Đấu tranh không phải chuyện của tôi - Dân Làm Báo

Đấu tranh không phải chuyện của tôi

Võ Ngọc Ánh (Danlambao) - Người Việt đang xem chuyện đấu tranh, thay đổi xã hội theo hướng tốt đẹp hơn là việc của ai đó chứ không phải của mình, người thân, dòng tộc... 

Đa phần người dân thấy được sự bất cập, vô lý của chính trị, xã hội... ở Việt Nam. Họ mong muốn có sự thay đổi để đất nước được dân chủ, tốt đẹp và an toàn hơn. 

Tuy nhiên, không ai dám lên tiếng, vì nỗi sợ lấn át mọi suy nghĩ, hành động... Người ta đang nhắc nhở nhau về nỗi sợ công an, chính quyền để sống.

Nói đến chính trị, đấu tranh chính trị nhiều người tỏ ra xa lánh, không quan tâm, thoát tục... Họ lý giải chỉ mong đi làm kiếm tiền lo cho bản thân, gia đình, tương lai... thoát ly khỏi tổ quốc. 

Viết sẽ bị bắt 

Tú - bạn của cu Tí là bác sĩ trẻ có tiếng tăm tại một bệnh trung ương ở Sài Gòn (tên bạn đã được thay đổi). Trong lần gặp mặt bạn bè mới đây anh khuyên nhủ: Việt Nam lúc này tốt hay tệ không cần giải thích thêm. Nếu có bực tức quá thì cũng chỉ nên nói thôi, chứ viết đăng Facebook, blog thì dễ bị tóm, hoặc gây khó khăn trong công việc. Luật An ninh mạng có hiệu lực rồi. 

Theo như Tú, bạn vẫn theo dõi, đọc Facebook của cu Tí, cũng như nhiều Facebooker, blog của những người đấu tranh, viết xuất sắc khác. Tuy nhiên chúng tôi chẳng ai bao giờ nhận được cái like, reacted nói chi đến comment, share từ anh với những vấn đề nóng bỏng của Việt Nam. 

Hổng biết có phải, Tú đang quán triệt like, comment và share có ‘trách nhiệm không’?! 

Tú bác sĩ ngoan quá đi mất. Anh thực hiện rất đúng chủ trương của ban tuyên giáo, đảng đoàn nơi anh làm việc. Facebook Tú đăng toàn hình gia đình, con cái, những chuyến đi chơi, thiên hạ like ầm ầm vài chục cái. Anh trả công like, comment lại hình ảnh chuyện ăn, chơi, ngủ, nghỉ... 

Tú dí dỏm có chút cay đắng, “'Chi bộ' họp ban đêm tại nhà các đại biểu thống nhất chỉ tập trung vào ‘cày, cuốc’ tìm đường xuất ngoại cho con.”. 

Áp lực từ người thân 

Người dám hành động thì lại gặp sự cản trở của thân nhân. Từng làm báo, luật sư, viết sách... Khánh Mai một người bạn khác của cu Tí luôn trăn trở với vấn đề của xã hội. Nỗi trăn trở đó được thể hiện qua các status, bài viết của cô. Có những bài viết đã đưa cô vào tổ ngàn like, ngàn share. 

Theo Khánh Mai, mỗi khi cô post các vấn đề nóng hổi, trăn trở thì luôn có các thành viên trong gia đình nhắc nhở gỡ xuống, đừng nói đến chính trị. “Người trong gia đình từ khuyên nhủ, đến răn đe, chia ra giám sát, canh từng status, bài viết của em. Áp lực không nhỏ”, Khánh Mai tâm sự. 

Lời trần tình của Khánh Mai không phải quá khó hiểu, mà nó vô cùng phổ biến ở Việt Nam. Những ai dấn thân vào con đường đấu tranh cho một xã hội dân chủ, tiến bộ, văn minh, tôn trọng luật pháp... hay có ý định lên tiếng cho việc này họ gặp lực cản đầu tiên và cũng gay gắt nhất từ chính người thân trong gia đình. 

Cô Tuyết Lan - một người mẹ tuyệt vời, đồng cam cộng khổ, chịu bao nỗi oan khiên, lao tù cùng con gái Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Tuy nhiên theo như chia sẻ của cô, ban đầu cũng khuyên con không nên quan tâm đến các vấn đề xã hội, dấn thân đấu tranh vì lo cho sự an toàn của con. 

Cũng dễ thông cảm, ai mà chẳng lo cho an nguy người thân mình. Mất việc làm, không có chỗ ở đến mất người yêu, mất chồng, mất vợ... không phải cá biệt với người yêu dân chủ ở Việt Nam. 

Thể chế toàn trị cộng sản không có gì họ không dám làm. Cướp ngang nhiên bằng văn bản, giết chính đồng bào của mình chẳng gớm tay, ngay cả “đồng chí” với nhau họ cũng không tha, thì ‘xử’ với người đấu tranh đâu có chi quá ghê gướm. Một vụ đụng xe, quần chúng tự phát, nghiện ngập... được giải thích một cách ‘tự nhiên’ từ chính quyền. 

Ngay ở Mỹ, cu Tí gặp, biết không ít người Việt khuyên con cháu, người thân đừng nói chuyện chính trị, đừng đứng gần, chụp hình cùng cờ vàng của Việt Nam Cộng Hòa, nói chi đến các sinh hoạt chính trị. Họ sợ về Việt Nam không được, sợ liên lụy cho người thân, về làm ăn, đời tư... 

Bản thân cu Tí lúc ngứa tay chỉ viết các status vô thưởng vô phạt, hoặc bài viết ngắn trăn trở cùng đất nước cũng nhận được không ít lời nhắn nhủ từ người quen: “Không muốn về Việt Nam nữa à”, “Muốn bị bắt à”, “Xuống máy bay sẽ có công an đợi sẵn ở cửa”... Đại khái úm-ba-la kiểu vậy. 

Có nên mặc kệ dân tộc tôi không? Mọi sự đã có đảng và nhà nước lo? 

Giải thích giúp cu Tí với. 

19.01.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo