Huỳnh Anh Tú (Danlambao) - Ngày 25/10/2018 Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam công bố, đề nghị kỷ luật giáo sư Chu Hảo với lý do: “suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống”, tự diễn biến”, và “tự chuyển hoá” vì đã cho xuất bản những quyển sách có nội dung “đi ngược đường lối chủ trương của đảng”.
Sau khi sự việc được công bố trên các trang báo lề đảng, ngay lập tức dư luận đã đồng lòng lên tiếng phản hồi, chia sẻ và đồng cảm cùng GS Chu Hảo. Đặc biệt có tiếng nói của những đảng viên đảng cộng sản phản tỉnh. Họ tỏ rõ lập trường, quan điểm của mình, tuyên bố công khai từ bỏ đảng. Lên án đảng cộng sản đã dùng chính sách dã man nhằm huỷ diệt các tầng lớp tri thức yêu nước và đưa đất nước đến bờ vực diệt vong.
Trong 2 ngày liên tiếp 26 và 27 tháng 10, đã có một số đảng viên tuyên bố rời khỏi đảng như: Nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Mạc Văn Trang, ông Hà Quang Vinh (nguyên Phó chủ tịch quận bình Chánh),Tiến sĩ Trần Thanh Tuấn, Trung tá Trần Nam, Kỹ sư Hoàng Tiến Cường...
Ông Chu Hảo sinh năm 1940 trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha ông là ông Chu Đình Xương là cán bộ cao cấp từng giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy cầm quyền cộng sản vào thời kỳ kháng Pháp.
Ông từng học tại Liên Xô, tu nghiệp tại Pháp và giữ nhiều chức vụ có thể gọi là danh giá trong giới làm “khoa học” tại Việt Nam.
Một trong những chức vụ cao nhất ông từng đảm nhiệm là Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ. Năm 2005, ông Chu Hảo nghỉ hưu, sau đó về làm Giám đốc cho nhà xuất bản Tri Thức, nơi thực sự gắn với tên tuổi, danh tiếng ông sau này.
Nguyên nhân Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật:
Nhà xuất bản Tri thức do Giáo sư Chu Hảo làm Giám đốc đã cho xuất những cuốn sách nước ngoài nổi tiếng được dịch sang tiếng Việt như: “Bàn về tự do, T/G John Stuart Mill, Dịch giả Nguyễn Văn Trọng; Đường về nô lệ, T/G F.A Hayek, Dịch giả Phạm Nguyên Trường; Hoà bình, Tình yêu và Tự do, T/G Tom G. Palmer, Dịch giả Đinh Tuấn Minh và cộng sự; Của cải của các quốc gia và lí thuyết về cảm nhận đạo đức rút gọn, T/G Eamonn Butler Dịch giả Phạm Nguyên Trường và nhiều tác phẩm khác. Tất cả đều mang giá trị nhân văn và hàn lâm.
Nhìn chung, nội dung của những cuốn sách này đã phản ánh phần nào sự thật đáng ghê tởm tại các quốc gia độc tài trước đây như Liên Xô, Đông Âu và Đức Quốc Xã. Song song với nó là sự đề cao giá trị dân chủ, tự do và lên án chiến tranh giết chóc, lấy tình yêu thương đích thực để xoá tan sự hận thù và tội ác…
Những cuốn sách mang nội dung và giá trị như thế không bao giờ và không thể được khuyến khích in ấn, xuất bản và tìm đọc tại Việt Nam, nơi mà nền độc tài đang tồn tại hàng chục năm. Điều ấy đồng nghĩa với việc góp phần “khai dân trí”, mở mắt cho người dân để rồi một ngày họ sẽ hiểu ra và đứng lên giật sập chế độ.
Đó là lý do sâu xa mà Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam quyết tâm khai trừ một Giáo sư phản tỉnh muốn tìm về tự do dân chủ và chân lý như ông Chu Hảo.
Chân lý mà chúng ta cần phải hiểu rằng: Quốc gia và Đảng chính trị là hai phạm trù khác nhau hoàn toàn. Mọi công dân sinh sống và làm việc luôn phải đặt lợi ích đất nước, quốc gia của mình lên hàng đầu. Đảng chính trị chỉ là phương tiện để các đảng viên tập họp ngồi lại với nhau nhằm chia sẻ và đưa ra những quyết sách chính trị cho quốc gia. Tuy nhiên những quyết sách đó phải tuyệt đối đặt lợi ích quốc gia lên trước nhất.
Qua sự kiện giáo sư Chu Hảo “bị kỷ luật” đã xuất hiện nhiều ý kiến ủng hộ ông. Cá nhân tôi đánh giá cao việc làm của ông Chu Hảo cũng như đồng tình với nhiều ý kiến ủng hộ ông. Tuy nhiên, tôi cũng chạnh lòng nhớ tới những Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Lê Hồng Hà, Vũ Cao Quận..., họ đều là những người phản tỉnh thực sự, dù có người thoái đảng, có người không. Các nhân vật trên không những thoái đảng về lý thuyết mà còn dùng chính quỹ thời gian còn lại của cuộc đời họ để chống đảng, đấu tranh cho tự do và dân chủ của đất nước. Liệu sau khi bị kỷ luật và ra khỏi hàng ngũ đảng viên cộng sản, giáo sư Chu Hảo có muốn làm và có làm được những việc của các vị nêu trên. Câu trả lời tất nhiên do chính các ông Chu Hảo, Nguyên Ngọc quyết định. Song, giữa lúc này, những việc làm của ông Chu Hảo, Nguyên Ngọc thật sự đáng trân quý. Nhưng câu hỏi đặt ra là, nếu giáo sư Chu Hảo không bị kỷ luật, thì ông có từ bỏ đảng không? Và ông Nguyên Ngọc cùng một số trí thức khác, bao giờ mới chịu “thoái đảng”?
Tôi không định và không có quyền phán xét ông dù tôi khen. Giữa những lời khen ngợi và ca tụng, tôi chú ý đến ý kiến của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, blogger Nguyễn Ngọc Già và blogger Phạm Thanh Nghiên, vợ tôi.
Ông Nghĩa viết “Mình cảm phục đảng viên tự nguyện ra khỏi đảng 10, cảm phục người dân không vào đảng 20 và cảm phục người đấu tranh cho nhân quyền dân chủ 100”.
Blogger Nguyễn Ngọc Già bày tỏ quan điểm một cách ngắn gọn: ”Những người CS bỏ đảng nên nhớ: Bỏ đảng là cho lợi ích của quý vị & gia tộc. Không phải cho dân đen!”
Blogger Phạm Thanh Nghiên viết: "Nếu ông Chu Hảo, ông Nguyên Ngọc thực sự là những người “có công với đất nước” như nhiều người đang trầm trồ, thì việc các ông ấy từng là đảng viên cộng sản nhiều năm phải được hiểu là gì? Công, hay tội?"
Cá nhân tôi trân trọng ông Chu Hảo, ông Nguyên Ngọc từ trước khi tôi đi vào con đường tranh đấu cho tự do, sự thật (mà đảng gọi là phản động) bởi từng đọc một số sách của các ông. Nhưng không thể vì những việc làm “bất đắc dĩ”, hay những việc bình thường các ông phải làm mà ca ngợi các ông một cách thái quá.
Cả ba nhà văn, bloggers trên đều là những người từng bị tù đày vì dấn thân cho sự thật, cho tự do và các giá trị nhân quyền khác.