Trương Văn Dân: Người tìm lại một nửa linh hồn - Dân Làm Báo

Trương Văn Dân: Người tìm lại một nửa linh hồn

Nhà văn Trương Văn Dân và vợ ông nhà văn Elena Pucillo
Đỗ Trường (Danlambao) - Nếu không có gần nửa thế kỷ sống xa quê, xa Tổ Quốc, thì có lẽ, chưa chắc Trương Văn Dân đã dính vào cái nghiệp văn chương, viết lách. Những năm tháng chia ly ấy, như một sự thiếu hụt trong tâm hồn, luôn làm cho ông chông chênh và trống trải. Để lấp đi khoảng trống đó, Trương Văn Dân phải độc thoại trên từng trang viết của mình. Sự tìm tòi và sáng tạo ấy, không chỉ vơi đi nỗi nhớ thương, mà còn giúp ông tìm lại một nửa linh hồn của mình, dường như vẫn còn ở lại nơi quê nhà. Do vậy, có thể nói, cũng như Trần Trung Đạo, Phạm Tín An Ninh, hay Cao Xuân Huy, nhà hóa học Trương Văn Dân đến với văn thơ một cách ngẫu nhiên, bởi hoàn cảnh cuộc sống, và trái tim thúc bách, chứ hoàn toàn không có sự chuẩn bị để trở thành một nhà văn. Văn thơ Trương Văn Dân, tuy không vụt sáng lên, song nó góp phần không nhỏ cho sự tiếp cận, giao thoa giữa hai nền văn học Việt - Ý (Italia).

Nhà văn Trương Văn Dân sinh năm 1953 tại Bình Định. Sau khi tốt nghiệp tú tài, năm 1971 ông du học ở Italia và trở thành chuyên gia hóa dược. Gần nửa thế kỷ sống và làm việc ở nước ngoài, cho đến thời gian gần đây, ông cùng vợ là nhà văn, tiến sĩ ngôn ngữ học Elena Pucillo về giảng dạy bậc đại học và viết văn tại Saigon.

Sau tập truyện ngắn Hành Trang Ngày Trở Lại, tiểu thuyết Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa, Trương Văn Dân dịch một loạt sách của vợ (nhà văn Elena Pucillo) và của một số nhà văn Italia như: Một Phút Tự Do, Vàng Trên Biển Đá Đen và Mùa Hè Tươi Đẹp, Những Ngày Đánh Mất…Và gần đây, Trương Văn Dân cho ấn hành tập truyện, Milano –Saigon Đang Về Hay Sang. Và tiếp đó tiểu thuyết, Trò Chuyện Với Thiên Thần, ông vừa viết xong.

Tuy đến với văn chương khá muộn, nhưng phải nói, bút lực, văn phong của Trương Văn Dân già dặn và mang tính đặc trưng thật rõ ràng. Với tôi, Hành Trang Ngày Trở Lại, và Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa là hai tác phẩm tiêu biểu, làm nên một chân dung nhà văn đất võ Tây Sơn Trương Văn Dân. Nếu Hành Trang Ngày Trở Lại chỉ dừng ở mức khái quát nỗi đau, thân phận con người với lòng nhân đạo, cảm thông, thì đến Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa, ngòi bút Trương Văn Dân đã chọc thẳng vào cái ung nhọt, cảnh báo và chỉ ra nguyên nhân gây nên nỗi đau, bệnh tật dẫn đến cái chết tang thương ấy.

Nỗi đau và khát vọng.

Khi đánh giá về nhà văn Trương Văn Dân, một số nhà phê bình trong và ngoài nước cho rằng: "Ông là một người đôn hậu, chất phác, phong thái giản dị, không quên gốc rễ, cội nguồn, dù đã sống bao năm và chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây". Là người sống lâu ở Châu Âu, ở một khía cạnh nào đó, tôi không thể đồng cảm hết với nhận định trên. Và nếu được phép, tôi xin đảo lại câu trên: Do chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, nên tính hiền lành chất phác, đôn hậu, phong thái giản dị, không quên gốc rễ, cội nguồn của Trương Văn Dân ngày càng đậm nét hơn.

Thật vậy, nếu không chịu ảnh hưởng cái văn hóa nhân bản, rộng mở và đôn hậu của phương Tây, chưa chắc Trương Văn Dân viết được những trang văn nhân bản, đậm chất thơ và trữ tình đến vậy. Và khi nghiên cứu Trương Văn Dân, ta có thể thấy, tự sự, độc thoại cùng đi sâu vào phân tích nội tâm nhân vật là thi pháp đặc trưng nhất trong tiểu thuyết, văn xuôi của ông. Có lẽ, tôi cũng là một trong những kẻ có máu đọc, đọc bất kể loại sách gì, và của ai. Đôi khi máu chập cheng bốc lên, tôi thường có những mối liên hệ, so sánh. Do vậy, khi đọc Trương Văn Dân, tôi nhận ra, ông là một nhà văn có tài phân tích, cũng như miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật. Có một điều đặc biệt, nhà văn Elena Pucillo vợ ông cũng có chung đặc tính này.

Có thể nói, Trương Văn Dân đã đạt đến độ chín ngay từ những truyện ngắn đầu tiên. Hành trang ngày trở lại, trong tập truyện cùng tên là một truyện ngắn như vậy. Đây là một trong những truyện ngắn hay nhất của ông về mặt nội dung, tư tưởng. Đọc nó, làm tôi liên tưởng đến truyện ngắn, Thằng bé đánh giày người Nghĩa Lộ của nhà văn Phạm Tín An Ninh. Xuất thân, hoàn cảnh của nhân vật, của những chú bé ở hai câu chuyện tuy khác nhau, song đều gặp nhau ở cùng một điểm bơ vơ, và đói rách. Từ trong bần cùng tăm tối đó, tính xã hội, và lòng nhân đạo hiện lên một cách sâu sắc và cao cả, thông qua lăng kính của nhà văn. Nghệ thuật dẫn truyện mang đậm tính tự thuật, tưởng như không quá dụng công, vậy mà mộc mạc đến chân thực, làm người đọc không khỏi bùi ngùi, xúc động. Thật vậy, lời tự sự dưới đây, tuy không phải là đoạn văn hay của Trương Văn Dân, nhưng làm cho lòng ta rung động, bởi cái ăm ắp tình người:

"…Đêm ấy Quang cứ suy nghĩ mãi. Mình có thể làm gì để có thể đổi thay số phận của nhiều người? Có thể làm gì để gỡ bớt gánh nặng oằn vai của một đứa trẻ đầy phẩm giá?... Buổi sáng trước khi rời Quy Nhơn anh chạy đi tìm Bảo để đưa cho em tất cả số tiền còn lại. Bảo ngơ ngác chưa biết phản ứng ra sao. Khi em cố chạy theo để gọi: "Chú ơi, con không dám nhận đâu!" thì Quang đã rồ máy Honda chạy mất. Gió thổi bạt về phía sau, tiếng anh khàn và đục: "Giữ đi cháu. Cháu sẽ sử dụng nó một cách xứng đáng hơn chú nhiều!..." (Trích đoạn Hành trang ngày trở lại)

Có lẽ, cùng cảnh ba, bốn chục năm xa quê, xa Tổ Quốc, nên tôi rất đồng cảm và khoái đọc những bài tùy bút, tâm bút của Trương Văn Dân. Nhất là những bài ông viết về mẹ, về quê hương. Cái mất của mẹ làm cho ta vội vã trở về. Chỉ còn kịp nhìn mẹ qua tấm kính trên mặt áo quan. Còn vài tiếng nữa thôi, không bao giờ còn nhìn thấy mẹ, và ta sẽ trở thành kẻ mồ côi. Vâng, tâm trạng ấy, trang văn ấy, dường như Trương Văn Dân không chỉ viết cho ông, mà cho tất cả những kẻ mồ côi mẹ như tôi vậy. Để khi viết những dòng chữ này, nước mắt vẫn còn nhòe rơi trên bàn phím vi tính, bởi tôi vừa đọc lại bài viết về mẹ của ông. Có thể, tôi chưa đọc nhiều những bài viết về mẹ của các tác giả khác. Cho nên, với tôi, cùng với Đêm Giao Thừa Nhớ Mẹ của Trần Mạnh Hảo, Nghĩ Về Mẹ Và Quê Hương của Trần Trung Đạo, có lẽ Về Một Ngôi Sao của Trương Văn Dân cũng là tùy bút về mẹ hay nhất cho đến thời điểm hiện nay. Phải nói, ở thể loại này, bài nào của ông cũng có lời văn rất đẹp và súc tích. Đoạn trích, dưới đây sẽ chứng minh cho điều đó:

"…Thỉnh thoảng tôi đứng dậy thắp nhang rồi bước đến nhìn mẹ qua tấm kính trên mặt áo quan. Nước mắt hoen mờ tôi thấy mẹ như đang thiếp ngủ. Những sợi khói nhang màu xám từ bàn thờ bay lên, phất phơ như tóc mẹ. Hơi thở của mẹ như vẫn đều đều theo tiếng chuông mõ nhịp nhàng. Mẹ vẫn nằm đây nhưng chỉ còn vài giờ nữa thôi, dù sau này có bay trăm nghìn dặm tôi sẽ không còn bao giờ thấy mẹ. Từ nay, tóc bạc đã lâu nhưng tôi vẫn là một đứa trẻ mồ côi. Mồ côi cả những lời khuyên răn, trách mắng dù hằng năm có quay về, xúm xít đứng trước bàn thờ lung linh hương khói…" (Về một ánh sao)

Thân phận con người xuyên suốt những trang văn của Trương Văn Dân. Trang viết ấy, không chỉ làm ấm lòng những người già bất hạnh, hay nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ, cù bơ cù bất nơi quê nhà, mà còn xoáy sâu vào thân phận, tấm lòng của những kẻ tha phương cầu thực như chúng tôi. Lao lực dẫn đến cái chết của Quang nơi xứ người, trước sự tham muốn một cách vô tâm của những người thân nơi quê nhà. Truyện ngắn Quyển Sách của Trương Văn Dân đã cho người đọc thấy rõ điều đó. Không dừng lại ở đó, ông còn cho người đọc thấy rõ giá trị, cũng như triết lý về cuộc sống. Tôi nghĩ, Quyển Sách là những lời tự sự hơn là một truyện ngắn. Bởi, nó quá chân thực trong bối cảnh sau 1975 của mỗi gia đình người Việt đều có thể xảy ra. Đây một trong những câu chuyện hay, cảm động nhất trong tập truyện Hành Trang Ngày Trở Lại của Trương Văn Dân. Và chính nó, góp phần gây cho tôi cảm hứng buộc phải cầm bút để viết bài này. Ta đọc lại đoạn trích dưới đây để thấy rõ nỗi ân hận về cuộc sống (sau lỗi lầm) của con người, và cái nhân sinh quan của chính tác giả:

"Tôi yên lặng cảm thông nỗi thống khổ của bà. Lòng tôi xót xa trước những cảnh ngộ trớ trêu của những kiếp người. Thời gian mong manh hữu hạn nhưng hình như chúng ta không dành cho cuộc sống, cứ mãi chạy theo những ảo ảnh hão huyền và lầm lạc. Rồi đến khi mất mát, dẫu ân hận vô bờ cũng không làm sao kéo lại." (Trích đoạn từ Quyển sách)

Chưa một lần được gặp gỡ, tiếp xúc nhà văn Trương Văn Dân do vậy, không biết trong cuộc sống thường nhật ông có Đức tin hay không? Nhưng khi đi sâu vào đọc và nghiên cứu, thấy văn thơ của ông đến rất gần với Đạo giáo. Gã Lang Thang Tóc Trắng là một trong những truyện ngắn điển hình nhất của ông về đề tài này. Có thể nói, đây là truyện lồng truyện. Một truyện ngắn, nhưng chuyển tải được nhiều thông điệp đến người đọc. Dường như, nhà văn muốn mượn mặt sau của xã hội phồn thịnh châu Âu, vẽ nên bức tranh quả báo ảm đạm và u buồn, để răn mình, răn người vậy. Cái tầng lớp tận cùng của xã hội ấy hiện lên, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận. Trong đó, có người thật đáng thương, và có cả những kẻ trí thức, quyền thế lưu manh và bỉ ổi đã hết thời. Nhìn vào đó, ta có thể thấy, kẻ lừa đảo, sống trên đầu, trên cổ những người dân lương thiện, chắc chắn phải trả giá. Âu đó cũng là luật nhân quả trong triết lý Nhà Phật vậy. Đây là một trong những truyện ngắn hay nhất về cả nội dung tư tưởng và thủ pháp nghệ thuật dẫn dắt câu chuyện của Trương Văn Dân:

"…Còn khả năng là lão sẽ đi tìm cái chết? Tôi không bao giờ tin là điều ấy có thể xảy ra, mà dầu cho là có đi nữa, chưa chắc lão có thể thực hiện được ý định quyên sinh. Sống thì rất khó mà chết cũng chẳng phải dễ đâu. Sống và chết đâu có phải tuỳ thuộc ở mình. Lão sẽ còn phải tiếp tục trả giá cho hành động táng tận lương tâm của mình thêm nhiều năm nữa…" (Đoạn trích Gã lang thang tóc trắng)

Tuổi thơ đã đi qua chiến tranh, do vậy bom đạn chết chóc luôn ám ảnh Trương Văn Dân, ngay cả khi đã sống và học tập ở nơi yên bình. Và chiến tranh đã lùi xa mấy mươi năm, vậy mà khói lửa, nỗi đau của đất nước, con người còn thấm đấm những trang viết của ông. Một tiếng súng nổ ở nơi nào đó trên trái đất này cũng làm cho lòng ông day dứt khôn nguôi. Buổi Chiều Trên Nghĩa Trang là một trong những tùy bút như vậy của ông. Có lẽ, đây là một trong những bài tùy bút, tâm bút có lời văn đẹp và sinh động nhất của ông. Tuy nhiên, nếu không có đoạn kết làm nên cái tứ rất hay, thì có lẽ tùy bút này đọc xong sẽ trôi tuột đâu mất. Thật vậy, Trương Văn Dân đã mượn nghĩa trang ở thành phố yên bình, nơi mình đang sống để nói lên khát vọng sống, khát vọng hòa bình của con người. Có nhiều người cùng viết về đề tài này, nhưng quả thật rất ít người viết truyền cảm và mới lạ như ông. Đoạn văn kết dưới đây, dường như, nhà văn Trương Văn Dân đã lấy ý tưởng ở đâu đó để viết nên. Vậy mà, nó như một tiếng kêu của những oan hồn khoan xoáy vào lòng người đọc: 

"Sao chúng ta không gom hết vũ khí trên trái đất đúc thành những chiếc chuông nhỏ và phân phát cho tất cả mọi người, mời tham gia vào một cuộc đại diễu hành vòng quanh thế giới để đòi hỏi hòa bình. Đồng loạt, đồng loạt những tiếng chuông cùng lúc gióng lên, ngân vang trong không gian, truyền đến mọi quốc gia trên quả địa cầu để tỉnh thức tâm thiện của loài người". (Đoạn trích Buổi chiều trên nghĩa trang).

Ta có thể thấy, nỗi đau nhân thế, lòng nhân bản cùng khát vọng hòa bình luôn thường trực trong con người, cũng như những trang văn của Trương Văn Dân. Mỗi trang viết của ông, như những liều thuốc Aspirin xoa dịu nỗi đau của con người. Nhất là những độc giả phải xa quê, xa Tổ Quốc như chúng tôi. Nếu được phép chọn nhà văn điển hình, tiêu biểu đã và đang sống ở châu Âu, thì có lẽ, ông là một trong số ít người tôi nghĩ đến.

Tư tưởng. Tình yêu. Một tiếng kêu tuyệt vọng trong sự bế tắc của xã hội.

Có thể nói, từ Hành Trang Ngày Trở Lại đến tiểu thuyết Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa, Trương Văn Dân có sự chuyển biến thật rõ ràng về nội dung cũng như nghệ thuật sáng tạo. Hình ảnh ẩn dụ, với tính đa tầng, đa nghĩa, buộc người đọc phải ngẫm nghĩ, và đưa ra những cảm nhận không đồng nhất. Đó là thi pháp đặc trưng nhất của tiểu thuyết Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa. Thành thật mà nói, tôi đã phải ngẫm nghĩ khá lâu để tìm tư tưởng, cũng như ý đồ chuyển tải của tác giả trong cuốn tiểu thuyết này. 

Thông thường, khi xây dựng một câu chuyện tình cao thượng, và lãng mạn nào đó, nhà văn thường lấy những mẫu nhân vật còn trinh nguyên. Nhưng ở Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa, Trương Văn Dân đã làm ngược lại cái lẽ thông thường ấy. Ông xây dựng cái đẹp, cái tình yêu đích thực từ những nhân vật đã trải qua nhiều lần đổ vỡ, ly hôn. Dường như, thông qua câu chuyện tình này Trương Văn Dân muốn phá vỡ quan niệm chữ trinh trong tình yêu, một thứ xiềng xích bấy lâu nay. Cái quan niệm, và sự ràng buộc này dẫn đến rất nhiều hệ lụy lâu dài cho tình yêu, hạnh phúc gia đình. Nó còn sinh ra một thứ thú tính, quái đản bán mua, khâu vá trinh tiết của những kẻ lừa lọc, quyền chức, trọc phú lắm tiền nhiều của. Phải nói, gài cái tư tưởng rất mới này vào những trang văn của mình, là một sự dũng cảm của nhà văn. Sự phá bỏ quan niệm chữ trinh, và đưa ra cái nhìn mới, trinh tiết tâm hồn mới thực sự là tận cùng cao đẹp của tình yêu, nhà văn Trương Văn Dân đã đưa người đọc đến rất gần với quan niệm, văn hóa của người Phương Tây. Đọc Trương Văn Dân, tôi lại càng khâm phục cái tư tưởng tự do của cụ Nguyễn Du. Cách nay mấy trăm năm, vậy mà cụ đã cả gan phá vỡ lễ giáo, để Thúy Kiều: Xăm xăm băng lối vường khuya một mình, đến với Kim Trọng, nhân lúc ông bà Vương Viên Ngoại vắng nhà.

Thật vậy, đoạn trích dưới đây, Trương Văn Dân đã cho người đọc thấy rõ, cái hương vị trái cấm, họ đã tìm thấy ở trong nhau là thứ trinh tiết tâm hồn, đẩy tình yêu lên đến tận cùng của cảm xúc, chứ chắc chắn không phải thứ cảm xúc xác thịt:

“Tôi ôm lấy Gấm, cả hai tận hưởng dư vị trái cấm trong cảm giác say sưa. Rã rời và buông thả. Hình hài quằn quại như đớn đau, nhưng hoan lạc vươn lên đỉnh điểm…phút giao cảm đó là sự tái hợp hai-phần-người bị tách đôi, mãi mãi kiếm tìm nửa phần còn lại…” (Bàn tay nhỏ dưới mưa-sách đã dẫn)

Nếu cứ dùng thi pháp để luận soi, ta có thể thấy Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa không hẳn là tiểu thuyết. Bởi, Trương Văn Dân đã trộn tất tần tật các thể loại, tiểu thuyết, tiểu luận, phóng sự…vào trang văn của mình. Theo cách nói của nhà thơ Trần Mạnh Hảo: Ông trộn các thể loại vào nhau như người trộn men vào cơm rượu vậy. Qua công đoạn chưng cất này, thứ rượu của Trương Văn Dân đã làm cho độc giả phải say đứ đừ. Có thể nói, sử dụng nhiều thể loại trong một tác phẩm văn học, tuy sinh động, nhưng đó là sự mạo hiểm, nếu nhà văn không có thực tài.

Tình yêu là đề tài quan trọng bậc nhất của văn học. Cũng như thơ lục bát vậy, viết về tình yêu thì dễ, nhưng rất khó hay. Và bất kỳ người cầm bút nào ít nhiều cũng buộc phải viết, thử nghiệm qua nó. Trước đây mấy năm, ở Đức xuất hiện hai tiểu thuyết, Quyên của Nguyễn Văn Thọ và Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa của Trương Văn Dân. Cả hai cuốn đều đề cập đến tình yêu và thân phận người phụ nữ. Tuy hai tác giả này đã và đang sống ở châu Âu, nhưng xuất thân cũng như hoàn cảnh sống hoàn toàn khác nhau. Quyên của Nguyễn Văn Thọ được trong nước dựng thành phim, mang sang Đức trình chiếu, nhằm mục đích tuyên truyền. Do chưa thực trải nghiệm, hoặc tài văn, nên người đọc ở Đức như chúng tôi, thấy ngay cái giả ở trong đó. Nhất là khimiêu những pha làm tình dung tục, rẻ tiền của Nguyễn Văn Thọ. Đành rằng, tiểu thuyết hóa, song những tình tiết, tâm lý, hành động phải có tính logic, làm cho người đọc có thể chấp nhận được. Cho nên, Quyên của Nguyễn Văn Thọ thất bại ngay ở mảnh đất đã sinh ra nó. Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa của Trương Văn Dân tuy không được o bế như Quyên của Nguyễn Văn Thọ, nhưng có sức sống khá dẻo dai, kể cả vùng Dresden, Leipzig, nơi đông dân miền Bắc cư ngụ. Phải nói thẳng, Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa có sức sống như vậy, bởi Trương Văn Dân là nhà văn có thực tài. Ngoài lời văn chân thực, sáng và đẹp, ông còn có trí tưởng tượng rất phong phú. Do vậy, đọc những đoạn văn tả cảnh, tả tình của ông, những kẻ tâm trí, sức lực đã đi sang bên con dốc như chúng tôi, vậy mà người khí thế cứ dâng lên hừng hừng. Thế mới lạ. Đoạn văn tinh tế và sinh động dưới đây, không chỉ cho ta thấy cái đẹp đến thánh thiện của tình yêu, tình dục, mà một lần nữa chứng minh tài năng phân tích, miêu tả diễn biến hành động và nội tâm nhân vật của Trương Văn Dân:

“Khi anh đặt nhẹ tôi trên giường thì tôi vội ôm chầm lấy anh… Môi anh mơn man trên khuôn mặt tôi đầm đìa nước mắt. Tôi hớp lấy từng giọt, từng giọt, tham lam nuốt chửng như sợ phí phạm những giọt tình yêu đang chảy trên má mình… Cảm xúc của tôi tăng dần khi toàn thân cảm nhận những nụ hôn cháy bỏng từ đôi môi thèm muốn của anh… Tôi miên man ngụp lặn. Bờ môi tôi cuống quýt áp lên cổ, rồi trườn xuống lồng ngực…anh… Ngọn lửa đam mê trong lòng như đốt tôi thành hơi nước, thăng hoa trong tiếng rên rỉ và giãy đạp của cảm xúc… Mọi phù phiếm của đời sống đều bị chìm đi, mất hút, cái còn lại là cảm giác đê mê của sự hiến dâng, cho và nhận, vút bay lên…”(Bàn tay nhỏ dưới mưa-sách đã dẫn)

Nếu đọc nhanh, cứ ngỡ Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa là một câu chuyện tình, với cái kết rất buồn. Nhưng đọc thật chậm lại, ta mới nhận ra, đằng sau câu chuyện này tác giả muốn bóc trần cái ung nhọt của chế độ xã hội đương thời. Với cái chết bởi ung thư phổi của Gấm như một thông điệp cảnh báo sự tàn phá thiên nhiên, đất nước của những kẻ bán cả linh hồn cho quỷ dữ, gửi đến người đọc vậy. Có thể, nhiều người có những suy nghĩ khác tôi, khi đọc Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa của Trương Văn Dân. Và tôi cũng rất mong như vậy, bởi một cuốn sách mang lại nhiều thông điệp khác nhau cho người đọc, ấy mới là tác phẩm văn học hay. Ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây, để qui chiếu và thấy rõ thực trạng của đất nước, con người, cũng như tư tưởng, ý đồ chuyển tải của tác giả:

“Các người đang khai thác hành tinh này như thể là không hề có ngày mai. Các người đã bán rừng. Bán đất. Hết bán trên mặt thì các người đào xới dưới sâu để bán. Các người đang bán những gì có thể. Bán tất tần tật. Kẻ bán thể xác, kẻ bán vật chất lẫn tinh thần, bán mãi đến khi không còn gì để bán…”(Bàn tay nhỏ dưới mưa-sách đã dẫn)

Nhìn chung, văn của Trương Văn Dân mang đặc tính tư tưởng cao, với thủ pháp độc thoại nội tâm sâu sắc, mang tính sân khấu kịch trường. Tuy nhiên, thiếu đối thoại, dẫn đến lời văn chậm, mang đến cảm giác nặng nề cho người đọc. Như một lần điện đàm với nhà văn Nguyễn Hoàng Đức, khi bàn về văn chương của Trương Văn Dân, dường như anh cũng đồng cảm với tôi điều này.

Có thể nói, Trương Văn Dân là nhà văn của nỗi đau. Bởi, mỗi truyện ngắn, hay mỗi trang tiểu thuyết của ông đều khắc sâu hình tượng, nỗi đau của đất nước và con người. Từ trong nỗi buồn đau, và tương lai mịt mù ấy, nhà văn khai mở ra một con đường, một lối đi…

Vâng, con đường đi ra từ nỗi đau ấy, nói như nhà thơ Thế Dũng: Có những nỗi đau trở thành ánh sáng.

Và tôi tin là như vậy!

Leipzig ngày 4-12-2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo