Thủ Huồng, Ba Dũng, Bắc Hà & Trần Đại Quang - Dân Làm Báo

Thủ Huồng, Ba Dũng, Bắc Hà & Trần Đại Quang

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - ...Nếu cái gông của ông Quang dài một thước thì sau khi cúng chùa cặp đèn giá trị 19 tỷ đồng nó sẽ ngắn bớt lại được một phân. Cứ như thế mà nhân lên, khi số tiền làm việc thiện lên tới 190 tỷ thì cái gông của ổng sẽ ngắn lại một tấc... Chỉ có điều đáng tiếc, và cũng là chuyện đáng buồn, là riêng ông Trần Đại Quang mới góp có 19 tỷ đồng (cái gông mới ngắn lại được một phân) thôi thì đã chuyển qua từ trần - vào hôm 21 tháng 9. Phen này, dưới cõi âm, tôi e rằng ông (nguyên) Chủ Tịch Nước sẽ gặp nhiều chuyện lôi thôi lớn, và lôi thôi lắm... 

*

"Một trẻ thơ chân đất áo rách ở Sơn La hỏi gã: một tỷ là bao nhiêu hả chú. Gã đáp là một cái trường học đàng hoàng, là một cái cầu tử tế bắc qua suối cho cháu không phải đu dây." - Lưu Trọng Văn

*

Năm 17 tuổi, đang khi học thi tú tài, tôi bỗng nhiên bị suyễn. Căn bệnh này - vào cuối thế kỷ trước, ở nước tôi - bị coi là loại nan y, vô phương chữa trị. Từ đó, thỉnh thoảng, tôi lại phải trải qua vài ba cơn suyễn thập tử nhất sinh. 

Những lúc ngồi (hay nằm) thoi thóp tôi mới ý thức được rằng sinh mệnh của chúng ta mong manh lắm, và chỉ cần được hít thở bình thường thôi cũng đã là một điều hạnh phúc lắm rồi. If you can’t breathe, nothing else matters! 

Vì thường xuyên sống bấp bênh và bồng bềnh (“giữa cõi âm và cõi dương”) như thế nên tôi... rất nhát. Ðịa ngục gần xịt hà. Mà địa ngục trong trí tưởng của tôi (kẻ luôn luôn theo mẹ đi chùa suốt thời thơ ấu) thì vô cùng khủng khiếp: đầy bọn lâu la đầu trâu mặt ngựa, với dầu sôi, lửa đỏ... ngó là muốn xỉu liền. Bởi vậy, suốt đời tôi không bao giờ dám làm điều gì ác; cũng không dám giữ riêng chi cho cá nhân mình, và sẵn sàng thực hiện mọi điều thiện khi có thể. 

Với thời gian, cùng những phát kiến của y khoa, bệnh suyễn không còn hành hạ và đe dọa đến mạng sống của tôi như khi còn trẻ nữa. Nhưng cũng với thời gian, tà tà đời xế về chiều, rồi tôi cũng sắp sửa phải đối diện với cái chết thôi. 

Nhờ đã từng sống “giữa cõi âm và cõi dương” nên tôi không ngán Thần Chết xíu nào ráo trọi. Tôi cũng chả ngại ngùng gì khi gặp mặt Diêm Vương. Tui sống rất đàng hoàng quá xá nên dù có xét nét tới đâu chăng nữa thì thằng chả vẫn phải công nhận rằng tui là “thằng đàng hoàng nhứt trong cái đám lộn xộn,” cùng thời. 

Trong đám này có hai tên tuổi rất đáng phàn nàn là Ba Dũng và Bắc Hà, theo như ghi nhận của nhà báo Huy Ðức

“Trong bức ảnh này (Bogaya, Ấn Ðộ), khi xếp bằng dưới gốc bồ đề nơi được cho là Phật tổ từng ngồi, Bắc Hà (thứ nhất bên phải) là người duy nhất có dáng điệu rúm ró khác thường. Ðây là giai đoạn mà ở quốc gia này, Bắc Hà chỉ ‘dưới Ba Dũng’ và hách dịch với phần còn lại, vậy nhưng khi đối diện với thần linh nhìn ông ta vô cùng sợ hãi. 

Không chỉ có Bắc Hà, rất nhiều quan chức tối cao cứ sắp bước chân ra khỏi nhà là thỉnh ý các thầy tâm linh, đổ không biết cơ man nào tiền để xây chùa, xây đền... Họ nên đọc lại ‘Chuyện Thủ Huồng’ để thấy rằng, khi sợ Trời Phật thì cách tốt nhất là ngưng làm điều ác để bắt đầu các việc thiện. Ðừng vì tâm quá hoảng loạn mà vội vàng truyền bá cái văn hóa hối lộ trần tục đến cõi thiêng liêng: vẫn thỏa sức vơ vét của dân rồi mong gỡ tội bằng cách cuống cuồng “mua Trời, bán Phật.” 


Nhìn “dáng điệu của Bắc Hà” quả là “rúm ró” thiệt. Còn nét mặt của Ba Dũng - xem chừng - cũng không được tự tin gì cho lắm, ngó cũng lấm lét thấy rõ. Huy Ðức còn khuyên “họ nên đọc lại ‘Chuyện Thủ Huồng’ để thấy rằng, khi sợ Trời Phật thì cách tốt nhất là ngưng làm điều ác để bắt đầu các việc thiện.” 

Ủa, chớ Thủ Huồng là ai vậy cà? 

Tui vô gu gồ thì thấy Wikipedia có những đoạn sau: 

“Ngày xưa, khoảng năm 1755, ở châu Ðại Phố có một người tên là Võ Hữu Hoằng. Ông xuất thân làm thơ lại. Trong hai mươi năm làm việc trong nha môn, ông đã thu tóm được nhiều tiền của. Sau khi vợ mất sớm lại không con, mà tiền bạc thì quá thừa thải, Thủ Huồng xin thôi việc về nhà. 

Thủ Huồng (có sách ghi là Thủ Huồn) rất yêu vợ, cho nên khi nghe người mách rằng ở chợ Mãnh Ma (Quảng Yên) là chỗ người sống và người chết có thể gặp nhau, ông quyết đi tìm vợ. 

Gặp nhau, trong lúc trò chuyện, Thủ Huồng ngỏ ý muốn xuống âm phủ chơi và được vợ đồng ý. Ở cõi âm, ông tận mắt nhìn thấy những cực hình dành cho những kẻ phạm nhiều tội ác khi còn sống. Và ông cũng đã nhìn thấy một cái gông to, mà cai ngục cho biết là để dành cho ông… 

Khi trở lại cõi dương, Thủ Huồng đem toàn bộ tài sản dùng vào việc bố thí, xây dựng những công trình phúc lợi, đặc biệt là làm nhà để giúp dân nghèo... 

Sau, Thủ Huồng được vợ đưa xuống cõi âm lần nữa, và thấy cái gông ngày cũ đã nhỏ lại rất nhiều.Từ đó, ông tiếp tục làm việc thiện, việc nghĩa cho đến khi mất...” 

Ảnh: Internet 

Hèn chi mà bữa rồi tôi có nghe nhà báo Ðinh Ngọc Thu cho hay là ông Trần Ðại Quang vừa cúng chùa Vĩnh Nghiêm một cặp đèn trị giá 19 tỷ lận. Trước đó, dư luận cũng có hơi lăn tăn chút xíu về một món quà từ thiện (bất ngờ) dành cho trẻ em ở huyện Võ Nhai - tỉnh Thái Nguyên. 

Về sự kiện này, VOA có bài (Chia Rẽ Về Quỹ Xây Trường Từ Con Gái Nguyễn Tấn Dũng) nghe được vào hôm 11 tháng 9 năm 2017. Xin được trích dẫn vài đoạn ngắn: 

"Tin cho hay trường mới trông như một “bông hoa nổi bật giữa núi rừng”, có đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, phòng đa năng, thư viện, bếp nấu, nhà ăn, nhà nội trú, khu vệ sinh, sân vui chơi cho các em… 

Ông Hoàng Dũng ở TP. HCM, người từng nhiệt tình tham gia các hoạt động vì dân chủ, viết: “Nếu cả tập đoàn dòng họ nhà bạn khai thác một đất nước đến kiệt quệ rồi xây dựng lại vài chục công trình thiện nguyện bất kể đó là tiền sạch hay bẩn, thì bạn có xứng được tung hô không?” 

Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang, người thường xuyên lên tiếng về những chuyện gây bất bình ở Việt Nam, viết: “Cứ mặc sức tham nhũng trăm nghìn tỷ, phá nát đất nước, tạo trường rách nát đi. Hưu, bỏ vài tỷ xây 1 trường, sẽ được tri ân”. 

Ðã có hàng trăm những lời bình luận hay các ý kiến tương tự như của ông Dũng và ông Tạo. 

Ðáp lại các ý kiến này, trên trang Facebook cá nhân, giáo sư Ngô Bảo Châu bày tỏ ông có cái nhìn “đơn giản” về việc vận động nguồn tài trợ xây trường." 

Với cái nhìn của một người từng sống giữa cõi âm và cõi dương như tôi thì tất cả những ý kiến thượng dẫn (dù pro hay con) đều hoàn toàn không đáng được quan tâm. Vấn đề thực sự cần được đặt ra là liệu những cái gông, đang nằm chờ dưới cõi âm, sẽ có nhỏ lại hay không - sau khi quý vị lãnh đạo quốc dân chịu chi (ít nhiều) để làm việc nghĩa? 

Là một người có “thẩm quyền” trong lãnh vực này, tôi khẳng định: Có! Hồi thời Thủ Huồng dưới âm phủ tính toán ra sao, thời nay cũng y như vậy thôi. 

Nói thí dụ cho dễ hiểu là nếu cái gông của ông Quang dài một thước thì sau khi cúng chùa cặp đèn giá trị 19 tỷ đồng nó sẽ ngắn bớt lại được một phân. Cứ như thế mà nhân lên, khi số tiền làm việc thiện lên tới 190 tỷ thì cái gông của ổng sẽ ngắn lại một tấc. 

Theo tiến trình này, cùng với hàng vài chục tỷ đô la mà quý vị quan chức sốt sắng nôn ra thì chả mấy chốc mấy cái gông dưới địa ngục (dám) sẽ biến mất luôn hết ráo. Cùng lúc trên dương gian số trẻ em Việt Nam bán vé số sẽ bớt dần vì trường học mọc lên như nấm, bệnh viện cũng mọc theo nên hết có cái vụ chồng chất ba bốn mạng một giường như hiện tại. Còn cầu đường thì (ôi thôi) bắc ngang bắc dọc khắp nơi... nên không còn cái vụ con nít chết trôi, chết chìm đều đều nữa. 

Mọi người đều vui như Tết. Ở ngoài nước, tất nhiên, tui cũng vui luôn. Chỉ có điều đáng tiếc, và cũng là chuyện đáng buồn, là riêng ông Trần Đại Quang mới góp có 19 tỷ đồng (cái gông mới ngắn lại được một phân) thôi thì đã chuyển qua từ trần - vào hôm 21 tháng 9 vừa qua. Phen này, dưới cõi âm, tôi e rằng ông (nguyên) Chủ Tịch Nước sẽ gặp nhiều chuyện lôi thôi lớn, và lôi thôi lắm. 

22.09.2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo