Người Kể Chuyện (Danlambao) - Thưa quý đọc giả Dân Làm Báo, bài tiếp theo đây tôi mong quý độc giả chia sẻ và phân tích thật kỹ những điều tôi muốn tâm sự cùng quý vị. Nếu sai sót, xin quý độc giả rộng lượng tha thứ.
Tôi là một kẻ lang thang ăn mày cái chữ của bá tánh nhưng không dám ngạo mạn cho mình hơn người khác về suy nghĩ mặc dù tôi cũng lẫm chẩm gần 60 niên. Trải qua và tai nghe mắt thấy những gì lâu nay bình phẩm về trách nhiệm đấu tranh của người dân hiện còn đang sống dưới ách độc tài Cộng sản Việt Nam, nghe thật đáng buồn và đáng chê trách.
Thật sự người Việt không hèn như nhiều người nghĩ mà trái lại. Nhìn về lịch sử qua ngàn năm bắc thuộc và các triều đại nhà Trần, nhà Lý, nhà Lê và hai bà Trưng, Triệu... Những cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm phương Bắc thì dòng máu dân Việt không thể gọi là hèn được vì chúng ta đều là hậu duệ của họ. Giặc phương Bắc (tàu) đô hộ nước ta quá lâu là nhờ những thái thú được cài cắm, duy trì nó qua các thời suy vong khác nhau mà người Việt lúc đó không có thủ lĩnh cầm đầu hoặc có thể là do "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" giống như hiện nay. Người Việt sống ở nơi tự do khác rất nhiều người trong nước, một xứ sở độc tài toàn diện. Ở nơi tự do thì họ có thể muốn nói gì cũng được nhưng, người trong nước thì không hưởng được quyền đó mà lại được quyền khủng bố, bắt bớ, đánh đập và cầm tù... quyền con người bị chà đạp khủng khiếp kể cả trong tôn giáo.
Chê bai người trong nước hèn, không dám đứng lên lật đổ Cộng sản
Với những ý kiến kiểu này cần phải xem xét động cơ của người chê. Bởi thực tại người Việt đang bị khống chế nhiều mặt. Những nỗi sợ vô hình, sợi dây thòng lòng trói chặt các mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Dưới thời VNCH, sự giáo dục căn bản của người miền Nam Việt N am nói riêng và Á Đông nói chung, vẫn còn đâu đó trong miền Nam này. Sự nhẫn nhịn, chịu đựng của người Việt vẫn còn thật lớn lao vì ảnh hưởng có yếu tố gia đình. Cộng sản rất hiểu điều này nên có thể khống chế người đấu tranh qua nhiều hình thức để xiết cái bao tử của họ, gia đình và con cháu họ.
Tâm lý yên thân và trông chờ thủ lĩnh vẫn còn hiện hữu.
Làm sao mà không sợ khi sự bắt bớ, các bản án nặng nề và đòn thù của chế độ từ xưa đến nay luôn ám ảnh tâm trí họ. Những người lên tiếng chê bai, xúi dục người dân trong nước đứng lên có một ai đứng cùng họ đấu tranh không hay chỉ dùng bàn phím để thoả mãn cái tôi của mình?
Với những người đang sống ở đất nước tự do, thay vì chửi bới, chê bai thì hãy nên khuyến khích người dân trong nước vượt qua sợ hãi để cất tiếng nói đòi hỏi nhân quyền, chống bất công. Các vị cũng có thể sử dụng quyền công dân của mình để lên tiếng, để đứng cùng người dân trong nước. Hướng về Tổ quốc hòa nhịp theo với người dân Việt để cùng đồng lòng cất tiếng nói và bảo vệ các phong trào trong nước trên bình diện quốc tế có lẽ thực tế sẽ khác đi rất nhiều so với tình hình hiện nay.
Sự chia rẻ của người Việt không phải chỉ ở trong nước mà trên toàn thế giới đều có bàn tay máu của Cs thao túng theo sự chỉ đạo của ban Tuyên giáo. Cộng sản chủ đích chia để trị và mặc nhiên, những kẻ thiếu đầu óc suy nghĩ hoặc tham lam đều dính bẫy này và gây nhiều tai hại cho anh em, dân tộc mình, cũng không loại trừ kẻ đó là dân núp lùm, làm chim lợn như blogger Hồ Thu Hồng (Beo Hồng) chẳng hạn.
Trong nước hiện có vài trăm tù nhân chính trị và con số này ngày càng tăng và số tuổi của những người này ngày càng trẻ lại thì không thể xem là dân Việt hèn.
Đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ, tự do, người dân được sống đúng nghĩa với các quyền con người đầy đủ, trước hết đó là khao khát, là ước muốn của người dân trong nước. Và đó cũng là trách nhiệm chung của những ai yêu quê hương Việt Nam.
Tổ quốc Việt Nam này không phải của riêng ai, đừng gieo thêm nỗi đau cho người ở lại bằng những lời chê bai, chì chiết vì như thế chúng ta đã mắc mưu Cs và tự đặt mình vào vị trí sống như đang chết và đẩy những người người đấu tranh khác vào ngã ba đường.
26/04/2019