CTV Danlambao - Tổng thống Donald Trump vừa mở thêm một trận tấn công vào Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại với tuyên bố sẽ đánh thuế 10% lên 200 tỉ đô la hàng hóa của Tàu. Biện pháp mới nhất này sẽ có hiệu lực vào ngày 24/09/2018. Trước đó, vào tháng 7, ông Trump đã áp đặt thuế lên 34 tỉ đô, tháng 8 mở thêm cuộc tấn công khác lên 16 tỉ đô và với lần tấn công mới này, Hoa Kỳ đã áp đặt thuế lên tổng cộng 250 tỉ đô la đối với các mặt hàng của Tàu cộng.
Với con số 250 tỉ đô bị TT Donald Trump đánh thuế, Tập Cận Bình khó lòng trả đủa tương tự vì con số250 tỉ đã gần bằng tổng số giá trị sản phẩm Tàu nhập vào Hoa Kỳ. Do đó, Bắc Kinh vì không thể bị mất mặt trước người dân Tàu và sỉ diện của một "Trung Hoa vĩ đại", đã buộc lòng phản pháo lại bằng tuyên bố sẽ đánh thuế 60 tỉ đô vào hàng hoá Hoa Kỳ. Nhiều chuyên gia làm việc tại Tàu hay những người được Bắc Kinh chia sẻ về chính sách cho rằng giới cầm quyền rất bối rối và không biết phải phản ứng như thế nào để đối phó với Donald Trump.
Đối diện với cuộc chiến thương mại leo thang này, ông Jack Ma - sáng lập viên và tổng giám đốc của đại công ty Tàu Alibaba - đã nói với các nhà đầu tư rằng cuộc chiến sẽ kéo dài, không những chỉ 20 ngày, 20 tháng mà còn có thể tới 20 năm; và các nhà đầu tư phải cố gắng "cố thủ". Cho đến thời điềm này, giá trị cổ phiếu của Alibama đã bị giảm 25% vì cuộc chiến thương mại này.
Tuyên bố của Jack Ma có nhiều xác xuất sẽ xảy ra vì ngay cả nếu Donald Trump không còn là tổng thống thì cuộc chiến thương mại sẽ tiếp tục vì chủ trương phải có sự công bằng mậu dịch, tôn trọng bản quyền, mở cửa... đã được sự ủng hộ không riêng gì đảng Cộng hoà mà cả đảng Dân chủ.
Cuộc chiến thưong mại ngày càng leo thang cũng đưa đến viễn ảnh "di tản" ra khỏi xứ Tàu của các công ty ngoại quốc.
Tại Đài Loan, chính phủ Đài Bắc đã đưa ra những phương án "hỗ trợ tích cực nhất" để khuyến khích các công ty Đài Loan đang hoạt động tại Hoa Lục chuyển về cố quốc. Hiện đã có ít nhất 20 công ty đang có ý định thực hiện điều này.
Lo ngại bị đứng giữa "làn đạn" của Donald Trump và Tập Cận Bình, nhiêu công ty từ Âu Châu cũng rất lo ngại và bắt đầu có ý hướng rời khỏi Tàu cộng để sang hoạt động tại các quốc gia vùng Đông Nam Á.
Nếu sự "bỏ của chạy lấy người" này của các công ty ngoại quốc xảy ra thì đó lại thêm một chiến thắng lớn cho Hoa Kỳ và là một thất bại có ảnh hưởng lâu dài và trầm trọng đối với Bắc Kinh.
Trong khi Tàu cộng xính rính với Donald Trump thì Việt cộng lính quýnh vì quan hệ "môi hở răng lạnh" với Bắc Kinh. Những mặt hàng do Việt Nam sản xuất nhưng dùng nguyên liệu của Tàu cộng có thể bị Hoa Kỳ đánh thuế. Là một chư hầu phụ thuộc quá nhiều vào Bắc Kinh về kinh tế lẫn chính trị, sự suy sụp của Tàu cộng sẽ ảnh hưởng nặng nề lên chế độ cầm quyền tại Việt Nam.
Một số phân tích gia kinh tế cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Tàu sẽ có lợi cho Việt Nam vì nhiều nhà đầu tư, công ty sẽ di chuyển từ Tàu sang Việt. Điều này có thể xảy ra, có thể có lợi đối với đất nước Việt Nam nhưng chưa hẵn là đối với chế độ cầm quyền.
Từ trước đến nay, không phải các công ty phương Tây không muốn vào Việt Nam ồ ạt như đã đổ vào Tàu nhưng hệ thống luật lệ và chính trị cộng sản độc tài đã là những cản trở lớn cho họ. Với dự luật an ninh mạng và hiểm hoạ mọi dữ kiện nằm trọn trong tay nhà cầm quyền và viễn ảnh các đại công ty cung cấp dịch vụ internet có thể phải ra đi vì những yêu cầu bó buộc, phi lý của đạo luật này (và thay vào đó là những công ty của Tàu) là một yếu tố quan trọng khác mà các nhà đầu tư, công ty ngoại quốc quan ngại.
Nếu kinh tế Việt Nam bị "Tây phương hóa" và thoát khỏi phần nào của ảnh hưởng "Hán Hoá" thì sẽ dẫn đến những đe doạ cho chế độ. Với người đứng đầu đảng là kẻ thần phục Bắc Kinh, đảng CSVN khó mà làm mất lòng thiên triều khi biến VN thành lối thoát cho các công ty Hoa Kỳ và châu Âu trong cuộc chiến thương mại này. Hệ quả mà Nguyễn Phú Trọng và tập đoàn cai trị phải lính quýnh đối phó là liệu có thể bám đuôi Tàu 100% để giữ quyền và làm giàu mãi hay không.
19,08.2018
_________________________
Tham khảo: