Phạm Văn (Danlambao) - Xưa nay người ta đã nói nhiều về chữ “mất dạy”. Nhưng nếu chỉ là câu chuyện “xưa nay” thì chữ này thường là của những người lớn, những bậc ông bà, cha chú sử dụng để nói về những đứa con, những đứa trẻ hư. Nhưng vào lúc này thì câu chuyện đã hoàn toàn khác: chữ “mất dạy” nói về những người lớn hư hỏng, mà những người dùng chữ này có khi bằng vai phải lứa, có khi trẻ hơn, thậm chí có khi là học sinh, trẻ em và chúng diễn đạt chữ này dưới một hình thức khác, chẳng hạn như một em học sinh lớp Tám nói trong một hội thảo ra mắt sách giáo khoa của “Nhóm cánh buồm” là “giáo dục Việt Nam hiện nay là quá thối nát rồi”. Những điều này nói lên một sự thật là nếu xưa nay mất dạy chỉ là những trường hợp cá biệt, thì ngày nay nó biểu hiện một thảm trạng ghê gớm của giáo dục. Vậy, nên hiểu nghĩa của chữ “mất dạy” xưa và nay như thế nào để thấy rõ thực chất thảm trạng này?
Tôi không dùng các từ ngữ như “khái niệm” hay “quan niệm” (về “mất dạy”), mà dùng từ “chữ” (chữ “mấy dạy”) cho gần gũi với truyền thống văn hóa để nói về nghĩa của chữ này. “Mất dạy” không phải là hiện tượng những người đang làm công việc dạy học mà vì lý do nào đó không còn được làm nữa (như người ta thường hay nói đùa là “đã mất dạy”). Thực ra, các bậc ông bà, cha chú dùng chữ “mất dạy” là để nói về những đứa con, những đứa trẻ thiếu hoặc rất thiếu sự giáo dục, thiếu sự học hành tử tế, nặng hơn là “vô giáo dục”, như không vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô, hoặc người lớn (người trên) nói chung, nên đã làm những việc sai trái, vô đạo đức trái với luân thường đạo lý như cãi lại cha mẹ, thầy cô, nói tục, chửi bậy, đánh bạn, lười học, lười lao động, chơi bời lêu lổng, nói dối, trộm cướp v.v...
Nhưng xét kỹ hơn ta thấy chữ “mất dạy” này liên quan chặt chẽ với truyền thống giáo dục Việt Nam xưa nay với nội dung cơ bản là một nền giáo dục Nho giáo, một truyền thống lấy việc dạy “chữ thánh hiền” làm trọng, trong đó quan trọng nhất là dạy “chữ đức” nhằm “lập đức” để sống và làm việc sao cho có nhân có nghĩa. Chữ “đức” theo Nho giáo có nội dung căn bản là chữ “nhân”. (Tôi không tin chữ “nhân” của Nho giáo với nghĩa là “yêu thương nhân dân”, vì đó là tình yêu thương của vua chúa coi mình là cha mẹ, người dân như con, cho nên đó là thứ tình cảm ban ơn và chịu ơn). Nhưng trong Nho giáo cũng có nói đến tình yêu thương con người nói chung mặc dù điều này là không căn bản. Bên cạnh đó, dù chưa thật rõ Nho giáo còn coi chữ hay đức “thành” (trung thực) cũng là một đức căn bản, xem như đức nền của mọi đức của con người. Với những điều này có thể nói tư tưởng Nho giáo ít nhiều gặp gỡ với Phật giáo, Thiên chúa giáo, với những quan niệm về tình yêu thương con người, nhân loại phổ biến trên thế gian.
Cho nên, nói “mất dạy” với nghĩa là chỉ việc không hoặc thiếu sự giáo dục, dạy dỗ, học hành tử tế, còn hàm nghĩa sâu xa, căn bản hơn là thiếu sự giáo dục, dạy dỗ, học hành một cách căn bản về đức, là thiếu đức dục một cách tử tế, đến nơi đến chốn, cụ thể hơn là thiếu hoặc không được giáo dục về những nguyên tắc gốc, căn bản để làm người như tính trung thực và tình yêu thương con người. Tuy nhiên, cần thấy rằng những bậc thánh hiền và những người thầy mẫu mực của giáo dục Nho giáo không dùng từ “mất dạy” đề chỉ những trò hư, còn người dùng chữ “mất dạy” lại nói một cách rất thực tế, rất cuộc đời mà trẻ con hư hoàn toàn có thể nhận thấy rất rõ những gì chúng đang làm qua những lời nói của người lớn.
Vậy, nhân đây xin được nói rộng ra là có một nền giáo dục xã hội hay đúng hơn là một mặt khác của nền giáo dục là giáo dục xã hội luôn đi song hành với giáo dục nhà trường, vừa cụ thể, hiện thực hóa giáo dục nhà trường, vừa phản biện, bổ khuyết, vừa tư vấn, đặt ra những vấn đề cho nó, có khi giải quyết được những vấn đề mà giáo dục nhà trường không thể. Bởi vậy, không thể xem thường việc xưa nay người ta hiểu chữ “mất dạy” với những biểu hiện nhiều mặt và giản đơn như đã nói. Và trên thực tế chúng ta đang đứng trước việc chữ “mất dạy” đang được dùng phổ biến hôm nay với một nghĩa mới rất đặc biệt của nó, ở chỗ nó nhằm chỉ cái đối tượng mà chữ này đang đặt vào: những người lớn mất dạy. Ôi, điều này nghe sao chua chát, khó tiếp nhận làm sao! Nhưng nó là sự thật.
Vậy, để thấy rõ thảm trạng này ta nên mở rộng hơn nghĩa của chữ “mất dạy”. Nếu như trước kia hay xưa nay, “mất dạy” được hiểu là mất đi, thiếu đi cái sự dạy dỗ, rèn luyện về đức cũng được xem là dạy dỗ để làm người, thì ngày nay điều này được hiểu toàn diện hơn. Ngày nay, trong thời hiện đại-văn minh, giáo dục làm người bao gồm cả giáo dục về đức, về trí, về mỹ và về thân thể v.v.. Đương nhiên, nền giáo dục này cũng có những quy tắc, chuẩn mực căn bản, có tình nền tảng của nó. Ngoài những quy tắc, chuẩn mực, giá trị về đức mà giáo dục truyền thống để lại như sự trung thực, tình yêu thương, thì giáo dục hiện đại hướng vào những chuẩn mực, quy tắc của giáo dục trí tuệ đó là học tập khoa học dựa trên việc trau dồi những tri thức nền tảng bao gồm cả triết học. Nhưng điều lớn lao, trọng tâm của giáo dục làm người thời hiện đại là giáo dục đào tạo nên những con người cá nhân với đặc trưng căn bản là có tư tưởng, giá trị Tự do và đặc biệt gắn liền với Đức tin mà liên quan đến điều này là việc giáo dục con người về đức khiêm nhường khi biết mình chỉ là một tồn tại có hạn nhưng lại ở trong thế giới, tồn tại vô cùng vô tận.
Cũng trong nền giáo dục hiện đại ta cần hiểu rõ hơn nội dung, ý nghĩa của từ “học tập”. Chữ này về nội dung, về thực chất, đã bao gồm các nghĩa là giáo dục, giảng dạy, dạy dỗ trong đó rồi. Bời vì, học tập là học những gì cao hơn, tốt đẹp hơn do những người trước ta đã làm nên để từ đó mới có thể sáng tạo cái mới, cho nên nó không thể tách rời người thầy một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, ngay cả khi ta nói về tự học thì cũng thế. Học tập là học người thầy-nhà giáo dục theo nghĩa rộng nhất, đó là cuộc sống, là thiên nhiên mà những người thầy theo nghĩa ta vẫn thường hiểu chỉ là biểu hiện, là sứ giả của người thầy cuộc sống. Học mà xem cuộc sống, thiên nhiên là người thầy vĩ đại của mình là cái học lớn lao, mấy ai theo được. Vì thế, học tập mà thiếu giáo dục, dạy dỗ, giảng dạy, tức là không có, không cần thầy, là điều chưa từng có. Cho nên, câu tục ngữ Việt Nam “không thầy đố mày làm nên” vẫn đúng, vẫn giữ nguyên giá trị.
Với cách hiểu về nền giáo dục mới, hiện đại như thế, có thể nói không ngoa rằng khi người Pháp xâm lược, đô hộ Việt Nam thì trong ánh sáng của nền giáo dục “thực dân” ấy đã không ít người đã học tập và trở thành những trí thức lớn tài năng như Trần Trọng Kim, Phan Châu Trinh, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Đào Duy Anh v.v.. Tiếc thay, khả thể của một nền giáo dục tiên tiến của Việt Nam đã không được bắt đầu với những cái học của những nhân cách, con người lớn, văn minh ấy, thay vào đó, nó bắt đầu chủ yếu với những kẻ học tập ở ngoài rìa của nền văn minh nhân loại, vì vậy thảm trạng mất dạy của nó cũng bắt đầu từ đó.
Cho nên, ta hiểu chữ “mất dạy” được nói ra vào thời nay là về cái học không có gốc gác, căn bản, thiếu căn cơ để làm người ở mọi phương diện trí tuệ, đạo đức, mỹ, thể. Nó là cái học nửa vời, lỗ mỗ, theo lối chụp giật, thậm chí là bắt chước, chôm chỉa, là cái học-dạy khiến người học lao theo những giá trị bề nổi, bên ngoài, tức thời trước mắt, cái học quá chú trọng mặt này, xem thường hoặc bỏ qua mặt khác, là cái học mà kẻ dạy học không có cái học căn cơ, gốc gác nhưng cũng làm công việc gỉảng dạy, giáo dục, là cái học mà người ta lấy cái bên ngoài giáo dục như chính trị, kinh tế, đem vào giáo dục, thậm chí làm cơ sở, chuẩn mực cho cho giáo dục, học tập. Bởi thế mà chính vào lúc này kẻ đứng đầu một chế độ, một đảng cầm quyền duy nhất ở Việt Nam, cũng là kẻ đứng trên đầu toàn bộ nền giáo dục Việt Nam nói với các đảng viên trẻ rằng phải coi đức trước hết có nghĩa là “trung thành với đảng”. Hắn theo người xưa hay muốn vượt lên nhằm “hơn cha” để mang hồng phúc cho dân tộc? Chắc là không rồi, vì kẻ này đã già yều và “năng lực có hạn”, rất tầm thường. Hắn hoang tưởng hay cố đấm ăn xôi, kiêu căng, bất chấp lẽ phải sự thật? Cả hai. Hoang tưởng là vì điều “răn dạy” của hắn đối với tuổi trẻ là hoàn toàn trái với đạo lý xưa và nay. “Cố đấm ăn xôi và kiêu căng” là vì hắn từng nói như một tuyên bố bất di bất dịch: “Mất chế độ chúng ta mất tất cả!”. Vì sao hắn nói thế? Vì chế độ này bị xóa bỏ, mọi sai lầm, tội lỗi của nó, của bọn chúng sẽ bị đưa ra trước ánh sáng. Hắn mất dạy hết chỗ nói!
Tóm lại, toàn bộ cái học trên có nội dung cơ bản là học và làm theo tư tưởng cộng sản sai lầm, phản khoa học, đầy hoang tưởng và với nội dung ấy, nó được thực hiện bằng phương thức tuyên truyền-dẫn dụ, giáo điều, áp đặt, nhồi sọ, nhiều khi rất tinh vi và thậm chí có cả yếu tố bạo lực. Đó là cái học đặt trên nền móng là sự dối trá, một đặc tính căn bản vốn có, phổ biến nhằm che đậy cái sai của học thuyết, tư tưởng của đảng cộng sản, cái bất minh, bất chính của chế độ cộng sản, là cái học dựa trên tình yêu thương con người, nhân loại trừu tượng, khiến con người quên chính bản thân mình. Nó chính là cái học hoàn toàn không biết đến, tuyệt đối xa rời những quy tắc, chuẩn mực, giả trị làm người cơ bản của nền văn minh nhân loại. Bọn cộng sản nói chung không có và cũng không hiểu thế nào là Tự do và Đức tin, cho nên chúng sống bằng những giá trị bên ngoài mình cả về vật chất và tinh thần, vì thế chúng rất hèn yếu, nhu nhược. Do đó, cái học này rốt cuộc dẫn đến chỗ phần lớn người dân trở thành những kẻ vô cảm, chỉ còn biết quan tâm đến cái thân xác, những lợi ích cá nhân hẹp hòi và cúi đầu cam chịu phục vụ cho địa vị, lợi ích của kẻ cầm quyền cam tâm bán rẻ cả Tổ quốc, giang sơn cho kẻ thù truyền kiếp.
Khó có thể kể ra đây dù chỉ là phần nào đó những sản phẩm ghê gớm, khủng khiếm của nền giáo dục mất gốc, mất cái căn bản này. Nhưng có lẽ chẳng cần nói ra thì mọi người quan tâm cũng đều có thể thấy được và thấy rất rõ. Chỉ xin nhấn mạnh rằng sự mất dạy và hậu quả nặng nề nhất của nó là ở chỗ hệ thống quan chức, những người làm công việc quản lý xã hội, trông coi vận mệnh quốc gia từ nhỏ đến lớn, đến lớn nhất, hầu như không đủ năng lực, rất thiếu phẩm chất cho công việc mà chúng đảm nhiệm, hơn thế chúng chính là những kẻ tham quyền, tham chức, tham nhũng. Chúng là một lũ khốn kiếp, mất dạy. Không chỉ có thế, tương lai của đất nước, dân tộc-giống nòi Việt Nam vẫn đang nằm trong tay những kẻ mất dạy đang làm công việc giảng dạy, giáo dục. Không thối nát sao được khi nền giáo dục vẫn ở trong tay những kẻ quản lý giáo dục, những người được gọi là “thầy”, “cô”, là những đảng viên cộng sản mà bây giờ thực ra là cộng sản giả hiệu.
Để kết thúc bài viết, tôi có một đề xuất, mong muốn là khi thảm trạng “mất dạy” đã được khắc phục, trong nền giáo dục mới chúng ta sẽ bỏ “Ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11” hàng năm mà thay bằng “Ngày học tập” (ngày cụ thể là ngày nào, sẽ bàn sau) để cùng tôn vinh công lao giáo dục và học tập đồng thời của cả hai lớp người là giáo viên, những người làm công tác giáo dục trực tiếp hoặc gián tiếp và học sinh, người học nói chung. Hẳn rằng một xã hội tôn vinh việc học tập là một xã hội tích cực, tiến bộ, phát triển và văn minh. Và có thể, trong nền giáo dục, xã hội ấy, chữ “mất dạy” không mất đi, nhưng nó sẽ lại trở về đúng vị trí với nội dung và nghĩa xưa nay của nó.
11.09.2019