Trung Quốc có thể trỗi dậy một cách hoà bình hay không? - Dân Làm Báo

Trung Quốc có thể trỗi dậy một cách hoà bình hay không?

Chấn Minh (Danlambao) - Lời giới thiệu: John J. Mearsheimer (sinh năm 1947), là một nhà khoa học chính trị và học giả về bang giao quốc tế. Ông bắt đầu giảng dạy tại Đại Học Chicago vào năm 1982 và nay có tước vị R. Wendell Harrison Distinguished Service Professor. Hành trạng của vị giáo sư danh tiếng này rất đáng chú ý. Ông tình nguyện đi binh nhì vào lúc 17 tuổi, nhưng chỉ một năm sau thì được nhận vào trường Sĩ Quan Lục Quân Hoa Kỳ tại West Point. Sau khi tốt nghiệp, ông phục vụ trong Không Lực Hoa Kỳ trong 5 năm. Trong thời gian đó, ông lấy bằng M.S. về bang giao quốc tế tại viện Đại Học Miền Nam Bang California (University of South California). Sau khi giải ngũ, ông lấy bằng Ph.D. cũng về bang giao quốc tế tại viện Đại Học Cornell vào năm 1980. Một tiên đoán chính trị của ông đã rất chính xác. Vào năm 1993, ông kêu gọi Ukraine không nên từ bỏ vũ khí nguyên tử vì khi làm như thế sẽ mở đường cho nước Nga xâm lăng Ukraine. Ukraine tự ý hủy bỏ các vũ khí nguyên tử do Liên Xô để lại vào năm 1996, và Nga bắt đầu gây rối tại Ukraine một cách gián tiếp vào đầu thế kỷ thứ 21, vào tiến quân xâm lăng Crimea và Ukraine vào năm 2014. Cuộc xâm lăng Ukraine này của nước Nga vẫn còn tiếp tục vào năm nay. Bài viết sau cô đọng lý thuyết bang giao quốc tế của ông trong trường hợp Trung Quốc.

*

John J. Mearsheimer

17 Tháng Chín 2004

Câu hỏi được đặt ra giản dị và sâu sắc: Trung Quốc có thể trỗi dậy một cách hòa bình hay không? Câu trả lời của tôi là không. Nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển một cách ấn tượng trong vài thập niên tới, một điều có thể xảy ra là Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ cạnh tranh khốc liệt về mặt an ninh với khả năng chiến tranh sẽ xảy ra rất cao. Đa số các nước láng giềng của Trung Quốc, trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Nam Hàn, Nga, và Việt Nam sẽ tham gia và đứng về phía Hoa Kỳ để hạn chế quyền lực của Trung Quốc.

Để tiên đoán tương lai Á Châu, ta cần một lý thuyết chính trị quốc tế. Lý thuyết này phải giải thích được hai việc: một là các cường quốc lớn đang trỗi lên sẽ hành động như thế nào, và hai là các nước khác trong cùng hệ thống sẽ phản ứng ra sao khi phải đối đầu với các cường quốc lớn đó. Ngoài ra, lý thuyết này còn phải vững vàng về mặt lý luận và phải giải thích được quá khứ, tức là hành vi của của các cường quốc lớn đã từng trỗi lên.

Lý thuyết của tôi về chính trị quốc tế nói rằng các nước mạnh hàng đầu tìm cách làm bá chủ khu vực của họ trên thế giới, đồng thời tìm cách bảo đảm sẽ không có một cường quốc đối thủ lớn nào có thể thống trị được một khu vực khác. Sau khi trình bày lý thuyết này, tôi sẽ chứng minh khả năng giải thích của nó bằng cách áp dụng vào chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ kể từ ngày lập quốc. Sau đó, tôi sẽ bàn luận về các hàm ý của lý thuyết này và các hành vi trong quá khứ của nước Mỹ về tương lai các quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Lý thuyết

Sống còn là mục tiêu quan trọng nhất của một nước, vì một nước không thể nào theo đuổi bất cứ mục tiêu nào khác nếu nước đó không sống còn được. Cấu trúc cơ bản của hệ thống quốc tế buộc các nước quan tâm đến nền an ninh của họ phải cạnh tranh quyền lực với các nước khác. Mục tiêu tối hậu của mọi cường quốc lớn là tối đa hóa phần quyền lực của họ trên thế giới và rốt ráo là khống chế được toàn bộ hệ thống.

Có ba đặc điểm định nghĩa được một hệ thống quốc tế. Một là, các diễn viên chính trong hệ thống này là những nước vận hành trong một chế độ vô chính phủ, ý nghĩa giản dị của điều này là không có một thẩm quyền nào cao hơn ở trên các nước đó cả. Hai là, tất cả các cường quốc lớn đều có một khả năng tấn công quân sự nào đó, tức chúng có khả năng gây tổn thương cho nhau. Và ba là, không có nước nào có thể biết chắc chắn các ý đồ của các nước khác, đặc biệt là các ý đồ trong tương lai. Để nói một cách giản dị, đây là một việc không thể nào làm được, ví dụ, không thể nào biết Đức Quốc hay Nhật Bản có ý đồ gì đối với các nước láng giềng của họ vào năm 2025. 

Trong một thế giới mà các nước khác có thể có những ý đồ hắc ám cũng như những khả năng tấn công đáng kể, các nước thường hay sợ hãi lẫn nhau. Sự sợ hãi này được tăng gộp lên vì sự kiện trong một hệ thống vô chính phủ không có một ông gác đêm nào để các nước cầu cứu khi rắc rối gõ cửa. Vì thế cho nên, các nước nhìn nhận cách tốt nhất để sống còn trong một hệ thống như thế là phải càng mạnh càng tốt so với các nước có thể trở thành đối thủ. Khi một nước trở nên hùng mạnh hơn, xác suất một nước khác muốn tấn công nước đó sẽ giảm đi. Ví dụ, không có người Mỹ nào âu lo chuyện Canada hay Mexico sẽ đánh Hoa Kỳ, vì cả hai nước này không đủ mạnh để nghĩ đến chuyện đánh nhau với Chú Sam. Nhưng các cường quốc lớn không phải chỉ phấn đấu để trở thành cường quốc lớn và hùng mạnh nhất, mặc dù đây là một kết quả đáng mong muốn. Mục tiêu tối hậu của các cường quốc lớn nay là trở thành một nước bá quyền, tức là nước lớn và hùng mạnh độc nhất trong hệ thống chính trị. 

Ý nghĩa chính xác của việc làm một nước bá quyền trong thế giới cận đại là gì? Một điều hầu như không thể nào làm được bởi bất kỳ nước nào là làm bá chủ toàn cầu, bởi vì việc phóng ra và duy trì quyền lực tại trên toàn địa cầu và vào lãnh thổ các cường quốc ở xa quá khó khăn. Kết quả tốt nhất mà một nước có thể mong muốn là trở thành một nước bá chủ khu vực, và do đó khống chế được khu vực địa dư của chính nước đó. Hoa kỳ là nước bá chủ khu vực tại Tây Bán Cầu từ cuối các năm 1800. Mặc dù Hoa Kỳ nay rõ ràng là cường quốc hùng mạnh nhất trên hành tinh vào lúc này, Hoa Kỳ không phải là một nước bá chủ toàn cầu.

Các nước đã trở thành bá chủ địa phương còn có một mục tiêu khác: ngăn chặn các cường quốc lớn tại các khu vực địa dư khác lập lại được kỳ công của họ. Hay nói khác đi, các nước bá chủ khu vực không muốn có những nước tương đương ngang hàng. Thay vào đó, các nước bá chủ khu vực này muốn các khu vực khác bị chia cho nhiều cường quốc lớn khác, sao cho các cường quốc này sẽ cạnh tranh với nhau và không còn có khả năng tập trung vào các nước bá chủ khu vực nửa. Để tóm tắt, lý thuyết của tôi nói là tình trạng lý tưởng cho bất cứ một cường quốc lớn nào là trở thành nước bá chủ khu vực độc nhất trên thế giới.

Kinh nghiệm Hoa Kỳ

Một cái nhìn ngắn gọn về lịch sử chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ minh họa được sức mạnh của lý thuyết này.

Khi lấy được độc lập từ Anh Quốc vào năm 1783, Hoa Kỳ chỉ là một nước nhỏ và yếu với 13 tiểu bang chạy dọc theo bờ biển Đại Tây Dương. Quốc gia mới này bị bao vây bởi các đế quốc Anh và Tây Ban Nha, trong khi đa phần các vùng đất giữa Rặng Núi Appalachia và con sông Mississippi thì đang được các bộ lạc thù nghịch của các người Mỹ bản địa kiểm soát. Nước Mỹ vào lúc đó chắc chắn đang ở trong môi trường đe dọa nguy hiểm.

Trong vòng 115 năm tới, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ thuộc mọi chánh kiến đã tận tụy làm việc để biến nước Mỹ thành một bá chủ khu vực. Họ đã mở rộng các ranh giới của Hoa Kỳ từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương trong khuôn khổ một chính sách thường được gọi là “Vận Mệnh Hiển Nhiên”. Hoa Kỳ chiến đấu nhiều lần với Mexico và các bộ lạc người Mỹ bản địa và lấy được từ họ nhiều mãng đất khổng lồ. Vào nhiều thời điểm khác nhau, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đã muốn chinh phục Canada và nhiều lãnh thổ khác trên vùng biển Caribe. Hoa Kỳ đã là một cường quốc bành trướng hàng đầu. Về điểm này, Henry Cabot Lodge nói rất hay ho khi ông đưa ra nhận xét Hoa Kỳ là một nước đã có một “thành tích chinh phục, lấy thuộc địa, và mở rộng bờ cõi mà không một dân tộc nào có thể sánh kịp vào thế kỷ thứ 19”. Hay thế kỷ 20, nếu tôi được góp ý thêm.

Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ vào thế kỷ thứ 19 đã không chỉ chú tâm vào việc biến Hoa Kỳ thành một nước có quyền lực và lãnh thổ rộng lớn. Họ đã hạ quyết tâm phải xô dạt các cường quốc Âu Châu ra khỏi Tây Bán Cầu, và làm sao cho các cường quốc này thấy rõ là họ sẽ không được đón tiếp khi muốn trở về. Chính sách này, được gọi là Học Thuyết Monroe, đã được tổng thống James Monroe vạch ra vào năm 1823 khi ông đọc thông điệp thường niên tại Quốc Hội. Đến năm 1898, khi mà đế quốc Âu Châu cuối cùng tại Châu Mỹ đã sụp đổ, Hoa Kỳ đã trở thành nước bá chủ khu vực đầu trong lịch sử hiện đại.

Tuy thế, các việc một cường quốc lớn còn phải làm sau khi đã trở thành một nước bá chủ khu vực vẫn chưa hết. Một nước bá chủ khu vực sau đó phải đảm bảo là sẽ không có một cường quốc lớn nào khác noi theo gương mình và khống chế vùng đất của thế giới trong đó cường quốc đó hiện diện. Trong thế kỷ thứ 20, có bốn cường quốc lớn đã có khả năng theo đuổi mục tiêu làm bá chủ khu vực: Đế Quốc Đức (1900-1918), Đế Quốc Nhật Bản (1931-1945), Đức Quốc Dân Xả (1939-1945), và Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh (1945-1989). Không có gì ngạc nhiên khi cả bốn nước đó đều đã tìm cách làm những gì tương tư như tại Tây Bán Cầu vào thế kỷ thứ 19.

Hoa Kỳ đã phản ứng như thế nào? Trong mỗi trường hợp, Hoa Kỳ đã đóng một vai trò then chốt trong việc đánh bại và tháo dỡ các nước đã nuôi mộng làm bá chủ này. 

Hoa Kỳ tham gia Đại Thế Chiến Lần Thứ Nhất vào tháng Tư năm 1917 khi Đế Quốc Đức có vẻ như sắp thắng trận và sẽ cai trị được Âu Châu. Binh lính Hoa Kỳ đã đóng một vai trò quyết định khi làm lệch cán cân về phía các lực lượng chống lại Đế Quốc Đức và khiến cho nó sụp đổ vào tháng 11 năm 1918. Vào đầu thập niên 1940, tổng thống Roosevelt đã tìm rất nhiều cách để lèo lái Hoa Kỳ tham gia Đại Thế Chiến Lần Thứ Nhì nhằm ngăn chặn các tham vọng của Nhật Bản tại Á Châu và nhất là các tham vọng của Đức Quốc Xả tại u Châu. Hoa Kỳ tham chiến vào tháng Mười Hai 1941 và đã góp phần tiêu diệt cả hai nước trong phe Trục. Kể từ năm 1945, Hoa Kỳ đã triển khai rất nhiều biện pháp nhằm làm cho Đức Quốc và Nhật Bản tiếp tục yếu kém về mặt quân sự. Sau cùng, trong Chiến Tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã kiên định trong việc ngăn chặn Liên Xô khống chế Lục Địa Âu-Á và sau đó đã giúp ném nước này vào sọt rác của lịch sử vào các năm cuối của thập niên 1980. 

Ngay sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, trong tài liệu nổi tiếng “Hướng Dẫn Quốc Phòng” năm 1992, một văn bản đã bị rò rỉ cho báo chí, chính phủ Bush thứ nhất đã mạnh dạn tuyên bố nước Mỹ bây giờ là nước hùng mạnh nhất trên thế giới và không nước nào có thể so sánh được, và nước Mỹ dự trù sẽ ở tại vị trí cao cả đó mãi mãi. Nói khác đi, Hoa Kỳ sẽ không khoan dung đối với một nước ngang hàng và muốn cạnh tranh với Hoa Kỳ. 

Thông điệp trên đã được lập lại trong “Sách Lược An Ninh Quốc Gia” lừng danh do chính phủ Bush thứ nhì công bố vào Tháng Mười 2002. Văn bản này đã bị phê phán rất nhiều, đặc biệt là các yêu cầu về “chiến tranh phủ đầu”. Thế nhưng hầu như không có một chữ nào được nâng lên để phản đối quả quyết là Hoa Kỳ phải ngăn chặn các cường quốc đang trỗi lên và tiếp tục duy trì vị thế chỉ huy trong cán cân quyền lực toàn cầu.

Kết luận cuối cùng phải là Hoa Kỳ - vì những lý do chiến lược hợp lý - đã làm việc rất nhọc nhằn trong suốt một thế kỷ để trở thành bá chủ Tây Bán Cầu. Sau khi thành tựu được quyền thống trị khu vực, Hoa Kỳ đã bỏ rất nhiều công sức để ngăn chặn các cường quốc lớn khác kiểm soát được Á Châu hay Âu Châu.

Các hành vi trong quá khứ của Hoa Kỳ sẽ có những hàm ý gì trong sự trỗi lên của Trung Quốc? Cụ thể, các hành vi của Trung Quốc sẽ ra sao khi mà Trung Quốc ngày càng hùng mạnh hơn? Và Hoa Kỳ và các nước khác ở Châu Á sẽ có thể phản ứng ra sao khi phải đối đầu với một Trung Quốc hùng mạnh? 

Một Trung Quốc hùng mạnh sẽ làm gì

Trung Quốc có lẽ sẽ tìm cách thống trị Á Châu như Hoa Kỳ đã thống trị Tây Bán Cầu. Cụ thể, Trung Quốc sẽ tìm cách tối đa hóa khoảng cách quyền lực giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, đặc biệt là Nhật Bản và nước Nga. Trung Quốc sẽ muốn bảo đảm Trung Quốc là một nước mạnh đến mức sẽ không có một nước nào tại Á Châu có có khả năng đe dọa Trung Quốc được. Việc Trung Quốc theo đuổi một ưu thế quân sự để có thể đùng đùng hung hăng đánh chiếm các nước Á Châu khác là một điều khó lòng xảy ra, tuy rằng điều này vẫn luôn luôn có thể xảy ra. Thay vào đó, một điều rất có thể xảy ra là Trung Quốc muốn ra lệnh cho các nước láng giềng về các giới hạn của những hành vi có thể chấp nhận được, y như Hoa Kỳ đã nói rất rõ ràng cho các nước khác tại Châu Mỹ để cho họ biết rõ Hoa Kỳ là ông chủ. Chiếm được vị thế một nước bá chủ khu vực, tôi có thể nói thêm vào đây, là cách độc nhất để Trung Quốc có thể lấy lại được Đài Loan. 

Một Trung Quốc ngày càng mạnh hơn cũng sẽ có thể tìm cách đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Á Châu, y hệt như Hoa Kỳ đã đẩy các cường quốc lớn của Âu Châu ra khỏi Tây Bán Cầu. Chúng ta phải nghĩ rằng Trung Quốc sẽ nghĩ ra được một Học Thuyết Monroe cho Trung Quốc, như Nhật Bản đã làm vào các năm 1930.

Các mục tiêu chính sách trên hợp lý về mặt sách lược đối với Trung Quốc. Trung Quốc phải muốn có một Nhật Bản và một nước Nga yếu kém về mặt quân sự, như Hoa Kỳ muốn có Canada và Mexico yếu kém về mặt quân sự tại các biên giới của Hoa Kỳ. Có một nước nào biết suy nghĩ lại muốn có nhiều nước hùng mạnh khác ở cùng khu vực với họ? Chắc chắn tất cả các người Trung Quốc đều còn nhớ những gì đã xảy ra trong thế kỷ qua khi Nhật Bản là một cường quốc trong khi Trung Quốc là một nước yếu. Trong thế giới vô chính phủ của chính trị quốc tế, làm (khỉ đột khổng lồ) Godzilla tốt hơn là làm (con nai tơ) Bambi.

Hơn nửa, tại sao một cường quốc Trung Quốc lại chấp nhận cho quân lực Hoa Kỳ hoạt động ngay tại sân sau của nó? Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đã nổi khùng khi các cường quốc lớn khác đưa quân lực của họ vào Tây Bán Cầu. Các lực lượng nước ngoài này luôn luôn được xem như có tiềm năng đe dọa nền anh ninh của Hoa Kỳ. Một lý luận tương tự phải được áp dụng cho Trung Quốc. Tại sao Trung Quốc có thể nghĩ là họ vẫn an toàn khi các lực lượng quân sự Hoa Kỳ được triển khai ngay trước cửa nhà Trung Quốc? Đi theo Học Thuyết Monroe, tại sao nền an ninh của Trung Quốc lại sẽ không được bảo vệ tốt hơn khi đánh đuổi được quân lực Hoa Kỳ ra khỏi Á Châu?

Tại sao chúng ta lại kỳ vọng là Trung Quốc sẽ làm khác như Hoa Kỳ đã làm? Người Trung Quốc họ có tôn trọng nguyên tắc nhiều hơn chúng ta không? Đạo đức hơn chúng ta không? Ít theo chủ nghĩa quốc gia hơn chúng ta không? Không âu lo về sự sống còn của họ hơn chúng ta không? Đương nhiên là họ không phải là những người như trên, và đó là lý do Trung Quốc có khả năng sẽ làm như Hoa Kỳ đã làm và sẽ tìm cách trở thành một nước bá chủ khu vực.

Phản ứng của Hoa Kỳ

Các ghi chép lịch sử cho ta thấy rõ cách các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ sẽ phản ứng khi Trung Quốc tìm cách thống trị Á Châu. Hoa Kỳ không khoan dung với những đối thủ cạnh tranh với mình. Như đã chứng minh trong thế kỷ thứ 20, Hoa Kỳ cương quyết muốn tiếp tục làm bá chủ khu vực độc nhất của thế giới. Do đó, ta có thể tin là Hoa Kỳ sẽ làm mọi cách để kiềm chế Trung Quốc và cuối cùng là làm cho Trung Quốc suy yếu đến mức không còn có khả năng làm con gà trống chủ chuồng gà tại Á Châu. Để nói một cách cô đọng hơn, Hoa Kỳ có khả năng sẽ đối xử với Trung Quốc tương tự đa phần như Hoa Kỳ đã đối xử với Liên Xô trong Chiến Tranh Lạnh.

Các nước láng giềng của Trung Quốc chắc chắn cũng lo sợ về việc Trung Quốc đang trỗi lên và họ cũng sẽ làm bất cứ những gì có thể làm được để ngăn chặn Trung Quốc trở thành bá chủ của khu vực. Thật vậy, đang có rất nhiều bằng chứng cho thấy các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, và Nước Nga, cũng như nhiều nước mạnh nhỏ hơn như Singapore, Nam Hàn và Việt Nam đang âu lo về sự đi lên của Trung Quốc và đang tìm các biện pháp khả dĩ giới hạn được sự đi lên này. Cuối cùng, các nước kể trên sẽ tham gia vào một liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo để ngăn chặn sự đi lên của Trung Quốc, giống như Anh Quốc, Pháp Quốc, Đức Quốc Ý, Nhật Bản, và ngay cả Trung Quốc đã chung sức với Hoa Kỳ để kiềm chế Liên Xô trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

Và sau cùng, vì vị trí chiến lược của Đài Loan trong việc kiểm soát các tuyến hải hành tại Đông Á, thật rất khó lòng tưởng tượng được là Hoa Kỳ, và cả Nhật Bản nửa, sẽ cho phép Trung Quốc kiểm soát một hòn đảo lớn như thế. Thật ra, Đài Loan có thể có một vai trò quan trọng trong một liên minh nhằm cân bằng và chống lại Trung Quốc, điều này sẽ làm cho Trung Quốc tức giận đồng thời cũng là nhiên liệu thúc đẩy cuộc cạnh tranh an ninh giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn.

Kết luận

Để kết luận, bức tranh tôi đã vẽ ra về những gì có thể xảy ra nếu Trung Quốc tiếp tục đi lên không phải là một bức tranh đẹp đẽ gì. Thật ra, tôi thấy bức tranh này rất chán nản và tôi mong rằng trong tương lai tôi sẽ có thể kể một câu chuyện lạc quan hơn. Nhưng sự thật là, chính trị quốc tế là một công việc bẩn thỉu và nguy hiểm, và cho dù có rất nhiều thiện chí vẫn sẽ khó lòng thể cải thiện được các cạnh tranh về an ninh sẽ xảy ra khi một nước muốn trở thành bá chủ tại lục địa Âu-Á xuất hiện. Ở đó chính là thảm kịch của chính trị đại cường. 


Chấn Minh chuyển ngữ 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo