Chấn Minh (Danlambao) - Người đàn ông cao và gầy trong quần dài đen và sơ mi trắng tay được dài xếp lên một phần tư cánh tay đúng thẳng giữa con đường và đối diện nhìn về phía trái của lề đường phải, một nơi có nhiều cây cổ thụ rậm lá. Trong tay phải đang duỗi thẳng xuống, người đàn ông nắm một vật mà thoạt nhìn có thể nhận lầm là một túi nhựa nhưng thật ra là một áo khoác nhẹ màu be nhạt, và trong tay trái, một túi xách nhỏ màu đen. Bên lề đường 3 hay 4 mét về phía tay mặt của người đàn ông là một chiếu xe buýt có nhiều vết nám cháy. Cách người đàn ông đó khoảng 7 hay 8 mét là một xe máy xúc đã dừng lại bỏ dở con đường đã bị đào xới. Khoảng 5 hay 6 mét trước xe máy xúc là một người đàn ông khác áo trắng quần màu nhạt đang đạp xe đạp với một dáng điệu không có vẽ khẩn trương cho lắm. Xa hơn một chút, khoảng 50 mét, là hai chiếc xe tăng, chiếc xe dẫn đầu có họng súng chĩa lên trời khoảng 40 độ. Hai chiếc xe tăng này đang chạy tiến về phía người đàn ông. Phía sau lưng người đàn ông đó là hai thanh niên áo trắng quần sẫm. Họ ở trong tư thế đang tháo chạy: người bên trái thì chạy với lưng thẳng đứng và nhìn về phía trái của ông, còn người bên phải thì đang cắm cúi gia tốc với lưng gập xuống và hai cánh tay cong lên để đánh về phía sau.
Người đàn ông cao và gầy đứng một mình giữa đường ở phía sau trong bức hình trên đó là một người Trung Quốc nay được cả loài người biết đến như là “Người Xe Tăng” (tiếng Anh là “Tank Man”).
Phóng viên Terril Jones, người chụp được và chỉ công bố bức hình này vào ngày 4 tháng Sáu năm 2009, tức là đúng hai mươi năm sau Sự Cố Thiên An Môn, kể lại bối cảnh khi ông chụp bức hình trên như sau (1).
“ ….Khi chụp bức hình này vào ngày 5 tháng 6 tôi rất căng thẳng. Tôi đã thiếu ngủ rất nhiều kể từ ngày 15 tháng Năm, khi các sinh viên bắt đầu tuyệt thực tại Quảng Trường Thiên An Môn, và tôi đã luân phiên làm việc với các phóng viên khác của thông tấn xã A.P. (Associated Press) để có mặt 24/7 tại quảng trường này trong suốt ba tuần lễ. Adrenaline (thận tuyến tố) và nhu cầu muốn có mặt tại các nơi đang sôi động đưa tôi trở lại đường phố vào sáng ngày 5 tháng 6.
Tôi đứng trước Khách Sạn Bắc Kinh và có thể nghe tiếng máy xe tăng rồ ga từ Quảng Trường Thiên An Môn để tiến về phía chúng tôi đang đứng. Tôi bước ra cho gần mặt đường hơn và nhìn xuống Đại Lộ Trường An từ phía sau một hàng xe đạp đang đậu thì bỗng nhiên tôi nghe nhiều tiếng súng nổ phát ra từ các xe tăng, và tôi thấy người ta bắt đầu cúi né đạn, kêu rú lên, và vừa chạy vừa vấp ngã về phía tôi đang đứng. Tôi nâng máy hình và chỉ bấm có một lần trước khi rút lui về các hàng cây và bụi rậm tại đó đã có hàng trăm người xem đang co ro ẩn núp. Tôi không biết tôi đã chụp được hình gì ngoài các xe tăng đang tiến về phía tôi, các binh lính trên xe tăng bắn đang về hướng tôi, và người ta thì đang chạy trốn..”.
Ngoài bức hình của phóng viên Terril Jones, nhân loại thực sự chỉ có thêm đúng bốn bức hình khác về Người Xe Tăng, như thấy được sau đây.
Người Xe Tăng là ai, và tại sao ông lại đứng giữa Đại Lộ Trường An vào sáng ngày Thứ Hai 5/6/1989 đó? Đây là một câu hỏi mà cho đến ngày hôm nay, và có thể là mãi mãi về sau, sẽ không bao giờ có câu trả lời.
Vì những điều biết được về Người Xe Tăng rất hiếm hoi. Vào buổi sáng Thứ Hai 5/6/1989 này, cuộc tàn sát từ 2000 đến 10000 người dân Trung Quốc (2), chủ yếu là những sinh viên trẻ của các đại học vùng Bắc Kinh, được bắt đầu từ 10:30 giờ tối thứ Bảy (3/6/1989) và sẽ kéo dài khoảng 20 tiếng đồng hồ, hầu như đã chấm dứt. Các xe tăng thấy được trong hình trên của phóng viên Terril Jones thật sự đang trên đường đi ra khỏi Quảng Trường Thiên An Môn sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, khi xem lại các video về Người Xe Tăng trên Youtube, sẽ thấy bốn sự kiện sau về Người Xe Tăng. Người Xe Tăng đã làm cho chiếc xe tăng dẫn đầu phải lùi lại và đổi hướng nhiều lần. Người Xe Tăng đã leo lên chiếc xe tăng dẫn đầu và nói chuyện được với hai người lính lái xe tăng. Người Xe Tăng đã trao đổi gì đó với người đàn ông đi xe đạp (thấy được trong hình của phóng viên Terril Jones), một người thật sự gan dạ vì đã dám đạp xe đạp ra chỗ Người Xe Tăng đang đứng để nói chuyện với ông. Và sau cùng Người Xe Tăng đã bị hai người mặc đồng phục màu xanh kéo chạy về phía lề đường. Chỉ có thế thôi, bốn sự kiện, và một bối cảnh lịch sử cực kỳ bi thảm.
Người viết, khi suy tư về Người Xe Tăng, chỉ có ba điều muốn chia xẻ.
Trong tất cả những người can đảm vốn dĩ đã rất hiếm hoi trên cõi trần thế này, Người Xe Tăng có thể nói là một người can đảm chưa từng có từ xưa đến nay. Ông đã đem thân xác mình tìm cách ngăn chặn một đoàn xe tăng đã góp phần vào việc giết hại gần 10 ngàn người trong số 300 ngàn người đã hiện diện tại Quảng Trường Thiên An Môn vào sáng ngày 3/6/1989 hay sớm hơn như thấy được trong bức hình tiêu biểu sau.
Việc ông đã tìm cách đối thoại với những người lái xe tăng khi ông trèo lên nóc chiếc xe tăng và đã thành công khi buộc họ, những kẻ đã dám giết vạn người không gớm tay, phải ló đầu ra khỏi phòng lái để nghe ông nói là một điều kỳ diệu và trong một góc độ nào đó, tràn đầy tình người.
Và cuối cùng, là việc ông đã biến mất. Như một hoa đốm rất lạ trong hư không, như một tia chớp cuối trời, để mãi mãi nhắc nhở cho chúng ta, những người đang may mắn còn sống, đừng bao giờ quên.
4/6/2019
__________________________________
Chú thích:
Witty, P (2009, 4 Tháng 6). “Behind the Scenes: A New Angle on History”. The New York Times. Kết nối: https://lens.blogs.nytimes.com/2009/06/04/behind-the-scenes-a-new-angle-on-history/?hp
ABC News. (2019, 3 Tháng 6). “What to know about Tiananmen Square on the 30th anniversary of the crackdown”. Kết nối: https://abcnews.go.com/International/tiananmen-square-30th-anniversary-crackdown/story?id=63366441