Hồ Chí Minh là bạo chúa khát máu - Dân Làm Báo

Hồ Chí Minh là bạo chúa khát máu

Philip Potter * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Bắc Việt Nam, đã chết, và bây giờ trở thành huyền thoại. 

Có lẽ sự mô tả chính xác nhất về ngoại hình của người cộng sản già nua mà suốt trong 50 năm qua đã tìm cách thiết lập chế độ cai trị của ông trên khắp Việt Nam là sự mô tả của một chuyên gia Mỹ về chiến tranh tâm lý ở Sài Gòn người đã từng viết, "Bảo người ta ghét kẻ giống như ông già Nô en ốm đói này quả thật rất khó."

Nhưng có những người ghét ông và sẽ không đồng ý, chẳng hạn, với điện chia buồn gởi từ New Delhi đến Hà Nội của Thủ Tướng Ấn Độ Indira Gandhi: "Hồ Chí Minh không còn sống, tuy nhiên ông bất diệt như dân tộc ông," bà viết. "Tấm lòng nhân hậu, nếp sống giản dị, lòng thương người, hy sinh quên mình, và lòng can đảm của ông sẽ khích lệ những thế hệ mai sau." 

Bernard Levin, nhà bình luận của báo Daily Mail ở Luân Đôn, là một trong những người khinh bỉ những lời ca tụng như thế dành cho người đã khuất. 

"Sự thật rành rành rằng," ông viết, "Hồ Chí Minh là bạo chúa khát máu và tàn bạo. Hành động đầu tiên của ông sau khi chiếm xong miền Bắc Việt Nam là tàn sát lạnh lùng độ 50.000 người cả nam lẫn nữ mà biết đâu có thể chống lại chế độ cai trị của ông. Khi cuộc chiến tranh chiếm miền Nam Việt Nam của ông bắt đầu, chiến tranh được tiến hành bằng chính sách tàn ác cố ý, như một công cụ khủng bố kiểu như thế thì thế giới hiện đại chưa từng thấy. 

"Từ những trường hợp trẻ em chính xác bị chặt ra từng mảnh trước mặt cha mẹ, trong những làng tạm thời bị Việt Cộng chiếm, tới hàng trăm nam, nữ và cả trẻ em bị đập chết và thi hài của họ được phát hiện sau cuộc tấn công vào dịp Tết, câu chuyện đều giống nhau - những tội ác cực kỳ dã man, gây ra trong lúc giao chiến dữ dội hay trong cuộc trả thù khát máu nhưng đều là phần quan trọng có tính toán trong chính sách của Bác Hồ hiền từ, dí dỏm." 

Chuyện Bác Hồ với chòm râu thưa là tên đồ tể và cũng là nhà thơ và là người thương yêu trẻ em đã được ghi lại bởi những chuyên gia rất uy tín về Việt Nam, bao gồm Bernard B. Fall quá cố, một cựu chiến binh trong lực lượng kháng chiến Pháp trở thành giáo sư ở Đại học Howard ở đây, và bị sát hại trong một chuyến đi đến Việt Nam. 

Trong một trong những chuyến đi này, "Hai Việt Nam", xuất bản vào năm 1967, ông viết về cuộc cải cách ruộng đất được tiến hành một cách "cực kỳ tàn bạo" trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ được thiết lập ở miền Bắc của nước Việt Nam bị chia hai vào năm 1954 - cuộc cải cách thực chất là cuộc thanh trừng hầu hết những đồng minh không cộng sản của Hồ trong cuộc đấu tranh đuổi Pháp ra khỏi Đông Dương. 

"Mặc dù không thể nào đưa ra con số chính xác," ông Fall viết, "nhưng phỏng đoán gần đúng nhất về vấn đề này là có lẽ gần 50.000 người Bắc Việt đã bị hành hình có liên quan đến cải cách ruộng đất và ít nhất số người gấp hai như thế đã bị bắt và bị đày đến các trại cưỡng bức lao động." 

Sau khi dân chúng bất mãn về cuộc thanh trừng thì Hồ chùn tay lại và loại bỏ Trường Chinh ra khỏi chức vụ tổng bí thư đảng Lao Động Việt Nam, mà thực ra chỉ là một cái tên khác mơ hồ để thay thế tên Đảng Cộng Sản Đông Dương mà Hồ đã "giải tán" khi ông đứng đầu mặt trận dân tộc chống Pháp. 

Điều thú vị là Trường Chinh vẫn còn được coi là một trong bốn người có quyền lực nhất trong bộ chính trị đảng lãnh đạo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc. 

Có những người tuyên bố con số của Fall đưa ra là cực kỳ thấp. 

Một trong những người đấy là Hoàng Văn Chí, một bác sĩ và nhà hóa học người miền Bắc vào năm 1942 đã gia nhập Việt Minh chống Pháp và được Hồ tuyên dương công trạng vào năm 1948, nhưng năm 1954 trốn vào Nam sau khi ông bị bắt vì thuộc thành phần giai cấp địa chủ mà cộng sản định tiêu diệt sau. 

Ông nói chỉ riêng một tỉnh thôi số người bị giết đã là 90.000 và ông mô tả Hồ và giới cai trị của ông ta như thế này: 

"Một đảng được tổ chức bởi một nhóm thanh niên thông minh và hăng hái, họ chống Pháp và trốn sang Mạc Tư Khoa để học hỏi, đã hấp thụ triết học cộng sản Nga và sau khi kiểm soát được miền Bắc liền đẩy mạnh cuộc đấu tranh giai cấp, tàn sát phú nông, tiêu diệt trung nông và tiểu tư sản thành thị và quàng ách nô lê lên vô sản và trí thức, và họ sau khi mất hết tính người đã trở thành những con hổ khát máu." 

Phóng viên này đã phỏng vấn Hoàng Văn Chí ở Sài Gòn vào năm 1957. Ông ta cũng không phải là người khâm phục chế độ ở miền Nam của Tổng thống vào thời ấy là Ngô Đình Diệm (người về sau bị sát hại) và tố cáo chế độ cũng dùng những cách thức như cộng sản và tiên đoán Diệm sụp đổ vì không thiết lập dân chủ thật sự trong nước. 

"Sách tham khảo về Bắc Việt Nam", (Area Handbook for North Vietnam) do khoa Nghiên cứu Lĩnh vực Ngoại giao (Foreign Area Studies) của trường American University biên soạn vào năm 1967, đã đưa ra con số người bị giết trong "công cuộc cải tạo xã hội" theo sau sự thành lập chế độ của Hồ sau khi Pháp bại trận lên đến 100.000 người. 

Sách tham khảo này khẳng định Hồ đã dọn đường cho cuộc cải cách ruộng đất vào năm 1953 bằng cách đưa ra sắc lệnh trong đảng theo đó tất cả những chủ hộ trong những vùng do Việt Minh kiểm soát phải được phân loại theo tài sản được cho là của cá nhân, với địa chủ thuộc thành phần cao nhất trong năm thành phần còn nông dân không có ruộng hay làm thuê thuộc thành phần thấp nhất. 

Sách tham khảo này, vốn được dùng rộng rãi trong Bộ Ngoại giao Mỹ, viết rằng chính trên cơ sở phân loại này mà chế độ của Hồ "đã bắt đầu tiến hành tiêu diệt có hệ thống những người thuộc thành phần cao nhất qua việc kết án họ là "kẻ thù của nhân dân" rồi bắt giam hay hành hình họ. 

"Nạn nhân chủ yếu là những nhà nho, nhà sư, linh mục và những người lãnh đạo làng xã truyền thống. Sự biểu lộ sức mạnh và sự tàn bạo này, mà gợi nhớ lại những cách thức Trung Cộng dùng trong chiến dịch trước kia, đã cướp đi sinh mạng của từ 50.000 đến 100.000 người dân nông thôn." 

Chuyện Hồ, một nhân viên Quốc tế Cộng sản từng sống nhiều năm ở Trung Quốc, biết rành lề thói của người Tàu đã được chế độ Bắc Kinh chứng thực trong bức điện chia buồn của họ gởi đến Hà Nội sau khi ông chết. 

Họ gọi ông là "người bạn chiến đấu gần gũi với nhân dân Trung Quốc... một nhà cách mạng vô sản lỗi lạc (thực ra ông là con của viên quan lại nhỏ) đã áp dụng chân lý phổ quát của chủ nghĩa Mác-Lê vào thực tiễn cụ thể của cách mạng Việt Nam." 


Nguồn

Dịch từ báo The Baltimore Sun số ra ngày 7 tháng Chín, 1969. Bài báo được Dân biểu Mỹ John M. Ashbrook trình bày trước Hạ Viện Hoa Kỳ vào ngày 15 tháng Chín, 1969. Tựa đề nguyên tác "Ho Chi Minh as Bloody Tyrant". Bạn đọc có thể đọc nguyên bản ở trang 25508 ở đường dẫn sau: 


Người dịch: 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo