Photo: © Alicia Tatone |
Hoàng Thủy Ngữ (Danlambao) dịch - Bắc Kinh sử dụng các hội đoàn sinh viên và chuyên nghiệp trong nỗ lực tạo ảnh hưởng không chỉ nhằm vào các công dân Trung Quốc ở nước ngoài mà còn cả ngoại kiều.
Trong nhiều thế kỷ qua, quân đội Phổ, Napoleon, Đức Quốc Xã và Đồng Minh đều đã dẫm đạp lên the Strasse des 17 Juni, một đại lộ chạy dài theo hướng đông-tây, xuyên qua công viên Tiergarten rợp bóng cây xanh của thành phố Berlin và ở đó, có tượng đài vàng của nữ thần La Mã Victoria chắp cánh bay vút trên cao.
Thời gian gần đây, trong giảng đường của Đại học Kỹ thuật Berlin (the Technische Universität Berlin) nằm dọc theo đại lộ, cả ngàn tiếng nói yêu nước hát vang bài ca cổ vũ cho một sức mạnh khác đang lên: Trung Quốc.
“Mặc dù sống ở nước ngoài, tôi cũng không thể thay đổi trái tim Trung Hoa của mình”, các sinh viên khoa học, đa số là tiến sĩ, cùng ca ngợi hình ảnh Vạn Lý Trường Thành trên sân khấu với bài hát “Trái tim Trung Hoa”, một phiên bản karaoke cổ điển được đảng Cộng Sản Trung Quốc công nhận. “Tổ tiên của tôi từ lâu đã đặt hình ảnh Trung Quốc trên tất cả mọi thứ trong tôi”, họ hát như vậy.
Lễ hội Tết Nguyên Đán, vào cuối tháng Giêng, là một buổi tiệc linh đình và náo nhiệt do một nửa hội sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học hàng đầu ở Berlin và bang Brandenburg tổ chức. Chương trình gồm có: khiêu vũ, âm nhạc, kung fu, nói đùa về thời tiết nước Đức (xám xịt và ẩm ướt), giải thưởng (máy điện tử Huawei và những chai Baijiu, một loại rượu mạnh của Trung Quốc) và thông điệp của Shi Mingde, đại sứ Trung Quốc sắp đến Đức.
“Tôi hy vọng các bạn sẽ không đánh mất kỳ vọng mãnh liệt của tổng thư ký Tập Cận Bình và quê hương chúng ta”, Shi nói. “Hãy biến tình cảm yêu nước thành hành động yêu nước…. Hãy xiết chặt lý tưởng riêng của các bạn với vận mệnh quê hương”. Và trong bài tường thuật đêm hôm đó của toà đại sứ Trung Quốc ở Berlin, ông nói tiếp: “Hãy đem khoa học và kỹ thuật trở về quê nhà để thúc đẩy kinh tế và xã hội Trung Quốc phát triển”.
Nhìn vẻ bề ngoài, sự kiện này không có gì đáng nói. Đó chỉ là bữa tiệc đón mừng Năm Con Lợn. Tuy vậy, nó mang một ý nghĩa sâu xa hơn: ngoài việc tổ chức những bữa tiệc và sự kiện văn hóa, 80 hội sinh viên Trung Quốc tại Đức, đại diện cho 60 000 sinh viên đến từ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, là những mảnh ghép của các tổ chức trên toàn châu Âu. Với số lượng có lẽ lên đến hàng ngàn và được Bắc Kinh kết hợp một cách tỉ mỉ, các hội đoàn này ủng hộ hệ tư tưởng và mục tiêu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc – và kể chuyện về Trung Quốc – giữa cả người Trung Quốc lẫn người Châu Âu, và cố gắng bảo đảm rằng công dân Trung Quốc đang sống ở nước ngoài và hậu duệ của các dân tộc Trung Hoa khác đều trung thành.
Giống như các tua nấm ẩn hình lan tràn ra hàng dặm dưới đáy rừng, mạng lưới này hoàn toàn vô hình đối với hầu hết người Âu Châu và các nhà lãnh đạo của họ vốn thiếu kỹ năng tiếng Trung cần thiết và sự hiểu biết về đường lối chính trị của đảng Cộng Sản. Nó không đơn giản chỉ tìm cách định hướng cuộc hội thoại về Trung Quốc mà còn đem được về nước cả công nghệ và chuyên môn. Trong khi nỗ lực này được đảng thúc đẩy, việc thực hiện chủ yếu lại do một cơ quan giấu mặt ít được biết đến có trụ sở ở Bắc Kinh, tên là Bộ Công Tác Mặt Trận Thống Nhất (the United Front Work Department).
Những động thái này của Trung Quốc xuất hiện trong bối cảnh các quốc gia dân chủ trên thế giới lo ngại về hoạt động gián điệp chính trị và kinh tế của Bắc Kinh, cho dù đó có phải là trộm cắp tài sản trí tuệ hay không – một vấn đề trọng tâm trong cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – hay việc theo dõi hoặc gây sức ép của Trung Quốc ở nước ngoài. Các chính trị gia và viên chức ở Mỹ và Úc nói riêng đã báo động về khả năng và sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc sử dụng sức mạnh trong lãnh thổ của họ, mặc dù phản ứng của Âu Châu cho đến nay vẫn chưa rõ ràng.
“Trung Quốc đang cố gắng tiếp cận chính trị, kinh tế và an ninh của Đức và rất nhiều người không nhận ra điều đó”, ông Carlo Masala, giáo sư chính trị quốc tế và là chuyên gia an ninh tại đại học Bundeswehr ở Munich, nói với tôi “không phải mắt chúng tôi mù về Trung Quốc, nhưng chúng tôi không theo sát kỹ lắm”.
Nước Đức đã chào đón nhiều thế hệ sinh viên Trung Quốc, cả trước và sau cuộc cách mạng cộng sản Trung Quốc năm 1949. Trong một tình huống trớ trêu của lịch sử, Mặt Trận Thống Nhất ( the United Front) đã bắt đầu phần nào cách đây gần 100 năm với tư cách là Einheitsfront ở Berlin, khi thành phố này là trung tâm hoạt động của Quốc Tế Cộng Sản của Vladimir Lenin. Tổ chức này tìm cách vô hiệu hóa kẻ thù của cộng sản bằng việc xâm nhập, rồi hợp tác và ép buộc những người chỉ trích hay còn lưỡng lự.
Số lượng các nhóm liên kết với Mặt Trận thống nhất Trung Quốc tại Đức là 230: con số thực hẳn phải cao hơn. Chúng bao gồm tình bằng hữu, văn hóa và xã hội kinh tế Trung Quốc – Đức; các văn phòng thương mại Trung Quốc; các nhóm chuyên gia khoa học và công nghệ Trung Quốc làm việc tại Đức và một hiệp hội “ngoại giao quần chúng” công khai tự hào về tầm ảnh hưởng của nó đối với các chính trị gia Đức và Châu Âu. Đó là chưa tính đến các hội sinh viên và 20 Học viện Khổng Tử, cả hai đều kiên định mục tiêu của Mặt Trận Thống Nhất (nhiều email và cuộc điện thoại đã gửi và gọi đến đại sứ quán Trung Quốc, các hội sinh viên và hiệp hội chuyên gia Trung Quốc ở Berlin để tìm kiếm lời bình luận của họ nhưng đều không được trả lời).
Sau cuộc biểu tình phản kháng tại Thiên An Môn của sinh viên, đảng cộng sản Trung Quốc bắt đầu dựa vào các hội sinh viên để theo dõi và định hình hoạt động của sinh viên ở nước ngoài và truyền bá thông điệp của mình, theo Alex Joske, nhà nghiên cứu tại Viện chính sách chiến lược Úc ở Canberra. Thông điệp của Shi trong bữa tiệc mừng Tết Nguyên Đán ở Berlin gửi đến các học sinh Trung Quốc vốn đã từng được giáo dục về lòng yêu nước rõ ràng như sau: Hãy trung thành (tình cảm quốc gia), chuyển giao công nghệ (hành động yêu nước), đừng bị đồng hóa (xiết chặt ý tưởng của riêng bạn với vận mệnh quê hương).
Cấp độ kiểm soát của đảng có vô số hình thức và được cố tình xen lẫn với các dịch vụ hữu ích. Tại đại học Frei Universitat Berlin, một tài liệu dầy 100 trang, dành cho hội sinh viên Trung Quốc, cung cấp các thông tin thực tiễn về cách điều hướng bộ máy quan liêu Đức. Tuy vậy, một thông điệp chính trị đã hiện ra ngay trong trang 101: “Khi sát cánh bên nhau, chúng ta có thể xuống đường và hét to cho quê hương. Bạn có thể chào đón các nhà lãnh đạo Xi Dada và Peng Mama” – lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và vợ là Bành Lệ Viện. Trường đại học đã không trả lời các yêu cầu bình luận.
Người cầm đầu một hội sinh viên Trung Quốc tại một trường đại học, cũng như những người khác khi tôi phỏng vấn đều yêu cầu giấu tên để tránh bị trả thù, cho biết các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đề nghị cô đảm nhận vai trò này, và sẵn lòng trả “hàng trăm euro” cho các sự kiện. Điều quan trọng là trong khi nhiều sinh viên xem các cuộc tụ họp chủ yếu chỉ có tính cách xã hội thì chính trị lại len lỏi vào. Một trong nhiều chuyến đến thăm Berlin của Lý Khắc Cường, thủ tướng Trung Quốc trong những năm gần đây là cơ hội cho đại sứ quán kết hợp tổ chức một bữa tiệc để vinh danh Lý tại công viên Tierparten, một sinh viên khác và cũng là thành viên của hội sinh viên Berlin cho biết như vậy.
Một cựu lãnh đạo hội sinh viên đại học đã thuật lại rằng, trước khi anh khởi hành đi Đức, một viên chức lớn tuổi, đảng viên cộng sản Trung Quốc ở địa phương đã yêu cầu anh ta làm gián điệp cho Bắc Kinh trong thời gian hoàn tất việc học. Viên chức này đề cập đến sự phát triển quốc gia và lòng yêu nước và đề nghị sẽ đền bù tài chính. Mặc dù từ chối, anh vẫn nhận cầm đầu hội sinh viên Trung Quốc tại Đức. Sau hai năm làm công việc này, anh được cấp một giấy chứng nhận vai trò lãnh đạo do đại sứ quán Trung Quốc cấp và đóng dấu và anh đã cho tôi xem. Hồ sơ sẽ giúp anh trong sự nghiệp khi trở về Trung Quốc, nhưng anh không bao giờ làm việc này.
Và như một phần trong nỗ lực xây dựng Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu về khoa học và công nghệ toàn cầu – một thúc đẩy đã gây lo ngại qua việc Bắc Kinh đang cố gắng xây dựng các công ty công nghệ của mình bằng cách mua lại các công ty Tây phương và thông qua gián điệp kinh tế – nó cũng truy tìm thông tin về các nghiên cứu của tôi. Mặc dù gần như không thể đưa ra con số chính xác về những thiệt hại của nước Đức do các nỗ lực này gây ra, năm 2017, Bitcom, một công ty kinh tế kỹ thuật số ở Berlin, ước tính nền kinh tế Đức đã mất 55 tỷ euro (61 tỷ đô la) mỗi năm chỉ riêng trong chiến tranh mạng và việc đánh cắp dữ liệu. Tổ chức này cho biết 1/5 các vụ tấn công đến từ Trung Quốc.
Vào tháng Giêng, Liên đoàn công nghiệp Đức tuyên bố Trung Quốc không chỉ là đối tác mà còn là “đối thủ cạnh tranh của hệ thống”. Vài tháng sau, Ủy ban Âu Châu cho biết “Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh kinh tế trong việc theo đuổi vị trí lãnh đạo công nghệ và là đối thủ mang tính hệ thống”. Trong một báo cáo từ năm 2018, cơ quan tình báo nội địa của Đức viết rằng các cơ quan an ninh Trung Quốc đã “tận lực khai thác lãnh vực chuyên môn và tiềm năng tri thức của các nhà khoa học Trung Quốc tại Đức”. Báo cáo này cho thấy Berlin rất khó truy tố các hoạt động gián điệp như vậy khi biên giới hoạt động giữa nhà nước và cá nhân mập mờ, như thường thấy trong trường hợp đối với Trung Quốc. “Mặc dù nhiều chỉ dấu khác nhau cho thấy có sự nhúng tay của Trung Quốc”, như trong một vụ kiện điển hình năm ngoái, cơ quan này viết, những người liên quan “chỉ có thể bị buộc tội theo… luật cạnh tranh không công bằng”.
Một mạng lưới nghiên cứu được xây dựng cẩn thận và công việc làm giúp quá trình thực hiện thông suốt. Các hội sinh viên quảng cáo công việc lương cao từ quê nhà tại các viện hoặc công ty nhà nước, gồm cả các đặc quyền như nhà ở và sự giúp đỡ con cái đi học. Một số ưu đãi khác như các sinh viên tốt nghiệp có thể đáp chuyến bay trở lại Đức hàng năm để duy trì những mối quan hệ cá nhân hay chuyên ngành.
Các trường đại học ở Trung Quốc có một chương trình quảng cáo kèm với nhiều đề nghị đăng trên tài khoản WeChat của Liên đoàn sinh viên công cộng Berlin và Brandenburg. Họ đang tìm cách thu hút các “sinh viên xuất sắc” trở về Trung Quốc bằng việc đài thọ toàn bộ chi phí chuyến đi để thúc đẩy cộng tác học thuật và giúp tìm việc làm.
Trường đại học công nghệ Vũ Hán tìm sinh viên có chuyên môn về các ngành như vật liệu mới, kỹ thuật đại dương, hệ thống quản lý giao thông, trí tuệ nhân tạo và nghiên cứu bảo mật. Trong một trường hợp, một nhà nghiên cứu về thiết bị robot dưới nước tại một trường đại học ở vùng tây bắc nước Đức quay về Trung Quốc để thuyết trình “sâu sắc, tỉ mỉ, chi tiết và từng bước một” về “đường lối nghiên cứu khoa học” của đại học Đức cho một chi nhánh của Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc, một viện nghiên cứu nhà nước. Ngoài những nỗ lực này, theo một bài nghiên cứu, nước Đức là một trong những điểm đến hàng đầu của các nhà khoa học có liên quan với công việc nghiên cứu sâu xa hơn cho quân đội Trung Quốc.
Các ưu tiên dành cho công việc nghiên cứu rất đa dạng nhưng chuyên chú vào khoa học và xây dựng nhà nước, Gery Groot, người nghiên cứu về Mặt Trận Thống Nhất tại trường đại học Adelaide, thuật lại với tôi như vậy. Ông nói sinh viên khó lòng từ chối những lời kêu gọi bởi lẽ chúng đặt trên cảm xúc và tài chính và khích động lòng trung thành với quốc gia. Điểm cuối cùng này đặc biệt quan trọng. Ông đồng ý với những gì William Hannas, James Mulvenon và Anna Puglisi viết trong quyển sách của họ về chương trình chuyển giao công nghệ của Trung Quốc: “sự đồng hóa rõ ràng không phải là một lựa chọn và cũng không phải là để tự tôn trọng”. Groot nói “Nếu bị gọi là mất gốc vì muốn trở thành người da trắng, các sinh viên Trung Quốc có nguy cơ bị đồng bào Trung Quốc ngược đãi".
Theo Yishu Mao, nhà xã hội học tại Viện nghiên cứu Trung Quốc tại Berlin, người đã khảo sát 267 sinh viên Trung Quốc tại các tổ chức giáo dục cao cấp ở Đức, hầu hết đều ủng hộ chế độ độc đảng ở quê nhà (mặc dù nhiều người cũng hy vọng tự do dân sự mở rộng hơn) và trở về Trung Quốc sau khi tốt nghiệp. Đối với những người ở lại, một hệ thống liên kết của Mặt Trận Thống Nhất bảo đảm họ có thể đóng góp cho quê hương: Liên đoàn các hiệp hội chuyên nghiệp Trung Quốc ở Âu Châu, một nhóm ô dù (umbrella group) có trụ sở tại Frankfurt, gồm 60 tổ chức khoa học và công nghệ Trung Quốc trên khắp lục địa.
Trang web tiếng Hoa của Liên đoàn được thành lập vào năm 2001: "Đó là một nhóm người da vàng, tóc đen, trong số đó có một số sinh viên và học giả giỏi nhất thế giới”. Mục đích của nhóm này là: "Thành lập một nhóm trí thức Trung Quốc đa ngành, đa khoa học để cống hiến tri thức cho việc cải cách và xây dựng Trung Quốc". Với các văn phòng ở Bắc Kinh và Thượng Hải, họ đưa ra các giải thưởng và viễn cảnh của việc thiết lập những kết nối chuyên nghiệp ở Trung Quốc và tổ chức sự kiện thường niên cho các nhà khoa học Trung Quốc khắp Âu Châu. Năm nay họ sẽ tổ chức sự kiện tại Dublin vào tháng Mười và đề tài sẽ tập trung vào trí tuệ nhân tạo và sản xuất tiên tiến. Năm ngoái, tại Helsinki, khoảng 300 quan chức, nhà khoa học, doanh nhân Trung Quốc và Phần Lan đã tham dự sự kiện nói về việc xây dựng những nền kinh tế bền vững và các thành phố thông minh.
Tuy nhiên, dù tổ chức quy mô và mang nhiều tham vọng, liên đoàn này lại rất bí ẩn. Không ai trả lời chuông tại địa chỉ đã đăng ký, một căn nhà ba tầng ở ngoại ô Frankfurt. Trên chuông cửa đã bị bong tróc là danh sách một số tổ chức kiên kết với người thành lập liên đoàn, Zhou Shengzong, một nhà khoa học máy tính đến Đức năm 1988, khi còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ, và hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc.
Tại Helsinki, dấu chân của Mặt Trận Thống Nhất rất rõ ràng: trong số các tổ chức, có hiệp hội Zhigong Bắc Âu đặt trụ sở tại Stockholm. Trên trang web của mình, hiệp hội này cho biết họ có “liên hệ lâu dài với đảng Zhigong của Trung Quốc và tổ chức sinh hoạt giao lưu với tất cả các chi nhánh của đảng Zhigong và các hiệp hội ở nước ngoài”.
Đảng Zhigong, một trong 8 đảng không-cộng-sản được Mặt Trận Thống Nhất phê chuẩn, nằm dưới sự lãnh đạo của Wan Gang, cựu bộ trưởng khoa học và công nghệ và là phó chủ tịch Hội nghị Tham vấn Chính trị Nhân dân Trung quốc, bộ phận tư vấn hàng đầu của Trung Quốc và bản thân nó là tổ chức liên kết với Mặt Trận Thống Nhất. Quá trình đào tạo của Wan một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của nước Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, một cường quốc công nghiệp và công nghệ mà Trung Quốc đeo đuổi: một kỹ sư ô-tô, Wan đã nghiên cứu và làm việc tại đây suốt 17 năm.
Dù chuyện gì xảy ra, như căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có trầm trọng hơn nữa, Mặt Trận Thống Nhất vẫn lớn mạnh. Tập đã ra lệnh cho tổ chức này “tăng cường và cải thiện” khi đối mặt với “những thách thức ngày càng gia tăng của phương Tây nhằm kìm chế Trung Quốc”, Pan Yue, một viên chức cao cấp của đảng Cộng Sản cho biết trong bài diễn văn tháng này.
Peter Mattis, cựu chuyên gia phân tích của CIA, hiện vẫn nghiên cứu về Trung Quốc tại Jamestown Foundation nói: “Đảng tự chen vào, thông qua Mặt Trận Thống Nhất, giữa người Trung Quốc ở Âu Châu và thế giới bên ngoài”… “Luận lý chính trị không giống như những gì chúng ta sử dụng trong một hệ thống dân chủ”.
Nguồn: The Chinese Influence Effort Hiding In Plain Sight. By Didi Kirsten Tatlow, Jul.12, 2019, The Atlantic.
https://www.msn.com/en-ie/news/indepth/the-chinese-influence-effort-hiding-in-plain-sight/ar-AAEebF8