Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có phải là quốc gia Cộng hòa? - Dân Làm Báo

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có phải là quốc gia Cộng hòa?

Thảo Dân (Danlambao) - Mới đây, trên FB cá nhân, ông Huy Đức viết: "Nhất thể hoá tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam. Từ thay đổi tưởng chỉ “cấu thành hình thức” này, trong quá trình vận hành, chắc chắn sẽ làm xuất hiện nhiều tình huống, gợi ý cho Việt Nam cải cách. Cho dù vẫn một đảng, về mặt lý thuyết, VN sẽ tiến gần hơn tới một nền cộng hoà bán tổng thống." 

Có thể nào đúng như ông Huy Đức viết?

Trước tiên, thiển nghĩ cần phân biệt chính thể và chính phủ, sau đó tìm hiểu các hình thức chính thể trên thế giới; soi rọi vào đấy để xác định thể chế chính trị của nước Việt Nam và trả lời cho câu hỏi Việt Nam có thể “tiến gần hơn tới nền Cộng hòa Bán Tổng thống”? 

Chính thể và Chính phủ 

Nhiều bạn trẻ - nhất là những người được giáo dục dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa và cả người lớn tuổi (thí dụ ông Nguyễn Hùng Bá khi viết phê phán GS Nguyễn Đình Cống) đã nhầm lẫn giữa chính thểchính phủ

Chính thể, hay thể chế chính trị, (còn gọi là chế độ): chế độ chính trị của một nước do quốc hội lập hiến quyết định: chính thể Cộng hòa, chính thể Đại nghị v.v... 

Chính phủ (còn gọi là chính quyền): cơ quan trung ương cầm quyền, trực tiếp cai trị đất nước gồm có nhiều bộ (Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế v.v...). Đứng đầu chính phủ là Tổng thống hoặc Thủ tướng. 

Như thế, gọi “chế độ Ngô Đình Diệm”, “chế độ Nguyễn Văn Thiệu” là sai; mà phải gọi là chính phủ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, (tương tự chính phủ Barack Obama, chính phủ Donald Trump v.v...) 

Việc phân biệt rõ chính thể với chính phủ là cực kỳ quan trọng. Chính phủ tồn tại trong một quãng thời gian tương đối ngắn, thường được xác định; chính thể thì lâu dài, không được xác định và khó thay đổi (còn đất nước thì vĩnh viễn). Vì vậy, chống chính phủ không phải là chống chính thể, càng không phải là chống lại đất nước. 

Đồng hóa chính phủ với chính thể, với đất nước là thái độ không lương thiện, nguy hiểm. 

Chính sách của chính phủ, (thí dụ cấm vận, can thiệp vào nội bộ nước khác) và hành vi của người đứng đầu - Tổng thống hoặc Thủ tướng, (thí dụ tham nhũng, quấy rối tình dục) không liên quan đến chính thể. Một chính phủ có thể bị truất phế, lật đổ; tuy vậy chính thể vẫn đứng vững. 

Chính thể chỉ có thể thay đổi khi đại đa số người dân biểu quyết thay đổi hiến pháp, giải tán Chính phủ, Quốc hội, bầu ra một Quốc hội lập pháp mới. Trên thực tế việc ấy ít khi xảy ra trong các quốc gia theo thể chế Cộng hòa. 

Người lính trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa không phải là lính của chính phủ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu mà là lính của nước VNCH. Vì vậy họ chiến đấu chống lại quân CS không phải để bảo vệ chính phủ NĐD, NVT mà bảo vệ nền Cộng hòa, bảo vệ dân chủ, thể chế đa đảng, bầu cử tự do, tam quyền phân lập, kinh tế thị trường. 

Khi chính phủ Ngô Đình Diệm sụp đổ, nền Cộng hòa của miền Nam (VNCH) vẫn đứng vững. 

Sỡ dĩ chính phủ Nguyễn Văn Thiệu sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của chính thể Cọng hòa vì đảng, nhà nước Cộng sản sử dụng quân đội, tiến hành chiến tranh để xóa bỏ nền Cộng hòa, lập nên chế độ Chuyên chính vô sản. 

Các chính thể trên thế giới 

* Quân chủ chuyên quyền: Vua không do ai bầu mà do cha truyền con nối, là chủ sở hữu toàn quyền của đất nước, cai quản quốc gia, chăn dắt quốc dân. 

* Quân chủ lập hiến: Nhà Vua chỉ còn là nguyên thủ tượng trưng, biểu tượng cho chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn, thống nhất lãnh thổ. Dân bầu Quốc hội, Quốc hội nắm quyền Lập pháp, bầu ra Thủ tướng và các Bộ trưởng giử quyền Hành pháp. 

* Thể chế Cộng hòa: Dân trực tiếp hoặc gián tiếp bầu ra chính phủ. 

- Cộng hoà Tổng thống: Dân vừa bầu ra Tổng thổng giữ quyền Hành pháp vừa bầu ra Quốc hội giữ quyền Lập pháp. 

- Cộng hoà Bán Tổng thống: Dân bầu ra Tổng thổng và Thủ tướng giữ quyền Hành pháp, bầu ra Quốc hội giữ quyền Lập pháp. 

* Cộng hoà Đại nghị: Dân bầu ra Quốc hội; Quốc hội bầu ra Tổng thống và Thủ tướng; Tổng thống chỉ tượng trưng, quyền Hành pháp nằm trong tay Thủ tướng. 

* Bán Đại Nghị, còn gọi là Bán Tổng thống: Dân trực tiếp hoặc gián tiếp bầu ra Quốc hội; Quốc hội bầu ra Tổng thống và Thủ tướng, ra đời vừa nhằm ngăn chặn sự quá đà dẫn đến chuyên chế của Tổng thống vừa ngăn chặn xu hướng siêu quyền lực của Quốc hội. Đây là thể chế phức tạp. 

(Trích “Hành trình về dân chủ đa nguyên (Phần 7) - Lựa chọn chế độ chính trị” của tác giả Bùi Quang Vơm). 

Ngoài chính thể Phong kiến và Quân chủ chuyên quyền đã suy tàn, các hình thức Quân chủ lập hiến và Cộng hòa là thể chế dân chủ mà người dân có quyền trực tiếp hay gián tiếp bầu ra người thay mặt mình điều hành đất nước. Thể chế ấy gồm đa đảng, bầu cử tự do, tam quyền phân lập (Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp độc lập nhau), tôn trọng quyền tư hữu, theo kinh tế thị trường, tôn trọng các quyền tự do cá nhân (tự do tư tưởng, báo chí, lập hội, tôn giáo, cư trú v..v…) 

Các chính thể ấy có thể dẫn đến siêu quyền lực của cá nhân (Tổng thống) hoặc một tập thể (Quốc hội), có thể làm tê liệt chính phủ trong thời gian ngắn; thế nhưng vẫn là dân chủ thực sự vì do dân chọn, có nhiệm kỳ nhất định và giới hạn số năm một nhiệm kỳ. Nếu dân không còn tín nhiệm chính phủ, họ có thể lật đổ bằng biện pháp ôn hòa (không tiếp tục bầu ở nhiệm kỳ sau hoặc xuống đường biểu tình ôn hòa làm áp lực đòi chính phủ từ chức) 

Đa số các nước trên thế giới đều lựa chọn chế độ Cộng hòa. 

Các nước Cộng sản không nằm trong hệ thống kể trên. 

Các thể chế chính trị ở Việt Nam 

Ở nước ta, ngoài các thể chế Quân chủ mà triều đình cuối cùng là nhà Nguyễn đã suy tàn, “Quốc gia Việt Nam” và “Đế quốcViệt Nam” tồn tại trong một thời gian ngắn như là hình thức chuyển tiếp, các nhà nước cận đại được thành lập sau đó là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Những chính thể ấy đều có danh xưng “Cộng hòa”, có thực sự là nhà nước Cộng hòa? 

Việt Nam Cộng Hòa được thành lập năm 1956, có nền kinh tế thị trường, nền chính trị đa đảng, tam quyền phân lập, Chính phủ và Quốc hội do dân bầu đều có nhiệm kỳ; đứng đầu Chính phủ Đệ nhất cộng hòa là Tổng thống; đứng đầu Chính phủ Đệ nhị cộng hòa là Tổng thống và Thủ tướng. Vì vậy Việt Nam Cộng Hòa là chế độ Cộng hòa Tổng thống và Bán Tổng thống. 

Còn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thành lập năm 1945 ở miền Bắc và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thành lập năm 1976 có phải là quốc gia cộng hòa? 

Cấu trúc và sự hình thành của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (cả hai thực chất là một) có vẻ giống như Cộng hòa đại nghị: Dân bầu ra Quốc hội, Quốc hội chọn Chủ tịch nước và Thủ tướng. 

Nhưng sự thực không phải vậy, vì đảng Cộng sản giữ vị trí cao nhất, lãnh đạo toàn diện, đứng trên Chính phủ, Quốc hội. Cấu trúc này tương tự “Quân chủ chuyên quyền” chỉ khác ở đây đảng thay cho hoàng tộc. 

Đảng Cộng sản Việt Nam có trước khi có nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. (Đảng CSVN được thành lập năm 1930; nước VNDCCH thành lập năm 1945). Sau khi lập ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; để chính danh, lẽ ra ông Hồ Chí Minh, đảng Cộng sản phải tổ chức trưng cầu dân ý dân miền Bắc để coi dân có tín nhiệm đảng lãnh đạo đất nước. Nhưng đảng không hề làm vậy. 

Sau khi thống nhất đất nước, lập ra nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, để chính danh, lẽ ra đảng phải tổ chức trưng cầu dân ý dân trên cả nước để coi dân có tín nhiệm mình lãnh đạo nước Việt Nam thống nhất không; nhưng đảng không hề làm vậy. 

Đảng là vua, là chủ sở hữu toàn quyền, đảng nắm quyền Hành pháp, Lập pháp, Tư pháp chẳng khác cha truyền con nối, đảng tự cho mình quyền lãnh đạo chứ dân không bầu. 

Đảng chọn ứng cử viên Quốc hội, dân chỉ bỏ phiếu tín nhiệm (90% đại biểu Quốc hội là đảng viên Cộng sản trong khi số đảng viên chỉ chiếm hơn 4% dân số (4.000.000/90.000.000) 

TS Nguyễn Quang A: nói gì về việc 'tôi bị loại?' 10 tháng 4, 2016 

Người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, bình luận về Hội nghị cử tri tại địa phương mà ông cư trú hôm thứ Bảy sau khi ông 'bị loại' với kết quả 6/75 phiếu ủng hộ. 

Nhà vận động cho xã hội dân sự nói với BBC hôm 10/4/2016: Nếu đấu tranh mạnh mẽ, thì có thể hy vọng rằng Luật Bầu cử nó phải thay đổi thì mới được, chứ Luật Bầu cử mà nó đã được thiết kế để cái việc Đảng (CSVN) quyết định, Đảng chọn dân bầu, thì sẽ không bao giờ có kết quả tốt cả. 

Ông Hồ Ngọc Nhuận - cựu dân biểu đối lập trong quốc hội VNCH phát biểu: “...Ngày xưa mấy anh gọi tụi tôi là bù nhìn, là ngụy còn bây giờ mấy anh là cái gì? Các anh chả có làm cái gì cho dân hết trọi thì mấy anh là cái gì? Tôi nói công khai nhưng dần dần họ không cho tôi nói nữa. Bây giờ đây tôi cũng hỏi tại làm sao quốc hội Sài gòn của chúng tôi ngày xưa, các đảng phái được vô, tôn giáo được vô còn bây giờ mấy anh bít hết chỉ có đảng của mấy anh thôi. Đó là đảng hội chứ quốc hội gì?” (Trích “Hồ Ngọc Nhuận: Một mình chống hai chế độ” của Mặc Lâm, biên tập viên RFA)

Chế độ Cộng sản là thể chế từ trên xuống, là chế độ độc tài (tương tự chế độ Quân chủ). Chế độ này không thể gọi là là Cộng hòa cũng không phải là chế độ Dân chủ. 

(Xin đọc bài “Hành trình về dân chủ đa nguyên (Phần 7) - Lựa chọn chế độ chính trị” của Bùi Quang Vơm). 

Chế độ Cộng sản Việt Nam không phải là Quân chủ; cũng không phải Cộng hòa hay Đại nghị; vậy nó là chế độ gì? 

Đảng Cộng sản nhìn nhận nó là thể chế “chuyên chính vô sản”, có nghĩa là chế độ độc tài của giai cấp vô sản. 

Đã không phải là chính thể Cộng hòa, sao lại có thể là Cộng hòa bán Tổng thống? 

04.10.2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo