Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận - Cuộc biểu tình vô tiền khoáng hậu ở Việt Nam hôm 10-06-2018 đã kéo theo nhiều vụ bắt bớ, xét xử và tuyên phạt như sau:
- Ngày 17-06-2018, tại Sài Gòn, công an đã bắt hàng trăm người bị nghi là sắp biểu tình, cưỡng bức đưa về trại giam dã chiến ở công viên Tao Đàn, đánh đập dã man, gây thương tích trầm trọng cho nhiều người, lập “hồ sơ hình sự” cho tất cả, giam giữ họ đến tối, rồi áp tải về địa phương.
- Ngày 09-07-2018, công an huyện Thủ Thừa, Long An xử phạt hành chính 16 người với cáo buộc tội “gây rối trật tự công cộng” tại khu công nghiệp Hòa Bình; 9 người bị buộc cam kết không tái phạm. CA Tân An, Long An thì khởi tố 5 người với tội danh “cố ý làm hư hỏng tài sản”.
- Ngày 12-07-2018, tòa án Bình Thuận tuyên án 30 tháng tù giam đối với các ông Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Phương Đông và Nguyễn Văn Mạnh; 24 tháng tù giam đối với ông Nguyễn Đình Vũ, bà Trần Thị Ngọc; 18 tháng tù treo với anh Nguyễn Minh Hải.
- Ngày 13-07-2018, công an tỉnh Bình Dương khởi tố các ông Trần Minh Huệ và Nguyễn Đình Thành do rải truyền đơn kêu gọi biểu tình tại khu công nghiệp Sóng Thần ở Dĩ An. Hai người này đã bị bắt giam ngay từ hôm 09-06-2018.
- Ngày 20-07-2018, Tòa án nhân dân thành Hồ đã xét xử sơ thẩm anh William Nguyễn, người Mỹ gốc Việt với tội danh “gây rối trật tự công cộng” khi anh tham gia cuộc biểu tình chống dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng tại Sài Gòn hôm 10-06. Bản án dành cho anh là bị trục xuất ngay lập tức khỏi Việt Nam.
- Ngày 23-07-2018, Tòa án nhân dân huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, đã xét xử vụ án “gây rối trật tự công cộng” tại khu vực xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong vào ngày 10-6-2018, và đã tuyên án các ông Đỗ Văn Ngọc, Phạm Sang, mỗi người 3 năm 6 tháng tù; các ông Nguyễn Chương, Ngô Văn Đạt, 3 năm tù; các ông Ngô Đức Duyên, Phan Thanh Nam, Lê Văn Liêm, Nguyễn Ngọc Sang, 2 năm 6 tháng tù; các ông Nguyễn Minh Kha, Nguyễn Văn Mẹo, 2 năm tù.
- Ngày 30-07-2018, tòa án thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai xử phạt ông Trần Nguyễn Duy Quang 1 năm 6 tháng tù giam; bà Phạm Ngọc Hạnh 1 năm 4 tháng tù giam; 13 người bị kết án từ 8 đến 10 tháng tù; 5 người bị án từ 1 năm đến 1 năm 2 tháng cải tạo không giam giữ...
Tất cả các cuộc biểu tình trên đều bị nhà cầm quyền cho là trái phép, điển hình như bản tin của báo Quân Đội Nhân Dân hôm 10-06-2018: “Công an tỉnh Bình Dương cho biết, lợi dụng việc Quốc hội đang thảo luận về quy định cho thuê đất 99 năm để làm đặc khu kinh tế, hai đối tượng ở tỉnh Bình Dương đã in nhiều tài liệu, tờ rơi với mục đích sai trái, xuyên tạc, kêu gọi người dân biểu tình trái phép, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh chính trị trên địa bàn. Theo đó, ngày 9-6, Cơ quan điều tra an ninh tỉnh Bình Dương tạm giữ Trần Minh Huệ… và Nguyễn Đình Thành…. thường trú phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An (Bình Dương) để điều tra, xử lý về hành vi in ấn và phát tán tờ rơi kêu gọi người dân biểu tình trái phép”.
Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội VC vào chiều ngày 13 tháng 8 -bất chấp sự kiện Việt Nam chưa có Luật Biểu tình- cũng cho là các cuộc biểu tình hiện nay đều trái pháp luật và dọa rằng sắp tới sẽ có nhiều giải pháp ngăn chận những hành vi vô pháp ấy tại các thành phố lớn cũng như các khu công nghiệp (x. RFA 13-08-2018). Đang khi đó thì giới thạo luật, như luật sư Đặng Đình Mạnh -người vừa được một số thân nhân của nhiều bị án sau phiên xử tại Đồng Nai hôm 30-07-2018 đến nhờ tư vấn về thủ tục kháng cáo- đã trả lời trên VOA ngày 07-08-2018 rằng: trong bối cảnh Việt Nam chưa đưa ra luật biểu tình thì không thể đánh giá hành vi biểu tình là có hợp pháp hay không.
Bên cạnh đó, Tổng Trọng mạt sát người dân biểu tình yêu nước như sau: “Xem những thành phần bị công an bắt là ai? Toàn là bất hảo cả”. Chủ tịch Quốc hội thì sỉ vả: “Lòng yêu nước của người dân bị lợi dụng, kích động, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội”. Miệng lưỡi quan chức, báo chí nhà nước, ngòi bút của đám dư luận viên thường xuyên gắn chữ “biểu tình” với chữ “bạo loạn”, “bị xúi giục bởi các thế lực thù địch”, “được các lực lượng lưu vong chống phá trả tiền”. Ngay cả Tô Lâm cũng vừa nói như thế trước đám gia nô Diên Hồng ngày 13-08. Nhưng trang mạng danoan2012.blogspot.com thì từng tố cáo từ 06-08-2012: “Chuyện công an các lực lượng được nhận 500 ngàn cho ngày chủ nhật chống biểu tình là có thật, ngay cả lực lượng đến cắm chốt tại các nhà của nhiều biểu tình viên cũng được tiền bồi dưỡng ăn nhậu ban đêm, xăng xe và bồi dưỡng tiền cũng là có thật. Thậm chí họ còn dùng tiền để mời các biểu tình viên đi ăn uống rồi thủ thỉ để hy vọng người khác đừng yêu nước nữa, đừng đi chống bọn Tàu xâm lược nữa. Sếp họ giao khoán cho họ như thế. Còn lòng yêu nước và tinh thần Dân tộc ư? Hãy chờ đấy, xem tay sĩ quan đồn Từ Liêm đấm vào mặt Thạc sỹ Vũ Quốc Ngữ và bảo: Mày đi biểu tình ảnh hưởng đến nồi cơm của vợ con tao! Tay trưởng đồn tên Trọng đấm vào mặt cựu chiến binh Phan Khang và chửi láo kia thì biết. Có thể giặc Tàu đã cho tiền các lực lượng công an để ăn nhậu, bồi dưỡng, rồi đàn áp những người biểu tình yêu nước”. Từ bắc chí nam, từ xưa tới rày, chuyện này nhân dân ai mà chẳng rõ.
Đối với những công cụ của chế độ tại pháp đình (công an điều tra, kiểm sát công tố và thẩm phán xét xử) thì ngoài việc ghép tội “gây rối trật tự công cộng” cho các cuộc biểu tình (xem trên), họ còn không cho các biểu tình viên bị bắt được luật sư bào chữa, được thân nhân hiện diện trong phiên tòa, còn hăm dọa chớ kháng cáo. Chính Luật sư Đặng Đình Mạnh mới tố cáo trên VOA lẫn trên RFA hôm 07-08-2018: “Cách đây khoảng ba ngày, chúng tôi liên tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ gia đình họ cho biết những người đang bị giam bị cán bộ quản giáo đe dọa là không được phép kháng cáo. Nếu kháng cáo, sẽ đưa họ qua giam chung với những người bị bệnh HIV… Chúng tôi thấy đây là việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.
Giam chung với những người bị bệnh HIV, đây là một trong những sáng kiến và đòn thù mới của VC đối với những ai biểu tình đã và sẽ sa vào ngục. Dĩ nhiên cũng còn nhiều lối hành hạ khác nữa, như bao nhiêu tù nhân lương tâm phản đối Formosa từ mấy năm qua đang gánh chịu (điển hình là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh). Nhưng xem ra việc trấn áp người biểu tình còn có thể đi đến chỗ tàn khốc hơn. Dấu hiệu của chuyện này chính là trường hợp của ông Hứa Hoàng Anh, 35 tuổi, xã Bàn Tân Định 1, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Trưa ngày 2 tháng 8, 4 sĩ quan công an huyện Châu Thành đến nhà riêng của ông Anh để tra hỏi về việc ông từng tham gia nhiều cuộc biểu tình mà mới nhất là hôm 10-06 tại Sài Gòn. Sở dĩ họ phải đến nhà riêng của ông vì ông đã đa phen từ chối chấp hành giấy triệu tập tới đồn. Khi vợ của Hứa Hoàng Anh đi ra ngoài để pha trà gì đó, lúc quay lại thì đã thấy chồng mình gục xuống với một số vết thương ở trên cổ và bụng. Công an bảo rằng Anh tự sát và đưa đi cấp cứu bệnh viện, nhưng nạn nhân đã chết trên đường. Ai cũng hiểu luận điệu thông thường ấy của đám sát nhân đại diện pháp luật!
Trước mắt thì hôm 10-07, Trần Đại Quang đã ban hành Lệnh Giới nghiêm và Thiết Quân luật, thuộc Luật Quốc phòng, sẽ được áp dụng từ 01-01-2019. (X. Đồ Hiếm, Luật bán nước và Lệnh lưu manh, Danlambao 06-08-2018). Hai chữ "Giới nghiêm" không còn đơn thuần là việc giới hạn đi lại trong một thời gian nhất định (thường là nửa đêm về sáng) nhằm bảo đảm an ninh cho người dân, mà nay đã bị VC gian trá đánh tráo ý nghĩa: “Cấm biểu tình, đình công, bãi thị, bãi khóa, tụ tập đông người” trong bất cứ thời điểm nào, hay bất kỳ ở đâu mà đảng thấy sự phản kháng của người dân gây nguy cho hành động phản dân hại nước của đảng.
Do đó từ hôm 04-08, nhiều tổ chức và cá nhân đã ra “Tuyên bố về việc truy tố, phạt tù người biểu tình ôn hòa”, cho rằng “Việc người dân nhiều tỉnh thành trong cả nước xuống đường biểu tình, tuần hành trong ngày Chủ nhật 10-6-2018 phản đối Dự luật đặc khu, Luật ANM, đòi “tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội…” là một tín hiệu đáng mừng về tính tích cực sáng tạo công dân vì sự tồn vong, vì quyền sống trong hoà bình và phát triển của đất nước”, rằng việc nhà chức trách bắt 52 người biểu tình ôn hòa hợp pháp chiều ngày 10-6-2018 ở Biên Hòa và truy tố phạt tù 20 người với cáo buộc tội “gây rối trật tự công cộng” là việc quy kết mơ hồ, vì không hề có tổ chức hay cá nhân nào là bị hại do tội đó gây ra.
Nhưng dù VC nói gì thì nói, đa phần dân chúng đều hiểu biểu tình ôn hòa ở bất cứ nơi đâu, kể cả ở Việt Nam là hợp pháp. Khi gia nhập Liên Hiệp Quốc, Hà Nội đã cam kết tôn trọng các văn kiện về Nhân quyền của tổ chức này, vốn khẳng định mọi quyền con người và quyền công dân căn bản, trong đó có quyền được biểu tình. Việt Nam chưa có luật biểu tình nhưng Hiến pháp có công nhận quyền đó. Vì thế đương nhiên dân Việt được phép xuống đường bày tỏ ý kiến nguyện vọng. Khi người dân đi biểu tình thì vấn đề trật tự công cộng không phải là trách nhiệm của dân mà là của nhà nước. Chẳng ai có quyền buộc tội người dân “gây rối trật tự công cộng” khi họ xuống đường đông đảo, có thể làm cản trở lưu thông xe cộ hay sinh hoạt buôn bán trong một thời gian ngắn. Ở Hoa Kỳ, ở thành phố San Jose chẳng hạn, từ bao năm qua đồng bào đã tổ chức biểu tình 118 lần liên tiếp ở tại tòa thị chính để đòi Nhân quyền và Môi trường sạch cho Việt Nam, cũng như để phản đối VC bán nước và Tàu cộng cướp nước. Họ chưa bao giờ bị cảnh sát cản trở dưới bất cứ hình thức nào. Cảnh sát chỉ đứng xa, lẳng lặng theo dõi để bảo đảm an toàn cho đoàn biểu tình. Có những dịp cần lấn ra lòng đường thì cảnh sát phải chận làn xe cộ, mở đường khác cho xe đi.
Trong hiện trạng của Đất nước, các cuộc biểu tình của nhân dân là chính đáng và cần thiết. Vì chỉ có xuống đường trong trật tự, đông đảo và rộng khắp, nhân dân mới buộc được cái chế độ độc tài tàn bạo và mù quáng này giải quyết rốt ráo những vấn đề của đất nước và xã hội. Trước mắt là xuống đường mồng 2-9, để đòi lại độc lập đích thực cho tổ quốc và tự do đích thực cho đồng bào.
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 297 (15-08-2018)
Ban biên tập