Bạn đọc Danlambao - Báo Tuổi trẻ đăng bài Mất cả chục tỉ vì sập bẫy 'công an rởm' trong đó nói lên tình trạng "kẻ xấu" giả dạng công an để lừa đảo người dân cả chục tỉ. Câu chuyện bị lừa của một chị tên T. được diễn tả như sau:
- Tên lừa đảo tự giới thiệu là nhân viên bưu điện, nói có một bưu phẩm nhưng không tìm ra địa chỉ để giao và bưu phẩm là giấy triệu tập chị T phải có mặt để làm việc vì nghi ngờ chị mở một tài khoản ngân hàng để hoạt động mua bán ma túy và rửa tiền. Nếu chị không có mặt đúng giờ sẽ bị bắt giam.
(Vậy là nhân viên bưu điện mở bưu phẩm ra để đọc giấy triệu tập? Không tìm ra địa chỉ nhưng lại có số điện thoại?)
- Tên lừa đảo yêu cầu chị nói chuyện với cán bộ điều tra để được giải quyết.
(Vậy là nhân viên bưu điện có cảnh sát hình sự đứng bên hay có sẵn điện thoại của CA để móc nối?)
- Công an "dỏm": "Chị quen biết, mua bán ma túy với các đối tượng tên... và vay tiền ngân hàng mua ma túy phải không? Nếu tài khoản tại ngân hàng không phải là của chị, vậy "Phòng điều tra Hà Nội" sẽ phong tỏa để phục vụ điều tra.
(Nhân viên bưu điện kết nối đúng phóc với công an điều tra vụ này!)
- Sau đó Công an kết nối nạn nhân với "Cán bộ viện kiểm sát".
- Cán bộ viện kiểm sát yêu cầu chị T. kết bạn qua Zalo để được "tống đạt" quyết định triệu tập Chị T. mở Zalo của "cán bộ" ra thấy hình nền là người mang sắc phục của ngành nên càng tin.
- Chị T. nói có 2 sổ tiết kiệm khoảng 950 triệu đồng. "Cán bộ" yêu cầu chị T. rút hết tiền gửi vào tài khoản tạm của phòng điều tra, nếu qua điều tra mà chị không liên quan đến vụ án thì sẽ hoàn trả và sẽ được tính cả lãi ngân hàng.
- "Cán bộ" yêu cầu chị giữ bí mật để tránh bị lộ "án".
- Chị T. đã rút tiền và chuyển 660 triệu đồng vào tài khoản theo yêu cầu của "cán bộ".
...
Điểm cần ghi nhận nếu bạn đọc bài báo này là:
(1) Chị T. quá ngây thơ. Hay:
(2) Hay phóng viên bịa chuyện hơi vụng về. Hoặc:
(3) Nền luật pháp CSVN quá tệ hại đến nỗi người dân có thể tin rằng cả nhân viên bưu điện lẫn công an cùng cán bộ viện kiểm sát có thể đối thoại với người dân qua điện thoại như vậy và xem những gì xảy ra là đúng chuẩn hoạt động của nhà nước!
Nhưng điều đáng nói và câu hỏi đặt ra là có sự khác biệt nào giữa "công an dỏm" và "công an thật" tại VN hay không?
Hay là cả công an thật bao nhiêu năm nay cũng đã tống tiền doanh nghiệp, vòi tiền phóng viên, bắt dân thường nộp hụi chết còn lộ liễu và thẳng thừng hơn?
Công an thật khác công an dỏm là: công an thật không cần phải có thêm diễn viên bưu điện, toà án và dựng kịch bản lừa đảo.
Công an thật chỉ cần kéo cả đám đến và tống tiền "thẳng thắn" không cần quanh co.
Cho nên:
- Nếu đồng bào thấy đám nào thô lỗ, hung bạo, tục tĩu, coi trời bằng vung thì đó là công an thật.
- Nếu đó là công an nhã nhặn, vỗ về, dỗ ngọt, lịch sự, quan tâm và loanh quanh thì đó là công an dỏm.
28.08.2019