Đồng bào Trần Huỳnh Duy Thức - Dân Làm Báo

Đồng bào Trần Huỳnh Duy Thức

Đỗ Thành Nhân (Danlambao) - Nói thêm: Tôi không ủng hộ bạo lực, “Chính quyền” sẽ không chính danh khi được xây dựng bằng cách “cướp chính quyền”; “Chính quyền” sẽ trở thành “tà quyền” khi không thân thủ pháp luật và tước đoạt những quyền đương nhiên của người dân, trong đó có “quyền tự do diễn đạt và tự do thông tin”. Cá nhân tôi, một lần nữa: Trần Huỳnh Duy Thức là một người tài năng, yêu nước; một chính nhân; bài viết này để chia sẻ sự đồng cảm với Anh.

*

Đồng bào để chỉ những người cùng một giống nòi, một dân tộc, một tổ quốc với mình (hàm ý có quan hệ thân thiết như ruột thịt).

Theo nghĩa đen, "đồng bào" có nghĩa là "cùng một bọc" hay là "cùng một bào thai" và chỉ anh em ruột thịt cùng cha cùng mẹ. Ở Việt Nam có truyền thuyết “trăm trứng trăm con” với mục đích giáo dục tất cả các dân tộc Việt, nguyên thủy đều là anh em được sinh ra từ trong một bọc. Với người cha là Lạc Long Quân là cốt nhục của Rồng về mẹ là Âu Cơ là huyết thống của tiên nữ; “con rồng cháu tiên” cũng từ sự tích này.

Tôi đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nói chuyện với nhiều người ở các thành phần xã hội khác nhau, nhận thấy:

- Người miền Nam, không biết Đồng Tâm ở đâu, không có người thân ở Đồng Tâm (Tp Hà Nội), nhưng khi nghe “sự kiện Đồng Tâm” cũng vô cùng bức xúc.

- Người miền Bắc, mặc dù không có tấc đất nào ở Thủ Thiêm (Sài Gòn), nhưng khi xem xong “sự kiện Thủ Thiêm” thì cũng vô cùng phẫn nộ.

Những sự kiện như vậy xảy ra ở Trung Quốc lại không tạo ra phản ứng xã hội mạnh như vây.

Rõ ràng người thể hiện sự bức xúc, phẫn nộ đã đồng cảm với những người dân Đồng Tâm, Thủ Thiêm; không phải là họ sẽ được m2 đất nào, mà chính vì tình nghĩa “đồng bào”. Lên tiếng vì Đồng Tâm, Thủ Thiêm để trong tương lai, chính chúng ta không phải như những người Đồng Tâm, Thủ Thiêm.

Ngày hôm nay, một đồng bảo của chúng ta là anh Trần Huỳnh Duy Thức đang ở trong nhà tù của chế độ Cộng sản - từ đây tôi xin viết hoa từ “Anh” để nói về Trần Huỳnh Duy Thức.

Nhà nước kết tội Anh, nhưng Anh không nhận tội. Cũng như Nelson Mandela đã từng bị kết tội “phản quốc” năm 1956, Nam Phi; cũng như Tống Văn Sơ bị bắt và kết tội "thành phần nguy hiểm cho chế độ" năm 1931, Hồng Kông. Anh Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt và kết tội đã “thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Anh có tội hay không sẽ để lịch sử phán xét. 

Với tôi: Anh là một người tài năng, yêu nước; một chính nhân.

- Anh là một “chính nhân”; cũng như Nelson Mandela, Anh dám nhận những việc anh đã làm và chấp nhận tù tội. Khác với Tống Văn Sơ, mặc dù là người tham gia Quốc tế 3 Cộng sản, sáng lập đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, nhưng lại phủ nhận mình là “người cộng sản

- Anh là một người “tài năng, yêu nước”; cũng như Nelson Mandela, khởi điểm con đường chính trị là một cử nhân; Anh Trần Huỳnh Duy Thức khởi điểm con đường chính trị là một kỹ sư, doanh nhân với “Con đường Việt Nam”.

Không phải phiên tòa nào cũng đúng và bản án nào cũng nhân danh công lý. Nếu có công lý, thì đã không có những tử tù “Huỳnh Văn Nén”, “Hàn Đức Long”; nên Trần Huỳnh Duy Thức có tội hay không, hãy để cho lịch sử phán xét.

Nhưng cứ cho là Trần Huỳnh Duy Thức có tội là “thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Theo phân tích của Luật sư Ngô Ngọc Trai thì cũng đã đến lúc nhà cầm quyền phải trả tự do cho Anh “căn cứ vào quy định mới tại Điều 109 Bộ luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi Điều 79 Bộ luật hình sự năm 1999, bổ sung nội dung phân biệt xử lý hành vi chuẩn bị phạm tội với mức án chỉ từ 01 đến 05 năm tù nhẹ hơn rất nhiều so với hành vi phạm tội.”

Trần Huỳnh Duy Thức - một “đồng bào” của chúng ta; ngày hôm nay Anh đang tuyệt thực để yêu cầu nhà nước tôn trọng luật pháp do chính họ đặc ra.

Từng người có quyền biểu lộ tình cảm với “đồng bào” của mình, cũng như “sự kiện Đồng Tâm” hay “sự kiện Thủ Thiêm”; hãy lên tiếng về trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức, để tương lai chúng ta không trở thành nạn nhân.

Có nhiều cách để lên tiếng với chính quyền, như Tỳ kheo Thích Ngộ Chánh với Thông điệp kêu gọi đồng hành cùng anh Trần Huỳnh Duy Thức hay nhà báo Võ Văn Tạo đăng Thư ngỏ Hãy cùng gọi tên Trần Huỳnh Duy Thức vì công lý và hy vọng của Việt Nam”, .v.v… đây là quyền, nghĩa vụ công dân trong một nhà nước pháp quyền.

Nói thêm: Tôi không ủng hộ bạo lực, “Chính quyền” sẽ không chính danh khi được xây dựng bằng cách “cướp chính quyền”; “Chính quyền” sẽ trở thành “tà quyền” khi không thân thủ pháp luật và tước đoạt những quyền đương nhiên của người dân, trong đó có “quyền tự do diễn đạt và tự do thông tin”.

Cá nhân tôi, một lần nữa: Trần Huỳnh Duy Thức là một người tài năng, yêu nước; một chính nhân; bài viết này để chia sẻ sự đồng cảm với Anh.


Các link tham khảo viết bài:














2018.09.04.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo