Nhiều chữ để làm gì? - Dân Làm Báo

Nhiều chữ để làm gì?

Mẹ Nấm (Danlambao) - ...Nhiều chữ để làm gì khi những luận điệu tấn công sự dũng cảm của người dân yếu thế vẫn nhan nhản trên mạng? Nhiều chữ để làm gì khi không thể chọn cách sống đứng thẳng làm người?...

*

Trong vài năm gần đây theo quan sát của tôi, người dân có ý thức và thái độ chính trị trước các vấn đề xã hội ngày càng nhiều. Họ lên tiếng, họ phản ứng trước những sự vụ bất công, những sai trái nhũng nhiễu qua nhiều hình thức và phương tiện trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twiter... Và họ - những người dân bình thường ấy gặp phải sự chỉ trích không nhẹ từ những người được cho là nhiều chữ trong xã hội. Điều này cho thấy, nhận thức và kiến thức đôi khi không phải là hai phạm trù khiến người ta có thể sống đúng nghĩa với bản tính “người”.

Những người có ý thức xã hội, họ là ai? 

Trước hết, họ là những con người bình thường. Nhưng điều khác biệt lớn giữa họ và những người khác là họ không im lặng trước bất công. Họ - có thể là người mẹ đơn thân một mình chống chọi với dư luận để bảo vệ con gái là nạn nhân của kẻ ấu dâm. Họ - có thể là một người nông dân tranh đấu với nhiều áp lực để giữ đất đai và tìm cách bảo vệ người khác. Họ - có thể là anh kỹ sư một mình chiến đấu với hệ thống lớn mạnh để bảo vệ quan điểm của mình. Và họ có thể là bất kỳ một người dân bình thường nào đó dám đấu tranh cho những vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống của họ. Điện, nước, xăng tăng giá – họ sáng tác nhạc, làm thơ. Y tế, giáo dục, môi trường, thực phẩm bẩn, trạm thu phí BOT bất hợp lý, tham nhũng, lạm quyền… và nhiều vấn đề bất cập khác trong xã hội. 

Điều đáng chú ý là những người dám lên tiếng này đa số là những người mới. Họ không phải là những người bị hệ thống chính trị gắn nhãn là “những nhà dân chủ” xưa nay. Và họ có mặt ở khắp mọi nơi. Cách phản ứng của họ như viết bài, chụp ảnh, mặc áo in thông điệp của mình và họ sử dụng truyền thông để lên tiếng. Với tôi, đây là tín hiệu vui cho toàn xã hội, bởi một khi người dân dám lên tiếng điều đó có nghĩa là cái xấu, cái ác, cái sai trái sẽ bị phanh phui.

Tuy nhiên, với một nhóm người khác, những người “được xem” là có nhiều chữ, thậm chí có địa vị xã hội, không hiểu vì lý do nào đó, lại quay lưng trước chỉ dấu đáng mừng này. 

Đầu tiên việc quy kết cho những người có thái độ chính trị hay dám lên tiếng trước bất công thuộc thành phần “chống nhà nước” là luận điệu của tuyên giáo, công an. Bất kỳ ai có chữ, có trình độ đọc hiểu thông thạo đi theo lối suy luận này đều không đáng bàn. Bởi trên thực tế họ phủ nhận thái độ chính trị của người khác, phủ nhận sự dấn thân của những người hoạt động xã hội, vì họ chỉ muốn lợi ích của họ, quyền lợi của họ được đặt lên hàng đầu.

Những người mong muốn một xã hội tốt đẹp, ghét cường quyền, không thoả hiệp với cái sai không có lý do gì để đi ngược lại với sự thống khổ của người dân.

Nếu tự nhận mình có kiến thức, có điều kiện học hỏi thì lẽ ra nên thấu hiểu bản chất vấn đề và thông cảm với người dân hơn. Chê dân kém thì cần sử dụng kiến thức của mình để hướng dẫn và giúp đỡ họ. Dân chưa hiểu thì cần tìm cách giúp cho họ hiểu hơn.

Khi người dân đang ở vị trí yếu thế, nếu không giúp được họ thì việc tốt nhất có thể làm là nên im lặng, quan sát và nếu có tính người thì có thể cầu nguyện hay nói lời tốt lành với người dân để họ có thêm động lực mà vượt qua khó khăn. Đằng này, ngược lại, nhóm “tinh hoa nhiều chữ” lại cố tình sử dụng kiến thức của mình để vùi dập dân.

Tôi chưa bao giờ gọi những người tự xem mình là “tinh hoa” là trí thức. Bởi không một người có trí nào lại có thể ngủ quên trước những vấn nạn nhức nhối trong xã hội hiện nay.

Nhiều chữ để làm gì khi những luận điệu tấn công sự dũng cảm của người dân yếu thế vẫn nhan nhản trên mạng? 

Nhiều chữ để làm gì khi không thể chọn cách sống đứng thẳng làm người?

09.04.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo