"Thấy đấy, họ rất vui mừng trước sự hào phóng của chúng ta!" - Dân Làm Báo

"Thấy đấy, họ rất vui mừng trước sự hào phóng của chúng ta!"

Yaqiu Wang * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Vào ngày 22 tháng Sáu, ở Sihanoukville, một thành phố cảng ở tây nam Campuchia, tòa nhà do người Trung Quốc sở hữu đang xây dựng thì bị sập khiến cho ít nhất 28 người chết, tất cả các nạn nhân đều là người Campuchia. Người chủ đã xây nhà không có giấy phép cần thiết, mà còn thách thức lệnh đình chỉ thi công. Nhưng do tốc độ xây dựng công trình quá nhanh của người Trung Quốc, và do thiếu sự giám sát và thiếu các tiêu chuẩn xây dựng, những bi kịch như thế này dường như là tất yếu.

Hiện nay Trung Quốc là nguồn đầu tư nước ngoài trực tiếp, nguồn viện trợ nước ngoài, và nguồn du khách lớn nhất của Campuchia. Thuộc về chương trình sáng kiến Vành đai và Con đường đầu tư và cơ sở hạ tầng trị giá ngàn tỷ đô la, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ đô la vào Campuchia, phần lớn số tiền này dưới hình thức những dự án cơ sở hạ tầng như cầu, xa lộ, đường sắt, và hải cảng. Vào năm 2018, hai triệu du khách Trung Quốc đến vương quốc 16 triệu người này. 

Tháng Năm năm nay tôi đến Sihanoukville, nơi hiện nay người Trung Quốc ước tính chiếm từ 20 đến 30 phần trăm dân số thành phố, để thấy ảnh hưởng của đầu tư Trung Quốc đối với thành phố. Trước đây là thành phố biển bình yên chẳng mấy sầm uất, còn bây giờ Sihanoukville đã trở thành trung tâm thu hút những con bạc Trung Quốc, vì bài bạc bị cấm ở Trung Quốc đại lục, và chỉ những người ngoại quốc mới được cho phép đánh bài ở Campuchia. Trong mấy năm qua hàng chục sòng bài do người Trung Quốc sở hữu và xây dựng đã mọc lên ở đây, và thêm nhiều sòng bài mới đang được xây dựng. 

Tôi nói chuyện với hàng chục công nhân trên các công trường xây dựng và trong các sòng bài, giới doanh nhân, và những người chủ tiệm và nhà hàng người Trung Quốc. Nhiều người trong họ chê bai trí tuệ, đạo đức nghề nghiệp, đầu óc kinh doanh của người Campuchia, và khẳng định rằng đầu tư Trung Quốc đang mang lại cho người dân địa phương sự giàu có và cơ hội mà họ sẽ không có cách nào có được. "Không có người Trung Quốc chúng ta đến đây tạo công ăn việc làm cho họ thì người Campuchia chỉ còn cách ăn xoài mỗi ngày mà sống", một doanh nhân Trung Quốc nói với tôi. "Họ rất lạc hậu." Ở ngoài bờ biển, một doanh nhân Trung Quốc trả tiền nước trái cây chúng tôi uống và bảo người phục vụ Campuchia giữ lấy tiền thối lại. Rồi ông ấy quay sang tôi nói, "Thấy đấy, họ rất vui mừng trước sự hào phóng của chúng ta!" 

Thật khó tìm bằng chứng cho sự lạc quan của doanh nhân ấy. Ở Sihanoukville, nhiều người Campuchia nói đầu tư của Trung Quốc chẳng mang lại lợi ích gì cho họ vì các công ty Trung Quốc thường thích đưa công nhân Trung Quốc sang, còn du khách và dân thường trú Trung Quốc thường chỉ hay mua sắm ở các cửa hàng của người Trung Quốc. Giá thuê nhà và giá bất động sản tăng vọt đã khiến cho nhiều người Campuchia phải dọn ra khỏi thành phố quê hương mình. 

Cách cư xử được cho là khiếm nhã của doanh nghiệp và du khách Trung Quốc - chẳng hạn như xả chất thải bừa bãi, say rượu lái xe, băng đảng đánh nhau - cũng khiến cho những nhà môi trường và cư dân địa phương phẫn nộ. Tháng Năm năm nay nhà chức trách Sihanoukville đóng cửa một sòng bài của người Trung Quốc vì đổ chất thải chưa qua xử lý xuống biển, sau khi sòng bài này làm ngơ trước bao nhièu lệnh ngừng hoạt động. 

Cho nên chẳng ngạc nhiên khi tâm trạng bài Hoa dâng cao trong lòng dân chúng Campuchia. "Những kiều dân Trung Quốc đến Campuchia đầu tư, chỉ gây ra rất nhiều vấn đề cho Campuchia và chỉ gây đau khổ cho nhân dân thôi." Một người dùng Facebook bình luận kém với hashtag #LạibọnTàu! 

Bất chấp mối bất mãn trong nhiều người Campuchia về sự hiện diện ngày càng nhiều của người Trung Quốc, chính quyền Hun Sen vẫn hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc, bác bỏ bao lo ngại về việc rửa tiền và gian lận tài chính của những nhà đầu tư Trung Quốc, và làm ngơ trước những bằng chứng là đầu tư của Trung Quốc đang làm cho sự bất bình đẳng và căng thẳng chủng tộc ngày càng trầm trọng thêm. Khi chế độ cai trị càng ngày càng độc đoán của Hun Sen đã gây căng thẳng trong mối quan hệ với Phương Tây thì chính quyền của ông lại càng trở nên lệ thuộc hơn vào tiền bạc của Trung Quốc. Kể từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc vẫn là nước ngoài viện trợ lớn nhất cho Campuchia. Trong năm 2018, Trung Quốc là chủ nợ của gần như một nửa tổng số nợ 6 tỷ đô la Campuchia nợ từ nước ngoài. Và vào đầu năm 2019, hai nước đã đồng ý về điều mà Hun Sen cho là viện trợ không hoàn lại 600 triệu đô la và mục tiêu đến năm 2023 là 10 tỷ đô la trong thương mại song phương. 

Dưới thời chế độ diệt chủng Khmer Đỏ 1975-1979, nạn kỳ thị dựa trên chủng tộc và sự oán hận những người thiểu số đã đưa đến bạo lực chống lại người Hồi giáo Chăm, người Hoa, và những nhóm thiểu số khác, và tiếp diễn suốt thập niên 1980 và 1990, đặc biệt nhắm vào người Việt. Vào năm 2003, đám đông khoảng một ngàn người Campuchia đã tấn công dữ dội và phóng hỏa đốt tòa đại sứ Thái và các cơ sở thương mại do người Thái làm chủ để phản đối điều họ cho là người Thái ngạo mạn và khai thác tài nguyên của Campuchia. 

Nếu chính quyền Hun Sen muốn tránh tiến trình càng ngày càng xấu hơn cho người Trung Quốc ở Cambodia, họ nên chú trọng đến các quyền của người Campuchia. Họ nên thông qua và thi hành đầy đủ những tiêu chuẩn luật lao động nghiêm ngặt nhằm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn và bảo vệ những người Campuchia làm việc cho các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi bị bóc lột sức lao động. Họ nên có những biện pháp chống tham nhũng cụ thể để chấm dứt sự miễn tội dành cho các viên chức thu lợi từ tham nhũng. Và cuối cùng, họ nên đưa ra những quyết định về đầu tư của nước ngoài một cách minh bạch và toàn diện mà có xem xét đến quan điểm của công chúng. 


Nguồn


Người dịch:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo