Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Thi sĩ Hữu Loan - với bài thơ "Màu Tím Hoa Sim" sáng tác vào năm 1949 - tạo nên một sự bất tử trong lòng giới mộ điệu thi ca.
Bài thơ trở thành tiếng chuông báo hiệu cho một thân phận bị lưu đày nghiệt ngã ngay trên chính quê hương của ông - gây ra bởi người Cộng Sản.
Thi sĩ Hữu Loan đã vĩnh viễn ra đi trong khốn khó, nhưng hình ảnh ông vẫn mãi tỏa sáng lung linh trong lòng người dân Việt Nam.
"Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà" được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc gần với nguyên bản nhất và trở thành một trong các sáng tác tiêu biểu của ông.
Người nhạc sĩ tài hoa họ Phạm - bằng những âm giai và điệu thức thay đổi liên tục, thể hiện nỗi đau thương tột cùng lại không kém phần bi tráng trong tuyệt phẩm "Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà".
Nhạc sĩ Phạm Duy và thi sĩ Hữu Loan cùng nhau dẫn dắt khán thính giả đi qua nhiều khung cảnh: Lúc người lính nghỉ chân và ngậm ngùi nhớ về quê nhà nơi có mẹ già-vợ dại chờ mong; khi khác người lính lại chơi vơi trên đường hành quân mà tưởng niệm về người thân đã khuất...
Bằng màu tím - màu tượng trưng cho tình thủy chung son sắt - Hữu Loan & Phạm Duy đã vẽ lên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam vô cùng đậm đà với tình cảm đôn hậu của người vợ hiền, lồng vào trong đó cả tinh thần kiên trung của người lính chiến bảo vệ quê hương.
Trên hết, qua 8 phút thương đau ngậm ngùi và dập dồn tiến bước, hai nghệ sĩ đại tài Hữu Loan & Phạm Duy vẫn duy trì và trải suốt tính Nhân Văn qua tuyệt phẩm "Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà" - Một trường ca bất hủ cùng nét đẹp giản dị, trong sáng và thanh cao!
Nhạc phẩm này, Nguyễn Ngọc Già mến tặng quý độc giả của trang Dân Làm Báo, đặc biệt kính tặng nhà văn Tưởng Năng Tiến và nhà thơ Nguyên Thạch dù Nguyễn Ngọc Già chưa một lần biết anh Nguyên Thạch "là ai".
P/S: Chân thành cám ơn nhạc sĩ Ngô Thanh Nam và nhà báo Điếu Cày đã giúp Nguyễn Ngọc Già hoàn thành phần hình ảnh rất nên thơ và sâu lắng.