Công an chính thức "hối lộ" phạm nhân hay là "chính sách lấy củi đốt củi" của chủ lò Tổng tịch? - Dân Làm Báo

Công an chính thức "hối lộ" phạm nhân hay là "chính sách lấy củi đốt củi" của chủ lò Tổng tịch?

"Hình Sự Đặc Biệt" được chủ lò Tổng Tịch đưa lên thành "chính sách" để đàn em công an "hối lộ" các phạm nhân quay sang tố cáo đàn anh tội "hối lộ" 

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Trong vụ hối lộ AVG-MobiFone một "chính sách" mới được ra đời. "Chính sách" này không nằm trong bất kỳ quy định nào của Bộ luật hình sự, tố tụng hình sự. Đó là "Chính sách hình sự đặc biệt". Đây là một hành động tuỳ tiện, đứng ngoài luật pháp, xuất phát từ mục tiêu mua chuộc phạm nhân để tố cáo phe phái "thù địch" trong đảng.

Công an hối lộ phạm nhân? 

Phải chăng đây là hành vi "hối lộ" phạm nhân được nâng thành "chính sách" của Bộ Công an? 

Không những chỉ là "chính sách" mà "đây là chính sách ưu việt mà chúng tôi kiến nghị áp dụng đối với những người khai báo thành khẩn, hợp tác tích cực, khắc phục các hậu quả đã xảy ra" như  thiếu tướng Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc tuyên bố. 

Hai nhân vật chủ chốt được công an đề nghị hưởng "chính sách đặc biệt" này là chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ và cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn với lý do: "Phạm Nhật Vũ đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác, chủ động hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng, tự nguyện trả lại MobiFone số tiền đã nhận gần 8.900 tỉ đồng; Trương Minh Tuấn đã thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong quá trình công tác." 

Có 2 ghi nhận: 

- Tổng cộng 12 người bị điều tra, truy tố trong phi vụ AVG-MobiFone: 

Phạm Nhật Vũ (chủ tịch AVG), Nguyễn Bắc Son (Bộ trưởng TTTT), Trương Minh Tuấn (Thứ trưởng TTTT), Phạm Đình Trọng (cựu vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp, Bộ TTTT), Phạm Thị Phương Anh (cựu phó TGĐ MobiFone), Phan Thị Hoa Mai (thành viên Hội đồng thành viên MobiFone), Hồ Tuấn (cựu phó TGĐ MobiFone), Nguyễn Đăng Nguyên (cựu phó TGĐ MobiFone), Nguyễn Bảo Long (cựu phó TGĐ MobiFone), Nguyễn Mạnh Hùng (cựu phó TGĐ MobiFone), Võ Văn Mạnh (cựu giám đốc AMAX), Hoàng Duy Quang (nhân viên AMAX). 

11 người được hưởng chính sách "hình sự đặc biệt", chỉ trừ Bộ trưởng Nguyễn Bắc Sơn. 

- Số tiền hối lộ: 

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son - 3 triệu USD, Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone) - 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải (thành viên HĐTV, cựu tổng giám đốc MobiFone) - 500.000 USD. Trương Minh Tuấn là người nhận ít nhất: 200.000 USD. 

Lấy gì để đoan chắc con số 200.000 USD mà công an đưa ra là con số thật sự mà Trương Minh Tuấn đã nhận hối lộ từ Phạm Nhật Vũ? Trương Minh Tuấn lúc đó là thứ trưởng, là kẻ kế thừa Nguyễn Bắc Son trong chức vụ Bộ trưởng và là người ký quyết định số 236 cho phép MobiFone mua cổ phần của AVG. Với vai trò và địa vị như vậy, tại sao Trương Minh Tuấn là người được "hoa hồng" ít nhất? 

Dưới chế độ ô dù, vắng bóng sự minh bạch của chế độ toàn trị, công an có thể tuỳ tiện đưa ra bất kỳ con số nào. Do đó, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Ngay cả con số nhận hối lộ thấp nhất trong các "bị can" của Trương Minh Tuấn cũng là kết quả của cuộc điều đình? 

Nếu như vậy, công an đã "hối lộ" cho phạm nhân Trương Minh Tuấn 2 món quà: được là người nhận hối lộ ít nhất và được hưởng "chính sách hình sự đặc biệt". Đổi lại, Trương Minh Tuấn sẽ thành thật khai báo những gì mà chủ lò Tổng Tịch muốn Trương Minh Tuấn Khai. 

"Chính sách lấy củi đốt củi" của chủ lò Tổng tịch 

Bộ Luật Hình sự có điều nói về khoan hồng: 

Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra; Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục.

Tuy nhiên, với Luật số 12/2017/QH14, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 3 ở trên thành: 

Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra.

Và với quy định đối tượng là "pháp nhân thương mại" thì không thể áp dụng luật khoan hồng với thành phần cán bộ  như 11 bị can đều là quan chức của MobiFone/Bộ TTTT/đảng uỷ. 

Nhưng đối với đảng, luật là ta, ta là luật, các quan tòa cộng sản vẫn đạp lên luật pháp theo lệnh của Tổng bí thư. 

Vì thế, ngoài hành động vượt rào điểm d, khoản 2, điều 3 của Bộ Luật hình sự sau khi đã sửa đổi, Nguyễn Phú Trọng và đàn em phải nâng chuyện "hối lộ dưới danh nghĩa khoan hồng" lên thành "chính sách" để làm điểm nhấn, đủ sức cám dỗ và chiêu dụ các phạm nhân đàn em của Nguyễn Tấn Dũng. 

Đó là chiến lược mua (chuộc) củi để đốt củi của Nguyễn Phú Trọng. 

Trong chiến lược này, "chính sách hình sự đặc biệt" sẽ nằm trong tay sử dụng và quyền quyết định của công an trong khi "làm việc" với phạm nhân mà không phải chờ đến lúc ra tòa mới đưa vấn đề khoan hồng ra để thương thảo và đổi chác với bị can.

Trước vụ Nguyễn Bắc Son hối lộ, tất cả những quan chức khác đều chỉ bị xử trong khung "làm thất thoát, làm sai..." Nhưng với tội hối lộ thì có thể lên khung án tử hình. 

Trong phi vụ AVG-MobiFone, không thể có chuyện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gật đầu chấp nhận chủ trương cho đàn em mà không có sơ múi gì trong khi đàn em thì nhận hối lộ bạc triệu.

Chỉ cần một đàn em của Nguyễn Tấn Dũng hưởng ứng "chính sách Hình Sự Đặc Biệt" theo gương 11 bị can đang được hưởng chính sách hình sự đặc biệt, tố cáo Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Phú Trọng có cơ hội cho kẻ thù địch số một dựa cột. 

Đó là lý do cho sự ra đời của một chính sách đứng ngoài vòng pháp luật nhưng nằm trong vòng đấu đá nội bộ của đảng đang ngày càng nóng trước đại hội đảng 13. 

08.09.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo