Ngư nghiệp Việt Nam: IUU Fishing & hiện tình - Dân Làm Báo

Ngư nghiệp Việt Nam: IUU Fishing & hiện tình

Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - Ngày 23/10/2017 ủy ban châu Âu (EU) ra thông cáo báo chí quyết định cảnh cáo thẻ vàng IUU Fishing trong 6 tháng đối với ngành đánh bắt hải sản Việt Nam. 

Đây là một công cụ của EU đã ban hành từ năm 2010, với các quy định áp dụng trong lãnh vực khai thác hải sản, có hiệu lực chi phối đối với một trong 50 quốc gia, sẽ bị coi là vi phạm luật của EU, khi khai thác, đánh bắt trên biển bất hợp pháp (Illegal), không báo cáo (Unreported) và không được kiểm soát (Unregulated), với ba mức độ, thẻ xanh là bình thường, thẻ vàng là cảnh cáo và thẻ đỏ là nghiêm cấm những tiếp cận thương mại chuyên ngành, nhằm chống lại các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp trên thế giới, thông qua nhiều biện pháp kiểm soát có mục đích bảo đảm chỉ có các sản phẩm hải sản được chứng nhận hợp pháp mới được tiếp cận thị trường EU.

Hiện nay EU cũng là một trong những thị trường nhập cảng hải sản lớn nhất thế giới, với những sản phẩm tiêu thụ mạnh nhất lại là ưu thế của các quốc gia Nam Mỹ và châu Á, như tôm, các loài nhuyễn thể và đặc biệt là cá ngừ các loại, mà riêng tổng giá trị nhập cảng hàng năm của EU đối với mặt hàng cá ngừ đã lên tới gần 1 tỷ USD. Trong đó cũng chỉ tính riêng trong năm 2017, thị trường EU đã vượt qua mặt Hoa Kỳ trở thành nhà nhập cảng thủy hải sản lớn nhất của Việt Nam, với tổng trị giá lên đến 1,46 tỷ USD. 

Quyết định cảnh cáo thẻ vàng của EU nhấn mạnh mặc dù trong một thời gian dài tính từ năm 2012, EU trong các cuộc thảo luận không chính thức với chính phủ Việt Nam cộng sản, đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo và đề nghị hợp tác, nhưng Hà Nội vẫn giả ngơ, không có những nỗ lực cần thiết, để ngăn chận các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp do các tàu cá Việt Nam thực hiện trên vùng biển các nước láng giềng, bao gồm luôn cả các tiểu quốc hải đảo trong vùng Thái Bình Dương. Hơn nữa, Việt Nam còn rất kém cỏi trong sự kiểm soát xuất xứ nguồn nguyên liệu thủy hải sản đưa vào chế biến ở nội địa, trước khi được xuất cảng sang các thị trường quốc tế, bao gồm cả EU. 

Theo ủy viên môi trường, hàng hải và thủy sản của EU là Karmenu Vella, liên minh châu Âu với quyết tâm duy trì vững chắc cam kết đẩy lùi các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp trên toàn cầu, không thể bỏ qua các tác động mà các hoạt động khai thác bất hợp pháp do những tàu cá Việt Nam đã và đang tiến hành trên các hệ sinh thái biển ở Thái Bình Dương, buộc EU phải thông qua quyết định thẻ vàng cho ngư nghiệp Việt Nam như là một sự cảnh cáo mạnh mẽ, bên cạnh sẽ cung cấp những hổ trợ kỹ thuật cần thiết, nhằm giúp Việt Nam tiến tới tổ chức hoạt động khai thác hải sản trong vòng hợp pháp. Theo luật định, nếu các vi phạm sau đó đều được giải quyết thỏa đáng sẽ được rút bỏ cảnh cáo (thẻ vàng) và bình thường hóa quan hệ thương mại (thẻ xanh) hay sẽ bị ngăn cấm tiếp cận thị trường thủy hải sản của EU (thẻ đỏ), nếu vẫn tiếp tục vi phạm vào nguyên tắc IUU. 

Quyết định thẻ vàng IUU Fishing 6 tháng của EU đối với Việt Nam có hiệu lực đến tháng 4/2018. Trong thời gian này, các cơ quan liên hệ và có thẩm quyền của Việt Nam sẽ phải cung cấp các báo cáo về những tiến bộ trong chương trình hành động của mình, để liên minh châu Âu tiến hành việc xem xét và tổ chức kiểm tra thực địa nhằm đối chứng hiện trạng với thời điểm áp cảnh báo thẻ vàng, hầu đưa ra những quyết định thích đáng tiếp theo. 

Sau khi bị thẻ vàng, tuy chưa có một chế tài nào ảnh hưởng tới diễn tiến của hoạt động thương mại song phương giữa Việt Nam và EU, nhưng các lô hàng thủy, hải sản từ Việt Nam đưa qua thị trường châu Âu đều phải chịu một sự kiểm soát nghiêm ngặt. Theo tường trình của Hiệp hội Chế biến và Xuất cảng Hải sản Việt Nam (Việt Nam Association of Seafood Exporters and Producers – VASEP) thì 100% container hàng hải sản Việt Nam đã bị giữ lại để điều tra nguồn gốc khai thác từ 3 – 4 tuần đối với một container, phải trả thêm phí kiểm tra khoảng 500 bảng Anh một container, chưa kể phí tổn lưu kho tại cảng nước chủ nhà và luôn đối diện với nguy cơ sản phẩm bị trả về. 

Với chiều dài bờ biển gần 3.300km, có hàng ngàn hải đảo lớn, nhỏ và một ngư trường truyền thống gồm ba vùng biển cận duyên (ven bờ), viễn duyên (vùng thềm lục địa) và viễn dương (vùng đặc quyền kinh tế), rộng đến hơn 800.000km2, có trữ lượng riêng về cá các loại đã lên đến hơn 3,5 triệu tấn, mức khai thác khả thi hàng năm khoảng 2 triệu tấn, nhưng qua những số liệu do tổ chức Lương nông Quốc tế FAO thu thập và công bố năm 2016, cũng có thể cho thấy phần nào hiện tình diễn tiến hoạt động thực tế của ngành ngư nghiệp Việt Nam, đã và đang có chiều hướng ngày càng lụn bại. 

Trong các năm từ 2007 đến 2016, tổng sản lượng hải sản các loại gồm cá các loại, thủy sản giáp xác (tôm, cua) và các loại nhuyễn thể (mực, ốc)….. do Việt Nam khai thác được vào khoảng 2 triệu đến 2,7 triệu tấn mỗi năm. 

Số tàu, thuyền có gắn động cơ, có thể đánh cá tương đối xa bờ năm 2007 có 57.000 phương tiện, tăng lên cực đại 131.000 phương tiện năm 2010, rồi giảm xuống chỉ còn 28.700 phương tiện năm 2015, các năm 2012 đến 2014 và năm 2016 không có ghi nhận (?). Tương ứng số ngư phủ chuyên nghiệp hành nghề trên biển theo FAO ước tính từ 2007 đến 2012 có khoảng 450.000 tới 650.000 người, nhưng từ 2013 trở đi thì không còn có thể ghi nhận được (?). Trong khi đó số nông dân, ngư phủ phải chuyển sang nghề nuôi cá và các loại thủy sản khác, đã tăng từ khoảng 300.000 người, lên gần 1,1 triệu người trong cùng khoảng thời gian được thống kê. 

Vì đâu nên nỗi? 

Năm 1958, thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai ký và ban hành tuyên bố lãnh hải và chủ quyền hải đảo của Hoa Lục, bao gồm luôn các vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dù các thực thể này phần lớn đang do chính phủ VNCH của miền nam Việt Nam kiểm soát và đều cách Hoa Lục từ 300 đến 800 hải lý. Mười ngày sau, thủ tướng ở miền bắc Việt Nam là Phạm Văn Đồng ký công hàm công nhận các giá trị của tuyên bố này. 

Sau nhiều năm nhập nhằng, năm 1992 Trung Cộng chính thức đưa đường 9 đoạn vào luật lãnh hải và ra tuyên bố ngoại giao khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Hoa Lục trên vùng biển bên trong đường 9 đoạn, bởi đó là vùng biển lịch sử do tổ tiên người Hoa đã từng giong buồm và đánh cá từ hàng ngàn năm trước???. 

Ngoài các thỏa thuận hậu trường giữa hai đảng cộng sản Trung Hoa và Việt Nam ràng buộc trong mật ước Chengdu 1990 đến nay vẫn là bí mật quốc gia, bên cạnh các thừa nhận ngoại giao lập lờ, vô định tính ở cấp độ chính phủ của Hà Nội về các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, lần lượt đảng cộng sản Việt Nam đã có những hành động cụ thể hơn trong vấn đề xẻ thịt Tổ quốc giao cho Bắc Kinh. 

Năm 2000 hiệp định song phương Việt Hoa phân chia lại vùng biển vịnh Bắc Phần được ký kết. Trong đó, Hà Nội đã giao thêm cho Trung Cộng 8,77% diện tích vùng vịnh, tương đương với 11.072km2 diện tích vùng biển vốn đang thuộc chủ quyền Việt Nam. 

Cũng trong năm 2000 Hà Nội và Bắc Kinh thỏa thuận xong việc thiết lập vùng đánh cá chung, ngụy trang bởi hiệp định hợp tác nghề cá, chính thức mời các đội tàu đánh cá tham lam, hung hãn của Trung Cộng vào khai thác ồ ạt ngay trên ngư trường Việt Nam, tức tàu to, lưới rộng của Trung Cộng được tự do đánh bắt ngang hàng với thuyền buồm, thuyền thúng và lưới tay của ngư dân Việt Nam ngay trong lãnh hải của Việt Nam. 

Năm 2009, khi ủy ban về ranh giới thềm lục địa CLCS (Commission on the Limits of Continental Shelf) của Liên Hiệp Quốc chuẩn bị kết thúc việc nhận báo cáo, hay kháng nghị từ các quốc gia ven biển về vùng đặc quyền kinh tế EEZ (Exclusive Economic Zone) và thềm lục địa mở rộng ECS (Extended Continental Shelf) theo tinh thần của công ước luật biển UNCLOS (United Nations Convention on Law of the Sea), các khẳng định của phái đoàn Việt Nam trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc luôn mang đầy vẻ mơ hồ, quỷ quyệt và hải đồ đệ trình lên ủy ban thì nhập nhằng, kiểu muốn diễn giải ra sao cũng được, nếu muốn áp đặt chủ quan thì cũng có thể coi như 3/4 vùng biển Hoàng Sa và 4/5 vùng biển Trường Sa đã thuộc về hải phận của Trung Cộng. 

Bởi vậy, để củng cố cho mưu toan chiếm đoạt về danh nghĩa, Trung Cộng ngông cuồng cấm đánh cá trong thời gian giữa tháng 5 đến đầu tháng 8 hàng năm trên biển Đông, có phạm vi cưởng hành từ vùng biển Phúc Kiến phía đông nam, qua vùng biển Quảng Đông ở phía tây nam và kéo sâu xuống tới vỹ tuyến 12 độ bắc, tức vùng biển Nha Trang – Cam Ranh. 

Để chiếm hữu thực tế, các đội tàu cá của Trung Cộng vừa đông, vừa vững chắc, lại vừa có các tàu hải cảnh, hải giám ra sức hộ tống, yểm trợ, nên tha hồ đánh bắt, vơ vét tận lực mọi nguồn lợi trên biển, bên cạnh nỗ lực giành giựt xua đuổi thành phần ngư phủ Việt Nam, bằng các hành vi côn đồ, thảo khấu như ngăn cản, đánh đập, bắt bớ, giam cầm đòi tiền chuộc, buộc phải mua giấy phép “ thông hành hải “ của Bắc Kinh mới được phép hành nghề, đến cướp bóc, tịch thu, phá hoại phương tiện, tài sản và tàn bạo hơn là đâm chìm tàu, thuyền, cũng như bắn giết người vô tội trên biển. 

Bi kịch cho ngư dân Việt Nam là đảng cộng sản Việt Nam đã nhắm mắt, không dám có bất kỳ một phản ứng tích cực, hay thích đáng nào, trước sự ngang ngược của Bắc Kinh. Chính phủ Hà Nội luôn khẳng định lập trường phải giữ nguyên trạng, kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển thông qua bàn bạc, đàm phán và phân định trong tinh thần hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao?. Bộ quốc phòng Việt Nam cũng đề ra chính sách 3 không, không tham gia những liên minh quân sự, hay đồng minh quân sự với bất cứ nước nào, không cho bất cứ nước nào thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và không chủ trương dựa vào nước này để chống lại nước kia, nhằm neutralized mọi khả năng hình thành ra một liên minh quân sự, chống kẻ thù chung trong khu vực. 

Để bào chữa cho thái độ khoanh tay bỏ mặc ngư dân sống chết mặc bây, lấp liếm tội ác giả ngơ bổn phận phải bênh vực, can thiệp, giúp đỡ cụ thể cho các ngư dân khốn khổ, đang bơ vơ và bị áp bức ngay trên chính vùng biển quê hương của họ và quan trọng hơn để thả trôi chủ quyền tổ quốc, Hà Nội cũng vờ vĩnh cho thành lập lực lượng kiểm tra, bảo vệ trên biển như cảnh sát biển, kiểm ngư, trong hoàn cảnh vận nước dầu sôi, lửa bỏng, vẫn là tàu đang đóng, người đang tuyển, hầu biện minh cho chủ trương đốc xúi ngư dân tay không bám biển bảo vệ chủ quyền? và chính sách đấu tranh tiêu cực, ngớ ngẩn của một đảng luôn vỗ ngực bách chiến, bách thắng và một chính quyền toàn trị luôn lớn tiếng do dân, vì dân mà chỉ biết đấu võ mồm khẳng định chủ quyền biển, đảo không thể chối cãi và cực lực phản đối, lên án, thông qua….. phát ngôn nhân bộ ngoại giao, từ đó có luôn lý do chính đáng để đình động các hoạt động của lực lượng hải quân, với lập luận hải quân không có trách nhiệm về hành chánh dân sự?!. 

Để gìn giữ tình cảm vô sản giữa hai đảng cộng sản anh em (?), Hà Nội giấu nhẹm triệt để mọi sự việc người dân Việt Nam bị dân và binh lính Trung Cộng bức hại trên biển, trừ các trường hợp quá lộ liễu, hay bất khả kháng, báo chí và những phương tiện truyền thông chính thức của chính phủ CHXHCNVN, mới nhắc qua như những trường hợp tai nạn chưa xác định và do tàu lạ của nước lạ gây ra??!! 

Hậu quả trước mắt tính đến cuối thập niên 2010 là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam đã bị thu hẹp triệt để. 

Nhiều vùng đánh cá xa bờ, có độ sâu 50 –100m ở vịnh Bắc Phần, duyên hải Trung Phần, khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã lọt vào sự khống chế và kiểm soát của Trung Cộng. Ngư dân Việt Nam hành nghề trên biển trở thành những kẻ cá cược, với giá phải trả là tài sản, phương tiện và trong nhiều trường hợp là cả mạng sống, phó mặc cho may rủi, không những chỉ là thiên tai, giông bảo như trước đây, mà ghê gớm hơn là nhân tai đến từ các tàu lạ? 

…Ngư dân Việt quanh năm bám thuyền, lênh đênh cùng sóng gió, cùng bạn chài và phải đối mặt với không biết bao nhiêu là nguy hiểm từ thiên nhiên và con người. Nếu thiên nhiên khắc nghiệt bởi sóng gió, thì con người lại khắc nghiệt bởi những thứ biên giới mơ hồ. Hải cảnh Trung Cộng có thể rượt đuổi, đâm chìm tàu, bắt bớ, thậm chí xả súng vào các ngư dân Việt Nam. Ở một chừng mực nào đó có thể nói rằng nước mắt và máu hòa lẫn chén cơm của ngư dân Việt…(Ngư dân Việt Nam thời biển chết, VOA, 24/3/2017). 

Các vùng đánh cá gần bờ cũng lần lượt tan hoang, do ô nhiểm bởi xả thải kỹ nghệ thẳng ra biển, như thảm họa Formosa là một điển hình đã giết chết vùng biển từ Hà Tỉnh vào đến Thừa Thiên, do những mưu đồ đầu độc như các toan tính đổ chất thải những nhà máy nhiệt điện chạy than ra các vùng biển Hòn La ở Quảng Bình, vùng biển Hòn Cau ở Bình Thuận, hay do cùng quẫn vì các vùng khai thác được thì đã trở nên quá hạn chế khiến không ít ngư dân phải tranh giành, khai thác cạn kiệt mọi nguồn lợi thủy sản bằng mọi phương tiện có tính hủy diệt hệ sinh thái biển lâu dài, như đánh cá bằng thuốc nổ, kích điện và các độc chất hóa học. 

Số ngư phủ bỏ nghề lên tới cả trăm ngàn người. Nói như Nguyễn Thị Hải Vân, cục trưởng cục việc làm thuộc bộ lao động Hà Nội, thì ngư dân khi đi làm phu khuân vác, phụ hồ, tức là đã có việc làm, không phải là thất nghiệp, nên ngư dân Lý Sơn – Quảng Ngãi phải bỏ ngư trường Hoàng Sa để chuyển sang các dịch vụ du lịch trên đảo, hẳn là điều đại phước dưới con mắt của giới quan lại cộng sản. Tàu, thuyền ngư dân Việt Nam đa số bằng gỗ, khó chống cự lại tàu sắt to lớn của ngư phủ Tàu Cộng nên phải nằm bờ, Hà Nội lưu manh cho vay tiền để đóng tàu sắt, thì ngư dân phải chịu thêm cảnh “ tiền mất tật mang “, do tàu chỉ cần qua một lần đi biển là hư máy chính, bể hộp số, vỏ tàu bị sét gỉ, bị thủng vô nước, có khiếu nại cũng chỉ được các quan chức cộng sản giải thích là do nước biển quá mặn?!! Tài liệu của FAO không thể ghi nhận cụ thể được số lượng tàu, thuyền và số ngư dân hành nghề của Việt Nam do đó cũng không phải là điều khó hiểu. 

Để duy trì cuộc sống, một số ngư dân Việt Nam khác trôi dạt, lén lút khai thác bất hợp pháp trên một số vùng biển lân bang như Malaysia, Indonesia, Thailand và xuống đến các tiểu quốc hải đảo Palau, Papua New Guinea, Soloman, Vanuatu. Nauru….trong vùng nam Thái Bình Dương và cách Việt Nam cả hơn 10.000km. Hậu quả vẫn là bị bắt, bị phạt vạ, bị tù tội, phương tiện bị đốt, bị bắn cháy, nhưng cuối cùng các quốc gia bị hại cũng không thu được tiền phạt, lại tốn thêm tiền nuôi tù, nên chỉ còn cách phải trợ giúp tài chánh mua vé máy bay hầu trục xuất số ngư dân Việt Nam phạm pháp, cho ngân sách sở tại khỏi bị rơi vào vòng luẩn quẩn. 

Các tin tức do các những hãng thông tấn quốc tế loan tải, hay xuất hiện trên mặt báo nhiều tiểu quốc hải đảo, vừa khắc họa được bộ mặt nham nhở tệ hại của Hà Nội, do thái độ dửng dưng, bàng quang về trách nhiệm phải có của một chính quyền đúng nghĩa và vẻ ra thân phận khốn khổ của ngư dân Việt sống trong thời đại quang vinh của đảng cộng sản, khi phạm pháp, vừa không tiền đóng phạt, phải lê lết nơi đất khách không biết bám víu, cầu cứu vào đâu, ngoài sự từ tâm của thổ dân hải đảo (?!). 

Kết quả, kỳ thanh tra cuối tháng 5/2018 do phái đoàn tổng cục hàng hải và thủy sản thuộc EU là DG-MARE (Directorate General for Maritime Affairs and Fisheries) thực hiện tại Việt Nam, đã quyết định kéo dài thời hạn thẻ vàng IUU Fishing đối với ngành khai thác hải sản Việt Nam thêm 6 tháng, đến tháng 1/2009 mới quay lại tái thanh tra và xem xét. Trong khi đó, tại hội nghị đánh giá một năm tiến hành chương trình Doanh nghiệp Hải sản cam kết chống vi phạm IUU diễn ra trong tháng 9/2018 tại Sài Gòn, đại diện của VASEP đã thông báo trong tám tháng đầu năm 2018 xuất cảng hải sản của Việt Nam giảm đến 25% so với thời gian cùng kỳ năm 2017, cụ thể chỉ có tổng kim ngạch 252 triệu USD, riêng hướng xuất cảng hải sản sang thị trường EU bị suy giảm rất mạnh, như số lượng cá ngừ giảm 10%, mực, bạch tuộc giảm 41% và các loại nhuyễn thể vỏ hai mảnh giảm 19%. 

Tương lai của ngành ngư nghiệp và ngư dân Việt Nam nói chung, cũng như ngành xuất cảng thủy, hải sản nói riêng chắc chắn sẽ còn mờ mịt hơn, nếu không muốn nói là sẽ phá sản hoàn toàn do việc đồng hóa (sáp nhập) vào sự kiểm soát của Bắc Kinh trong những năm sắp tới. Sẽ không còn ngư nghiệp Việt Nam và cũng sẽ không còn sản phẩm thủy, hải sản xuất cảng của Việt Nam, bởi ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Cộng và Hà Nội đã đồng lòng đồng ca bài hợp tác toàn diện để khai thác Biển Đông trong tháng 9/2018 và đảng cộng sản Việt Nam nhanh chóng tung hứng với chiêu bài chiến lược biển đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 trong hội nghị trung ương 8 vừa rồi, bên cạnh thuận lợi chưa bao giờ có khi tổng bí thư chi bộ đảng cộng sản Việt Nam, trực thuộc đảng bộ cộng sản Trung Hoa là Nguyễn Phú Trọng, cũng sẽ đăng quang kiêm nhiệm thêm chức vụ chủ tịch Việt Nam ngay trong tháng 10/2018 này. 

10/2018. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo