Sơn Nghị (Danlambao) lược dịch - Đức Giêsu có ủng hộ chủ nghĩa xã hội không? Giáo lý của Ngài có lên án sự tích lũy của cải trong khi thúc đẩy sự phân phối tài nguyên đồng đều không? Lawrence Reed, chủ tịch của Quỹ Giáo dục Kinh tế, giải thích những quan niệm sai lầm xung quanh một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử loài người.
Để xem, nếu chủ nghĩa xã hội chỉ đơn thuần là sự tử tế với người khác, thì câu trả lời là có. Nhưng quý vị vẫn có thể vừa tử tế, vừa là một nhà tư bản. John Rockefeller hiến tặng của cải nhiều hơn bất kỳ ai trong lịch sử loài người, và ông ta là một nhà tư bản 100%. Bill Gates và Warren Buffet – hai nhà tư bản đương thời – cũng đã biếu tặng hàng triệu đô-la cho quỹ từ thiện. Họ là những người rất tử tế.
Để tìm câu trả lời chính xác cho câu hỏi, chúng ta cần xác định chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa xã hội là sự tập trung quyền lực vào tay một nhóm người để đạt được hai mục đích: kế hoạch hóa kinh tế từ trung tâm và tái phân phối triệt để của cải vật chất.
Đức Giêsu không bao giờ kêu gọi bất kỳ điều gì như trên.
Trong Tân Ước không hề thấy Ngài chủ trương nhà cầm quyền phải trừng phạt người giàu – hoặc thậm chí sử dụng tiền thuế để giúp đỡ người nghèo. Ngài cũng chẳng hề thúc đẩy các ý tưởng nhà nước phải sở hữu các doanh nghiệp hoặc kế hoạch hóa nền kinh tế từ trung tâm.
Trong chương 12 của thánh sử Luca, Đức Giêsu đối mặt với một người đàn ông muốn tái phân phối của cải. "Thưa Thầy," người đàn ông nói với Đức Giêsu, "xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi." Đức Giêsu trả lời: "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?" và sau đó Ngài quở trách người đàn ông vì ghen tị với người anh em chung quanh.
Còn Dụ ngôn về Tài năng (tài năng là một dạng của cải vào thời đó) của Đức Giêsu thì thế nào? Một người chủ ủy thác của cải cho ba người đầy tớ trước khi trẩy đi xa. Hai người dùng tiền đem buôn bán sinh lợi và được chủ khen ngợi. Còn kẻ kia, đem chôn giấu số bạc vì nghĩ rằng cứ giữ được nguyên vẹn thì sẽ làm vừa lòng chủ. Ông chủ đã khiển trách và trừng phạt tên đầy tớ vô dụng và nghiêm khắc bảo, ít nhất ngươi cũng đem gửi vào ngân hàng để kiếm được chút lời. Qua câu chuyện, quý vị phải nhìn nhận rằng dụ ngôn nghe hao hao giống chủ nghĩa tư bản hơn là chủ nghĩa xã hội, phải không?
Đúng ra Đức Giêsu có nói rằng, càng giàu có càng khó hưởng phước Thiên đàng nhưng không phải cứ hễ có tiền là xấu. Không… không phải thế nhưng đúng hơn, đó là lòng tham, lòng yêu thích tiền bạc mới xấu. Tân Ước nói rõ chính tiền bạc dẫn đến điều ác đức. Đức Giêsu khuyến cáo đừng chú tâm tìm kiếm tiền bạc và của cải vật chất mà quên đi đời sống tinh thần và đạo đức.
Lại thêm chuyện những kẻ buôn bán trong đền thờ. Khi Ngài dùng dây thắt lưng đánh đuổi "những kẻ đổi tiền" thì có phải Ngài cố ý quảng bá một mô hình xã hội chủ nghĩa không? Một lần nữa, câu trả lời là không. Nên lưu ý đến nơi chốn khi câu chuyện xảy ra: đó là nơi linh thiêng nhất - nhà của Chúa, phải dùng vào việc phụng tự. Đức Giêsu không tức giận vì đổi chác tiền bạc; nhưng Ngài tức giận vì sự mua bán xảy ra nơi chốn tôn nghiêm nhất. Ngài không bao giờ đánh đuổi những kẻ đổi tiền nơi chợ búa hoặc ngân hàng.
Đức Giêsu khuyên bảo chúng ta nên có một “tâm hồn quảng đại” – nhằm thể hiện lòng nhân hậu, giúp đỡ kẻ góa và trẻ mồ côi. Nhưng Ngài khẳng định rõ ràng đây là trách nhiệm của mỗi người, chứ không phải nhiệm vụ của chính phủ.
Hãy xem câu chuyện người Samaritan nhân lành. Một lữ khách tình cờ gặp một người đàn ông bị cướp sạch đồ tế nhuyễn, bị đánh đập và bỏ nằm gục bên vệ đường. Người Samari tốt bụng này đã làm gì? Anh đưa nạn nhân đến quán trọ, và trả tiền chăm sóc bằng chính tiền bạc của anh.
Hãy tự hỏi: Để giúp đỡ người nghèo, Đức Giêsu muốn quý vị tự do biếu tặng tiền bạc cho các hội từ thiện, hay là muốn các chính trị gia đánh thuế lợi tức của quý vị để tài trợ cho một bộ máy phúc lợi cồng kềnh?
Những kẻ cấp tiến thường viện dẫn một câu nói của Đức Giêsu: "Hãy trả lại cho Caesar những thứ thuộc về Caesar và trả cho Thiên Chúa những thứ thuộc về Thiên Chúa." Nhưng điều này hoàn toàn không liên quan gì đến sưu thuế cao hoặc tái phân phối của cải vật chất. Đó là hạt mầm của ý tưởng phải tách biệt rõ ràng giữa giáo hội và chính quyền. Nó chắc chắn không phải là bất cứ điều gì Caesar nói đều bắt buộc phải như vậy, bất kể Caesar đòi hỏi bao nhiêu hoặc Caesar dự định sử dụng nó vào mục đích gì.
Vì vậy, không có bằng chứng nào cho thấy Đức Giêsu là một nhà xã hội chủ nghĩa. Và có rất nhiều bằng chứng cho thấy Ngài ủng hộ thị trường tự do.
Ngoài Dụ ngôn Tài năng, Đức Giêsu còn đưa ra Dụ ngôn Người Thợ làm trong Vườn nho. Câu chuyện kể một chủ vườn thuê một số thợ hái nho. Xế chiều, ông chủ nhận thấy ông cần nhiều thợ hơn để hoàn thành công việc. Ông gọi họ đến và giao kèo sẽ trả trọn một ngày lương mặc dù họ chỉ làm vỏn vẹn một tiếng đồng hồ. Khi một người thợ làm việc cả ngày – từ sáng đến chiều – phàn nàn, ông chủ trả lời: "Tôi không bất công với anh. Không phải anh đã đồng ý hái nho từ sáng đến chiều để nhận được một ngày lương sao? Còn chuyện tôi trả những người này cũng bằng một ngày lương như anh là quyền của tôi. Tôi không có quyền làm những gì tôi muốn bằng tiền của mình sao?" Đó là một minh chứng cho nguyên tắc cung cầu, tài sản riêng tư và hợp đồng tự nguyện, không dính một chút gì đến chủ nghĩa xã hội cả.
Đức Giêsu không bao giờ tán thành việc bó buộc tái phân phối của cải. Ý tưởng đó bắt nguồn từ sự ghen tị, một điều mà Ngài – giống như điều răn thứ mười trong Mười Điều răn – thẳng thắn chống lại. Quan trọng hơn hết, Đức Giêsu quan tâm đến việc giúp đỡ những kẻ xấu số. Ngài chẳng hề tán thành bất cứ điều gì làm suy yếu sự tạo ra của cải vật chất. Cần khẳng định một điều duy nhất là chính chủ nghĩa tư bản thị trường tự do đã từng tạo ra sự giàu có và giúp hàng loạt người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói. Nên đọc kỹ Tân Ứớc. Ý nghĩa trần trụi của bài viết thật to lớn và rõ ràng: Đức Giêsu không phải là một nhà xã hội chủ nghĩa.
Ngài không hề có tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Ngài yêu người, chứ không yêu nhà nước.