Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - "Bụi thời gian" của hai mươi tám năm về trước đã phủ lấp số phận một nhà báo, đến nay nhiều người đã lãng quên.
Một sáng đầu tháng bảy năm 1991, một cơn bão dữ đã táp qua cuộc đời nhà báo Trần Quang Thành - Thanh Quang bằng một ca acid đậm đặc...
"Dòng nham thạch - Acid" đổ tràn trên đầu, trên mặt và lan ra khắp châu thân như dòng nham thạch phun trào từ miệng núi lửa cuồng điên mang tên "Cộng Sản".
"Dòng nham thạch - Acid" đã lột phăng làn da như người ta lột da con ếch, rồi để lại chi chít những vết thương như mảnh lụa mỏng "vá chằng vá đụp" toàn thân.
"Dòng nham thạch - Acid" đã làm toàn bộ khuôn mặt biến dạng, với đôi môi méo mó, chiếc mũi xiêu vẹo và gãy gập, mắt trái mù vĩnh viễn, mắt phải còn cho ông nhìn thấy ánh sáng le lói với thị lực 1/10.
Người con gái đầu của ông - bây giờ đã mất vì nhồi máu cơ tim - cũng bị đuổi việc sau đó, vì "cái tội" do cha mình "gây ra"!
Đó là "cái giá" nhà báo Trần Quang Thành phải trả cho "cái tội" "một mình chống mafia" - Mafia cộng sản - khi ông thực hiện loạt phóng sự về tham nhũng và nạn buôn người của gần 30 năm về trước.
Nhờ sự cưu mang của bằng hữu và đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước, ông đã được cứu sống!
Có lẽ nhiều độc giả sẽ bàng hoàng chết lặng khi lần đầu nghe câu chuyện tóm tắt kể trên?!
Cuộc đời nhà báo Trần Quang Thành là câu chuyện về một "ngôi nhà Việt Nam mái tranh vách đất" chống chọi trước "cơn bão cuồng điên Cộng Sản", mà ông như một thân cổ thụ làm chứng nhân cho một thời điêu linh.
Cơn bão đi qua, để lại "thân cổ thụ - Trần Quang Thành" xác xơ và trơ trọi, dù không quật ngã nổi!!!
Nhiều lần trả lời phỏng vấn từ nhà báo Trần Quang Thành, Nguyễn Ngọc Già vô cùng ngần ngại, bởi sức khỏe của ông ngày càng xuống dốc thảm hại. Nhưng khi nói về nghề, về thảm họa đồng bào Việt Nam vẫn ngày ngày hứng chịu từ người CSVN, nhà báo Trần Quang Thành trở nên sôi nổi và đầy nhiệt huyết. Ông kể cho tôi nghe chuyện nghề, chuyện đời tưởng chừng không bao giờ dứt...
Trong giọng nói rè đục của ông già 78 tuổi với trên 25 năm sống cô độc nơi xứ người, tôi nhận ra "máu nhà nghề" và "tình đồng bào" vẫn dạt dào chảy trong huyết quản nhà báo Trần Quang Thành.
Đôi lúc, tôi ngần ngại không dám hỏi ông sống ra sao, sinh hoạt đời thường thế nào trong suốt quãng thời gian dài dằng dặc như thế!
Giữa quạnh quẽ và cô liêu, ông sẽ làm gì với tâm thế của một tha nhân?!
Cô Đơn - Một giai điệu bán cổ điển của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - là lời an ủi và sẻ chia của một thằng đàn em trong nghề báo - Nguyễn Ngọc Già gời đến người anh - người thầy Trần Quang Thành.
Cho phép tôi gọi: Trần Quang Thành - Một nhà báo vẫn tinh khôi một nghiệp dĩ trót mang!