Ký giả Dương Hùng Cường được khắc tên trên bia đá tại Đài Tưởng Niệm Phóng Viên (Mémorial des Reporters) nơi vùng Normandie của Pháp. Ảnh: HĐT
Hồ Đắc Túc - Khu tưởng niệm nằm ở thị trấn Bayeux, cách bờ biển Normandie gần 10 cây số, nơi liên quân Anh và Canada đổ bộ vào ngày 6 tháng 6 năm 1944 ở đoạn bờ biển có ám danh Gold Beach. Vườn tưởng niệm do tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters sans Frontières) của Pháp thành lập. “Đây là đài tưởng niệm độc đáo nhất ở châu Âu,” trang web của RSF và của thị trấn Bayeux cho biết. Độc đáo không chỉ vì nơi dành riêng để tưởng nhớ công lao của những phóng viên xông pha lửa đạn và phải chết vì nhiệm vụ đưa tin; độc đáo còn vì vườn tưởng niệm xinh đẹp này này nằm lặng lẽ bên cạnh nghĩa trang quân đội chôn cất gần 5.000 người lính Anh đã hy sinh trong Thế chiến 2, và Bảo tàng Trận chiến Normandie.
Khu vườn tưởng niệm gồm 27 bia đá khắc tên gần 2.500 phóng viên khắp thế giới đã hy sinh từ năm 1944 đến nay. Hy sinh vì sứ mạng đưa tin của họ.
Tôi đến Normandie lần này đúng dịp kỷ niệm 75 năm đổ bộ Normandie, nhưng không biết đài tưởng niệm này cho đến khi đọc một cột thông tin nhỏ trong cuốn sách viết về các nghĩa trang ở Normandie.
Buổi chiều ngày 3 tháng 6, gần 9 giờ nhưng trời chưa tắt nắng. Lối vào khu vườn đã đổi sập bóng tối u u vì những hàng cây cao hai bên, đọc các tên tiếng nước ngoài trên vài tấm bia rồi về. Sáng hôm sau đi nữa. Lần này hết sức ngạc nhiên khi thấy trên vài tấm bia có cả tên người Việt Nam. Tôi liên lạc với đạo diễn phim tài liệu kiêm nhà sản xuất phim Rodolphe Rutman người Pháp. Ông chuyên làm phim tài liệu chiến tranh (như Notre père ce héros, Destins croises, Les sanglots des violons de l’automne, Voyage au Bout de l’Empire, Grande Armée), hiện đang có mặt ở Trung tâm Báo chí đặt phía sau Nghĩa Trang Quân đội Hoa Kỳ ở Omaha chờ đưa tin ngày ngày kỷ niệm đổ bộ Normandie. Dù đang bận săn và phỏng vấn các cựu chiến binh D-Day nhưng ông hứa sẽ tìm thông tin làm sao RSF biết tên các phóng viên người Việt để khắc lên đài tưởng niệm.
Tìm một lúc mới biết nhà báo Dương Hùng Cường của tờ Con Ong ở miền nam trước 1975 có tên trên bia đá. Vậy là, lúc này trời cũng đã gần 9 giờ, đi bộ vào vườn tưởng niệm một lần nữa, quyết tìm cho ra bia khắc tên người ký giả tài hoa.
Mỗi tấm bia đều khắc năm người phóng viên mất. Nhà báo Dương Hùng Cường, tác giả “Buồn Vui Phi Trường”, “Lính Thành Phố”, “Vĩnh Biệt Phượng”, còn ký tên Dê Húc Càn trên báo Con Ong, mất năm 1988. Tôi đến ngay tấm bia năm 1988 và thấy tên ông đầu tiên (xem hình), trên danh sách các phóng viên nước ngoài khác. Tôi đặt một hoa hồng trắng trên bia. Ngày ông thành danh, tôi chưa ra đời. Giờ đây, chữ nghĩa của ông còn lại không chỉ cho riêng tôi. Ông chết trong tù vì chữ nghĩa. Trên danh sách phóng viên thế giới của RSF (thejournalistsmemorial.rsf.org), cái chết của ông được viết như sau: “Died in prison, supposedly of a brain haemorrhage. Arrested by the government in 1975, free sometime between 1978 and 1981 then arrested again in 1984 with many other journalists.” (Chết trong tù, được cho là do xuất huyết não. Bị chính quyền bắt năm 1975, được thả đâu chừng từ năm 1978 và 1981 rồi đến năm 1984 bị bắt lại với nhiều nhà báo khác.” Trang web cũng ghi ông mất ngày 21 tháng 1 năm 1988.
Lối vào khu tưởng nệm có một tấm bia khắc lời của nhà văn Pháp Simone de Beauvoir bằng hai ngôn ngữ Pháp và Anh, nghĩa: “Con người chỉ nếm được tự do khi những người quanh ta được tự do.” Đằng sau tấm bia đá có dựng một tác phẩm nghệ thuật bằng sắt đục rỗng một hình người xuyên suốt, bên cạnh có tấm bia sắt ghi tiếng Pháp và Anh, “Để tưởng nhớ những phóng viên đã mất tích.”
Các nghĩa trang quân đội ở Normandie đều là nơi chôn cất chung những người lính khác quốc tịch, có khi từng là kẻ thù. Như nghĩa trang quân đội Anh bên cạnh vườn tưởng niệm nhà báo, tuy có tên là British War Cemetery, nhưng bên cạnh gần năm ngàn bia mộ người lính Anh, còn có gần năm trăm trăm bia mộ người lính Đức. Đài Tưởng niệm Phóng viên cũng khắc tên các phóng viên chiến trường của cả hai miền nam-bắc Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam.
Hôm nay, toàn vùng bờ biển Normandie bừng bừng kỷ niệm 75 năm ngày đổ bộ giải phóng châu Âu. Suốt chiều dài hơn 60 cây số bờ biển và trong đất liền, những đoàn xe quân sự nối nhau, những thanh niên và trung niên mặc quân phục (thật và giả) tụ tập đây đó, những khu vực cắm trại được tổ chức tại các điểm người lính dù 75 năm trước nhảy xuống, kể cả St- Mère-Eglise nơi người lính dù trong phim The Longest Day bị vướng dù trên nóc nhà thờ, hàng lớp lớp người trẻ đóng vai lính, người già đóng vai tướng, bước vào các khu cắm trại trang bị như một doanh trại quân đội thời thế chiến, lều lính và quân xa lẫn thiết giáp của Mỹ và đồng minh được trưng bày, những toán học sinh từ Anh và Mỹ qua tham dự. Cờ Anh, Pháp, Mỹ và đồng minh treo chung với cờ Đức. Bia mộ của tướng bộ binh Lesley Nair kế bên bia trung sĩ sư đoàn 8 bộ binh John Harman. Những nấm mồ không phân biệt. Ba thước đất. Nơi vùng đất máu lửa này, bao nhiêu người chết, bao nhiêu người mất tích, có phương danh phóng viên Dương Hùng Cườngmiền nam, cùng phương danh của các phóng viên miền bắc. Các đài tưởng niệm đồng một kích cỡ, đồng một màu vàng nhạt thanh thản. Người chết, ở cả hai miền trong cuộc chiến, nay chỉ yên bình trên vùng đất xa xôi không phải quê mình.
Normandie, 6.6.2019