Mẹ Nấm (Danlambao) - Ước muốn của con người thay đổi dần theo thời gian và nhận thức. Điều quan trọng là những yếu tố nào ảnh hưởng đến việc biến ước mơ thành hiện thực? Khi đối diện với hoàn cảnh thực tế, trăn trở với đời sống thường nhật, ta mới biết rằng mơ ước cá nhân khó có thể tách rời khỏi không gian, môi trường sống. Từ đó dẫn đến việc có nhiều người cùng có những mơ ước chung, đối diện với những vấn nạn chung và phải nắm tay nhau bước đi trên con đường biến ước mơ thành hiện thực.
Nhìn vào thực trạng xã hội hiện nay, nếu thử hỏi một người bất kỳ nào đó - “Bạn mong muốn gì ở xã hội này?”. Câu trả lời chắc chắn sẽ không giống nhau.
Dĩ nhiên bạn sẽ gặp rất nhiều câu trả lời như kiếm được nhiều tiền, vợ/chồng đẹp, con ngoan… Bên cạnh đó có những mong ước cao đẹp như một xã hội bình đẳng - công bằng - tự do. Người muốn thấy công lý được thực thi trong xã hội, người dân được sống hạnh phúc, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo bị xóa bỏ. Người muốn có cơ hội cống hiến cho đất nước mà không bị ngăn chặn hay dò xét. Người lại muốn dân trí được nâng cao, con người ý thức được các quyền căn bản của mình...
Nếu hỏi tiếp câu hỏi: “Điều gì ngăn cản bạn chạm đến ước muốn của mình?”
Ngoài những lý do khách quan có thể nêu ra, chính bản thân chúng ta là rào cản lớn nhất đối với việc thực hiện mơ ước của mình.
Trong mỗi người chúng ta đang nuôi dưỡng một nỗi sợ hãi mơ hồ, không có tên. Chính nỗi sợ hãi đó là chướng ngại vật lớn nhất trên con đường Từ Ước Mơ Đến Hiện Thực. Thậm chí, để yên thân, để tồn tại được trong xã hội đầy rẫy nỗi khiếp sợ này, sự sợ hãi bị biến thể thành một dạng cảm xúc mới, đó là sự bàng quan, thờ ơ, không quan tâm đến những gì đang diễn ra xung quanh mình. Nguy hiểm hơn ở nữa là sự bàng quan, thờ ơ này tiếp diễn ở trạng thái "di truyền" qua nhiều thế hệ. Ông-bà, cha-mẹ không quan tâm, dẫn đến con cháu thế hệ sau cũng thế, và cứ thế, sự sợ hãi kéo dài từ thời này qua thời khác, làm tinh thần con người ta trở nên nhu nhược.
Chắc chắn là sẽ có rất nhiều lý do đưa ra, để giải thích cho sự sợ hãi mơ hồ, hoặc lý giải vì sao nỗi sợ hãi được (bị) di truyền qua nhiều thế hệ. Người ta thường hay nhắc đến tâm lý mackeno (mặc kệ nó) trước những gì đang xảy ra xung quanh mình mà ít khi chịu nhìn nhận rằng vì quá sợ hãi, người ta phó mặc ước mơ của mình để được yên thân.
Vì sợ hãi, người ta thường nhìn những người can đảm hơn mình bằng một ánh mắt khác lạ, hoặc ngưỡng mộ, hoặc xem đó như những cá nhân lập dị đi ngược lại với tâm lý số đông. Hoặc vì sợ hãi chúng ta đi vay mượn lòng can đảm của người khác để quá giang cho ước mơ của chính mình. Chúng ta trở thành những người vỗ tay lớn nhất hoan hô lòng can đảm của người khác - nhất là khi họ bị chế độ cầm tù.
Để vượt qua được nỗi sợ hãi của mỗi cá nhân, không ai khác có thể giúp đỡ chính chúng ta ngoài bản thân mình. Bởi chính mỗi người phải có mong muốn hết sợ, thì mới đi qua được nỗi sợ hãi bằng chính trải nghiệm của bản thân.
Mỗi người có một cách giải quyết nỗi sợ hãi khác nhau, và cách vượt qua sợ hãi hiệu quả nhất là làm sao ngày càng có nhiều người hết sợ như một cá nhân đã từng làm được. Muốn vậy, nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, thay đổi nếp nghĩ, thay đổi thái độ và phản ứng trước những thông tin mà chúng ta nắm bắt được. Luôn đặt câu hỏi: “Vì sao người này làm được mà tôi không làm được?”
Quan trọng hơn hết là xác định rõ ràng những yếu tố chính yếu dẫn đến sự sợ hãi. Hay ngược lại, ta có thể chọn cách dễ hơn là xác định những chướng ngại vật ngăn cản chúng ta đi đến bên bờ can đảm. Xóa bỏ được những chướng ngại vật đó, con đường trước mắt sẽ trở nên thênh thang.
*
Tôi sẽ không ngồi yên chờ đợi thay đổi, mà tôi tự thay đổi từ chính trong suy nghĩ của tôi!!!
Tôi không ngồi yên kêu gọi người khác thay đổi, tôi phải thay đổi chính mình.
Tôi sẽ đối diện với những điều tôi luôn khiến tôi sợ hãi. Tôi sẽ như một đứa bé từ hoang mang đứng trước biển cả bao la sang đến vẫy vùng trong làn sóng bạc.
Từ đây, tôi sẽ che giấu những sợ hãi tồn đọng của chính mình và chỉ chia sẻ những can đảm tìm thấy được với mọi người chung quanh.
03.01.2019