Phần 2. Minh triết giáo dục của “Ngựa chứng trong sân trường”
1. Cơ duyên và tác phẩm “Ngựa chứng trong sân trường”
Trong một cuộc tao ngộ, nhưng có lẽ không hoàn toàn tình cờ, tôi đã gặp anh một con người rất đáng kính (xin không nói tên anh ở đây) và được biết tác phẩm “Ngựa chứng trong sân trường”. Anh cho biết anh đã từng bị “nhuộm đỏ” tức là theo lý tưởng cộng sản, trong đó chính bản thân cũng tham gia vào quá trình ấy. Nhưng rồi anh đã thoát-giũ đi được cái “màu sắc” bất đắc dĩ ấy. Anh dùng từ rất chính xác là bị “nhuộm đỏ”. Vì nếu kẻ nào đã để cho “màu đỏ” cộng sản này chiếm lĩnh tâm hồn-trái tim thì hắn hoặc trở nên ngu ngục tăm tối suốt đời, hoặc trở thành kẻ khốn nạn, cực kỳ khốn nạn chỉ có thể loại bỏ chứ không thể cải tạo được.
Tuy vậy, cả những người bị “nhuộm đỏ” như anh muốn thoát-giũ được cái màu độc hại ấy cũng cần có những điều kiện hoặc cơ hội. Anh kể rằng trong một vùng giáp ranh một bên là Việt Cộng và một bên do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát, anh và những người lính khác đã đi sang vùng Việt Nam Cộng hòa để mua đồ. Tình cờ anh thấy quyển “Ngựa chứng trong sân trường” trong một cửa hàng nhỏ và hỏi mua, nhưng bà chủ nói nếu anh muốn, tôi cho anh luôn. Anh mang sách về rồi đọc nó một cách giấu giếm, say sưa, đọc đi đọc lại và điều kỳ diệu đã đến với anh. Cuốn sách đã thức tỉnh tâm hồn, lương tâm anh vốn lâu nay bị vây bọc và làm cho lầm lạc bởi cái lý tưởng sai lầm, đầy hoang tưởng. Anh thấy mình đã bị lừa dối.
Khi đơn vị chuyển đi nơi khác, anh đành phải bỏ lại cuốn sách - người bạn tâm giao-tri kỷ trong thời gian rất ngắn ngủi của mình, vì nếu cứ mang theo sách này nhất định sẽ bị phát hiện và quy “trọng tội” là lưu trữ, sử dụng văn hóa phẩm “đồi trụy” và “phản cách mạng”. Sau năm 1975 anh có dịp sang Mỹ và đã gặp một người quen có danh tiếng. Trong khi trò chuyện anh nói về “Ngựa chứng trong sân trường” và thật may, người cùng trò chuyện với anh nói rằng sách này đã được xuất bản ở Mỹ và ông đang có những cuốn sách ấy. Ông đã tặng anh một số cuốn. Tôi đã được anh gửi tặng một cuốn. Mặc dù tôi đã cùng anh trao đổi cả về điều là cái gì vốn tiềm tàng, có sẵn trong anh (và cả tôi) như tôn trọng sự thật, tính thẳng thắn, tự do, lương tâm nói chung, mới là cái quan trọng để cho khi có điều kiện nó bật dậy khiến ta thoát khỏi sự cầm tù của cái “màu đỏ” kia, nhưng cho phép ở đây chỉ nói về cuốn sách - một cái hích rất mạnh đã làm anh thay đổi.
Trong tay tôi cuốn “Ngựa chứng trong sân trường” - một tác phẩm văn chương do tác giả Duyên Anh viết. Ông là một nhà văn quê gốc ở tỉnh Thái Bình đã theo gia đình di cư vào miền Nam từ 1954. Cuốn sách được viết xong tại Quận III Sài Gòn vào 27 tháng 9 năm 1971, được in lại vào năm 2015, chỉ vẻn vẹn 154 trang in khổ nhỏ, có ghi Layouted and Published by Midway Press 2014. Sau khi nhận được tặng phẩm từ anh, tôi chưa đọc ngay được. Nhưng vào buổi tối 30 tháng 6 và sáng 1 tháng 7 tôi đã dành thời gian khoảng 4-5 tiếng để đọc. Tôi cũng đọc say sưa không thể dứt ra được. Phải nói ngay ở đây: Tôi chưa từng đọc, chưa từng thấy một cuốn sách nào về giáo dục ở miền Bắc (XHCN) hay, tuyệt vời đến thế!
Cuốn sách kể về một Thầy giáo tên là Trần Minh Định quê ở miền Bắc đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm ban Hán Việt, Đại học Văn khoa Sài Gòn, có bằng ngôn ngữ học Michigan, đã tham gia công tác tại các trường học ở miền Nam khoảng thời gian những năm 60 thế kỷ XX. Lúc đầu Thầy Định được phân công giảng dạy ở một tỉnh miền Đông, nhưng vì trong tư cách chánh chủ khảo một kỳ thi vào “đệ thất” trường công học miễn phí, Thầy không làm theo yêu cầu của hiệu trưởng là “nâng đỡ” cho ba chục học sinh để họ qua kỳ thi. Mặc dù điểm thi của ba chục học sinh này rất cao, nhưng đã bị loại bỏ vì thực chất không đạt. Ông hiệu trưởng “đã xổng một áp phe bạc triệu” nên đã đe dọa và can thiệp với Bộ Giáo dục điều Thầy Định đi nơi khác. Thầy Định được lựa chọn một trường ở miền Tây.
Thầy bước vào lớp đệ nhị B2 với những “con ngựa chứng”. Chúng là “những thằng dao búa”. Chúng đeo kính đen, hút thuốc lá nhả khói tự nhiên trong lớp học. Chúng kính cẩn giả tạo, hất đầu ngạo mạn khi hỏi thầy. “Ngựa chứng” đầu đàn đứng trước Thầy, một chân ghếch lên ghế, rồi búng ngón tay tách một cái ba thằng cùng bàn đều đặt chân lên. Chúng không cho thầy bắt đầu bài giảng mà muốn “giáo sư trước hết phải giới thiệu cuộc đời tình ái và sự nghiệp của mình”. Một thằng vứt gói thuốc lá lên bàn “mời” thầy. Chúng nói lâu nay không được học luân lý và nói, cũng chẳng anh nào khoái dạy luân lý và hỏi: “Giáo sư có biết tại sao không?”. Thầy hỏi lại: “Tại sao?”. Chúng trả lời: “Tại vì tụi thầy nhóc con vô luân”.
“Ngựa chứng” là những học sinh gây rối, phá bĩnh học đường, khinh thầy ra mặt mà cả trường học không thể làm gì nổi. Chúng là liều thuốc thử rất nặng đối với chuyên môn, vốn hiểu biết, nhất là bản lĩnh, đức độ của người thầy. Rất nhiều giáo viên trẻ đã đến đây rồi lập tức phải xin chuyển đi nơi khác vì không chịu nổi những đòn “tấn công” ghê gớm của chúng. Thầy Định không phải ngoại lệ, dù tuổi Thầy lớn hơn các thầy trẻ khác một chút. Mặc! Chúng muốn chứng minh rằng giáo dục, trường học là vô nghĩa trong một cuộc đời đã hoàn toàn trở nên vô nghĩa. Vậy thì làm gì có ông thầy nào đáng tin cậy nữa, tất cả chỉ là giả dối, ngụy tạo mà thôi. Chúng đã mất hết niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc đời. Mọi việc làm rất trách nhiệm, đầy lương tâm của Thầy Định đều bị chúng nghi ngờ là giả tạo. Chúng dọa dẫm, khiêu khích đủ kiểu và cuối cùng đã thuê kẻ ác và cả chính chúng đón đánh Thầy ở ngoài trường trong đêm tối, làm Thầy đau đớn, thân thể mềm nhũn, bất tỉnh, mãi sau mới tỉnh dậy và rất khó khăn để đi về phòng ở.
Đây là tình trạng rất bi đát ở một ngôi trường, một hình ảnh thu nhỏ hiện trạng của một nền giáo dục, một xã hội đã và đang bị đảo lộn ghê gớm. Tuy nhiên, chính ở đây hiện lên hình ảnh một người thầy đúng với nghĩa chân chính của chữ này. Thầy Định đã thể hiện một tình yêu thiết tha, vô bờ bến đối với nghề dạy học, đã chịu đựng và vượt qua tất cả những gian nan, thách thức. Thầy đã đánh thức, thu phục được cái thiện lương vốn tiềm tàng, lớn lao trong tâm hồn “ngựa chứng” đã bị những hỗn loạn, đảo điên của đời sống xã hội dìm ngập, khi những chuẩn mực, quy tắc, giá trị cũ đã bị làm cho mờ nhạt hoặc bị thủ tiêu, những chuẩn mực, quy tắc, giá trị mới còn đang phôi thai, le lói, còn những “giá trị” tạm thời, nhất là việc đi lính, được đề cao tuyệt đối [Liệu điều này có như: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” (Lê Mã Lương), hay “Những ngày ta sống đây là những ngày đẹp nhất, dù mai sau đời muôn vạn lần hơn” (Chế Lan Viên)?].
Cuối cùng, những con ngựa chứng Nguyễn Quý Phong, Lê Quang Luyện, Trần Chí Thiện, Tôn Thất Du đã trở về ngồi ngay ngắn tại bàn học, lắng nghe bài giảng của Thầy, để rồi sau đó Thầy có thể nói với chúng và cả lớp những lời chia tay. Ngựa chứng đầu đàn Nguyễn Quý Phong đã “ứa nước mắt” và Thầy đã “từ giã các học trò của mình trong nỗi buồn thơm ngát”.
Tôi đọc “Ngựa chứng trong sân trường” mà không ít lần phải bỏ kính để lau những giọt nước mắt cứ tràn ra. Anh, người đã tặng tôi sách này, đã chia sẻ rằng cũng như tôi, anh thấu được ý nghĩa, giá trị của cuốn sách căn bản không phải ở nội dung câu chuyện, hình thức văn chương-nghệ thuật (thực ra chưa thật hay) của nó, mà chính là việc nó thể hiện những triết lý đặc sắc, lớn lao.
2. Nội dung những triết lý giáo dục của “Ngựa chứng trong sân trường”
Sau khi đọc xong “Ngựa chứng trong sân trường” tôi đã ghi chép những triết lý của sách trên 7 - 8 trang giấy khổ A4. Những triết lý này có nhiều mặt, nhưng chủ yếu là những triết lý giáo dục và tập trung nhất là những triết lý về người thầy, cụ thể là người thầy cấp trung học (hiện giờ được gọi là “trung học cơ sở và phổ thông”) và phần nào đó cả cấp tiểu học. Phải nói trước rằng trong phạm vi một bài “báo” không thể đi sâu luận bàn cụ thể từng triết lý, mà chủ yếu tập trung vào các nhóm triết lý với những triết lý tiêu biểu và chỉ có những bình luận ngắn.
1. Những triết lý giáo dục nói chung hay những triết lý nền tảng. Đây là câu nói được viết riêng ở ngay trang đầu tiên của cuốn sách: “A teacher affects eternity. He can never tell where his influence stops (Henry Adams) (Công trạng của thầy giáo tồn tại muôn kiếp. Và ảnh hưởng của thầy không đời nào ngưng”). Tiếp theo: “Nhà giáo là một ngọn đuốc. Nếu ngọn đuốc không cháy sáng thì làm sao gom những ngọn đuốc khác” (Tagore). “Ta bình sinh nhờ ơn Cha Mẹ rồi tới thầy ta đã dạy dỗ nên người”. Có thể thấy đây là những triết lý giáo dục chung của loài người, chúng nói rõ vị trí, vai trò quan trọng, lớn lao không thể phủ nhận được của người thầy, của giáo dục nói chung, đồng thời khẳng định thiên chức, sứ mạng cao cả, thiêng liêng của giáo dục, của người thầy.
Không chỉ tiếp thu những triết lý ấy, Thầy Trần Minh Định còn phát triển hơn chúng bằng cách nêu những triết lý giáo dục riêng của mình. Ông đã nói rất hay về mục tiêu, nhất là về thiên chức, sứ mệnh của giáo dục, của người thầy. Xin nêu một vài đoạn tiêu biểu: “Ông thầy là sư phụ, là maitre. Ông thầy không thể là cán bộ giáo dục. Ông thầy là nhà tu hành, khổ hạnh hơn nhà tu hành vì không khoác được áo tu hành”; “Dạy học không bao giờ là một nghề nghiệp tầm thường hoặc một kế sinh nhai, mà là một thiên chức và một đam mê. Tôi thích dạy học”; “Mới thấy cái thiên chức giáo dục thật khó khăn. Nhà giáo không chỉ là người mở mang kiến thức cho học trò mà còn là người xoa dịu nỗi cô đơn của chúng”.
Thầy Định hiểu rõ rằng giáo dục vốn không vụ lợi cho cá nhân mình. Bản chất nhà giáo mãi mãi chỉ là âm thầm phục vụ. Giá trị của nhà giáo được thắp sáng bởi sự âm thầm ấy. Nhà giáo chỉ làm công việc của muôn đời, bởi vì cho đến muôn đời, nhà giáo vẫn là nhà giáo, vẫn là bậc thấy, bất chấp mọi thay đổi dâu biển. Nhà giáo chỉ muốn học trò của mình nên người và không mong mỏi học trò đền ơn. Nhà trường không dạy tính toán thủ đoạn, không dạy nghề chỉ điểm, tố cáo, phản bội. Giáo dục không đồng nghĩa với truy tố. Đến thầy giáo mà còn tố cáo họp báo la lối, đòi chính quyền bắt nhốt học trò của mình thì cuộc đời còn nơi nào để nương tựa. Giáo dục không chấp nhận những kẻ lộng ngôn, vì đó chỉ là những kẻ buôn bán giáo chức cho nhu cầu chính trị nhất thời.
Hơn thế, ông cho rằng thầy giáo không phải là thần tượng. Mỗi vinh quang nghề nghiệp đều có cái giá riêng của nó. Phải trải đời mình theo thiện chí của mình cho tới lúc nhắm mắt, chưa chắc đã tìm thấy vinh quang. Đó là vinh quang của nhà giáo. Nhà giáo không bao giờ nhìn rõ vinh quang của mình. Khác hẳn với thứ vinh quang ồn ào của nghệ thuật, của chính trị, vinh quang của nhà giáo mãi mãi âm thầm như cuộc sống của nhà giáo, dù dạy học cũng được coi là một nghệ thuật. Vinh quang của nhà giáo là vinh quang của một đời mơ ước là tạo dựng một xã hội toàn những công dân lương thiện, một xã hội trọng lễ nghĩa, một xã hội công bằng và thương yêu. Sứ mệnh của nhà giáo muôn đời vẫn chỉ là dẫn dắt xã hội lương thiện. Cho nên, một người đi trên đường phục vụ đã nhìn rõ đốm lửa nhận đường của mình thì khó mà quên hoặc bị huyễn hoặc, vì người đó trung thành với mục tiêu giáo dục đã được xác định rõ ràng: giáo dục làm người.
2. Những triết lý cụ thể về người thầy-nhà giáo dục. Đây là những triết lý về phầm chất hay đức độ, về bổn phận, trách nhiệm của người thầy, về việc người thầy phải hiểu trò, về phương pháp giáo dục và cả về việc người thầy phải trải nghiệm, am hiểu đời sống giáo dục và cuộc đời nói chung. Nói về phẩm chất hay đức độ của người thầy, ta không thể không nói về tình yêu tha thiết, vô bờ của người thầy đối với nghề dạy học. Thầy Định nói: “Muốn thành công trong nghề dạy học phải yêu nghề dạy học. Tôi làm thầy giáo. Tôi chọn nghề dạy học vì yêu mến nghề dạy học”. Tình yêu ấy như chiếc chìa khóa để giải quyết những nan đề của nghề dạy học: “Ở học đường vấn đề nan giải cách mấy cũng vẫn giàn xếp được bằng những tâm hồn cao thượng, trước hết bằng đạo đức của ông thầy”.
Tình yêu nghề của người thầy chính là tình yêu con người và nó phải được thể hiện cụ thể trong tình yêu thương đối với học trò, ở sự bao dung, tha thứ. Bởi vậy, ông thầy dạy học trò trung học, cần có tấm lòng yêu thương dào dạt như những cô giáo vườn trẻ. Yêu thương là vĩnh cửu. Tội lỗi trên đời đều đã bị yêu thương cảm hóa. Nhẫn nhục và yêu thương, ông thầy nào cũng thắp sáng nổi ngọn đuốc “lương sư hưng quốc”. Hãy nhìn những học trò hư bằng con mắt thương xót và hãy cứu rỗi chúng. Điều ta quan tâm không phải là học trò là con ai, thuộc đẳng cấp xã hội nào, mà ở chỗ chúng là học trò của mình. Vì thế, thầy giáo không thể thù học trò. Học trò phạm tội hành hung thầy nhưng vô tội. Học trò đánh thầy là điều không thể chấp nhận được, nhưng vẫn có thể tha thứ. Người thầy không muốn tuổi trẻ của học trò nặng nề trôi qua trong chấn song nhà tù.
Cùng với tình yêu thương ấy người thầy cần phải có những phẩm chất khác như sự kiên nhẫn, ý chí quyết tâm hay nghị lực, sự thẳng thắn và can đảm, phải có sự khiêm tốn, sự nhẫn nhục, lòng tự trọng và biết rõ thực chất của cái học, ghét bệnh hình thức, có niềm tin-đức tin vững vàng vào thành công của sự nghiệp v.v.. Tất cả những phẩm chất này cũng đều được triết lý rõ ràng và được thể hiện ngay trong công việc. Đó là “Người trị được ngựa chứng là người bị ngựa chứng quật ngã nhiều lần. Mới bị quật ngã một lần đã tởn, không đời nào làm nghề trị ngựa chứng được. Tôi đã chiến thắng trong cuộc đời đầy gian khó để vươn lên, thì không thể thua một vài con ngựa chứng”. Người thầy có bản lĩnh nói: “Tôi nhất định ở đây dạy hết niên học”, là vì đó là “lệnh của lương tâm và lòng tự ái của tôi” (sau khi bị học trò đe doạ với lời lẽ viết trên bảng: “Thằng giáo sư Định cút khỏi đây gấp. Lệnh của chúa đảng Sọ Người”). Người thầy tin rằng “Một con chim cô độc vẫn làm nổi mùa xuân”, ngược lại với “một cánh én không làm nên mùa xuân” (lời ông hiệu trưởng tỏ ra ái ngại cho con đường mà Thầy Định lựa chọn), rằng “ngọn đuốc trong tôi sẽ cháy sáng để mồi lửa cho những ngọn đuốc của những con ngựa chứng”.
Về ý thức về trách nhiệm hay bổn phận của người thầy, Thầy Trần Minh Định dẫn lời Tagore: “Tôi ngủ và tôi đã mơ rằng cuộc sống chỉ là vui thú, tôi thức dậy và nhận thấy rằng cuộc sống chỉ là phục vụ. Và tôi cảm thấy rằng phục vụ là vui thú” và xác định: Mọi vui thú đều có giá của nó. Tôi đã chọn nghề dạy học làm nỗi vui thú. Tôi phải trả cái giá cho nỗi vui thú của tôi. Ngựa chứng trong sân trường vẫn chỉ là học trò và nhiệm vụ của ông thầy khác hẳn với nhiệm vụ của một ông giám thị trại giáo hóa. Người ta dạy được chim sáo, chim yểng nói được những câu chào hỏi lễ phép, dạy con khỉ, con vượn làm được trò vui, dạy con hổ, con sư tử làm được theo ý muốn, thì tại sao một ông thầy không dạy được những học trò ngang ngược? Ông tự thấy, “không ai bắt anh làm quá giờ của anh ngoài lương tâm anh”.
Theo ông “một thầy giáo từ Sài Gòn về tỉnh lỵ phải coi như từ cuộc đời vô nhà tu. Chúng ta đều là người, Khổng Tử, Mạnh Tử đều là người. Khổng Tử trở thành thánh nhân chỉ vì dám nhắm mắt trước mọi quyến rũ vật chất. Khổng Tử cũng thèm ăn trái cấm, nhưng ngài đã nín cơn thèm và ngài là Khổng Tử, là vạn biểu thế sư”. Ông cho rằng “trong giáo dục không thể tha thứ cho một ông thầy vô trách nhiệm. Người chăn chiên ghẻ lở, cả bầy chiên sẽ ghẻ lở. Ông thầy được giao nhiệm vụ giáo huấn thì phải làm công việc giáo huấn. Giáo huấn không xong thì chỉ còn cách giải nghệ. Phải tạo cho học trò niềm tin khi chúng bị tước đoạt mất nhềm tin. Không có gì tai hại cho tuổi trẻ bằng sự lừa gạt họ”. Ông chia sẻ, “ông thầy quên mất rằng học trò của mình đang là tuổi trẻ, và học trò quên mất rằng ông thầy còn là người hướng đạo cho họ, một mai, họ bước xuống cuộc đời. Vì thế, những con ngựa chứng sẽ dẫn dắt bầy ngựa ngoan rời bỏ tầu ngựa nếu người chủ tầu ngựa buông xuôi trách nhiệm. Ông hiểu rõ cách trả lời cuộc đời ngộ nhận mình là làm đẹp cho đời mình.
Như thế, bổn phận của người thầy không tách rời tình yêu tha thiết của người thầy đối với nghề, đối với người, các học trò của mình. Bởi vậy, bổn phận đối với nghề dạy học còn bao hàm trách nhiệm lớn hơn là đối với cuộc đời.
Nói về việc người thầy phải hiểu học trò, Thầy Định hiểu được rằng tuổi trẻ bây giờ thật khó hiểu. Họ biết cả những điều mà họ chưa nên biết. Họ từ chối giáo điều, sẵn sàng ngờ vực. Muốn giáo dục họ phải cảm thông mọi ưu tư của họ và tạo giúp học một niềm tin. Tuổi trẻ mất niềm tin là mất tất cả. Tuổi trẻ hiện thời hầu như đã mất niềm tin ở cuộc đời. Mất niềm tin ở thầy, làm sao học hành đây? Bản chất của tuổi trẻ là tốt, hoàn cảnh xã hội, học đường, gia đình dẫn chúng vào con đường xấu. Vì thế, ông biết hình phạt, những sự kết án không có tâm hồn. Những con ngựa chứng sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm cho xã hội nếu cổ tay chúng bị đeo còng ngay tại lớp học. Trường học đã không cưu mang chúng, thầy giáo không thương xót chúng, bạn bè không khoan dung với chúng thì cuộc đời dễ gì tha thứ chúng. Ở lớp học bị còng tay lôi ra khỏi lớp là bị đẩy xuống vực thẳm. Bởi vì, ông có cả trí tuệ và con tim của nhà sư phạm, nên mới biết rằng những thanh niên ngang tàng, bướng bỉnh nhất là những thanh niên giàu tình cảm nhất. Tình cảm ấy bị chôn lấp, nếu ta khai quật lên được nó sẽ làm mềm những trái tim ngỡ rằng chai lỳ, sắt đá.
Về phương pháp giáo dục-đào tạo, Thầy Định nói, ông không bắt học trò ghi chép quan niệm riêng của mình. Ông hiểu giữa cái xấu và cái ác chỉ cách nhau một sợi tóc. Nếu ta coi cái tóc như cái bức tường cao, đầy chông gai, ta sẽ thoát hiểm. Giáo dục là chinh phục tâm hồn chứ không phải phô trương vũ lực. Quyền lực để chế ngự chứ không phải để chinh phục, mà giáo dục là để chinh phục tâm hồn. Ông cũng hiểu: “Muốn lời nói của mình đi vào tâm hồn của người nghe thì phải làm sao cho lời ấy đi qua lỗ tai của người nghe đã” (Lời Lénine). Đặc biệt, ông luôn luôn nhẫn nhục, mềm mỏng trong cuộc đời, sau khi đã ghi nhớ nằm lòng bài học Thường Tung dạy Lão Tử: Thường Tung sắp chết, Lão Tử đến thăm. Thường Tung há miệng ra hỏi: “Răng ta còn không?”, Lão Tử đáp: “Hết”. Thường Tung lè lưỡi hỏi: “Lưỡi ta còn không?”, Lão Tử đáp: “Còn”. Thường Tung căn dặn: “Ngươi phải nhớ kỹ, lưỡi mềm thì còn”. Dạy bài học cuối cùng ấy, Thường Tung nhắm mắt”.
Đối với người thầy, phương pháp và nghệ thuật không tách rời nhau và cũng không tách rời kinh nghiệm. Theo Thầy Định trong giáo dục biết khai mở những tình cảm vốn rất giàu có nhưng bị chôn lấp trong những thanh niên ngang tàng, bướng bỉnh nhất, để nó làm mềm những trái tim tưởng như đã chai lỳ, sắt đá, đó cũng là nghệ thuật trong dạy học. Về kinh nghiệm, ông hiểu thấu điều là bằng cấp cao và nhiều không có nghĩa là kiến thức uyên bác. Nghề sư phạm đòi hỏi kinh nghiệm. Đừng lầm tưởng khoa bảng là tri thức. Mọi việc khó khăn đều có thể giải quyết bằng những tâm hồn cao thượng. Hãy nhớ rằng xã hội đã mất tuổi trẻ chỉ vì xã hội thích đỡ và đàn áp sự phản kháng vô lối của tuổi trẻ. Đỡ thì được, nhưng cần đỡ bằng nệm mút thật dầy. Đó là lòng độ lượng. Cuộc đời chỉ xây dựng bằng tình thương, tình thương mới vĩnh cửu.
3. Triết lý về xã hội, cuộc đời. Người thầy, nhà giáo dục muốn có được những triết lý giáo dục đúng đắn, muốn cho chúng có sức sống, phải hiều thực tiễn đời sống, phải thấy được những cơ sở, nguyên nhân của tình trạng hiện có của giáo dục. Thầy Trần Minh Định hiểu được thực trạng “văn minh đến, đạo đức suy đồi, khi văn minh không được đãi lọc tinh hoa”. Theo ông, xã hội Việt Nam hôm nay không thể giấu giếm che đậy sự tang thương, rách nát. Rách nát toàn diện. Rách nát từ những ngày Mạc Đăng Dung ngu muội, dốt nát lãnh đạo và giáo huấn tự xưng mình là thần tượng tuổi trẻ. Những bài học phản bội diễn tiến không ngừng trong khoảng thời gian tối tăm nhất của lịch sử dân tộc đã khiến cho tuổi trẻ hoang mang. Vì nỗi hoang mang trở nên bất bình thường, xã hội cũng bất bình thường. Học trò hành hung thầy giáo chỉ là nạn nhân của xã hội đầy những âm mưu phản bội, dối trá.
Ông không đồng ý việc “làm cách mạng giáo chức, làm trẻ trung hàng ngũ giáo chức, sự trẻ trung chỉ vụ hình thức và chỉ tạo ra một lớp thầy giáo trẻ không được học trò kính nể”. Theo ông, chính sách giáo dục hôm nay là vô chính sách. Chiến tranh chỉ là cái cớ để người ta kết tội, phá hoại giáo dục. Thật sự, nền giáo dục hiện tại băng rã là vì người ta nhìn nó bằng con mắt của kẻ tính toán giai đoạn (nhất thời) mà giáo dục thì đòi hỏi vĩnh cửu. Người ta đổi mọi lỗi trong đó có những lỗi của giáo dục cho chiến tranh, xem chiến tranh như cái thùng rác chứa đựng đầy cặn bã xã hội. Chiến tranh đã du nhập vào đất nước này nhiều tệ trạng, đáng kết án là đã làm tuổi trẻ chán nản hiện tại, nghi ngờ tương lai. Tuy vậy, chiến tranh cũng chỉ đáng trách phần nhỏ, những kẻ lợi dụng chiến tranh buôn bán chữ nghĩa mới đáng trách nhiều. Họ còn tệ mạt hơn kẻ làm giàu trong chiến tranh.
Ông cho rằng câu “có thực mới vực được đạo” ở đâu và bao giờ cũng đúng. Xã hội Việt Nam đã bạc bẽo với thầy giáo, đã không ưu tiên số một, đãi ngộ tối đa thầy giáo, những người đào tạo thế hệ lãnh đạo tương lai, đào tạo công dân lương thiện. Đặc biệt, ông thấy rõ giáo dục bị chính trị, bị âm mưu chính trị lôi cuốn. Chính trị ve vuốt, an ủi, hứa hẹn, đứng sau lưng các ông thầy. Cho nên, giáo dục biến thành giáo nạt. Ông so sánh: “Ở nước Pháp giáo viên tiểu học được xếp trên nấc thang giá trị cao nhất, được kính trọng nhất, Tổng thống, Thủ tướng đứng hàng thứ 5”. Tuy vậy, ông đánh giá hiện trạng giáo dục với cái nhìn lạc quan: “Chỉ khi nào sách giáo khoa bị đốt, cổng trường rào dây kẽm gai, học trò bị đầy biệt xứ, bấy giờ mới là giáo nạn”.
Đối với tôi, những gì được nêu ở trên đó chính là nội dung những triết lý giáo dục của “Ngựa chứng trong sân trường”. Những triết lý này làm thành một chỉnh thể. Mỗi triết lý, các nhóm triết lý đều có nội dung sâu sắc và làm nên tính chất sâu sắc, lớn lao của toàn bộ hệ thống và điều quan trọng là tất cả chúng đều trờ thành triết lý của người thầy và đều thể hiện-đi vào hoạt động của người thầy. Tất nhiên, câu hỏi quan trọng cần đặt ra ở đây là: “Trong những triết lý giáo dục, những nhóm triết lý giáo dục ấy, triết lý nào là cơ bản, quan trọng nhất quy định nội dung, tính chỉnh thể của chúng?”. Theo tôi, chúng chính là triết lý được thể hiện ngay trang đầu tiên của sách như đã thấy cùng với những triết lý khác được nêu ở mục “Những triết về giáo dục nói chung hay những triết lý nền tảng”. Nói một cách cụ thể, rõ ràng hơn, triết lý giáo dục nền tảng căn bản nhất ở đây là triết lý về sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của người thầy-nhà giáo dục.
3. Giá trị minh triết và những bài học của những triết lý giáo dục của “Ngựa chứng trong sân trường”
Như đã nói, anh, người đã tặng sách cho tôi, và cả tôi, đã chia sẻ cho nhau về điều gì đã làm chúng ta thức tỉnh, ra khỏi-giũ đi được cái “màu đỏ” - bóng tối là lý tưởng cộng sản, chính là những triết lý của “Ngựa chứng trong sân trường”. Nhưng bây giờ xin được nói rõ, cụ thể hơn. Vâng, người ta chỉ có thể bước ra khỏi bóng tối để đi về phía ánh sáng, nhờ ánh sáng, chứ không thể bước ra chỗ nào khác, do cái gì khác. Quả thực, những triết lý giáo dục trên đây là những triết lý với nghĩa là những triết lý-minh triết giáo dục, chúng là những minh triết giáo dục thực sự. Chúng được nêu ra, được đề xuất bởi nhân vật chính là Thầy Trần Minh Định trong nội dung câu chuyện rất cảm động của sách. Nhưng thực ra, chúng là của tác giả, nhà văn Duyên Anh. Ông hiện diện qua nhân vật chính của mình như một nhà giáo dục với một tâm huyết, trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp giáo dục của Nhân dân, Dân tộc Việt Nam chúng ta.
Những triết lý giáo dục nói trên được gọi là minh triết vì tính đúng đắn, tính thuyết phục, vì những giá trị của chúng. Chúng là những tiếng nói của trái tim tràn đầy tình yêu thương và trách nhiệm của người thầy đối với học trò, đối với sự nghiệp giáo dục và cao hơn, đối với cuộc đời, con người. Chúng dựa trên tri thức sâu sắc, rộng lớn và cả sự trải nghiệm thực tiễn của tác giả, nhà văn-nhà giáo dục. Chúng được xác lập một cách rất căn cơ, có hệ thống với ý thức sâu sắc về vị trí, vai trò, thiên chức của giáo dục, đặc biệt về sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của người thầy-nhà giáo dục, đó là giáo dục cho trẻ em, học sinh làm người, nên người, vì thế có thể tạo dựng nên một xã hội giàu lòng nhân ái, bao dung, vị tha và công bằng, và vì thế, người thầy nhất định phải tiêu biểu, là tấm gương về tri thức, trí tuệ, đạo lý, phẩm giá nói chung. Đặc biệt, chúng rốt cuộc đi vào toàn bộ thực tiễn giáo dục của người thầy với những gian nan, thử thách tưởng như không thể vượt qua, để rồi cuối cùng người thầy thực hiện được một cách vẻ vang sứ mệnh của mình.
Những triết lý-minh triết giáo dục của “Ngựa chứng trong sân trường” cho ta, cho giáo dục Việt Nam hiện nay những bài học rất quan trọng, sâu sắc. Thứ nhất, đó là bài học về việc người thầy-nhà giáo dục cần phải được chuẩn bị thật căn cơ trước khi bước vào làm nghề dạy học, đó là phải nắm được, thấu được những triết lý-minh triết giáo dục điển hình của nhân loại, phải tự mình xác lập được những triết lý-minh triết cho toàn bộ sự nghiệp làm thầy của mình, trong đó điều hết sức quan trọng là phải thấy rõ sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của mình. Thứ hai, từ điều thứ nhất người thầy phải trải nghiệm cuộc đời, phải am hiểu thực tiễn đời sống để hiểu rõ trạng thái giáo dục hiện có. Thứ ba, cũng từ điều thứ nhất là khi hiểu được sứ mệnh của mình người thầy-nhà giáo dục không thể để chính trị thao túng, không làm nô lệ cho chính trị, nói rộng ra là không được đem vào giáo dục những nội dung, giá trị không phải của nó. Thứ tư, “Ngựa chứng trong sân trường” chủ yếu nói về triết lý của người thầy-nhà giáo dục ở các cấp học trung học và tiểu học. Vì vậy, nguyên lý giáo dục “lấy học trò là trung tâm” cần được hiểu một cách rất thận trọng, tinh tế. Ở đây chữ “thầy” còn có nghĩa đặc biệt là gần gũi hơn, có nhiều chất “gia đình”, “quê hương” hơn so với chữ “thầy” ở bậc đại học và trên nữa. Tóm lại, hãy nhớ rằng chỉ có minh triết, hệ thống minh triết giáo dục, thì minh triết về sứ mệnh của người thầy mới có giá trị và do đó, người thấy mới có thể thực hiện được sứ mệnh của mình.
Tuy vậy, cũng cần thấy rằng khi đọc “Ngựa chứng trong sân trường” ta chưa thấy rõ những triết lý-minh triết giáo dục nói trên được đặt trên những nền tảng triết lý về con người, xã hội và cả siêu hình học như thế nào. Tôi hiểu tác giả Duyên Anh cũng nói đến những triết lý nhất định về mặt này, trong con người ông cũng có những yếu tố như tự do, con người cá nhân rõ ràng làm nền cho những suy tưởng-triết lý giáo dục của ông, nhưng chắc chắn đó chưa phải là những triết lý-học thuyết. Phải chăng, những gì ông nói về mục tiêu, sứ mệnh của nhà giáo, giáo dục như thế là đã rõ, đã đủ? Vì vậy, những giá trị minh triết và những bài học của những triết lý giáo dục này cần phải và sẽ càng được khẳng định, nhân lên trong xây dựng một minh triết giáo dục, minh triết nói chung cho sự phát triển giáo dục và đất nước Việt Nam hiện nay. Với ý nghĩa, giá trị ấy, những triết lý-minh triết giáo dục của “Ngựa chứng trong sân trường” còn là một nhân tố quan trọng của hòa hợp dân tộc. Tôi nghĩ, cả anh và tôi đều không nghi ngờ điều này.
Kết luận chung cho cả phần 1 và phần 2
Không có một nền giáo dục tiên tiến ngang với tầm vóc thời đại thì một đất nước không thể đi lên, phát triển. Nhưng nếu không có một nền tảng minh triết, trực tiếp là minh triết giáo dục mới, thì không có nền giáo dục tiên tiến. Tuy nhiên, người ta không thể chờ trở thành triết gia rồi mới đề xuất triết lý-minh triết. Minh triết giáo dục nói riêng, minh triết nói chung là quá trình, nhưng nó không hình thành trong tháp ngà, chỉ là lý thuyết, tư tưởng thuần túy, đặc biệt nó không thể hình thành trong sự nhu nhược, sợ hãi, trái lại chỉ có thể hình thành trong quá trình trao đổi, tranh luận, trong đấu tranh thậm chí rất quyết liệt giữa chân lý và sai lầm, giữa giá trị và phản giá trị, giữa tư tưởng hoặc phi tư tưởng, giữa cái còn non kém với cái đã trưởng thành, giữa cái mới và cái đã lỗi thời, già cỗi, giữa lý thuyết và thực tiễn để khẳng định những giá trị con người bao gồm việc khẳng định phẩm giá, danh dự của một Dân tộc-quốc gia. Minh triết, đó là tranh luận-tranh đấu.
Đối với một người có thể còn non kém về triết lý-minh triết và có thể thất bại trong một cuộc tranh luận nào đó, nhưng nếu họ có trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục, đo đó đối với tiền đồ, tương lai tươi sáng của Nhân dân, Dân tộc và cả nhân loại, họ sẽ không tự ái hoặc thất vọng vì sự non kém của mình, trái lại họ sẽ thấy ra con đường duy nhất là phải vươn lên cao hơn, đến đỉnh cao của minh triết. Còn đối với đại bộ phận nhân dân, hãy nhớ rằng nói chung xưa nay con người chưa từng làm điều gì thành công mà lại không có ý thức đúng đắn dẫn dắt họ. Nhân dân chính là hiện thân của những minh triết thực tiễn, họ làm những điều cần làm, đấu tranh cho những điều phải đấu tranh. Minh triết về mặt hệ thống lý thuyết chỉ là ý thức ra cái minh triết thực tiễn ấy để cho thực tiễn càng trở nên minh triết hơn. Vì vậy, minh triết không phải là công việc, lĩnh vực của riêng ai. Minh triết không chỉ là một hệ thống, mà có thể gồm nhiều hệ thống, là những hệ thống mở và bao gồm rất nhiều triết lý-minh triết với những mức độ cao thấp khác nhau. Minh triết là thành quả chung của rất nhiều người, của nhân dân, dân tộc và nhân loại.
Cho nên, hãy đề phòng, cảnh giác với những kẻ chỉ “tin” vào một số tiềm năng, một vài người nào đó về triết lý-minh triết. Vì thực chất, chúng chỉ “vuốt ve”, “nịnh nọt”, chỉ muốn lợi dụng, chỉ lợi dụng thôi, để lấy cớ tiêu diệt những ý kiến, tư tưởng của người khác, trên thực tế là thủ tiêu tính đa dạng tự nhiên của tồn tại, phát triển. Vì chính điều này, chính sự đa dạng trong tranh luận, đấu tranh sẽ vạch trần sự ngu tối, tham lam, tội ác và do đó, đe dọa địa vị, quyền lợi bất chính của chúng và hơn thế, chính điều này mới thật sự làm cho minh triết nảy nở, phát triển mạnh mẽ, điều mà thể chế độc tài không bao giờ mong muốn. Như thế, cũng có nghĩa là minh triết không ở ngoài con đường Tự do - Dân chủ. Và có thể thấy bài học chung nghiêm túc, rất quý giá từ “Ngựa chứng trong sân trường” là chỉ có thể xây dựng một cách bài bản, có hệ thống, đến nơi đến chốn triết lý-minh triết giáo dục nói riêng, triết lý-minh triết nói chung với điều kiện nền Tự do - Dân chủ đã được thiết lập, cũng có nghĩa là trong điều kiện chế độ cộng sản, nhất là cộng sản giả hiệu toàn trị đã bị xỏa bỏ ít nhất là về căn bản.
Xin lỗi, tôi đã rất cố gắng, nhưng bài viết vẫn khá dài
Viết vào tháng 6-8 năm 2019, hoàn thành 12 tháng 8 năm 2019
12/8/2019