Dân Làm Báo xin gửi đến các bạn trong thôn, cập nhật các tin tức đáng chú ý của Hoa Kỳ trong tuần qua. Các phát ngôn, quyết định có liên quan đến tình hình chính trị-xã hội nước Mỹ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng trên biển Đông, tình hình dân chủ tại Hong Kong, quan hệ Nga - Mỹ, Hoa Kỳ - Iran...
Mỹ đưa vấn đề Hồng Kông vào đàm phán thương mại, yêu cầu Trung Quốc giữ cam kết
Sau khi tổng thống Donald Trump cảnh báo Bắc Kinh không nên dùng vũ lực ở Hồng Kông, đến lượt phó tổng thống Mike Pence tuyên bố rằng cơ hội để đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có nguy cơ giảm đi, nếu luật pháp và nhân quyền ở Hồng Kông bị vi phạm.
Còn ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh, chính phủ Mỹ nỗ lực để Trung Quốc giữ lời hứa và không vi phạm nhân quyền. Ông đánh giá phong trào dân chủ đang diễn ra ở Hồng Kông là cách để người dân đặc khu tìm lại tự do và quyền tự chủ.
Tuyên bố của các lãnh đạo Mỹ đã làm Bắc Kinh tức giận. Truyền thông Nhà nước Trung Quốc khuyến cáo Hoa Kỳ không nên liên kết đàm phán thương mại song phương với các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.
Trung Quốc cần tôn trọng cam kết về Hong Kong 35 năm trước
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng tính toàn vẹn của luật pháp Hong Kong. Đồng thời, ông nhắc lại cảnh báo của Tổng thống Mỹ rằng sẽ khó có thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nếu xảy ra bạo lực ở Hong Kong.
"Để Mỹ ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Bắc Kinh cần tôn trọng các cam kết của mình, bắt đầu từ cam kết mà Trung Quốc đưa ra vào năm 1984 về việc tôn trọng tính toàn vẹn của luật pháp Hong Kong thông qua Tuyên bố chung Trung-Anh thời điểm đó" - ông Pence phát biểu.
"Chính quyền chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh hành động theo cách nhân văn, đồng thời kêu gọi Trung Quốc và những người biểu tình ở Hong Kong giải quyết các bất đồng một cách hòa bình".
Nhà Trắng tố cáo "chiến thuật đe dọa" của Bắc Kinh trên Biển Đông
Washington tố cáo Bắc Kinh áp dụng "chiến thuật đe doạ" trên Biển Đông, vùng biển mà Trung Quốc luôn tìm cách áp đặt yêu sách chủ quyền.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông John Bolton tuyên bố: "Các nỗ lực cao độ mới đây của Trung Quốc để hăm dọa các quốc gia khác trong việc khai thác tài nguyên của họ, là rất đáng ngại. Hoa Kỳ kiên quyết ủng hộ những ai đang đương đầu với các hành vi cưỡng bức, và chiến thuật đe dọa trên gây nguy hại cho hòa bình và an ninh khu vực."
Tướng không quân Mỹ phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam
Đại tướng Goldfein và đại tướng Charles Brown Jr. - Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, đã có chuyến thăm Việt Nam ngày 18-8.
Trong buổi gặp gỡ báo chí, khi được hỏi về những hoạt động của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein khẳng định phản đối hoạt động phi pháp của Trung Quốc, đồng thời ủng hộ quyền bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam cũng như quyền được phép hoạt động trong vùng nước của mình.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đặc biệt quan ngại khi Trung Quốc can thiệp hoạt động dầu khí của Việt Nam.
Ngày 22/8/2019, thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh nước này đặc biệt quan ngại việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào các hoạt động dầu khí từ trước đến nay của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).Điều này làm dấy lên nhiều nghi ngại về cam kết của Trung Quốc, trong đó có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, đối với giải quyết hòa bình tranh chấp hàng hải.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng việc Trung Quốc tái triển khai tàu thăm dò của chính phủ, được hộ tống với tàu có vũ trang, ở ngoài khơi Việt Nam vào ngày 13/8 là "một động thái leo thang". Washington lo ngại động thái này là "nỗ lực nhằm hăm dọa các bên còn lại không phát triển tài nguyên trên Biển Đông".
Mỹ thử hỏa tiễn tầm trung mới - Nga, Trung Quốc phản đối
Ngày 19/08/2019, Lầu Năm Góc thông báo đã thử nghiệm thành công hỏa tiễn hành trình có tầm bắn trên 500 km. Hoạt động này diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp ước vũ khí nguyên tử tầm trung (INF). Hỏa tiễn được bắn đi từ đảo San Nicolas ngoài khơi California vào lúc 21 giờ 30 giờđịa phương, là "phiên bản của hỏa tiễn hành trình địa-địa Tomahaw" và "đã đến đúng mục tiêu". Thông cáo của bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết, các dữ liệu thu thập được và những bài học rút ra từ vụ bắn thử này rất cần thiết cho việc phát triển các loại vũ khí tầm trung mới.
Hiệp ước INF, cấm thử nghiệm và sử dụng các loại hỏa tiễn tầm trung (từ 500 km đến 5.500 km), như vậy đã thực sự bị khai tử, sau khi Hoa Kỳ rút lui hôm 02/08 và tiếp theo là Nga.
Tổng thống Trump khẳng định cần đối đầu với Trung Quốc bất chấp thiệt hại
"Ai đó cần đối đầu với Trung Quốc. Đó là điều lẽ ra phải được làm rồi. Sự khác biệt là tôi đang làm việc này," Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 20/8.
Ông Trump cho rằng "Trung Quốc đã xé toạc nước Mỹ trong 25 năm, thậm chí lâu hơn thế" và "đã đến lúc phải làm dù mọi chuyện có lợi hay gây hại cho đất nước chúng ta trong thời gian ngắn".
Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài hơn một năm và chưa có dấu hiệu kết thúc. Các chuyên gia kinh tế quan ngại trước thực trạng nước Mỹ có thể đứng bên bờ vực suy thoái.
Các nghị sĩ đảng Dân chủ hôm 18/8 cho rằng chính sách thương mại của chính quyền Trump tạo ra nguy cơ nhãn tiền. Các thị trường chứng khoán Mỹ hồi tuần trước chứng kiến sự sụt giảm 3% của ba chỉ số lớn trong phiên giao dịch ngày 14/8.
Cũng có lo ngại liệu nền kinh tế Mỹ có đủ sức trụ vững tới tháng 11/2020, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống hay không. Tuy nhiên, Trump khẳng định: "Chúng ta cách bờ vực suy thoái rất xa".
Tổng thống Trump kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc
TT Hoa Kỳ viết trên Twitter kêu gọi các công ty Hoa Kỳ rút khỏi Trung Quốc sau khi Bắc Kinh áp thuế lên 75 tỷ USD. “Số tiền khổng lồ mà Trung Quốc tạo ra và đánh cắp từ Hoa Kỳ, từ năm này qua năm khác, trong nhiều thập niên, sẽ và phải CHẤM DỨT. Các công ty Mỹ tuyệt vời của chúng ta từ nay được yêu cầu phải ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm phương án thay thế Trung Quốc, trong đó bao gồm cả việc đưa các công ty của các vị về NHÀ và làm ra các sản phẩm của các vị ở Mỹ”.
Tổng thống Trump tăng thêm 5% thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc
Thứ Sáu ngày 23/8, tổng thống Mỹ đã tăng thêm 5% thuế quan đối với khoảng 550 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc trong cuộc leo thang thương mại mới nhất của hai nền kinh tế lớn của thế giới.
Động thái của ông Trump diễn ra chỉ vài giờ sau khi Trung Quốc công bố mức thuế trả đũa đối với hàng hóa trị giá 75 tỷ USD của Mỹ.
“Thật đáng buồn, chính quyền trong quá khứ đã cho phép Trung Quốc vượt xa Thương mại công bằng và cân bằng đến nỗi nó trở thành gánh nặng lớn cho người đóng thuế Mỹ”, ông Trump viết trên Twitter. “Là một Tổng thống, tôi không thể cho phép điều này xảy ra nữa”.
Hoa Kỳ kêu gọi Ấn Độ tham gia cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan
Tổng thống Donald Trump cho rằng không công bằng khi Mỹ phải chiến đấu với những kẻ khủng bố ở Afghanistan cách Mỹ hơn 11.000km, trong khi các quốc gia ngay bên cạnh là Ấn Độ và Pakistan đã không hành động.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên tại Nhà Trắng về sự tái trỗi dậy của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ông Trump cho rằng các quốc gia khác đang thể hiện rất ít nỗ lực và điều này gây tổn hại cuộc chiến chống khủng bố vốn chỉ do Mỹ thực hiện.
Các công ty Hoa Kỳ như Google, Amazon, Facebook, Apple lên án Pháp đánh thuế "bất công"
Việc Pháp quyết định đánh thuế các tập đoàn kỹ thuật số bị đại diện của Amazon, Facebook, Google và nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực internet đồng loạt lên án trong buổi điều trần ngày 19/08/2019 ở Washington.
Tại buổi điều trần diễn ra trong khuôn khổ điều tra của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, các tập đoàn trên đã chỉ trích luật thuế mới của Pháp là "phân biệt đối xử" , "đi thụt lùi". Các công ty trên cũng cho rằng họ bị đánh thuế "hai lần", và Pháp đã "chấm dứt đột ngột các quy tắc được ấn định từ lâu".
Được ban hành hôm 11/07/2019, luật của Pháp tạo thêm một loại thuế đánh vào doanh thu của các tập đoàn kỹ thuật số thu được trên lãnh thổ Pháp, trong khi hầu hết những tập đoàn này có trụ sở ở Mỹ, nơi họ chỉ bị đánh thuế trên lợi nhuận. Mức thuế của Pháp căn cứ vào ba cấp độ hoạt động : quảng cáo, trao đổi hoặc hiển thị trên nền tảng và dữ liệu giao dịch.
Mỹ cảnh cáo Hy Lạp về khả năng tiếp nhận tàu dầu Iran
Một quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ cảnh cáo: “Mọi nỗ lực hỗ trợ tàu dầu đều có thể bị coi là ủng hộ vật chất cho một tổ chức đã bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố”. Đây là quan điểm cứng rắn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Bị bắt giữ ngày 04/07 ở ngoài khơi Gibraltar, mới đây, tàu dầu Iran tên Grace 1, sau đó đổi tên thành Adrian Darya 1, đã được trả tự do. Mỹ đòi giữ vì cho rằng tàu đang giúp Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran. Tàu Iran có khả năng đến cảng Kalamata của Hy Lạp Chủ Nhật 25/08.
Chính phủ Hoa Kỳ định giảm thuế thu nhập và thuế hải quan để tránh suy thoái
Mặc dù tổng thống Donald Trump khẳng định kinh tế Mỹ vẫn phát triển tốt, hai tờ báo Washington Post và New York Times ngày 19/08/2019 đưa tin Nhà Trắng đang nghiên cứu nhiều biện pháp để kích thích nền kinh tế, trong đó có việc tạm giảm thuế thu nhập để cải thiện sức mua của người lao động, và có thể bỏ mức thuế mới mà chính quyền Trump định áp đối với hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhà Trắng khẳng định "hạ thuế thu nhập không phải là chủ đề được xem xét hiện nay."
Mỹ bí mật liên lạc với nhân vật quyền lực số 2 trong chính quyền Venezuela
Một quan chức cao cấp Mỹ giấu tên đã tiết lộ ông Diosdado Cabello, nhân vật quyền lực thứ Hai trong nội các Venezuelađã họp mật với một quan chức thân cận chính quyền Trump tại Caracas vào tháng trước nhằm thương lượng các bảo đảm cá nhân trong trường hợp tổng thống Maduro bị lật đổ.
Theo nguồn tin trên, Washington không hề có ý đồ dùng ông Cabello để lật đổ chính quyền Maduro. Thay vào đó, Hoa Kỳ muốn gây áp lực với tổng thống Venezuela bằng cách hỗ trợ cho cuộc tranh giành quyền lực mà Hoa Kỳ cho rằng đang diễn ra trong nội bộ chính phủ cầm quyền. Ngoài ra, dường như Hoa Kỳ cũng đang chờ xem có phe nào sẵn sàng phản bội Maduro để ủng hộ.
Chính phủ Mỹ muốn chấm dứt ‘quyền có quốc tịch theo nơi sinh’
Ngày 21/8/2019, Tổng Thống Donald Trump nói chính phủ của ông một lần nữa xem xét một cách kỹ càng việc đưa ra sắc lệnh tổng thống để chấm dứt quyền có quốc tịch theo nơi sinh (birthright citizenship).
“Chúng tôi đang xem xét rất kỹ càng việc này. Quyền có quốc tịch theo nơi sinh, theo đó người ta sinh con trên đất nước này, bước qua biên giới, đẻ con, thế là chúc mừng, đứa bé nay là công dân Mỹ.”
Tổng Thống Trump trong cuộc tranh cử năm 2016 đã đưa ra đề nghị chấm dứt việc cho mọi người sinh ra ở Mỹ được hưởng quốc tịch. Năm ngoái, ông đưa trở lại vấn đề này, nói rằng ông sẽ ký sắc lệnh để có sự thay đổi đó.
Nhiều nhà lập pháp, ở cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, nhanh chóng lên tiếng bác bỏ ý tưởng này và nói rằng Tổng Thống Trump không có thẩm quyền để có sự thay đổi đó chỉ bằng một sắc lệnh.
Họ nói rằng quyền có quốc tịch theo nơi sinh (birthright citizenship) là một quyền được nêu rõ trong Tu Chính Án thứ 14.
Mỹ tiếp tục chặn Iran kiếm lợi từ ‘vàng đen’
Thứ Ba. ngày 20/8/2019, Hoa Kỳ đã loại bỏ gần 2,7 triệu thùng dầu thô của Iran khỏi thị trường toàn cầu, sau khi tái áp đặt trừng phạt đối với tất cả các giao dịch mua dầu thô với Iran.
Với mục tiêu giảm lượng dầu xuất khẩu của Iran xuống “không”, tháng 5/2019, Mỹ chính thức chấm dứt “miễn trừ trừng phạt” đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Tehran. Các biện pháp trừng phạt của Washington đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu “vàng đen” của Cộng hòa Hồi giáo.
Bầu cử Mỹ 2020: Thống đốc Washington rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng
Thứ Tư ngày21/8/2019, Thống đốc Washington, ông Jay Inslee tuyên bố rút lui khỏi cuộc vận động tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Ứng viên 68 tuổi này cho biết “ông không phải là người mang tiêu chuẩn của đảng Dân chủ, vì thế ông rút lui khỏi cuộc đua.”
Ông Jay Inslee là thành viên thứ hai của Đảng Dân chủ trong tháng này bỏ cuộc đua. Ngày15/8/2019, cựu Thống đốc bang Colorado, ôngJohn Hickenlooper đã tuyên bố “dừng cuộc chơi”.
25.08.2019