Kim Thanh (Danlambao) - Cùng với Luật An ninh mạng nhằm khóa mõm người dân không cho ai lên tiếng, và Luật Đặc khu hành chính tuy chưa được thông qua, nhưng Trung Quốc đã xây dựng sân bay ở Vân Đồn cùng các cử điểm khác ở Phú Quốc, Nha Trang, thì coi như Luật Đặc khu được quốc hội thông qua chỉ là vấn để thời gian. Vậy thì những quả ngư lôi kia được nhà cầm quyền Trung Quốc rải vào bờ biển nước ta, coi như những tên lính tiền trạm đi dò đường vậy. Vì như lời của Tướng Trương Giang Long từng nói: “Đã có không chỉ một trăm, mà nhiều trăm người Việt Nam do trung Quốc cài cắm vào trong bộ máy nước ta”. Để rồi một ngày không xa, Hiệp ước Hội nghị Thành Đô sẽ được hiện thực hóa, nước Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh của Trung Quốc, mà phía trung Quốc không mất một viên đạn và tên lính nào.
*
Mấy ngày qua báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin ngư dân một số tỉnh ven biển nước ta phát hiện vật thể lạ nghi là ngư lôi do ngư dân vớt được.
Báo người Lao Động ra ngày 19/12/2018 có bài: “Ngư dân vớt được vật thể lạ có chữ Trung Quốc nghi ngư lôi”.
Theo đó: "Ngư dân tình cờ vớt được 1 vật thể lạ nghi ngư lôi đang trôi vào gần bờ biển tỉnh Phú Yên”(1).
Theo nhiều nguồn tin, ngư dân tỉnh Phú Yên không phải là những người đầu tiên vớt được vũ khí của Trung Quốc. Trước đó đã có một số ngư dân ở tỉnh khác cũng vớt được, và đã có 3 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi tử vong vì vũ khí này phát nổ.
Báo Tuổi Trẻ ra ngày 22/5/2018 đưa tin: -“Vật thể lạ phát nổ, 3 ngư dân tử vong ở Hoàng Sa”.
Theo đó: “Trong lúc hành nghề khai thác hải sản ở Hoàng Sa, 3 thuyền viên đi trên tàu cá QNg 96399 do ông Nguyễn Chín (xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng, đã vớt một vật thể lạ. Sau khi vớt lên thuyền, vũ khí này phát nổ khiến 3 ngư dân tử vong”(2).
Ngày 19/12/2018, mạng xã hội xuất hiện thông tin người dân xã Quảng Đông trục vớt một vật thể lạ màu đỏ có hình dáng giống ngư lôi.
Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) Nguyễn Đức Hiền, vào ngày 29/10, trong lúc đi thả lưới đánh cá trên biển, anh Nguyễn Văn Diện (trú thôn Vinh Sơn, xã Quảng Đông) phát hiện một vật thể lạ hình trụ, màu đỏ và nặng khoảng 300 kg dính vào lưới nên đưa về nhà.
Nhận được tin báo, Ban chỉ huy Quân sự huyện Quảng Trạch, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình và Quân khu 4 đã có mặt để kiểm tra, xác minh vật thể lạ nói trên.
"Qua kiểm tra cơ quan chức năng chưa xác định cụ thể vật thể này là loại gì. Tuy nhiên, họ khẳng định vật thể lạ được phát hiện không phải là vật liệu nổ, bom mìn, ngư lôi hay vũ khí quân sự trong danh mục của Bộ Quốc phòng. Có thể đây chỉ là một thiết bị phục vụ đo lường đặt ở đáy biển và nó là của nước ngoài chứ không phải của Việt Nam", ông Nguyễn Đức Hiền nói(3).
Đã chưa xác định được cụ thể là loại gì, mà đã khẳng định không phải là vật liệu nổ, bom mìn, ngư lôi hay vũ khí quân sự.
Cho dù là thiết bị đo lường đặt ở đáy biển thì nhà chức trách cũng cần biết ai đặt thiết bị này, và đặt để làm gì?.
Điều lạ lùng là, trước sự việc hết sức nghiêm trọng như vậy, nhưng nhà chức trách Việt Nam vẫn tìm mọi cách che dấu, không dám nói là ngư lôi, và mặc dù trên những vật thể đó, có ghi năm sản xuất và nước sản xuất, nhưng báo chí nhà nước chỉ nói loanh quanh là vật thể lạ có chữ Trung Quốc.
Vậy sự thật ở đây là gì?
Chuyên gia quân sự Mỹ Scott C.Truver đã cảnh báo điều này rằng, Trung Quốc có một kho thuỷ lôi khổng lồ. Hải quân Trung Quốc có 40 tàu rải mìn. Chỉ riêng chiếc Wolei 3,100 tấn đã có thể mang theo 300 quả mìn. Khoảng 150 máy bay tuần tra lẫn oanh tạc cơ cũng có thể rải mìn. Có thể, Trung Quốc hiện cũng sở hữu mìn di động phóng- cài từ tàu ngầm. Có thể nói việc Trung Quốc rải mìn khắp Biển Đông không phải là chuyện lạ.
Theo chuyên gia Joseph Trevithick, "Vạn Lý Trường Thành dưới lòng biển" của Trung Quốc tuy bề ngoài là để nghiên cứu khoa học nhưng nó đã ẩn chứa mục đích quân sự ngay từ ban đầu……
Trong bài : “Trung Quốc thiết lập "Vạn Lý Trường Thành dưới lòng biển" như thế nào?”. Tác giả này viết: “Trong vài thập kỷ qua, Chính phủ Trung Quốc đã không ngừng đẩy mạnh đầu tư cho một loạt dự án nhằm tăng cường bảo vệ các lợi ích của nước này trên biển, trong đó có cả những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông.
Đến tháng 1/2018, Chính phủ Trung Quốc chính thức thừa nhận về sự tồn tại của hai hệ thống cảm biến dưới nước thiết lập ở khu vực biển từ đảo Guam của Mỹ đến vùng Biển Đông"(4).
Như vậy là đã rõ như ban ngày.
Có thể khẳng định rằng, những cái mà nhà cầm quyền việt Nam gọi là “vật thể lạ”, thì đây chính là quả ngư lôi tấn công của Hải quân Trung Quốc có sức công mạnh phá huỷ diệt tàu thuyền, tính mạng người được phát hiện ở vùng biển sát bờ Việt Nam, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền biển đảo và tính mạng ngư dân, tàu thuyền Việt Nam.
Điều đáng nói ở đây là, báo chí không dám nói thẳng đây là những quả ngư lôi, mà chỉ rón rén nói vật thể lạ nghi ngư lôi. Lại còn không dám nói thẳng là ngư lôi Trung Quốc, mà chỉ dám nói có chữ Trung Quốc?.
Điều đáng lo ngại là kẻ thù thả ngư lôi ngay trong vùng biển Việt Nam mà cả cảnh sát biển lẫn hải quân không hay biết gì, chỉ có ngư dân là kẻ đã phát hiện ra thứ vũ khí ấy. Điều đó cho thấy quân đội và công an không hề bảo vệ tổ quốc. Đất nước này, dưới ánh mắt của bọn ngoại bang Phương Bắc thì chẳng khác nào là một xứ vô chủ.
Cháy nhà ra mặt chuột:
Tờ Báo Mới ra ngày 20/12/2018 có bài: “Ngư lôi tối tân lọt vào tay Việt Nam, cộng đồng mạng Trung Quốc dậy sóng”.
Theo đó: “Sự kiện ngư dân Phú Yên vớt được 'vật lạ' mắc lưới cách bờ chỉ 4 hải lý và giao nộp cho lực lượng hải quân Việt Nam được các báo Việt Nam đưa tin, sau khi được báo chí Trung Quốc đưa lại đã khiến cộng đồng mạng nước này dậy sóng bởi có thể đây chính là loại ngư lôi tối tân nhất mà Trung Quốc hiện đang trang bị cho tàu ngầm”(5).
Báo Tuổi Trẻ ra ngày 21/12/2018 có bài: “Trung Quốc thừa nhận mất ngư lôi trên Biển Đông”. Và họ nói do diễn tập bị thất lạc chứ không phải cố tình rải vào gây nguy hiểm hoặc để thăm dò:
"Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay 21-12 thừa nhận đã mất một ngư lôi huấn luyện trong quá trình tập luyện trên Biển Đông hồi đầu tháng 12, song khẳng định không nhắm vào mục tiêu cụ thể nào. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra thừa nhận trong thông cáo có tiêu đề "Phản hồi thông tin ngư dân Việt Nam bắt được ngư lôi Trung Quốc" đăng trên trang web của mình.
Bộ này cho biết đã bị mất một ngư lôi trong một đợt diễn tập "ở vùng biển gần phía đông đảo Hải Nam" hồi đầu tháng 12-2018.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không nói rõ ngư lôi bị thất lạc của hải quân Trung Quốc và ngư lôi huấn luyện được các ngư dân tìm thấy ở tỉnh Phú Yên của Việt Nam có phải là cùng một cái hay không.
Tuy nhiên, cơ quan này lại đưa ra suy đoán "có thể là do ảnh hưởng của các dòng hải lưu đã khiến quả ngư lôi trôi dạt vào gần bờ"(6).
Những quả ngư lôi nặng mấy trăm ký, được điểu khiển bởi đông cơ điện và cánh quạt phía đuôi, lại có thể biết tìm đường để “trôi dạt” dưới đáy biển vào gần bờ biển Việt Nam được chăng?
Nếu như là nước Nhật, Hàn Quốc hay những nước khác mà phát hiện ra sự việc nghiêm trọng đến như vậy thì Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng, Bộ Tư Lệnh Hải Quân và chính phủ nước họ lập tức điều tra, họp báo công bố, phản ứng mạnh ở cấp quốc gia ngay!
Người Trung Quốc rất quan tâm đến vùng bờ biển nước ta.
Một thực tế đã diễn ra từ lâu: Người Trung Quốc như được trải thảm đỏ tràn vào khắp các tỉnh thành nước ta, và vung tiền thu gom nhà cửa, các vùng đất đai trọng yếu thông qua các công ty bất động sản lợi ích nhóm sân sau được đặc quyền đặc lợi, tiền Nhân dân tệ được sử dụng tự do gần như tiền Việt.
Tại các tỉnh như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, không những khách du lịch Trung Quốc tràn vào không những gây ô uế môi trường, mà họ còn nhờ người Việt đứng tên để thâu tóm những vị trí đất đai vùng xung yếu là hết sức nguy hiểm.
Tại sân bay quân sự Nước Mặn (Đà Nẵng), người Trung Quốc đã thâu tóm hàng trăm lô đất tại đây, và được người Việt tiếp sức bằng cách đứng tên hộ giấy tờ.
Tờ Báo Mới ra ngày 18/01/2016 có bài: “Làm rõ nghi vấn người Trung Quốc mua đất quanh khu sân bay quân sự Nước Mặn”.
Theo đó: “Những ngày qua, không riêng gì người dân thành phố Đà Nẵng, mà người dân cả nước đang thực sự “nóng” lên trước thông tin người Trung Quốc giấu mặt núp bóng đằng sau người địa phương để thâu tóm hàng trăm lô đất nằm dọc bãi biển và chung quanh sân bay quân sự Nước Mặn nằm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn" (Đà Nẵng).
Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Khu biệt thự ven sân bay quân sự Nước Mặn có tổng số 246 lô đất.Trong đó, có 77 lô do 7 công ty, bao gồm các công ty có liên quan đến người Trung Quốc đăng ký sở hữu; 169 lô đứng tên sở hữu cá nhân.
Ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ cho biết: “Mặc dù chưa có cơ sở để khẳng định người Trung Quốc giấu mặt để mua đất xung quanh sân bay quân sự Nước Mặn. Nhưng những hộ dân ở địa phương kinh tế thuộc dạng hộ nghèo, nhưng đùng một cái lại đứng tên mua đến hàng chục lô đất. Có trường hợp gia đình thuộc dạng khó khăn mà lại đứng tên mua đến 12 lô đất với giá trị lên đến hơn 50 tỷ đồng(7).
Dư luận đang rất nghi ngờ rằng, ai đứng sau và chuyển tiền cho đại gia Trịnh Văn Quyết để thâu tóm những vùng biển có ví trí chiến lược như Cảng Quy Nhơn(Bình Định), Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa)?
Ngay tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cảng Cái Mép và cảng Thị Vải cũng đang nằm trong tầm ngắm của người Trung Quốc.
Ngày 19 và 20 tháng 12 năm 2018, đoàn đại biểu Uỷ ban hợp tác quản lý hải cảng Trung Quốc đã tiến hành khảo sát cảng quốc tế Cái Mép và Thị Vải, thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Trang Trithucvn ngày 20 tháng 12 loan tin: “Ông Trương Quảng Chí, chủ tịch Uỷ ban hợp tác quản lý hải cảng là người dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc. Tại đây, lãnh đạo ban quản lý cảng Cái Mép và Thị Vải phải báo cáo về quá trình phát triển, cơ chế quản lý và tiềm năng phát triển của cảng biển cho đoàn người Trung Quốc nghe(8).
Liên hệ việc quân đội Trung Quốc rải ngư lôi vào bờ biển nước ta thời gian gần đây, cùng với cuộc tấn công của quân Trung Quốc tấn công trên toàn bộ tuyến biên giới nước ta vào tháng 2 năm 1979, nhân dân có quyền đặt câu hỏi rằng, nhà cầm quyền Việt Nam có chủ quan hay vì quá sợ hãi mà không dám lên tiếng? Không dám gọi đúng tên kẻ thù?
Ngày 17/2/ 1979, Trung Quốc mở đợt tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Trước đó một ngày, tức ngày 16/9, tại một cuộc hội nghị Quân-Dân- Chính-Đảng, Thượng tướng Đàm Quang Trung(lúc đó còn Trung tướng), tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu I, đã tuyên bố như đinh đóng cột rằng, Trung Quốc có cho kẹo cũng không dám tân công nước ta. Sự việc sau đó thế nào thì mọi người đã rõ.
Gần đây nhà cầm quyền Trung Quốc lại có hành động khiêu khích bằng cách tổ chức tập trận gần biên giới Việt Nam
Tập đoàn 75 Lục quân Trung Quốc vừa có cuộc diễn tập thực binh tại phía Đông tỉnh Vân Nam, nơi giáp giới các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên của Việt Nam. VietTimes đưa tin hôm nay.
Theo VietTimes, chủ đề của cuộc diễn tập là mô phỏng đối đầu trực diện giữa quân đội Trung Quốc và “quân đội nước láng giềng X”. Trọng điểm là nghiên cứu tìm kiếm việc “lữ đoàn hợp thành làm thế nào nhanh chóng và chính xác nắm được thông tin chiến trường; làm thế nào phối hợp hiệp đồng chỉ huy từ nhiều mạng; làm thế nào sử dụng hỏa lực khoa học và hiệu quả cao; rèn luyện năng lực hiệp đồng tác chiến nhiều binh chủng trong điều kiện thực chiến”(9).
Từ lâu nhân dân Việt Nam quá biết sự hèn hạ của nhà cầm quyền Việt Nam trong việc không dám xác định đúng bản chất của quân bành trướng Bắc Kinh, và không dám gọi đúng tên của nó là quân xâm lược.
Có thể nói rằng, hiện nay Trung Quốc gần như khống chế toàn bộ lãnh thổ nước ta.
Trên đất liền thì cho Trung Quốc cho thuê đất rừng 70 năm tại những vùng nhạy cảm về quốc phòng an ninh vì đây toàn là những vùng núi, biên giới thuộc 10 tỉnh với trên 300.000 ha. Điều vô lý là người dân trong nước đang thiếu đất trồng rừng mà lại đi cho nước ngoài thuê.
Cùng với Formosa Hà Tĩnh và Boxit Tây Nguyên là hai vị trí chiến lược rất quan trọng, nay Trung Quốc hoàn toàn làm chủ.
Trên vùng biển thì máy bay ta bay trên bầu trời nước ta cũng bị bắn rơi bất cứ lúc nào.
Năm 2016: Tai nạn kép Su-30MK2 và CASA-212 rơi trên biển nước ta. Máy bay Su-30MK2 do phi công Trần Quang Khải điều khiển chết, và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường do ngư dân vớt được.
Sau đó máy bay CASA-212 chở 9 người đi tìm kiếm Su30MK2 cũng bị rơi trên vùng biển Hải Phòng. Mặc dù đã tìm thấy tất cả các hộp đen và viết ai là thủ phạm bắn rơi hai máy bay này, nhưng nhà nước Việt Nam không dám lên tiếng tố cáo.
Ngư dân các tỉnh ven biển được nhà nước động viên ra khơi làm cột mốc sống để xác định chủ quyền biển đảo, đã trở thành những bia thịt cho tàu Trung Quốc đâm chìm, thậm chí là bắn chết, cướp ngư cụ và hải sản ngay trên vùng biển nước ta.
Còn mấy chiếc tàu ngầm mà Việt Nam mua của Nga mấy tỷ đô la, chỉ để làm cảnh cho sang.
Cùng với Luật An ninh mạng nhằm khóa mõm người dân không cho ai lên tiếng, và Luật Đặc khu hành chính tuy chưa được thông qua, nhưng Trung Quốc đã xây dựng sân bay ở Vân Đồn cùng các cử điểm khác ở Phú Quốc, Nha Trang, thì coi như Luật Đặc khu được quốc hội thông qua chỉ là vấn để thời gian.
Vậy thì những quả ngư lôi kia được nhà cầm quyền Trung Quốc rải vào bờ biển nước ta, coi như những tên lính tiền trạm đi dò đường vậy. Vì như lời của Tướng Trương Giang Long từng nói: “Đã có không chỉ một trăm, mà nhiều trăm người Việt Nam do trung Quốc cài cắm vào trong bộ máy nước ta”.
Để rồi một ngày không xa, Hiệp ước Hội nghị Thành Đô sẽ được hiện thực hóa, nước Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh của Trung Quốc, mà phía trung Quốc không mất một viên đạn và tên lính nào.
_______________________________
Chú thích: