Văn hóa rác - Dân Làm Báo

Văn hóa rác

Hoàng Thủy Ngữ (Danlambao) - Trên thế giới có lẽ không một dân tộc nào yêu văn hóa hơn dân tộc Việt. Hai từ văn hóa đã xuống đường, len lỏi vào mọi ngóc ngách xã ấp, xóm làng, khóm phường, phố thị, đầu đường xó chợ. Nó chui vào tận góc bếp gầm chạn từng nhà, nhảy xổm lên chễm chệ ngồi trong các cửa quan quyền. Nó múa may trong các lễ hội, sinh hoạt giải trí, tôn giáo, chính trị.

Người Việt như chưa bao giờ được tận hưởng khoái lạc văn hóa. Họ hít thở, ôm ấp, khóc cười, tự sướng với nó. Họ như chưa bao giờ được hãnh diện về văn hóa dân tộc. Nay họ được đánh thức dậy sau giấc ngủ dài. Văn hóa không chỉ được luận bàn trên báo chí hay trong các tài liệu, sách vở nghiên cứu bác học trên trời. Nó đi vào cuộc đời, sinh động như gánh xiếc, diêm dúa như phường chèo, phong phú như cỏ dại. Nào là tổ văn hóa, khóm văn hóa, phường văn hóa, nhà văn hóa, sở văn hóa, văn hóa ẩm thực, văn hóa giao thông, văn hóa thể thao, văn hóa đình chùa, văn hóa ứng xử, văn hóa Hà Nội, văn hóa nghìn năm Thăng Long... Nó nhiều đến mức người ta quay cuồng, ngụp lặn trong cơn lốc văn hóa, không kịp tiêu hóa thích ứng và cũng không biết xã hội này đang vận hành theo mô hình văn hóa nào. Biện pháp tốt nhất là hồ hởi phấn khởi theo kiểu bầy đàn hay cứ sống theo kiếp vô sinh và cố chết nhẹ nhàng với nó. Nói khác, một kiếp nhân sinh đúng quy trình, sống theo bản năng và chết theo lý trí. 

Có lẽ suốt dòng lịch sử dân tộc, chưa bao giờ văn hóa được hỗ trợ và định hướng mạnh mẽ như trong cái thời đại rực rỡ mang tên Hồ Chí Minh này. Hậu quả là một nền văn hóa bốc phét. Khởi đầu bốc phét có thể chỉ là tính đảng, dần trở thành thói quen chung của xã hội và tạo ra quán tính Việt đặc thù. Nhưng bốc phét là vỏ bọc của lường gạt và dối trá vì vậy nó bất cần luận chứng, đạo lý hay sự thật. Từ đó, dối trá đi vào mọi lãnh vực đời sống, là chìa khóa để thành công, là lá bùa hộ mệnh để tồn tại và người ta thoải mái sử dụng nó như lẽ tự nhiên. 

Rất nhiều người đã lên tiếng báo động về vấn đề văn hóa đất Việt. Nào là giáo dục xuống cấp, con người tha hóa,vô cảm, bạo lực gia đình và xã hội, đạo đức suy đồi, tình người cạn kiệt... Người ta truy tìm nguyên nhân, vặn óc đề ra giải pháp, dùng hết khả năng viết lách để trình bày. Đáng tiếc là dù sau bao cố gắng, vấn đề không những vẫn nguyên vẹn mà mỗi lúc càng tệ hại hơn. Có một thực tế người ta vẫn cố né tránh, không dám đề cập đến: đó là đảng cộng sản Việt Nam, một đống rác lịch sử. Khi một đảng phái chính trị xây dựng trên sự dối trá và dối trá như căn bệnh truyền nhiễm lây sang cả một dân tộc thì văn hóa phải suy tàn. Mong chờ sự lương thiện, tử tế, tình người, sự công bằng, tính ngay thẳng thật thà, liêm sỉ, thượng tôn pháp luật... khi dối trá là nền tảng của chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục,tín ngưỡng thì chẳng khác nào kẻ mộng du. 

Vài câu chuyện có thật về văn hóa xứ người: 

1. Nhân chuyến về thăm VN, đứa con trai 27 tuổi của người tôi quen được một người bạn ở VN đèo xe scooter đi hóng gió Sài Gòn. Đến ngã tư đèn đỏ, người bạn vẫn chạy và rẽ phải. Cảnh sát giao thông đã chận lại và đòi lập biên bản phạt tiền. Sau cuộc điều đình chớp nhoáng, số tiền phạt là 100000VND. Người bạn chỉ có 80000VND nên dở bài năn nỉ. Vừa ngay khi viên cảnh sát đồng ý, cậu “Việt kiều yêu nước” buộc miệng nói: Không sao đâu, N. có tiền trả mà!”. Thế là vụ bôi trơn kết thúc tốt đẹp, tiền đầy đủ vào túi người đại diện pháp luật. 

2. Luật pháp nước ngoài bắt buộc người ngồi trong xe ô tô phải choàng dây an toàn. Gia đình tôi quen có nuôi một chú chó cảnh, giống chihuahua. Theo luật, chủ xe cũng phải mua dây an toàn phụ dành riêng cho nó. Một hôm, cô con gái muốn chở thú cưng đi chơi nhưng không tìm thấy sợi dây. Gia đình bảo cô cứ bỏ chú cún vào xe chở đi không cần dây. Cô phản đối kịch liệt vì cho đó vừa nguy hiểm vừa phạm pháp. Cuối cùng, sau gần một tiếng đồng hồ lục tung trong nhà, cả hai có thể an vị ngồi trong xe với dây an toàn choàng vai. 

3. Cô con gái gia đình tôi quen xin vào học một trường trung học cấp 3 nổi tiếng tại thủ đô. Nhà trường yêu cầu cô phải có địa chỉ thường trú ở thủ đô. Trong thời gian học cấp 2, cô sống cùng cha mẹ ở tỉnh ngoại thành, cách trường khoảng 18 km. Giải pháp đơn giản nhất là mượn tạm địa chỉ của người chú hiện đang sống ở thủ đô để xin học rồi mỗi ngày đi về bằng xe bus. Cô dứt khoát không bằng lòng vì cho đó là dối trá. Cuối cùng cha mẹ phải thuê riêng cho cô một căn hộ gần trường để đi học. 

Cách suy nghĩ và hành xử của những đứa trẻ trong 3 câu chuyện kể trên có thể, đối với một số người, bị cho là ngớ ngẩn, gàn dở hay buồn cười. Các chính trị gia phương Tây có lúc cũng từng bị chế diễu là ngây thơ. Họ sinh ra và lớn lên trong một xã hội tự do dân chủ và hưởng được một nền giáo dục lành mạnh. Vì vậy, họ không quen những giả dối, đểu cáng, mánh khoé lọc lừa. Mọi giải pháp vẫn sẽ bế tắc nếu thể chế chính trị này vẫn tồn tại. Vấn đề là ở thượng tầng, đầu mối của mọi rác rưởi văn hóa. 

Trong kinh tế, cái quan trọng đối với người dân là công ăn việc làm chứ không phải những con số GDP. Các lý thuyết kinh tế sẽ trở nên tầm phào nếu không đạt được kết quả cụ thể. Cũng vậy, tiếp tục ngồi vạch ra những vấn nạn văn hóa xã hội, tìm cách sửa đổi trên nền tảng của dối trá chính trị là vô tình tiếp tục tiếp tay cho bạo quyền. Nó chẳng có gía trị nào khác ngoài việc khoe khoang kiến thức hơn người và không khéo lại đi vào vết xe đổ của đường lối mị dân. 

Không ai tìm cách sửa chữa một căn nhà sắp sụp vì thiếu móng. Vẫn chưa đủ nếu chỉ có cái tâm. Phải can đảm nói lên sự thật. Nếu kẻ thù của người Tàu là người Tàu (theo Bá Dương) thì chính người Việt là kẻ thù của nhau. Nguy hiểm nhất là những kẻ đã nhận ra sự bất lực của chính mình, phải xử dụng dối trá và bạo lực hay bám víu ngoại bang để tìm lối thoát. 

03.02.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo