Chúng tôi đứng về phía Hong Kong - Dân Làm Báo

Chúng tôi đứng về phía Hong Kong

Sớm hay muộn, phần còn lại của cả thế giới phải làm những gì các người biểu tình đang làm - đối đầu với Trung Quốc. 

Lời giới thiệu - Ông Addison Mitchell McConnell Jr. (sinh 20 tháng Hai 1942) là một thượng nghị sĩ (tiểu bang Kentucky) và là người lãnh đạo đa số của Thượng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Bài bình luận này xuất hiện trên báo Wall Street Journal vào ngày 20/08/21019 và cho ta thấy một phần nào suy nghĩ  của các nhà lãnh đạo dân cử của Hoa Kỳ. 

Ba ngày sau, vào sáng thứ sáu 23/08/2019, như để trả lời thách thức của ông McConnell, nhà nước Trung Quốc tuyên bố sẽ đánh thuế quan từ 5 đến 10 phần trăm trên 75 tỷ USD hàng hóa Hoa Kỳ và sẽ có hiệu lực vào các ngày 1/9/2019 và 15/12/2019. Trước đó, theo Wall Street Journal, Trung Quốc đã đánh thuế quan 25% trên xe cộ và thuế 5% trên các phụ tùng và thiết bị xe cộ nhập từ Hoa Kỳ; các thuế này sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12/2019. Ngoài xe cộ và phụ tùng, trong số 75 tỷ hàng hóa trên còn có nông phẩm, quần áo, hóa chất, và đồ dệt. Vào tối ngày thứ sáu 23/8/2019, theo báo Washington Post, tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump tuyên bố sẽ tăng suất thuế quan từ 25% đến 30% trên 250 tỷ USD hàng hóa đến từ Trung Quốc, đồng thời đánh thuế quan từ 10% lên 15% trên 300 tỷ USD mặt hàng mới từ Trung Quốc. Ngoài ra, Trump cũng ra lệnh cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ phải cắt đứt mọi quan hệ với Trung Quốc, tức là chuyển các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Nói chung, trong thương chiến Hoa-Kỳ-Trung Quốc, tổng trị giá hàng hóa từ Trung Quốc nay được Hoa Kỳ đánh thuế quan là 550 tỷ USD, trong khi Trung Quốc sẽ đánh thuế quan trên 75 tỷ USD hàng hóa từ Hoa Kỳ. Trên sàn chứng khoán, theo Market Watch, các hậu quả của các quyết định tăng thuế quan kể trên vào ngày thứ sáu 23/8/2019 đã rất tai hại. Chỉ số Dow-Jones (DJIA) mất 623.34 điểm, hay 2.4%, ở 25, 628.90. Chỉ số Standard and Poor 500 ( S&P 500 ) sụt 75.84 points, hay 2.6% để ở mức 2, 847.11. Riêng Chỉ số Nasdaq Composite Index (COMP) mất 239.62 điểm, rơi xuống mức 7, 751.77, tức là thiệt hại 3%. Điều cần lưu ý là vào đầu tháng 9/2019 Hoa Kỳ và Trung Quốc lại sẽ trở lại bàn hội nghị để thương thảo. Như thế, các “trao đổi” về thuế quan này có thể chỉ là một cách chuẩn bị để có vũ khí lúc hai nước thương lượng hay không? 

Bài viết của TNS McConnell, với lời lẽ hòa nhã và ôn tồn nhưng không nhân nhượng khi liệt kê các hành vi của Trung Quốc, tuy có thể đã không có ảnh hưởng gì đối với các nhà lãnh đạo cộng sản tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, bài viết vẫn có giá trị cao như là một chứng tích cho một lề lối làm chính trị và ngoại giao cổ điển, có góc nhìn từ lịch sử, và nhất là không thông qua Twitter. 

*

Mitch McConnell - Cuộc khủng hoảng Hong Kong là một việc mà thế giới đã chứng kiến hết lần này đến lần khác: các nhà cai trị độc tài tìm cách đàn áp khát vọng bẩm sinh con người dành cho tự do, tự thể hiện, và tự cai trị. Các cảnh tượng này làm cho chúng ta nhớ đến Budapest, 1956; Mùa Xuân ở Prague, 1968; Quảng Trường Thiên An Môn, 1989; và Moscow, trong những tuần qua. Một chương sắp tới đang mở ra vào ngày hôm nay khi mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc ra tay khủng bố người dân Hong Kong. 

Khoảng hai triệu người Hong Kong - tức là xấp xỉ ¼ dân số - đang biểu tình đòi tự do và tự trị, hai yếu tố đã giúp thành phố của họ thành công lớn trên địa cầu. Các người Hong Kong biểu tình để phản đối chính quyền Bắc Kinh và quyết tâm của chính quyền này khi họ tìm cách xén bớt các tự do này, - bất chấp các cam kết đã có. 

Các người chống đối muốn các tự do của họ được bảo quản, quyền tự trị của lãnh thổ được tôn trọng, và công lý cho những người đã bị các cơ quan an ninh bắt giữ, bạo hành, hay giết hại. Ngược lại với các tuyên truyền cộng sản, cuộc nổi dậy của các công dân này không phải là vì có nước ngoài âm mưu xúi dục. Nếu có một điều cần nói, đó chính và việc các nước dân chủ nhất trên thế giới đã phản ứng chậm. Chỉ có một thủ đô độc nhất có trách nhiệm cho những gì đang xảy ra: Bắc Kinh. Các người biểu tình đang phản ứng của về các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng từng ngày ảnh hưởng và kiểm soát trên một vùng đất đáng lý ra phải là một khu tự trị. 

Điều quan trọng cần nhìn nhận là các động lực đưa đến cuộc khủng hoảng này đã không bắt đầu từ Hong Kong và sẽ không chấm dứt tại đó. Rối loạn đang xảy ra là hậu quả của một chính sách có hệ thống của Bắc Kinh. Chính sách này có hai mục tiêu là nâng cấp đàn áp ở trong nước và theo đuổi bá quyền ở ngoài nước. 


Nhiều năm về trước, người ta đã có thể suy nghĩ và kết luận một cách hợp lý là việc Trung Quốc phát triển nhanh và hội nhập được vào nền kinh tế quốc tế sẽ khiến cho Trung Quốc mở rộng cánh tay để chấp nhận các quy định quốc tế hiện hành, và thành công sẽ giúp Bắc Kinh trở thành một cổ động viên cho các hệ thống đang chống đỡ nền hòa bình và thịnh vượng của thế giới. Bây giờ, điều rõ ràng là Đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn tự viết lấy các luật lệ và áp đặt chúng trên những người khác. 

Để tìm bằng chứng Trung Quốc đói khát quyền lực, chỉ cần nhìn số phận của những cái gọi là những vùng tự trị ở những nơi khác. Tại Tây Tạng, phản ứng tàn bạo của Bắc Kinh vào năm 1959 đã xua đẩy hàng chục ngàn người vào con đường lưu vong và giết hại hàng chục ngàn người khác. Tại Tân Cương, một tỉnh chủ yếu là theo Hồi Giáo, nhà nước đã di dời những người thiểu số Uyghur (Ngô Duy Nhĩ) qua các chương trình hoán chuyển dân số và đã thiết kế một kiến trúc công phu nhằm giám sát xã hội và chính trị, trong đó có những trại tù dành cho những người thiểu số. Vào lúc này Tân Cương không còn là là một vùng tự trị, Tân Cương là một quần đảo ngục tù (gulag) hiện đại. Trong cả hai trường hợp, Bắc Kinh đã bỏ ra hàng chục thập kỷ để thắt chặt bộ máy kiểm soát một cách có hệ thống. 

Bắc Kinh đang tìm cách viết một câu chuyện tương tự tại Hong Kong, nhưng có thể là một cách tế nhị hơn. Nhưng mà người dân Hong Kong không bị “Bức Tường Lửa Lớn” của Trung Quốc che giấu sự thật. Họ thấy được đạo luật cho phép dẫn độ về lục địa là một đe dọa đáng kể cho sự tự trị chính trị và pháp lý của Hong Kong. Do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nay phải đối diện với một lựa chọn. Họ sẽ có đánh cuộc là thế giới còn lại sẽ làm ngơ và nhìn về hướng khác hay không? Hay là Bắc Kinh sẽ kết luận là nếu tiếp tục đàn áp tại Hong Kong, sẽ mang lại thêm nhiều hậu quả? 

Các đối tác thương mại của Trung Quốc, trong đó có cả Hoa Kỳ, cần làm rõ ra là bất cứ đàn áp nào cũng sẽ mang lại những giá phí thật và đau đớn. Tôi đã viết Luật Về Chính Sách Hong Kong vào năm 1992, theo đó vùng đất này sẽ có nhiều đặc quyền, vì nó có một quy chế độc nhất. Chính nhờ các quy chế này mà Hong Kong đã có thể tiếp cận Hoa Kỳ và các nước khác một cách đặc biệt để thúc đẩy đầu tư và hiện đại hóa. Việc này đã giúp Hong Kong, và nới rộng ra, Bắc Kinh, trở nên giàu có. Bắc Kinh cần biết là Thượng Viện sẽ xem xét lại quan hệ đặt biệt kể trên, và sẽ còn có nhiều bước khác, nếu nền tự trị của Hong Kong bị xói mòn. 

Tôi ủng hộ kéo dài và nới rộng các quy định về báo cáo để làm sáng tỏ việc Bắc Kinh can thiệp tại Hong Kong. Và Thượng Viện sẽ còn làm nhiều hơn thế nữa. Tôi đã yêu cầu Jim Risch, chủ tịch Ủy Ban Quan Hệ Đối Ngoại, xem xét các hoạt động của Bắc Kinh tại Hong Kong và các nỗ lực của Đảng Cộng Sản nhằm tạo ảnh hưởng và giám sát ở trong và ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Tôi đang làm việc với Lindsey Graham, chủ tịch Tiểu Ban Tài Trợ Các Quốc Gia Và Hoạt Động Nước Ngoài, để tài trợ các chương trình dân chủ và dân quyền trên khắp Á Châu. Tôi sẽ tiếp tục chú tâm vào việc tái thiết và hiện đại hóa quân đội, tiếp tục thúc đẩy các tiến bộ lớn đã đạt được trong 2 ½ năm qua, sao cho khả năng vận dụng quyền lực và bảo vệ các quyền lợi của Hoa Kỳ tiếp tục theo kịp và cân bằng với đối thủ cạnh tranh lớn này. 

Nhưng mà việc giải quyết các mối đe dọa trên không phải là trách nhiệm của chỉ một mình Hoa Kỳ mà thôi. Cả thế giới đã thức dậy và thấy được các hành vi lạm dụng và hung hăng của Trung Quốc, từ các hành động bất công về mậu dịch, việc đánh cắp các tài sản trí tuệ, đến việc bành trướng ở ngoài khơi. Các trang đầu của báo chí vào lúc này đầy dẫy các thông tin cảnh báo người đọc về cách chế độ Trung Quốc hành xử với những ai ở trong phạm vi ảnh hưởng mà Trung Quốc đã tùy tiện hình dung ra, và về việc Trung Quốc xem thường các thỏa ước quốc tế đang được dùng để cai trị các người này. 

Bất cứ quốc gia nào có buôn bán và bất cứ quốc gia nào có dân chủ và biết đánh giá cao tự do cá nhân và sự riêng tư đều có phần ăn thua trong việc này. Lựa chọn của các quốc gia này không phải là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Lựa chọn của họ là giữa một hệ thống quốc tế tự do và công bằng, và một hệ thống chư hầu, theo dõi và áp bức nội bộ mà Trung Quốc đang tìm cách áp đặt. 

Hoa Kỳ, vì quyền lợi riêng của mình, muốn có một thế giới hòa bình, một quan hệ tốt với Trung Quốc, và một tương lai thịnh vượng cho người dân của cả hai nước. Hong Kong chỉ là một trong nhiều bộ phận của một hệ thống quyền lợi phức tạp là quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc. Nhưng mà cách Trung Quốc hành xử với người dân Hong Kong sẽ định hình cách Hoa Kỳ tiếp cận các khía cạnh then chốt khác của quan hệ này. 

Khi mà Bắc Kinh đang vật lộn với bất ổn đang gia tăng trong nước và một nền kinh tế đang chậm lại, Bắc Kinh nên tạm dừng trước khi đe dọa một cỗ máy then chốt của sự tăng trưởng của mình và khiêu khích cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh có thể lùi bước tránh hỗn loạn và thay vào đó, theo đuổi một chính sách mậu dịch tự do và công bằng hơn, đồng thời biết kính trọng chủ quyền và nhân quyền nhiều hơn. Các bước cơ bản này sẽ đảm bảo cho một tương lai thịnh vượng và hòa bình hơn cho tất cả các công dân của chúng ta. 

Mitch McConnell 

* Ông McConnell là một thượng nghị sĩ đảng viên Đảng Cộng Hòa bang Kentucky và là Lãnh Đạo Đa Số tại Thượng Viện Hoa Kỳ. 

Người dịch:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo