Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Pháp trị là giềng mối quan trọng nhất cho một xã hội ngày càng thăng tiến, trong đó duy trì cả sự "ổn định chính trị" và "trật tự trị an" của quốc gia.
"Nội trị" một quốc gia phải khoa học và nghiêm minh dựa trên "pháp trị", lúc đó mới mong nói đến "công pháp quốc tế", bởi "công pháp quốc tế" là hệ thống pháp luật quốc tế dùng để điều chỉnh các quan hệ kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội v.v... nảy sinh giữa các quốc gia, trong quan hệ hợp tác với nhau.
Đặc biệt với thời đại ngày nay, "công pháp quốc tế" càng nổi rõ vai trò không thể thiếu được trong hợp tác đa phương (ví dụ dễ thấy như "dẫn độ tội phạm", thông qua trường hợp Mạnh Vãn Chu, mà Trung Quốc luôn phản đối vì cho rằng Hoa Kỳ và Canada có "động cơ chính trị", trong khi lại không đếm xỉa gì đến "công pháp quốc tế").
Xã hội Trung Quốc rối ren, hỗn loạn trên mọi lãnh vực, kể từ khi người CSTQ "chấp chính", bởi đơn giản, những thuật ngữ thuộc về "pháp luật" hầu như vắng bóng! Đó là điều khó thể chối cãi, khi nhìn suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, kể từ 1949 đến nay!
"Viện Nguyên Lão Kiểu Mới" (!)
Viện Nguyên Lão là một tổ chức chính trị của thời La Mã Cổ Đại (tức thời "Chiếm Hữu Nô Lệ"), ra đời khoảng trên 700 trước Công Nguyên.
Cần nhắc lại, con người vào thời bấy giờ chỉ là những nô lệ đúng nghĩa.
Bộ máy hoạt động của Viện Nguyên Lão hình thành từ một nhóm người, tạm gọi là "chủ nô cao cấp" với địa vị và tiếng tăm trong "thị tộc" hay "gia tộc" và đó là căn cứ để tạo ra một tập hợp các gia đình sống dưới sự đứng đầu của một "tộc trưởng". Sau đó, các "tộc trưởng" được tập hợp để hình thành một hội đồng chung đứng vào "hội đồng liên minh các trưởng lão" (còn gọi là "Viện Nguyên Lão").
Theo thời gian, các "Nguyên Lão" nhận ra một nhu cầu tất yếu là cần phải có một người lãnh đạo duy nhất, vì vậy họ đã bầu ra "Vua" và giao cho quyền lực tối cao. Khác với thời Phong Kiến (cha truyền con nối), khi "Vua" (thời "Chiếm Hữu Nô Lệ") chết, quyền lực lại quay trở về với Viện Nguyên Lão. Từ đó, Viện Nguyên Lão lại bầu ra một "ông vua mới".
Viện Nguyên Lão có thể coi là "bộ não trung ương" của mọi quyết sách, nắm quyền chi phối tuyệt đối mọi hoạt động của xã hội.
Với mô hình tổ chức như vậy, "điều hành quốc gia" hay tiến hành "xâm lấn" bất kỳ vùng đất nào của "đối phương" hoặc công kích, hạ bệ một "Nguyên Lão" nào đó, thì Viện Nguyên Lão là nơi ban hành mọi quyết sách, thông qua một "quyết nghị" (gọi là Senatus Consulta).
Ngoài địa vị và tiếng tăm, thời "Chiếm Hữu Nô Lệ" cũng đòi hỏi phẩm hạnh, khi các "tộc trưởng" muốn được có mặt trong Viện Nguyên Lão. Ví dụ, không được phép kinh doanh hay có bất kỳ hình thức giao dịch nào, kể cả hợp đồng, cũng như không có quyền sở hữu tàu riêng để buôn bán với bên ngoài, hoặc giả không được phép ra khỏi Ý khi không được Viện Nguyên Lão cho phép.
Khi sử dụng học thuật "Chính Trị So Sánh", người ta dễ dàng nhận ra "Bộ Chính Trị" của các ĐCS (Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu, Venezuela, Việt Nam, Lào) đã và đang tồn tại trên thế giới có rất nhiều nét tương đồng với Viện Nguyên Lão, chỉ trừ Bắc Triều Tiên (cha truyền con nối) hay Cuba (anh truyền em nối) nhưng có thể xem "Viện Nguyên Lão" của 2 quốc gia này là trường hợp ngoại lệ và nó đang thoái trào, vì vấn đề "nối ngôi" đang bế tắc.
Khi so sánh giữa Viện Nguyên Lão và "Viện Nguyên Lão Kiểu Mới", có lẽ chỉ có một khác biệt duy nhất, đó là các Nguyên Lão thời La Mã Cổ Đại không được trả lương, bởi vốn dĩ họ là tầng lớp quá giàu có với hàng ngàn nô lệ trong tay cùng đất đai trù phú! Sự khác biệt này càng phơi bày "lòng tham vô đáy" của các "Nguyên Lão Kiểu Mới", đặc biệt các "Nguyên Lão Trung Quốc" và "Nguyên Lão Việt Nam" đang bày ra trước mắt người dân của cả 2 quốc gia này!
"Viện Nguyên Lão Cổ Đại" đã tiêu vong từ rất lâu, bởi như triết gia Térence (190 - 159 TCN) đã tuyên bố: "Những gì thuộc về Con Người đều không xa lạ với tôi".
Vậy căn cứ khoa học nào để nói rằng "Viện Nguyên Lão Kiểu Mới" của Trung Quốc có thể tồn tại thêm nữa, khi gắn với chiến cuộc Mỹ - Hoa đang vô cùng bỏng cháy - nơi vốn phải sử dụng các quy luật kinh tế và các thuật toán kinh tế của Kinh Tế Thị Trường để ứng phó, trong khi Trung Quốc chưa bao giờ nắm được hết các "bí quyết" về sự "vận động chóng mặt" của nền Kinh Tế Thị Trường tác động trên mọi loại thị trường: chứng khoán, công khố phiếu, tài nguyên khoáng sản, bất động sản v.v...?
Sai lầm không thể sửa chữa của không chỉ riêng Tập Cận Bình.
Đó là việc hủy bỏ thời hạn "trị vì" của mình trong tư cách "Vua" của "Viện Nguyên Lão Kiểu Mới" tại Trung Quốc.
Gọi là sai lầm, bởi lẽ Chủ tịch Tập không chút giật mình, để nhận ra người Trung Hoa khốn khổ vẫn đang "trầm mình" trong chế độ "Chiếm Hữu Nô Lệ".
Một khi soi rọi điều nói trên bằng các cặp phạm trù triết học "Nội Dung - Hình Thức" hay "Bản Chất - Hiện Tượng", người ta sẽ thấy "công dân" Trung Hoa hiện đại ngày nay, nếu có khác thời "Chiếm Hữu Nô Lệ", chỉ là khác về những hào nhoáng bên ngoài, bởi "văn hóa bàn chải chà cầu và giấy vệ sinh" đã là "chứng nhân thời đại" cho một "bia miệng vẫn còn trơ trơ" của trăm năm sau! Thật khó gột rửa!
Như Lord Acton đã nói “Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối”.
Chủ tịch Tập đã phớt lờ triết lý quan trọng nói trên.
Có thể ông Tập nghĩ rằng "Giấc Mộng Trung Hoa" luôn gắn liền với sự mơ màng "muôn năm trường trị", cùng phương thuốc "trẻ mãi không già" nào đó chăng (?). Trong khi ông Tập quên mất một khoảng trống quyền lực "mênh mông" sẽ là "cơ ngơi quá đẹp" cho sự xâu xé tranh giành ghê gớm nhất của các "Nguyên Lão Trung Quốc", một khi "Vua Tập Cận Bình" buộc phải về với "Mác - Lê Nin thế giới người hiền" (?!).
Dường như không cần đến lúc đó, bởi hiện nay uy danh của Tập Cận Bình cùng "Viện Nguyên Lão Kiểu Mới" của Trung Quốc ngày càng "xập xệ" trong mắt thế giới, do "Vành Đai Con Đường" cùng "ngoại giao bẫy nợ" và "tư duy chôm chỉa", giờ đây không còn là kế sách "Man Thiên Quá Hải" (nghĩa là "Giấu trời qua biển, lợi dụng sương mù để lẩn trốn" nhằm thực hiện mưu đồ nào đó).
Tạm Kết
Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ nhìn thấy một Đế Chế, thay vì nhìn thấy một Quốc Gia.
Đế Chế La Mã đã tiêu vong cùng Viện Nguyên Lão của nó!
Phải chăng "Đế Chế" của "Tập Hoàng Đế" cùng "Viện Nguyên Lão Kiểu Mới" của Trung Quốc đang bước những bước cuối cùng, trên con đường làm những điều trái với lời dạy bảo của triết gia Térence ?...