Run như cầy sấy trước than hồng - Dân Làm Báo

Run như cầy sấy trước than hồng

Phạm Trần (Danlambao) - Hãy hình dung một con cầy, tên thông dụng là chó, bị cột chân, bịt mõm nằm trước nồi nước sôi và đống than hồng sẽ phản ứng ra sao khi nó thấy giờ lâm chung đã đến gần?

Tất nhiên là con vật phải run sợ nên người Việt mới có câu “run như cầy sấy”. Nếu đem hoàn cảnh của con cầy gắn với tình trạng hoang mang, giao động và rối như canh hẹ của mạng lưới tuyên truyền của đảng Cộng sản Việt Nam thì sẽ thấy tham nhũng chỉ làm cho đảng suy yếu, nhưng mạng xã hội mới là kẻ nội thù đe dọa sự sống còn của chế độ.

Mối lo âu này đã được phản ảnh qua bài viết "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam" của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Võ Văn Thưởng, phổ biến khắp mặt báo của đảng từ ngày 17/06/2019. 

Ông Thưởng viết: "Việt Nam đang khai thác và phát huy những đặc tính ưu việt của truyền thông xã hội, đồng thời, cũng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực khó kiểm soát từ dạng thức truyền thông mới này."

Vậy chủ nhân của "truyền thông xã hội" là những ai ở Việt Nam?

Ông Thưởng giải thích: "Có thể nhận thấy, “hệ sinh thái” mạng xã hội đã hình thành tầng lớp KOLs (Key Opinion Leader), influencers là những người có “thương hiệu” hoặc là “người bình thường” mà thông tin, quan điểm nêu ra có sức thu hút, ảnh hưởng, được “cư dân mạng” chia sẻ, khuếch tán nhanh trên phạm vi rộng. Họ đa phần là những chủ thể tích cực góp phần tạo nên đời sống thông tin lành mạnh. Nhưng, cũng đã lộ diện những KOLs, influencers có động cơ không trong sáng, nhưng lại biết “khơi gợi những cảm xúc xấu xa”; lạm dụng chữ nghĩa, ảo tưởng “quyền lực bàn phím”, luôn tìm cách điều hướng dư luận; tấn công doanh nghiệp nhằm trục lợi; đe dọa, xúc phạm cá nhân, tổ chức."

Ăn nói vu vơ, không bằng chứng, không nêu đích danh một người nào hoặc tổ chức nào, nhưng người cầm đầu ngành tuyên truyền của đảng vẫn nói văng mạng rằng: "Một số được nuôi dưỡng, cấp phát từ các tổ chức thù địch bên ngoài. Lợi dụng những bất cập trong quản lý nhà nước về Internet, mạng xã hội, chúng thâm nhập vào các nền tảng truyền thông xã hội, “nuôi” nick (tên tài khoản), lập ra hàng trăm nghìn tài khoản ảo và nhiều trang giả mạo cá nhân, tổ chức. Với nhiều thủ đoạn tinh vi được hỗ trợ bởi công nghệ, chúng tập trung chống phá nền tảng tư tưởng, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gieo rắc tư tưởng cực đoan, tạo bất đồng, xung đột trong nội bộ Đảng và nhân dân."

Kể cũng lạ, ở một nhà nước độc tài, độc đảng, độc quyền báo chí và kiểm soát dư luận từ chân lên đầu mà vẫn có nhiều lỗ hổng đến thế thì đội ngũ Công an, tình báo quân đội toàn là thứ ăn hại đái nát hay sao? 

Rất có thể là như thế, vì ở Việt Nam Cộng sản, cán bộ ngành an ninh và tình báo thường không ồn ào, phô trương cho người ta biết mặt nhưng lại khét tiếng ăn nhậu vỉa hè, xóm tối và nhếch nhác việc công.

Vì vậy, không lạ khi thấy ông Võ Văn Thưởng phải nhìn nhận sự thành công xâm nhập của các mạng xã hội, khi ông lên án: "Chúng cường điệu những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý để khoét sâu vào xung đột lợi ích, làm chia rẽ xã hội, suy giảm lòng tin, thực hiện “diễn biến hòa bình”, đòi lật đổ chế độ. Từ đó, lôi kéo, tập hợp lực lượng, kích động biểu tình trái phép, chống đối, bạo loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội như trong các vụ lợi dụng vấn đề môi trường tại Formosa Hà Tĩnh, phản đối Dự Luật về Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng…"

Tuy nhiên, khi suy diễn như thế là người cầm đầu ngành tuyên truyền của đảng Võ Văn Thưởng đã phạm ba lỗi nghiệm trọng:

Thứ nhất, xuyên tạc và mạ lỵ sự căm phẫn của hàng triệu nạn nhân 4 Tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế) trước thảm trạng môi trường do Formosa Hà Tình gây ra từ ngày 06/04/2016. Cho đến nay, sau ba năm, nhà nước vẫn chưa trưng được bằng chứng khoa học nào xác nhận nước biển đã hết ô nhiễm và nhà máy Formosa Hà Tình không còn thải chất độc ra biển. Hàng triệu người dân đã lâm cảnh nghèo đói và hàng ngàn gia đình ngư phủ đã phải bỏ nghề đi tha phương cầu thực.

Thứ hai, ông Thưởng đã bảo vệ quan điểm lập ba Đặc khu kinh tế của đảng ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Hàng trăm ngàn người dân biểu tình chống Dự luật Đặc khu không vì bị các mạng xã hội xúi giục hay lối kéo mà vì tinh thần ái quốc, quyết tâm chống âm mưu nhượng đất cho Trung Cộng. Chính nhờ các cuộc biểu tình mà Dự án Đặc khu đã phải dừng lại.

Thứ ba, khi người dân biểu tình chống Luật An ninh mạng là để đòi nhà nước phải tôn trọng Hiến pháp đã quy định quyền tự do báo chí và tự do tư tưởng. Điều 25 Hiến pháp viết rằng “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” . Luật An ninh mạng số: 24/2018/QH14, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, chỉ có mục đích duy nhất là kiểm soát thông tin và vi phạm các quyền cơ bản của con người.

Nuôi ong tay áo?

Tuy nhiên, bên cạnh những điều hù họa, Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng, người con ngoại vi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã tiết lộ có tình trạng “nội ứng” từ bên trong đảng dành cho các thế lực chống đảng trên mạng xã hội.

Ông viết: "Có hiện tượng KOLs, influencers được hỗ trợ “không trong sáng” từ những thông tin mật trong nội bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước bị rò rỉ, không loại trừ có cả những cái “bắt tay với âm binh” vô cùng nguy hiểm của những cán bộ suy thoái, cơ hội chính trị, đầy tham vọng cá nhân. Việc các chính trị gia sử dụng truyền thông xã hội làm công cụ để giao tiếp với công chúng, xây dựng hình ảnh hay vận động chính trị không phải là mới mẻ trên thế giới và có thể khuyến khích ở Việt Nam nhưng cần phải được xác lập thành một trong những nguyên tắc hành xử chính trị công khai và minh bạch. Còn việc “đi đêm” với các nhân tố mạng xã hội để tạo “sóng” trong dư luận, vì ý đồ và động cơ cá nhân là điều không thể chấp nhận."

Một lần nữa ông Thưởng không minh bạch đưa ra những bằng chứng của hiện tượng tiếp tay cho các thế lực thù địch có từ trong đảng. Nhưng bằng đó chữ nghĩa cũng đủ cho ta thấy hai năm rõ mười là nội bộ đảng cầm quyền không bình thường. Đoàn kết trong đảng đã vỡ và không còn những chuyện cổ tích rêu rao như “trên dưới một lòng”, hay “ý đảng lòng dân”. 

Vậy những “âm binh” này ở đâu, con số là bao nhiêu trong số trên bốn (04) triệu đảng viên? Những “con ong trong tay áo” này làm gì trong bộ máy đảng và nhà nước, hay hành động “nội gián” này có gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia không?

Sự úp-mở của ông Thưởng chỉ được hé ra một tí khi ông cảnh giác tiếp: "Trong thực tế, có thể khẳng định, truyền thông xã hội là một “mặt trận” ngày càng phức tạp, mở rộng mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để thúc đẩy các “yếu tố cách mạng sắc màu ở Việt Nam”. Bài học từ những cuộc “cách mạng màu” cho thấy không thể chủ quan, lơ là mà cần phải chủ động nhận diện, ngăn chặn kịp thời những nhân tố lợi dụng truyền thông xã hội để tác động đến ổn định chính trị, xã hội từ nhiều hướng, nhiều cách thức khác nhau. Yêu cầu ấy đòi hỏi phải nhìn nhận đúng về truyền thông xã hội ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, nhận diện và quản lý những tác nhân gây ảnh hưởng để bảo vệ, phát huy những giá trị tiến bộ được xã hội thừa nhận, đồng thời hạn chế, đẩy lùi, triệt phá những tác động tiêu cực bằng những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ và hiệu quả."

Thế rồi ông yêu cầu: "Không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet theo kịp sự phát triển của công nghệ Internet,… chủ động, kiên trì thúc đẩy phát triển đúng hướng đi đôi với quản lý chặt chẽ."

Ông lại gay gắt thêm: "Không để hình thành “điểm nóng”, những xu hướng (trend) tiêu cực trên mạng xã hội... không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội. Đồng thời, giữ nghiêm kỷ luật thông tin, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm khắc với các phần tử cơ hội chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cố tình làm lộ lọt, cung cấp thông tin nội bộ, hỗ trợ cho các phần tử mạng xã hội đưa tin sai sự thật, kích động, tấn công vào nội bộ."

Rõ ràng có giọng “run run” của người đứng đầu ngành tuyên truyền và báo chí đảng trước hiện tượng “giậu đổ bìm leo” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, không ngoại trừ có cả các lãnh đạo, hay cán bộ chủ chốt.

Vì vậy nên ông Thưởng không ngại ra lệnh: "Tích cực triển khai thực hiện Luật An ninh mạng với các chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý những hành vi vi phạm, gây hại như lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán tin giả, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước trên Internet, mạng xã hội…"

Ông còn kêu gọi: "Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng xã hội phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và xem đây là giải pháp thường xuyên, lâu dài."

Báo chí hai mặt

Đáng chú ý là bài viết, lần đầu có nhiều chi tiết, của Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng đã nhìn nhận báo đảng đang bị lép vế cả về thông tin lẫn thu nhập trước sức lan tỏa, nhanh chóng, bén nhậy và bao trùm của các mạng xã hội trong và ngoài Việt Nam.

Đây là một thách thức chưa từng có đối với ngành Tuyên giáo, cơ quan giám sát và chỉ đạo toàn diện ngành báo chí và truyền thông của đảng CSVN, bao gồm cả báo chí của Lực lượng võ trang gồm Quân đội, Lực lượng dự bị và Công an.

Thời điểm ông Thưởng tung ra bài “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” trùng hợp với lần kỷ niệm “94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam” (21/06/1925-21/06/2019) của đảng CSVN.

Theo tài liệu chính thức thì tới năm 2018: "Việt Nam có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí in và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Tính đến tháng 11/2018, cả nước có hơn 19.000 nhà báo được cấp thẻ Nhà báo; số hội viên Hội Nhà báo có 23.893 hội viên đang sinh hoạt tại 297 đơn vị cấp Hội, trong đó có 63 Hội Nhà báo tỉnh, 19 Liên Chi hội và 215 chi hội trực thuộc Trung ương Hội."

Nhưng những “nhà báo” phục vụ cho báo đảng vá các cơ quan truyền thông khác của nhà nước, ngoài nhiệm vụ chính là phải phục vụ và tuyên truyền cho đảng và nhà nước thì họ có tham gia mạng xã hội không?

Hãy nghe ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ta thán tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam, chiều ngày 19/06 (2019), nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí.

Ông Phúc nói: "Không ít cơ quan báo chí chưa phát huy được lợi thế của mình trong việc định hướng, dẫn dắt thông tin, có trường hợp để mạng xã hội chi phối hay chạy theo thông tin mạng xã hội, không kiểm chứng, dẫn đến sai phạm đáng tiếc. Có tình trạng “hai mặt” trong một số người làm báo, cùng một vấn đề khi viết trên báo chí chính thống thì thể hiện nội dung đúng định hướng nhưng khi viết trên mạng xã hội thì ngược lại. Còn xảy ra tiêu cực trong hoạt động báo chí."

Về nhiệm vụ của báo chí, theo báo Chính phủ tường thuật lời ông Phúc, thì: "Trước hết, báo chí cách mạng nước ta phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội nước ta. “Dòng chảy chính đó là gì?”… Dòng chảy chính ấy là xã hội chúng ta tốt đẹp, công cuộc Đổi mới của đất nước đang làm Việt Nam thay đổi từng ngày, là thành quả 30 năm Đổi mới, tốc độ tăng trưởng ở mức cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Đó là một nước Việt Nam từ nghèo nàn, thiếu đói, chậm phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình, vị thế quốc tế không ngừng nâng cao.

Báo chí nước ta phải phản ánh trung thực dòng chảy chính đó, không để dòng phụ của xã hội thành chính trên mặt báo, Thủ tướng nhấn mạnh. Thành quả cách mạng của dân tộc ta, của đất nước ta, của Đảng ta là rất lớn lao và chúng ta phải khẳng định dòng chảy chính ấy, báo chí phải phản ánh cho rõ nét để nhân dân ta hiểu, đảng viên, cán bộ hiểu và tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.

“Mất niềm tin là mất tất cả; chúng ta muốn khẳng định niềm tin vào đường lối của Đảng ta trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhất là trong sự nghiệp Đổi mới”.

Chính vì vậy, tôi đề nghị hơn lúc nào hết, báo chí phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình là cung cấp tin có kiểm chứng, đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, độc... là sứ mạng của báo chí. Cuộc đấu tranh này sẽ khẳng định vai trò báo chí trong giai đoạn mới."

Ông Phúc nói thế, nhưng “những dòng chảy chính của tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, môi giới hối lộ, chạy điểm, chạy bằng cấp, chiếm nhà, chiếm đất, làm ăn sân sau, sân trước và lợi ích nhóm trong đảng” đang nhan nhản ra đấy thì báo chí không được sờ tới hay sao ?

Chính cá nhân ông Võ Văn Thường đã nhiều lần chỉ trích báo chí đến sưng mặt là chỉ chú ý đến tin xấu, tin giật gân, tin không lành mạnh để câu độc giả. Thâm chí có báo còn viết bài dọa Doanh nghiệp để vòi tiền, nhưng sau khi được “bôi trơn” thì báo lại rút bài xuống.

Vì vậy, tại một Hội nghị về báo chí năm 2018, ông Thưởng đã nói: "Đúng là thách thức từ mạng xã hội đối với báo chí là rất lớn, nhưng thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của người làm báo. Ngoài ra, còn có việc hành động chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp, cũng như cơ chế quản lý nhà nước." (theo Công Luận, 28/12/18)

Cũng tại buổi họp. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng còn báo cáo: "Tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí dọa dẫm, sách nhiễu, thậm chí tống tiền cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để trục lợi vẫn chưa được ngăn chặn triệt để."

Như vậy, trước tình trạng suy thoái của báo lề Đảng, việc Trưởng Ban Tuyên Giáo Võ Văn Thưởng viết bài phản ảnh sự run sợ của đảng trước sức mạnh và ảnh hưởng lớn của mạng xã hội có ý nghĩa gì?

Chỉ có một nghĩa duy nhất là ý chí của những nhà báo lề dân và quyết tâm muốn được viết tự do và sống dân chủ đã và đang đe dọa sự tồn tại của đảng CSVN. -/-

(06/019)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo