Xin đừng chê trách - Dân Làm Báo

Xin đừng chê trách

Ngà Voi (Danlambao) - Những ngày này, nhìn tuổi trẻ Hong Kong xuống đường đòi tự do, đòi các quyền cơ bản của con người, của công dân phải được tôn trọng, người dân Việt Nam không khỏi xúc động, bồi hồi và lớn hơn hết là khát khao, mơ ước tuổi trẻ Việt Nam có thể sánh cùng với tuổi trẻ Hong Kong. Đó là một ước mơ rất thật, rất đời và rất đẹp. Nhưng, hầu hết mọi người đều thể hiện sự thất vọng khi nhìn giới trẻ Việt và sau đó là chê bai, chỉ trích.

Trước đây, tôi đã có một bài phân tích vì sao giới trẻ Việt Nam lại không thể được như giới trẻ Hong Kong. Trong bài, tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình và sự giáo dục của gia đình dành cho con trẻ. Nếu gia đình yêu chuộng tự do, dân chủ và dám đặt các giá trị đó lên trên quyền lợi cá nhân hoặc thậm chí lên trên cả sinh mệnh thì lúc đó mới có thể có được những con người tranh đấu mạnh mẽ. Ngược lại, tinh thần đấu tranh của người trẻ cũng như mọi thành viên trong gia đình đó đều bị thui chột.

Đã có nhiều phân tích về môi trường xã hội khác biệt giữa Hong Kong và Việt Nam: Hong Kong đã được sống trong nền dân chủ 100 năm, Việt Nam chưa. Phần lớn người dân Hong Kong đã quen với tự do, các quyền cơ bản được tôn trọng, nên khi các quyền đó bị xâm phạm họ liền đấu tranh để đòi lại cho bằng được bởi họ thấu hiểu mất những điều ấy là mất bản chất người. 

Người Việt Nam xưa nay luôn bị kềm cặp trong ba bốn loại tròng: Nho, Khổng, đảng cộng sản, định kiến, quyền lợi, sợ hãi, thiếu hiểu biết... nên các giá trị dân chủ, tự do, quyền cơ bản vẫn là những khái niệm xa lạ. Họ không biết họ mất cái gì, đòi ra sao. Biết cũng không dám đòi vì cô đơn quá, lạc lõng quá giữa những người “khôn.”

Tuổi trẻ Hong Kong có thể công khai đăng trên mạng xã hội và lan truyền các thông tin về biểu tình, cách thức ứng phó ra sao khi gặp tình huống a, b, c. Còn Việt Nam thì bị kiểm soát gắt gao hơn nhiều. Tuổi trẻ Hong Kong có thể ở giữa phố để kêu gọi biểu tình, có thể dám giấy, có thể phát tờ rơi kêu gọi người dân tham gia biểu tình. Ở Việt Nam mà đứa nào đi phát tờ rơi kêu gọi biểu tình coi?! Nó hốt sau chục phút.

Tuổi trẻ Hong Kong được cha mẹ ủng hộ, các nghệ sĩ, luật sư, trí thức... ủng hộ và đồng hành. Tụi nhỏ bị xịt hơi cay, ngay lập tức các bà mẹ xuống đường với biểu ngữ, “Đừng bắn con tôi.” Ở Việt Nam thì các bà mẹ sẽ được công an khu vực chăm sóc tận tình và mắng vốn vì có con đi biểu tình, các bà sẽ lôi con về chửi mắng và dọa nạt sẽ từ nó hoặc dọa tự tử nếu nó còn tiếp tục biểu tình.

Tuổi trẻ Hong Kong có những lợi thế hơn hẳn tuổi trẻ Việt Nam. Hay nói đúng hơn là, tuổi trẻ Việt Nam đã bị nhà cầm quyền CS và cả chính cha mẹ gia đình tước đoạt đi sĩ khí, ý chí và lòng dũng cảm, sự tự do, dân chủ trong mỗi đứa trẻ. Chúng là kết quả tất yếu của nền giáo dục tồi tệ từ trường, xã hội cho đến gia đình.

Bạn có dám để con bạn chết vì lý tưởng của nó không? Nếu không, xin đừng chửi tuổi trẻ Việt Nam nữa. Bạn có dám hy sinh đâu mà bắt chúng phải dũng cảm?

Tôi nhớ những lần xuống đường, không ít bạn trẻ tham gia. Xong, về trường chúng bị làm khó dễ, thậm chí có những đứa phải nghỉ học. Về nhà chúng bị chửi bới nhiếc móc như chúng làm gì sai quấy. Cuối tuần thường bị canh nhà. Bị cơ quan đuổi việc... Đủ mọi thủ đoạn để triệt tiêu tính phản kháng của giới trẻ. Rồi văn hóa văn nghệ cũng góp tay đắc lực trong việc làm cho bọn trẻ ngu người vì những ngôn tình sến súa tưởng như vô hại.

Không thể so sánh Hong Kong với Việt Nam bởi so sánh là khập khiễng vì hai nền tảng hoàn toàn khác nhau. Muốn có lớp trẻ như vậy thì ngay từ bây giờ, cha mẹ phải thay đổi tư duy đã. Chửi, chê trách chúng thì dễ vì chúng có biết phản ứng gì đâu. Nhưng, điều đúng cần làm là mỗi người lớn hãy tự hỏi lại chính mình và tự trách, tự chê mình, tự thay đổi thì mới có cơ hội tuổi trẻ Việt Nam khá lên được.

19.06.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo