Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Khi phượng vỹ đỏ rực rỡ rồi rụng đầy sân trường, hòa cùng tiếng ve kêu râm ran, đó là lúc hè về. Lũ học trò tinh nghịch, dù hối hả nhưng nghiêm túc cho kỳ "đệ nhị lục cá nguyệt", để rồi bịn rịn tạm xa nhau với những cuốn lưu bút chuyền tay...
Váng vất đâu đó, áo trắng và sân trường bất chợt choáng lấy tâm trí tôi, hình ảnh học trò một thuở. Thật êm đềm và lãng mạn như dòng suối mát êm và trong vắt.
Kỷ niệm bỗng ào ạt trở về trong những ngày cuối tháng tư này...! Mới đó đã bốn mươi bốn năm!
Sài Gòn sụp đổ!
Như hiện tượng "sóng thần", ngày 30/4/1975, những bóng dáng đỏ loét và đen thui của "cờ và súng" hòa lẫn cùng những cái nón cối và quân phục xanh xao nhàu nhĩ, tất cả chúng lập lòe, rồi hiện rõ và ào ạt phủ xuống, nuốt chửng rồi cuốn phăng tất cả mọi thứ của Sài Gòn ngày xưa...
Hồi nhỏ, má tôi thường dạy: "Biết cái gì xấu thì nói cho người ta nghe con để không mang tội", trong khi ba tôi lại luôn dặn: "Nhớ! Ráng học cho giỏi, mai này thành tài sẽ sung sướng"...
Những lời dạy dỗ giản dị sao giờ lạ lẫm quá!
Môi trường học đường hồi xưa, tiếng chửi thề không có chỗ cho nó.
Tôi không hiểu và ngạc nhiên, khi lần đầu tiên trong đời mình, nghe được chữ... "đéo"! Vâng! Nó do một đứa bạn miền Bắc - di cư vào Sài Gòn sau 1975 - "mang vô". Ngây ngô, tôi hỏi nghĩa của "cái từ" nghe lạ tai đó! Nó cười phá lên và bỏ đi trước cái nhìn chưng hửng của tôi.
Dần dần, tôi cũng hiểu nghĩa "cái từ" tưởng nghe vui tai nhưng rất thô bỉ.
"Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng"! Tôi quen dần và bắt đầu "xài" "văn hóa đéo" không thua kém bất cứ đứa bạn nào.
Hồi xưa, không hề có kỳ thị Nam - Bắc như sau này. Người miền Bắc di cư vào Nam sau 1954, sống chan hòa với tất thảy. Những nhân vật nổi tiếng và thành đạt trong giới văn nghệ sĩ là chứng nhân dễ thấy nhất: Phạm Duy, Anh Bằng, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Ngọc Ngạn, Nam Lộc, Khánh Ly, Lệ Thu, Tuấn Ngọc v.v...
Không chỉ "văn hóa đéo", tôi nhanh chóng "tiếp thu" các "nét văn hóa" khác: "Văn hóa tranh thủ", "văn hóa động viên", "văn hóa thi đua" v.v... đặc biệt "văn hóa vô trách nhiệm" (người cộng sản gọi cho nhẹ đi - "thiếu trách nhiệm") mà trước đây tôi chưa từng biết đến. Tôi tập để "tồn tại", rồi sau đó quen dần như "một phản xạ có điều kiện", rồi "sử dụng ngón nghề" đổ trách nhiệm cho bất cứ ai mà tôi có thể đổ. Đến nỗi tôi còn ngạc nhiên về sự "chuyên nghiệp" của mình (!) Sao mà tài tình đến vậy (!).
Một người bạn trang lứa, nói với tôi: Hơn bốn mươi năm! Hơn bốn mươi năm đó mày! Mày tưởng ít lắm hả? Mày nhìn lại mày đi! Mày tỉnh lại giùm tao cái đi!
*****
Sài Gòn - cô gái xinh đẹp, dịu dàng, đoan trang và trong trắng. Rồi cô Sài Gòn, bỗng chốc bị người ta ép làm "phẫu thuật thẩm mỹ". Thật bất hạnh, cô Sài Gòn rơi vào tay những "bác sĩ thẩm mỹ" tốt nghiệp tại học viện danh tiếng mang tên "Xây Dựng, Sửa Chữa và Bảo Trì Đảng Cộng Sản Việt Nam" (!)
Nguyễn Thị Sài Gòn được nắn nót, được tỉa tót, được "costume", được "make-up" lộng lẫy đến mức đoạt giải "Hoa Hậu Của Sự Dang Dở"!
Nguyễn Thị Sài Gòn bây giờ... trụi lủi đến thảm hại, như một người bệnh ung thư sau chu kỳ hóa trị! Xanh xao và vàng vỏ!
Nguyễn Thị Sài Gòn ơi! Em ơi!
Tôi vẫn mơ thành phố cũ lối xưa đi về
Dù hồn nghe tái tê, tìm đâu thấy những cơn mộng mê
(Biết Bao Giờ Trở Lại - Ngô Thụy Miên)
Có ai cứu giùm em tôi không?!
Giọt nước mắt nóng ấm lăn chầm chậm trên má tôi với khát khao nhỏ nhoi:
Tôi vẫn tin, tôi vẫn tin mãi sẽ có ngày trở lại
Để cùng em rong chơi tìm những cánh sao rơi
Cho tiếng hát buồn ngày nào nhịp vang phố vui
Nụ cười về trên nét môi
Hạnh phúc tôi, một góc trời
(Viết cho "Sài Gòn Xưa" nhân ngày 30/4)