Chấm dứt hiệp ước INF: Đối sách của Hoa Kỳ đối với Trung cộng? - Dân Làm Báo

Chấm dứt hiệp ước INF: Đối sách của Hoa Kỳ đối với Trung cộng?

Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - Ngày 20/10/2018 Hoa Kỳ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Nguyên tử Tầm trung INF 1987 (1987 Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty), đồng lúc với tuyên bố có tính khẳng định mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump rằng Nga đã vi phạm hiệp ước trong nhiều năm nay, chúng ta không thể để họ cứ vi phạm thỏa thuận, trong khi chúng ta lại không được phép làm gì cả. Dù vấp phải các đe dọa có hành vi đáp trả thích ứng từ phía Nga và các phản ứng chống đối từ các đồng minh châu Âu, theo Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ là John Bolton thì tuy chưa ra thông báo chính thức, nhưng Washington vẫn tiếp tục theo đuổi ý định này và sẽ công bố việc thực hiện vào một thời điểm thích hợp.

Được ký kết bởi Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và Tổng bí thư đảng cộng sản kiêm Tổng thống Liên xô Mikhail Gorbachev năm 1987, INF là hiệp ước kiểm soát vũ khí Nga – Mỹ duy nhất trong thời chiến tranh lạnh, vẫn còn hiệu lực đến nay, với đòi hỏi các bên liên quan phải hủy bỏ, chấm dứt sản xuất, tàng trữ và thiết trí các loại hỏa tiển đạn đạo, phi đạn hành trình phóng đi từ mặt đất, có tầm bắn từ 500 đến 5.500km và thuộc cả hai nhóm vũ khí nguyên tử, lẫn vũ khí quy ước. Sau khi Liên xô sụp đổ năm 1991, Hoa Kỳ đã tiếp tục duy trì hiệp ước INF với liên bang Nga, Ukraine, Belarus và Kazakhstan, mà kết quả cụ thể là tính đến tháng 5/1991 có 2.692 phi đạn các loại thuộc danh mục bị chi phối bởi INF, đã bị phá hủy, gồm 846 phi đạn của Hoa Kỳ và 1.864 phi đạn của Liên xô, cùng các nước cộng sản chư hầu. 

Dù Nga bị nêu đích danh và bị chỉ trích kịch liệt về các vi phạm hiệp ước INF một cách có hệ thống và đã xảy ra từ năm 2008, nhưng động cơ chủ yếu của vấn đề Hoa Kỳ muốn rút ra khỏi INF, có lẽ chỉ nhằm vào một mục tiêu khác hơn là Moscow… “Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước INF không thực sự là vì Nga, hay cũng không phải là do có liên quan đến vũ khí nguyên tử, nhưng song hành với một loạt các biện pháp khác trong kỷ nguyên chiến lược cạnh tranh mới, hành động này của Hoa Kỳ đích thị là để tập trung so găng với Trung Cộng trong vùng châu Á – Thái Bình Dương…” (Nathan Levine, Why America Leaving the INF Treaty is China’s New Nightmare, 22/10/2018). Rõ ràng đây là động thái cần thiết để giằn mặt, có thể nói là để vô hiệu hóa một đối thủ hung hăng nhất về địa chính trị của Hoa Kỳ, trong vùng Thái Bình Dương.

Hoàn toàn lột xác và khác hẳn với những năm trong thập niên 80 của thế kỷ trước, khi Hoa Lục vẫn đang còn e dè nhìn ra thế giới và xuất hiện khá “biết điều” dưới lăng kính không phô trương, che giấu thực lực và ẩn nhẫn chờ thời ảnh hưởng bởi luận thuyết chủ nghĩa xã hội kiểu Trung Hoa của Đặng Tiểu Bình, thời điểm hiện nay và trước các hành động cực đoan về quân sự, kinh tế, ngoại giao nhằm đáp ứng cho Giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình, thông qua quyết tâm phải chiếm giữ, nắm chặt một cách triệt để, an toàn các lợi ích viễn hải về năng lượng, các nguồn lợi thiên nhiên, các tuyến hàng hải chiến lược và phải bảo vệ triệt để các lợi ích “cốt lõi” của Bắc Kinh, cũng như của cộng đồng dân Hoa Lục trên thế giới (1), đồng thời phải buộc chặt số phận các quốc gia mới trổi dậy ở châu Á phải lệ thuộc vào Bắc Kinh trong tư thế tiểu quốc với đại cường, đã biến Trung Cộng hiện nguyên hình là một thế lực tham vọng, bá quyền cưỡng bức và cướp đoạt, cũng như không che giấu ngông cuồng sẵn sàng đối đầu với Hoa Kỳ trong nỗ lực đẩy lùi ảnh hưởng của Washington và buộc Hoa Kỳ phải đứng bên lề trong tương lai của vùng châu Á – Thái Bình Dương (2).

Ngay từ đầu những năm 2000, khi mới nổi lên như một cường quốc khu vực, Trung Cộng đã đề ra chiến lược Chống tiếp cận – Chống xâm nhập địa phận A2/AD (Anti Access/Area Denial), phác họa căn bản quân sự cần có để làm suy giảm, hạn chế, hay ngăn chận các cuộc tấn công từ xa của đối phương vào lãnh thổ Hoa Lục, kết hợp với chiến lược Chuỗi Ngọc Trai (The String of Pearls) đã và đang được thúc đẩy thực hiện ráo riết trong vùng biển Đông nhằm bảo vệ cho vùng lãnh thổ phía nam của Trung Cộng. A2/AD được phát triển dựa trên những yếu tố thủ đắc hạm đội tàu ngầm, hàng rào thủy lôi, oanh tạc cơ hạng nặng tầm xa, phi cơ cảnh giới từ xa, hệ thống báo động sớm và hệ thống phi đạn đạn đạo, phi đạn hành trình tầm trung. Trong đó, khả năng và quy mô các cuộc phản công ngăn chận, tiêu diệt đối thủ bằng phi đạn đạn đạo, phi đạn hành trình được coi là điểm mạnh nhất và là trung tâm của chiến lược A2/AD (3). Đồng thời các vị trí nghênh cản tiền phương, đã được thiết lập trên đảo Hải Nam, đã và đang xây dựng trái phép trên các quần đảo, nhiều rạng đá trong biển Đông sẽ thiết trí các hệ thống phi đạn đạn đạo là những viên ngọc trai cần thiết đầu tiên. 

Nguy hiểm hơn, Trung Cộng đang phát triển toàn bộ các cơ sở trung tâm mới của A2/AD được quốc tế biết đến như là A2/AD2.0 nhằm vừa duy trì các khả năng hiện tại, vừa có tham vọng biến khu vực biển từ vùng duyên hải Hoa Lục ra đến chuỗi đảo vòng cung thứ nhất (Frist Island Chain) trở thành vùng cấm đối với hải quân Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh, để tương lai có thể mở rộng khả năng chống tiếp cận và chống xâm nhập bằng mọi cách đối với chuỗi đảo vòng cung thứ hai (Second Island Chain).

Khái niệm chuỗi đảo vòng cung thứ nhất được Hoa Kỳ đề xướng trong giai đoạn chiến tranh lạnh, dựa trên thực tế địa lý của các quốc gia hải đảo, bán đảo, bọc bên ngoài lãnh hải Hoa Lục như một vòng đai thiên nhiên từ bắc xuống nam, gồm Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Indonesia và Singapore, nhằm phong bế và khóa chặt Trung Cộng trong một vùng biển kín, không có thể tự do tiếp cận ra Thái Bình Dương, thông qua một hệ thống những căn cứ quân sự Hoa Kỳ và các đồng minh chiến lược ngăn chận các cửa ngõ và một lực lượng hải quân hùng hậu, với xương sống là các hải đoàn đặc nhiệm hàng không mẫu hạm có thể lưu động và tạo ra áp lực uy hiếp tới hầu hết mọi nơi bên trong chuỗi đảo thứ nhất.

Lợi thế chưa bao giờ Trung Cộng ký kết vào bất cứ thứ hiệp ước tài giảm binh bị quốc tế nào, nên đã có một thời gian tự do rất dài (từ 1987) phát triển đủ mọi loại vũ khí nguyên tử, lẫn quy ước, trong đó quan trọng nhất là đã nghiên cứu và sản xuất rất nhiều loại phi đạn hành trình, tầm bắn từ 500 đến 5.500km. Đáng kể Bắc Kinh đang sở hữu một số lượng khá lớn hệ thống phi đạn hành trình lưu động trên bộ LBMMS (Land-Based Mobile Missile Systems) loại DF.10, tầm bắn 1.500 – 2000km, phi đạn đạn đạo đối hải quy ước DF.21, tầm bắn 1.500km và tiếp tục phát triển phi đạn đạn đạo LBMMS loại DF.26, tầm bắn đến 4000km, kiêu ngạo gọi đó là “sát thủ diệt hàng không mẫu hạm”, hay lớn lối hơn là “sát thủ diệt Guam”. Đã có 22 phi đạn DF.26 được quân đội Trung Cộng đưa vào ứng chiến thường trực, phối hợp với những loại phi đạn tầm trung khác để cùng đảm trách vai trò “át chủ bài” trong chiến lược A2/AD.

Trong các tháng đầu năm 2018 và trong vùng biển Đông, Trung Cộng còn ngang ngược cho phối trí loại phi đạn đạn đạo Y-12B, có tầm bắn gần 550km trên quần đảo Hoàng Sa và một số đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp tại vùng quần đảo Trường Sa, có khả năng đe dọa mọi loại tàu mặt nước đang hiện diện trong vùng biển từ duyên hải Trung phần Việt Nam, xuống tới tiểu bang Sabah thuộc miền đông Malaysia và qua đảo Palawan của Philippines.

Tóm lại tất cả các trang bị đắc dụng trong chiến lược A2/AD đều là những loại vũ khí nằm trong danh sách chiếu theo hiệu lực của hiệp ước INF, bị cấm sản xuất và xử dụng đối với Hoa Kỳ, nhưng lại được Trung Cộng lợi dụng triệt để và sản xuất tự do nhằm biến thành ưu thế phá vỡ sự kiềm tỏa của Hoa Kỳ và đối phó lại chiến lược chuỗi đảo vòng cung thứ nhất.

Xét về tương quan đôi bên, các giới chức quân sự có thẩm quyền Hoa Kỳ cũng đã chỉ ra rằng đây thực sự là một điều nguy hiểm cho Hoa Kỳ, một khi nổ ra một cuộc đối đầu võ trang chớp nhoáng tại các vùng biển và vùng trời ở phía tây Thái Bình Dương. Các hải đoàn đặc nhiệm hàng không mẫu hạm kềnh càng sức mạnh của hải quân Hoa Kỳ, rất có thể bị vô hiệu hóa bởi DF.21, DF.26 ngay cả khi Trung Cộng chưa phải khai hỏa. Những loại vũ khí đắc dụng hiện thời của Hoa Kỳ như khu trục hạm trang bị hệ thống tác chiến Aegis với loại hỏa tiển hành trình Tomahawk, có thể trở thành mục tiêu rất dễ bị đánh chận và tiêu diệt, bởi nhiều loại phi đạn đạn đạo tầm trung loại A2/AD đã được Trung Cộng phối trí nhiều nơi trong lãnh thổ Hoa Lục và trên các tiền đồn hải đảo trong vùng Thái Bình Dương, đưa đến hình thái uy lực áp đảo khổng lồ của quân lực Hoa Kỳ trở nên thừa thãi, không những rất khó phát huy được hết sức mạnh, mà ngược lại còn dễ bị tổn thất rất lớn.

Do đó, dưới nhãn quan của nhiều giới chức quân sự Hoa Kỳ, hiệp ước INF hoàn toàn tỏ ra bất cân xứng, khi đặt để Hoa Kỳ vào một vị thế bất lợi tuyệt đối trước đối thủ tiềm năng Trung Cộng. Tháng 4/2017, Đô đốc Harry Harris, tư lệnh bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ USPACOM (United States Pacific Command) tường trình trước quốc hội Hoa Kỳ rằng, nếu Trung Cộng là một bên có ký kết INF, thì họ đang có đến 95% lực lượng hỏa tiển đạn đạo, phi đạn hành trình là thuộc loại vi phạm vào hiệp ước cần phải được phá hủy, nên ít ra để có thể cạnh tranh tốt hơn với Bắc Kinh, theo Đô đốc Harris đề nghị với ủy ban quân vụ thượng viện là Washington cũng cần phải đàm phán lại thỏa ước INF. 

Sự trỗi dậy hung hăng của Trung Cộng với chiến lược A2/AD dựa trên sức mạnh những loại hỏa tiển tầm trung và viển cảnh Washington sẽ rút lui khỏi hiệp ước INF 1987 sẽ được coi như là đối sách thích ứng về mặt chiến lược cho Hoa Kỳ đồng thời cũng là một cơn ác mộng đối với giấc mơ bành trướng của Tập Cận Bình và Trung Nam Hải. Ngày 20/10 tại Elko, Nevada, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rõ Hoa Kỳ sẽ phát triển các thế hệ vũ khí đạn đạo tầm trung mới, trừ phi Nga và Trung Hoa cùng đồng ý không sở hữu, hoặc sẽ không phát triển loại vũ khí đó. 

Gở bỏ được rào cản của INF, hệ thống vũ khí quy ước mới của Hoa Kỳ sẽ được phát triển thêm các loại hỏa tiển đạn đạo tầm trung dựa trên căn bản loại phi đạn hành trình Tomahawk, phối trí tại bắc Nhật Bản, Guam, nam Philippines, hay bắc Australia, thì một khi cuộc chiến nổ ra, ngoài mọi căn cứ quân sự, hải cảng, tàu thuyền của Trung Cộng trên vùng biển bên trong chuỗi đảo thứ nhất, kể luôn cả vùng biển Đông, vừa bị khóa chặt và ngăn chận hoạt động, vừa sẽ là mục tiêu dễ bị công phá, thậm chí là bị tiêu diệt vì nhiều loại vũ khí đạn đạo tầm trung. Chiến lược này không quá đắt đỏ về cả hai phương diện tài chánh và nhân mạng, nên vừa hữu hiệu, vừa tốt, vừa dễ giới hạn phạm vi chiến tranh hơn so với khi chỉ phụ thuộc đơn độc vào lực lượng đặc nhiệm hàng không mẫu hạm.

“…Thứ nhất trong trường hợp một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ bị đánh chìm, con số tổn thất lên tới hơn 6.000 quân trong một trận đối đầu địa đối hạm, buộc Washington phải tung ra các đòn sinh tử để đè bẹp đối phương, làm cho cuộc chiến có nguy cơ lan rộng cả về thời gian, không gian và cường độ. Bởi vậy, các loại vũ khí đạn đạo tầm trung sẽ đáp ứng được mục đích tiêu diệt sinh lực đối phương, lại ít đắt đỏ và tránh được nguy cơ chiến tranh leo thang.

Thứ hai, trong khi xảy ra giao tranh, Hoa Kỳ và đồng minh không cần phải tập trung nhiều đơn vị tác chiến hải quân gần lãnh thổ Trung Cộng, nếu không có nhu cầu cần thiết phải tấn công sâu vào nội địa Hoa Lục. Điều này rất quan trọng bởi gần đây đã có tin tức cho thấy Trung Cộng đã kết hợp, trộn lẫn vũ khí nguyên tử với vũ khí quy ước. Hoa Kỳ rất khó có cách tấn công riêng lẻ vào cơ sở chỉ có vũ khí quy ước, nên nếu cơ sở nguyên tử của Trung Cộng bị tấn công, tất nhiên Bắc Kinh phải phản đòn bằng vũ khí nguyên tử…”(Nathan Levine, bđd).

Do đó, khi Washington tuyên bố sẽ rút ra khỏi hiệp ước INF, truyền thông quốc tế và dư luận thế giới đều chú mục vào Nga và lo lắng châu Âu sẽ nằm gọn dưới tầm công phá của hỏa tiển Nga. Đừng lo lắng thái quá cho châu Âu, trò chơi lần này chỉ thuộc về châu Á (4).

10/2018.

____________________________ 

Chú thích:

(1) China’s Military Strategy, Chinese Defense White Paper, 5/2015.

(2) Timothy Heath, China Intensifies Effort to Establish Leading Role in Asia, Dislodge US, 2/2017.

(3) Harry J Kazianis, China Policy Institude Policy Paper 2014 # 4 : America’s Air-Sea Battle Concept : An Attempt to Weaken China’s A2/AD Strategy, 2014.

(4) Nathan Levine, Why America Leaving the INF Treaty is China’s New Nightmare, 22/10/2018. 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo