Luật Đất đai - Dân Làm Báo

Luật Đất đai

Phước An Thy (Danlambao) - Đầu tháng Giêng năm 2019, trên các trang mạng xã hội và các đài phát thanh tại nước ngoài đã đưa nhiều thông tin và hình ảnh việc nhà cầm quyền phường 6, quận Tân Bình, thành phố Sài Gòn lấy cớ xây trường học đã đến cưỡng chế, phá hủy nhiều ngôi nhà của người dân ở Giáo xứ Lộc Hưng.

Sự việc xảy ra mấy ngày mà những ngôi nhà, những vườn rau xanh của người dân Lộc Hưng bỗng hóa thành đống tro gạch, đổ nát ngổn ngang, đã gây ra sự kinh hoàng và phản ứng giận dữ của hàng ngàn người dân trong nước cũng như ở nước ngoài.

Nhưng ít ai tự thử hỏi tại sao chính quyền lại có thể đối xử tàn ác với người dân như vậy và dựa vào đâu mà chính quyền có thể huy động toàn lực lượng công an, dân phòng, trật tự, thanh niên xung phong… đến vất đồ đạc của người dân ra ngoài, đưa cần cẩu, máy xúc phá nhà người dân một cách ngang nhiên như vậy.

Câu trả lời là chính quyền dựa vào luật Đất đai. Luật Đất đai quy định “Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý và Đảng Cộng sản chỉ đạo”.

“Toàn dân” là một đối tương khó xác định, mơ hồ, không phải là một đối tượng cụ thể nào thì làm sao nó là chủ sở hữu của một tài sản cụ thể được. Người dân Việt Nam trên thực tế là không có quyền sở hữu đất đai mà chỉ được nhà nước giao quyền sử dụng đất và nhà nước có thể lấy lại bất cứ lúc nào và nhiều bao nhiêu cũng được. Người dân khai hoang, bỏ tiền ra mua đất nhà, nhưng lại không được làm chủ mà người chủ chính là nhà nước thì làm sao mà công bằng cho được.

“Nhà nước thống nhất quản lý” là các quan chức, cán bộ từ trung ương đến địa phương đại diện nhà nước chủ sở hữu, quản lý đất, họ nắm toàn quyền ban phát cho ai thì người ấy được quyền sử dụng đất. Quan chức nhà nước có thể lấy lại quyền sử dụng đất của người dân. Quan chức nhà nước có quyền hạn để đầu cơ, chiếm đất, câu kết nhau ra các quyết định trưng thu đất đai của dân để ban phát cho phe cánh, giao cho các nhà đầu tư khác để kiếm lời. Khi thu hồi đất, các quan chức định giá bồi thường thiệt hại về đất và tài sản trên đất không phù hợp với giá thị trường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất, khiến người bị giải tỏa di dời không thể ổn định được đời sống của họ.

“Đảng Cộng sản chỉ đạo”, cuối cùng chỉ có đảng viên đảng Cộng sản và cán bộ là chủ sở hữu thật sự nhờ Luật Đất đai để cướp ruộng đất và tài sản của người dân.

Đã có nhiều người dân khiếu kiện và xung đột với chính quyền khi chính quyền tùy tiện cưỡng chế đất không công bằng, không công khai minh bạch với danh nghĩa vì “lợi ích công cộng”. Nhưng cũng có nhiều người dân chịu ôm nỗi uất nghẹn và có rất nhiều người đã dửng dưng trước nỗi đau của người khác vì chưa phải là đất đai, tài sản của mình bị cưỡng chế, thật ra là bị cướp.

Không có mấy người dân tự hỏi, đến bao giờ chúng ta mới đồng lòng đứng lên đòi hỏi quyền làm chủ, yêu cầu sửa đổi hiến pháp, xoá bỏ các luật tạo ra các vấn đề liên quan đến tình trạng bất công, băng hoại, kiệt quệ, tụt hậu và bế tắc... trong đó có Luật Đất đai mông lung này, nó là nguyên nhân tạo ra tệ nạn tham nhũng, kìm hãm sự phát triển và gây ra cảnh lầm than, cơ cực cho người dân Việt Nam.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo