên góp vàng để giúp đất nước sớm trả dứt nợ. Có khoảng 3,5 triệu người – khoảng 1/4 dân số toàn quốc - tham gia vào chiến dịch và góp tặng được 226 tấn vàng, trong đó 10% là vàng nữ trang, hay các loại kỷ niệm chương, với tổng trị giá khoảng 2,2 tỷ USD, trong tổng giá trị ước tính khoảng 20 tỷ USD bằng vàng đang có trong dân. Tất cả được nấu chảy đúc thành khối để trả nợ IMF đầy đủ, hoàn tất trong tháng 8/2001 và sớm hơn dự trù 10 tháng (4).
Song song với các xảo ngôn tuyên truyền và cái nhìn "chằm chặp" vào túi quần người dân mỗi lúc mỗi gia tăng cường độ nôn nóng, thể hiện qua nghị quyết 01/NQ/CP đầu năm 2017, yêu cầu các cơ quan quản lý tiền tệ nghiên cứu lộ trình, giải pháp huy động nguồn lực vàng và ngoại tệ tích trữ trong dân, để đưa vào xử dụng trong sản xuất kinh doanh (?), đến ba lần nhắc nhở nhu cầu cần phải có kế hoạch gom vàng trong dân của Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 8/2017, Hà Nội cũng ma giáo hâm nóng lại "uy tín" cho chế độ, bằng chiêu bài tiếp tục trả lại những khoản nhà nước vay mượn dân trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, mà món nợ xa nhất là các loại Công thải Nam Bộ phát hành từ tháng 7/1946, thể theo tinh thần công văn 8274/BTC/HCSN ngày 22/6/2017 của bộ tài chánh.
Chưa tính đến các điều kiện giấy tờ, con người để chứng minh cho sự việc rất khó kiếm ra trong hoàn cảnh chiến tranh liên miên và đã quá lâu – dài hơn 3/4 thế kỷ - chuyện thành tâm, thiện chí và việc trả đúng giá trị công nợ gần nhất của Hà Nội là việc thanh toán công khố phiếu phát hành ở miền nam sau năm 1975 và gởi tiền tiết kiệm vào ngân hàng nhà nước trong thời đất nước thống nhất, đều là những chuyện dài nhiều tập cười không nổi, đại loại như tiền bán nhà hàng chục lượng vàng đem gởi tiết kiệm, sau vài ba năm đáo hạn lấy ra, chỉ còn đủ để mua vài ổ bánh mì, hay bị dụ dỗ, ép buộc bỏ ra cả vài cây vàng mua công khố phiếu để giúp đất nước tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội, đến khi đã trải qua nhiều trầy trật mới được nhà nước hoàn trả lại, cũng không đủ để gầy được bửa nhậu coi cho được?! thì e rằng người dân Việt Nam khó tìm được thứ uy tín của chính phủ Hà Nội đang được đặt ở đâu?.
Tháng 8/2018, tại Diễn đàn Thị trường Vốn và Tài chánh, với chủ đề Mở rộng thị trường vốn, tài chánh Việt Nam, Alwaleed F. Alatabani trưởng bộ phận tài chánh thuộc văn phòng chi nhánh ngân hàng thế giới WB tại Việt Nam cho rằng có đến 60 tỷ USD (quý kim và ngoại tệ mạnh?) đang được tích lũy trong dân và đây là tiềm năng lớn chưa được khai thác. Do đó âm mưu gom vàng, cướp vàng trong dân lại trở thành vấn đề nóng, thúc bách dã tâm cướp đoạt của Hà Nội, sau đúng 7 năm bày mưu, tính kế, mà vẫn chưa có thể dễ dàng tiến hành và được trọn vẹn.
Thời đại công nghệ thông tin điện tử, cũng như xu thế hội nhập toàn cầu đã không còn cho phép Hà Nội tự tung, tự tác, múa gậy vườn hoang như thời bác cùng chúng cháu hành quân vô nam trong khí thế đằng đằng, lấy sạch, gom sạch của chìm, của nổi của hơn 20 triệu dân miền nam mà chẳng ai hó hé, ngoại trừ sự cam chịu, hay tự vẫn, hoặc vượt biên. Túng phải tính, thay cho AK.47, còng số 8, đi vùng kinh tế mới, hay vào trại tù tập trung cải tạo, như trong thập niên 70, 80, nay cứ cách một khoảng thời gian Hà Nội lại tung ra quả bóng "huy động vàng và ngoại tệ trong dân" để thăm dò phản ứng dư luận của người dân và thị trường, bên cạnh các giọng kèn, tiếng quyển nịnh thần cũng được lệnh ê a cất lên nhằm ru ngủ và "loạn trí hóa" các đối sách, hay phản ứng thích đáng của người dân.
Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn, cho rằng ý tưởng huy động vàng, chúng ta (người dân) nên hiểu cũng chỉ giống như việc phát hành trái phiếu huy động bằng vàng, thay vì bằng tiền đồng, hay ngoại tệ như nhà nước đã, đang làm lâu nay và đây là một ý tưởng tuyệt vời. Không chắc sẽ để yên cho nhà nước "huy động số vàng và ngoại tệ" không nhỏ y đã kiếm chác được, nhưng Nguyễn Duy Hưng đã bày kế…"Chính phủ ở vai trò cần huy động vốn phải chuẩn bị tài liệu giống như huy động trái phiếu quốc tế để người dân nghiên cứu trong vai trò người đầu tư. Khi người dân thấy phương án khả thi, đầu tư vào trái phiếu vàng của chính phủ là an toàn, hiệu quả và nếu trái phiếu này niêm yết để tăng tính thanh toán, thì thậm chí (dân) sẽ xếp hàng để đầu tư..." Cuối cùng Nguyễn Duy Hưng cũng không quên nhắn gởi mong muốn kiếm ăn, khi hứa hẹn sẵn sàng hợp tác bảo lãnh phát hành.
Trả lời phỏng vấn của RFA ngày 23/8/2018, về câu hỏi làm cách nào Hà Nội có thể huy động vàng trong dân và biến số vàng này trở thành động lực phát triển kinh tế vào năm 2020 như dự trù của ngân hàng nhà nước, Nguyễn Trí Hiếu, tiến sĩ, chuyên gia tài chánh ngân hàng cho biết…"Chính phủ luôn muốn huy động số vàng trong dân, để dùng nó trong việc vay mượn nước ngoài, tức vay mượn có thế chấp bằng vàng, nên lãi suất rất thấp (…). Ngân hàng nhà nước phải đứng ra huy động số vàng đó, thông qua việc phát hành chứng chỉ vàng cho người gởi và phải có lãi thì dân mới cảm thấy có lợi khi đưa vàng cho nhà nước xử dụng. Dân chỉ tin tưởng ngân hàng nhà nước, ngân hàng trung ương đứng ra huy động, nên việc hoàn trả số vàng đó đương nhiên là bảo đảm, rủi ro là 0% (…). Vấn đề chính là ngân hàng nhà nước phải cam kết vô điều kiện bất cứ khi nào người dân đến lấy vàng ra thì phải trả đúng chất lượng vàng họ đã ký gởi…"(5). Đúng là Việt kiều nằm mơ giữa ban ngày, hay bởi lo nhảy vào tranh phần kiếm chác, nên đã lấy vải thưa che mắt thánh và làm như không thấy những hành vi bất tín có hệ thống của Hà Nội.
Nguyễn Trí Hiếu nằm mơ cũng phải, nên tài năng kinh doanh ngân hàng tại Hoa Kỳ chỉ trong vòng 5 năm đã khiến ngân hàng First Việt Namese American Bank ở California, thành lập năm 2005 có vốn 15 triệu USD đã bị California Department of Financial Institutions ra lệnh đóng cửa năm 2010, giao cho công ty bảo hiểm ký thác liên bang FDIC (Federal Deposit Insurance Corporation) thụ lý, sắp xếp việc thu mua và tiếp nhận mọi tồn đọng về quản lý tài sản sang ngân hàng Grandpoint Bank ở Los Angeles – California. Giận cá chém thớt (?) nên Nguyễn Trí Hiếu mới có phát ngôn để đời khi cho rằng trương chủ ngân hàng có đến 70% trách nhiệm, ngân hàng có 30% trách nhiệm, khi xảy ra các vụ tiền gởi ngân hàng "bốc hơi" do cán bộ ngân hàng thương mại xuất nhập cảng Việt Nam (Eximbank) chiếm đoạt 245 tỷ VNĐ tại chi nhánh Sài Gòn và 50 tỷ VNĐ khác ở chi nhánh Nghệ An.
Với tâm thế làm ăn chụp giựt, giữa một thị trường tài chánh tư bản hoang dã, có áp lực phải trả nợ rất lớn hàng năm, trong khi số thu ngân sách ngày càng lụn bại (hụt 11% so dự trù năm 2017), nên chắc chắn Hà Nội cũng chẳng hơi đâu dùng số vàng ăn cướp của dân để vay nợ lãi suất thấp "Vàng vào nhà khó như gió vào nhà trống" nên sẽ bị cấn nợ, sang tay ngay, phần còn lại thì xà xẻo, chia chác và chi tiêu cho con tàu há mồm đang đói khát là chính phủ và tổ chức đảng.
Nổi tiếng là một chế độ giỏi về chơi chữ và làm xiếc với chữ nghĩa, như bắt đi ở tù gọi là tập trung cải tạo, đường sá ngập lụt thì gọi là tích nước sau mưa, nên "huy động vàng" chỉ là một cách nói khác cho âm mưu ăn cướp vàng trong dân của đảng cộng sản Việt Nam, bởi cho đến nay ngân hàng nhà nước và chính phủ Hà Nội vẫn không thể trả lời được câu hỏi lấy gì để bảo đảm cho vàng, ngoại tệ mượn của dân không bị thất thoát, bốc hơi và sẳn có để trả lại cho dân khi dân cần, ngoài lời hứa và chữ tín cam kết trên giấy tờ "huy động", cũng như dự mưu chỉ bảo hiểm mức trả lại tối đa 75 triệu VNĐ đối với các trương chủ khi ngân hàng bị phá sản.
Nói về chữ tín và sự bất tín của người cộng sản Việt Nam thì đã là một câu chuyện trường thiên không có hồi kết. Hà Nội đã và luôn sẵn sàng xổ toẹt lên các thỏa thuận lịch sử quan trọng hơn nhiều, hay những cam kết có giá trị quốc tế và ảnh hưởng đến quốc thể, dù chữ ký còn chưa ráo mực, như hưu chiến trong tết Mậu Thân, hiệp định ngừng bắn Paris trước năm 1975 và mới đây là thỏa thuận các điều ước với WTO (World Trade Organization) hay công ước quốc tế về nhân quyền, hoặc công ước chống tra tấn và ngược đãi tù nhân… thì sá gì các cam kết vớ vẩn với người dân trong gọng kềm sinh sát của chế độ. Đơn giản và hiện thực nhất, ai cũng có thể thấy, ai cũng có thể biết là trường hợp của nhà tư sản Trịnh Văn Bô – ân nhân đã cho đảng cộng sản đến 5.147 lượng vàng trong thời kỳ còn trứng nước – còn bị Hà Nội cướp trắng một vật thể quá đồ sộ là căn biệt thự số 34 đường Hoàng Diệu – Hà Nội, trên danh nghĩa mượn tạm trong hai năm 1954 – 56 để làm chổ ở cho gia đình Đại tướng Hoàng Văn Thái, nhưng đến năm 2003 vẫn bị đảng giả ngơ không chịu trả, mặc cho nạn nhân lui tới kêu nài cả hàng chục năm, thì các thoi vàng kín đáo của dân Hà Nội mượn qua lối chơi chữ "huy động" làm sao sẽ có tương lai chắc chắn không bị đảng cộng sản chơi trò "xù".
08/2018.
_______________________________________
Chú thích:
(1) Vũ Quang Việt, Nợ, Trả nợ và Khủng hoảng, 2/2017.
(2) Phạm Chí Dũng, Việt Nam đã cạn nguồn vay ODA từ năm 2014, 8/2018.
(3) 1933: FDR takes United States off gold standard, History.com, The Week Magazine, Why Did the US Abandon the Gold Standard, 10/2012.
(4) Frank Holmes, How Gold Rode to the Rescue of South Korea, Forbes, 9/2016.
(5) Nhà nước khó huy động vàng trong dân, RFA, 23/8/2018.