Hong Kong: 5 người tuyệt thực phản đối dự luật dẫn độ - Dân Làm Báo

Hong Kong: 5 người tuyệt thực phản đối dự luật dẫn độ

ImmediaHK - Như Trúc (Danlambao) dịch - Có 5 người phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi đã bắt đầu tuyệt thực từ ngày thứ  Tư ở khu vực Admiralty, họ yêu cầu rút lại dự thảo sửa đổi "Luật dẫn độ", thành lập ủy ban điều tra độc lập, rút lại lời cáo buộc với những người biểu tình gây bạo loạn. Bên cạnh họ có những tấm giấy bìa cung cấp cho người dân có thể viết xuống những câu nói bày tỏ ý kiến, cũng có không ít người dân đưa tặng nước uống và đồ ăn cho những người tuyệt thực, bày tỏ sự ủng hộ của họ.

Bản tin đặc biệt của truyền thông độc lập

Có 5 người phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi đã bắt đầu tuyệt thực từ ngày thứ Tư ở khu vực Admiralty, họ yêu cầu rút lại dự thảo sửa đổi "Luật dẫn độ", thành lập ủy ban điều tra độc lập, rút lại lời cáo buộc với những người biểu tình gây bạo loạn.

Bên cạnh họ có những tấm giấy bìa cung cấp cho người dân có thể viết xuống những câu nói bày tỏ ý kiến, cũng có không ít người dân đưa tặng nước uống và đồ ăn cho những người tuyệt thực, bày tỏ sự ủng hộ của họ. 

Tại hiện trường có hai tình nguyện viên bày tỏ, họ lo lắng "Lam Tuyến (ám chỉ những người ủng hộ cảnh sát, ủng hộ Bắc Kinh)" sẽ tới quấy rối, bởi vậy họ thay phiên nhau trực ban để bảo vệ những người tuyệt thực.

Trần Bá (bác Trần) 73 tuổi: Các thanh niên đừng chết, cuộc đấu tranh còn dài
Trần Bá - người đã bắt đầu tham gia tuyệt thực từ 7h 30 tối ngày thứ Tư cho biết, trong phong trào phản đối dự luật sửa đổi "Luật dẫn độ", chỉ nhìn thấy thái độ vô cảm bất nhân của chính phủ, không hề có hồi đáp nào đối với những yêu cầu của người dân Hong Kong, ngược lại không ngừng đàn áp quần chúng, điều này khiến ông cảm thấy phẫn nộ.

Năm nay ông đã 73 tuổi, "Đã mấy chục tuổi rồi, cũng không còn sợ gì", ông muốn mang lại cho tầng lớp thanh niên một xã hội công bằng, kêu gọi những thanh niên không nên vì chính phủ mà phải hy sinh tính mạng, cần chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài.

 Người tuyệt thực tên May
Người tuyệt thực tên May cho biết tối hôm trước đã có buổi nói chuyện với Trần Bá, qua đó được truyền cảm hứng một cách sâu sắc, vì vậy 10 giờ sáng ngày hôm qua cô quyết định cùng đồng hành tuyệt thực, hy vọng có thể đóng góp một phần nỗ lực.

May là người đã di cư sang Hoa Kỳ kể từ năm 1997, sau 22 năm, cô nhìn thấy người Hong Kong bị đàn áp trong phong trào chống dự luật dẫn độ sửa đổi, những thanh niên tự sát, cô nhìn thấy và không vừa lòng. Cô nhanh chóng quyết định quay về Hong Kong tham gia cuộc biểu tình vào ngày 1 tháng 7. Cô cho biết tuy đã định cư ở Hoa Kỳ nhiều năm, nhưng vẫn xem Hong Kong là nhà, có sự việc xảy ra liền quay về nhà trợ giúp. 

May cho rằng tuyệt thực là một trong những phương pháp đấu tranh ôn hòa, lý tính, chính phủ không có lý do gì để không lắng nghe và tiếp thu những yêu cầu của người dân. Cô rất tán thưởng sự dũng cảm của tầng lớp thanh niên trẻ tuổi, nhưng rất đau lòng trước sự kiện hy sinh tính mạng, cho rằng bọn họ không phải là phần tử bạo loạn. Đối với thanh niên, cô cho biết nếu như mọi người có bất kỳ khó khăn gì, có thể đến và giãi bày tâm sự cho cô biết, cô và những người lớn tuổi khác đều sẽ ở bên cạnh mọi người. Tuy rằng giữa Hong Kong và Hoa Kỳ có khoảng cách rất xa, nhưng đối với sự kiện này, cô cảm thấy rằng người Hong Kong đã cùng đứng chung một chiến tuyến, ở hải ngoại cũng có rất nhiều tiếng nói ủng hộ, hình thành một tấm lưới lớn, ngay cả khi chúng ta đều cảm thấy mất mát, nhưng vẫn luôn có người đứng lên ủng hộ chúng ta.

Người tuyệt thực Lương tiên sinh (người bên phải)

Một người tham gia tuyệt thực khác là Lương tiên sinh bày tỏ, ông cảm thấy phẫn nộ vì cách hành xử của chính phủ đối với phong trào phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi. Ông nói thẳng rằng bởi vì năm nay ông đoàn tụ cùng người nhà nên không tham gia diễu hành ngày 1 tháng 7, nhưng khi nhìn thấy không ít thanh niên chấp nhận hy sinh tiền đồ tương lai, dùng hành động bày tỏ sự phản kháng, ông cảm thấy rất lo lắng, đồng thời nó đã gây cảm hứng khiến ông muốn làm một việc gì đó để bày tỏ sự ủng hộ.

Ông cho rằng sự việc bùng nổ đến ngày hôm nay đều được thúc đẩy bởi chính phủ, họ không ngừng câu giờ, né tránh trách nhiệm, khiến cho người dân Hong Kong cảm thấy tuyệt vọng. Từ hành động tuyệt thực Lương tiên sinh thấy rằng người Hong Kong có thể dùng những phương thức khác để gây áp lực lên chính phủ, ví dụ như tiếp tục phong trào bất hợp tác, nhưng cũng cần suy tính đến những ảnh hưởng đối với cuộc sống của người dân thành phố. 

Ông hy vọng rằng bản thân mình có thể duy trì phong trào tuyệt thực từ 4 đến 5 ngày.











Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo