Hoa Kỳ tuần qua (1/9-8/9) - Dân Làm Báo

Hoa Kỳ tuần qua (1/9-8/9)

Dân Làm Báo xin gửi đến các bạn trong thôn, cập nhật các tin tức đáng chú ý của Hoa Kỳ trong tuần qua. Các phát ngôn, quyết định có liên quan đến tình hình chính trị - xã hội nước Mỹ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng trên biển Đông, tình hình ngoại giao giữa các quốc gia khác và Hoa Kỳ.

* "Trung Quốc đang trải qua năm tháng tồi tệ nhất"

"Trung Quốc đang 'ăn sạch' thuế quan. Hàng tỉ USD đang đổ vào nước Mỹ. Những nông dân yêu nước đang bị nhắm tới (của Mỹ) sẽ thu về lượng lớn đôla từ các gói thuế sắp tới. Tuyệt lắm những con số! Không hề có lạm phát". "Trung Quốc đang trải qua năm tháng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua. Các cuộc đàm phán đang diễn ra và tốt cho tất cả!".Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter vào sáng 6-9. Tuyên bố của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh các nhà đàm phán thương mại cấp cao Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ có cuộc gặp tại Washington trong tháng 10 tới. Trong khi đó, các nhân viên cấp thấp hơn sẽ gặp nhau vào cuối tháng này.

* Ông Trump cảnh báo Trung Quốc không kéo dài đàm phán

TT Hoa Kỳ cho biết đàm phán thương mại với Trung Quốc vẫn diễn ra tốt đẹp nhưng cảnh báo rằng Mỹ sẽ cứng rắn hơn nếu quá trình đàm phán kéo dài sang nhiệm kỳ thứ 2 của ông.

Tổng thống Mỹ không nói chi tiết về các cuộc đàm phán hoặc việc chúng có thể trở nên khó khăn hơn như thế nào.Ông Trump cho biết nếu Mỹ và Trung Quốc không thể giải quyết tranh chấp thương mại trong trường hợp ông giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020, "thỏa thuận sẽ cứng rắn hơn nhiều! Trong khi đó, chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ đổ sập và kinh doanh, công việc và tiền sẽ biến mất!".Tổng thống Mỹ thường xuyên công khai quan điểm rằng Bắc Kinh đang cố tình kéo giãn thời gian trong các cuộc đàm phán với hy vọng một ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ sẽ giành chiến thắng trong năm 2020, qua đó mở ra cơ hội đạt được các điều khoản tốt hơn khi thỏa thuận.

Washington bắt đầu áp thuế 15% đối với một loạt hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào hôm 1/9, cùng thời điểm Bắc Kinh bắt đầu áp thuế mới với dầu thô của Mỹ. Sau đó, Trung Quốc đã gửi khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới về thuế nhập khẩu của Mỹ, đây là vụ kiện thứ 3 liên quan đến các hàng rào thuế quan với hàng hóa Trung Quốc được đưa ra dưới nhiệm kỳ ông Trump.

* TT Trump lên tiếng bênh vực con gái và nữ trợ lý vừa bị sa thải

Tổng thống Trump lên tiếng bảo vệ cô con gái Tiffany và nữ trợ lý vừa bị sa thải vì đã tiết lộ cho báo giới những thông tin nhạy cảm về gia đình ông.

Madeleine Westerhout bị sa thải vì đã nói trong một cuộc trao đổi bên lề không đưa tin (off the record) với báo chí rằng Tiffany Trump bị thừa cân và nên cố giảm cân trước khi chụp ảnh với cha. Nữ trợ lý 28 tuổi còn nói ông Trump mến cô hơn cả những người con của ông.

Nhưng ngày 31/8, ông Trump trong một tweet vẫn gọi cựu trợ lý của mình là “con người rất tốt”, đồng thời bày tỏ tình yêu với con gái út.

“Madeleine Westerhout có hợp đồng cấm tiết lộ thông tin, hoàn toàn có thể áp dụng, nhưng tôi nghĩ không có lý do gì để dùng (hợp đồng đó), cô ấy là con người rất tốt”, ông Trump tweet sáng 31/8. “Cô ấy gọi tôi hôm qua để xin lỗi, cô ấy đã có một đêm tồi tệ. Tôi hoàn toàn hiểu và tha thứ cho cô ấy! Tôi yêu Tiffany - con đang làm rất tốt!”

Một số quan chức Nhà Trắng cho rằng vụ bê bối Westerhout là hậu quả của những xáo trộn liên tục trong bộ máy Nhà Trắng, tạo điều kiện để những nhân viên thiếu kinh nghiệm vươn tới vị trí đầy quyền lực.

* Mỹ thu giữ hơn 52.000 thành phần súng nhập lậu Trung Quốc

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) khu vực San Diego đã thu giữ hơn 52.000 thành phần súng nhập lậu từ Trung Quốc. Vụ việc xảy ra tại cảng biển Long Beach, Los Angeles, theo bản tin ngày 2/9 của Breitbart. Trong tháng Tám, CBP đã hợp tác với các nhà điều tra, trong đó có Cục phòng chống Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ (ATF) chặn đứng và tịch thu 52.601 thành phần súng. Các quan chức CBP cho hay, các thành phần này đã cập cảng biển theo 3 lô hàng riêng biệt. Các quan chức báo cáo, những bộ phận súng bị thu giữ gồm ống ngắm, báng súng, họng súng, giảm thanh. Theo giá chợ đen, ước tính những lô hàng trị giá gần 380.000 USD. 

Trước đó, vào ngày 18/8, các sĩ quan thuộc CBP đã kiểm tra một hành khách từ Bắc Kinh, Trung Quốc tại sân bay Detroit Metropolitan. Vị hành khách tuyên bố anh ta không mang theo bất kỳ vật dụng bị cấm nào. Các sĩ quan đã kiểm tra hành lý của người đàn ông này và tìm thấy áo giáp chống đạn không khai báo và những quần áo chiến thuật khác. Từ phát hiện này dẫn tới việc cơ quan điều tra được lệnh khám xét nơi cư trú của người đàn ông đó ở Mỹ. Họ phát hiện trong ngôi nhà có các mặt hàng bị cấm, bao gồm các ổ đạn và các thiết bị “bump-stock” (giúp chuyển đổi những khẩu súng bán tự động thành súng trường hoàn toàn tự động), các quan chức nói. CBP đã hồi hương người đàn ông này về Trung Quốc.

* Mỹ khởi tố doanh nhân Nga vì âm mưu đánh cắp bí mật thương mại

Ông Alexander Yuryevich Korshunov, giám đốc phát triển kinh doanh tại United Engine Corporation của Nga, bị Mỹ khởi tố tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại, một tội danh có hình phạt lên đến 10 năm tù.

Korshunov (57 tuổi) đã bị bắt giữ tại Naples (Ý) vào ngày 30.8 cùng với Maurizio Paolo Bianchi (59 tuổi, công dân Ý) vì nghi ngờ làm gián điệp công nghiệp.

Ngày 6.9, tòa án Ohio (Mỹ) đã buộc tội hai người trên “âm mưu đánh cắp thông tin bí mật và độc quyền cấu thành bí mật thương mại của công ty A. có trụ sở tại Ohio”.

“Trong những năm 2013-2018, Bianchi - thay mặt Korshunov - bị cáo buộc đã thuê nhân viên của công ty con thuộc GE Aviation làm công việc tư vấn liên quan đến hộp số phụ kiện động cơ phản lực cho Bianchi và Korshunov. Trong suốt quá trình tư vấn, các nhân viên bị cáo buộc đã sử dụng các bí mật thương mại thuộc sở hữu của GE Aviation để tạo báo cáo kỹ thuật. Mọi nỗ lực tập trung vào hộp số phụ kiện do Avio Aero sản xuất, là các thành phần bên ngoài động cơ cung cấp năng lượng cho những hệ thống như bơm thủy lực, máy phát điện và bơm nhiên liệu”, theo thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ. Cũng theo nguồn tin này, các nhân viên tiết lộ Bộ Công thương của Nga đã hưởng lợi từ công việc trên. Tại Mỹ, những ai bị khép tội tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại sẽ lãnh tối đa 10 năm tù giam. Sau vụ bắt giữ Korshunov, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đây là “một thực tế tồi tệ”.

“Trong trường hợp này, chúng tôi đang đối phó với những nỗ lực cạnh tranh không trung thực”, ông Putin nói với các phóng viên tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, lưu ý hợp đồng giữa hai công ty trên là “một thông lệ toàn cầu bình thường. Đó là công việc thương mại mở với các đối tác châu Âu”. Sau thông báo trên của Bộ Tư pháp Mỹ, Đại sứ quán Nga tại Washington D.C đã đưa ra tuyên bố kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ ngay lập tức rút lại yêu cầu dẫn độ đối với Korshunov.

* TT Trump: Cấm hẳn Huawei, không cần bàn với Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Hoa Kỳ sẽ không thảo luận về quyết định cấm Huawei với Trung Quốc bất chấp có những tín hiệu tốt đẹp rằng hai nước chuẩn bị quay lại bàn đàm phán trực tiếp vào tháng 10. “Đó là vấn đề an ninh quốc gia”, ông Trump nói với phóng viên Tòa Bạch Ốc hôm 5/9. “Huawei là quan ngại lớn của quân đội chúng tôi, của cơ quan tình báo chúng tôi và chúng tôi sẽ không làm ăn với Huawei”. “Và chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra với Trung Quốc, nhưng Huawei không phải là một yếu tố mà chúng tôi muốn thảo luận, không phải là điều chúng tôi muốn bàn luận ngay bây giờ”.

Trong quá khứ, ông Trump từng nói ông có thể đưa Huawei vào nội dung đàm phán thương mại với Trung Quốc, ông và ông Tập Cận Bình cũng từng đồng ý rằng Mỹ sẽ nới lỏng một số giới hạn về Huawei còn Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn nông sản của Mỹ. Tuy nhiên, sau khi thương chiến tái bùng phát trở lại do hai bên áp thuế lẫn nhau và Trung Quốc để trượt giá đồng tiền, ông Trump tuyên bố rằng ông sẽ cấm luôn Huawei chứ không muốn chỉ làm ăn một phần với công ty viễn thông lớn nhất Trung Quốc này. 

Hồi tháng 5, Mỹ liệt Huawei vào Danh sách cấm của Bộ Thương mại vì lý do an ninh quốc gia, theo đó cấm các công ty Mỹ bán sản phẩm và dịch vụ cho Huawei trừ khi có giấy phép đặc biệt. 

* Nghị sĩ Mỹ thúc đẩy thông qua đạo luật nhân quyền, dân chủ Hồng Kông

Khủng hoảng chính trị tại Hồng Kông đã kéo dài gần ba tháng và ngày càng có nhiều chính trị gia Mỹ bày tỏ quan ngại về hướng đi của thành phố bán tự trị này. Lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ tuần này đang gia tăng thúc đẩy thông qua đạo luật nhân quyền và dân chủ Hồng Kông để bảo vệ người biểu tình trước nguy cơ bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc dùng bạo lực đàn áp.

Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio đồng bảo trợ và giới thiệu ra Quốc hội Mỹ từ tháng Sáu, thời điểm sau khi bùng nổ các cuộc biểu tình quy mô lớn tại Hồng Kông.Dự luật này bao gồm các biện pháp trừng phạt các quan chức bị phát hiện có hành vi vi phạm nhân quyền hoặc “các quyền tự do cơ bản” tại Hồng Kông và yêu cầu tổng thống Mỹ hàng năm phải đánh giá lại quy chế kinh tế đặc biệt của hòn đảo bán tự trị này.

Ngay sau các tuyên bố của các nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ nhằm thúc đẩy thông qua đạo luật nhân quyền và dân chủ Hồng Kông, Trung Quốc đã có phản ứng gay gắt. Các nhà chức trách Trung Quốc lên tiếng yêu cầu các chính trị gia Mỹ hãy dừng “can thiệp” vào Hồng Kông.

* Bang Florida, Mỹ đóng cửa toàn bộ Viện Khổng Tử của Trung Quốc

Đại học Miami Dade, Mỹ hôm thứ Năm (5/9) đã chấm dứt hợp đồng với Viện Khổng Tử, đóng cửa bốn chi nhánh cuối cùng của tổ chức liên kết với chính phủ Trung Quốc được vận hành ở bang Florida. Động thái này diễn ra sau một tuần kể từ khi hội đồng quản trị trường chỉ định một chủ tịch lâm thời. Đại học Miami Dade cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (6/9), nguyên nhân của việc đóng cửa Viện Khổng Tử của Trung Quốc là “số lượng đăng ký thấp và giảm, không chứng minh được chi phí hoạt động” của chương trình đang vận hành.

Các nhà lãnh đạo địa phương và một nhà lập pháp trong khu vực, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đã khen ngợi Đại học Miami Dade vì đã chấm dứt hợp đồng với Viện Khổng Tử. Những Viện này của Trung Quốc bị chỉ trích rộng rãi vì cố gắng gây ảnh hưởng đến các trường học ở Mỹ trong khi thúc đẩy một phiên bản chỉnh sửa của lịch sử Trung Quốc. 

Năm ngoái, Thượng nghị sĩ Rubio đã kêu gọi các trường cao đẳng và đại học Florida đóng cửa các Viện Khổng Tử. Thông điệp đã tác động đến ba trong số bốn trường liên kết với tổ chức này của Trung Quốc. Học viện Khổng Tử đã đóng cửa tại Đại học Nam Florida, Đại học Bắc Florida và Đại học West Florida, để lại Đại học Miami Dade với chi nhánh cuối cùng.

* Mỹ cảnh báo Châu Âu cảnh giác với Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper cảnh báo châu Âu rằng hãy cảnh giác với Trung Quốc, vì Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình trong khi người khác phải trả giá. Bắc Kinh đang tìm kiếm ảnh hưởng toàn cầu lớn hơn bằng cách tận dụng sức mạnh kinh tế và đánh cắp công nghệ. Ông lưu ý các nước không nên lệ thuộc vào Bắc Kinh.

Tại Luân Đôn, nước Anh hôm thứ Sáu ngày 6/9, ông Esper chia sẻ: “Một quốc gia càng phụ thuộc vào đầu tư và thương mại của Trung Quốc, họ càng dễ bị ép buộc và trả thù khi họ hành động ngoài mong muốn của Bắc Kinh.

Thông điệp của Bộ trưởng Bộ quốc phòng Hoa Kỳ muốn gửi tới các quốc gia châu Âu rằng họ cần cùng với Hoa Kỳ chia sẻ mối quan ngại về tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông khi Bắc Kinh không ngừng gia tăng các biện pháp quân sự hóa vùng biển chiến lược giàu tài nguyên này. Các quốc gia phương Tây phải nỗ lực nhiều hơn để chống lại âm mưu phá vỡ trật tự quốc tế của Trung Quốc và Nga. Đặc biệt nhấn mạnh sự nguy hiểm “chết người” nếu để Trung Quốc trở thành thế lực dẫn dắt thế giới.

“Đối với những người băn khăn với câu hỏi rằng một thế giới bị Bắc Kinh thống trị sẽ như thế nào. Tôi muốn nói rằng câu trả lời cần tìm là hãy nhìn vào cách họ đối xử với chính người dân của họ, trong biên giới của họ”, ông Esper nói.

* Mỹ điều tàu chiến mang tên lửa chống hạm NSM đến Biển Đông

Hải quân Mỹ vừa điều động tàu chiến tuần duyên USS Gabrielle Giffords mang theo tên lửa chống hạm NSM có thể đánh trúng cửa sổ tàu chiến từ khoảng cách hơn 180 km.

Đại úy John Gay, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương, xác nhận tàu chiến tuần duyên USS Gabrielle Giffords (LCS 10) đã rời cảng San Diego đến châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 3/9, Defense News cho biết.Con tàu mang theo vũ khí mạnh nhất từng được trang bị cho tàu chiến tuần duyên (LCS) đến hoạt động tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Việc triển khai LCS 10 với hệ thống hỏa lực cực mạnh cho thấy Hải quân Mỹ đang dần tăng cường sự có mặt ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong cuộc phỏng vấn của Defense News vào tháng 8/2018, Phó đô đốc Richard Brown, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ, cho biết một khi việc triển khai LCS được thực hiện, nó sẽ không dừng lại.

Hải quân Mỹ đang nỗ lực cải thiện phạm vi tấn công của các hệ thống vũ khí, từ tên lửa, cảm biến để đáp ứng các thách thức an ninh mới. Một chiến hạm LCS nguy hiểm hơn là rất quan trọng đối với Hải quân Mỹ, trong bối cảnh các vụ tai nạn liên tiếp trong năm 2017 đã cướp đi sinh mạng 17 thủy thủ. Hải quân Mỹ sẽ tiếp nhận thêm 35 tàu chiến trong thời gian tới, phần lớn là các tàu chiến mặt nước. Hải quân Mỹ đang tìm cách duy trì sự hiện diện nhất quán ở Biển Đông, điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn khi nhiều tàu chiến LCS được triển khai luân phiên kiểu quay vòng.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Hải quân Mỹ đã tăng cường các hoạt động tự do hàng hải để đối phó với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Thời gian tới, khi Hải quân Mỹ nhận đủ 34 tàu chiến LCS trong kế hoạch, nó sẽ có mặt thường xuyên hơn trong các nhiệm vụ tự do hàng hải ở Biển Đông.

* Biệt kích SEAL vi phạm kỷ luật, 3 chỉ huy bị cách chức

Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt hải quân Mỹ (NSWC) Tamara Lawrence ngày 6.9 thông báo chuẩn đô đốc Collin Green, chỉ huy NSWC đã cách chức 3 sĩ quan cấp cao của lực lượng SEAL Team 7 vì thiếu vai trò lãnh đạo dẫn đến hành vi vi phạm của binh lính tại vùng chiến.

Ba sĩ quan bị cách chức gồm trung tá Edwards Mason, thiếu tá Luke Im và chỉ huy hỗ trợ điều hành Hugh Spangler. Mặc dù không trực tiếp tham gia các hành vi bị tố giác nhưng 3 sĩ quan chỉ huy phải chịu trách nhiệm vì để cấp dưới vi phạm kỷ luật mà không quản lý được. Theo bà Lawrence, ba sĩ quan nói trên đã được điều chuyển đến một đơn vị khác trong hải quân.

* Mỹ phát triển trí tuệ nhân tạo phán đoán ‘đường đi nước bước’ Trung-Nga tại Thái Bình Dương

Lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF) đang nghiên cứu khả năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích khối lượng thông tin khổng lồ mà quân đội thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau. Từ đó, hệ thống này sẽ đưa ra suy đoán về hành vi tiềm tàng của đối phương, Phó chỉ huy một đơn vị thông tin thuộc PACAF Ryan Raber tiết lộ trong một sự kiện về AI có tên gọi Genius Machines tổ chức hôm 3/9.

Tờ Defence One chỉ ra cơ chế mới này sẽ được sử dụng để cải thiện quá trình ra quyết định của PACAF và sẽ tập trung vào các sự kiện diễn ra tại khu vực Thái Bình Dương. Điều đó có nghĩa là Nga và Trung Quốc có thể trở thành đối tượng chính trong nghiên cứu. Tuy nhiên, PACAF chưa chỉ ra cụ thể hành động của quốc gia nào sẽ được hệ thống AI phân tích và phán đoán.

Hệ thống này dự kiến dự báo hành động tiếp theo của đối thủ bằng cách phát hiện sự bất thường trong thói quen dựa trên phân tích các hoạt động trong quá khứ và hiện tại. Nếu con người thực hiện, quá trình này phải mất nhiều ngày nhưng với máy tính có trang bị AI, về mặt lý thuyết nó có thể xử lý kết quả trong "vài phút".

Thông tin về kế hoạch triển khai hệ thống phân tích bằng AI tương lai được lan truyền chỉ vài ngày sau khi cựu Thứ trưởng Quốc phòng Robert Work cảnh báo về sự phát triển của các hệ thống phân tích quân sự bằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đưa ra các gợi ý sử dụng vũ khí hạt nhân và cho rằng sự xuất hiện của chúng là "viễn cảnh đáng báo động".

* Mỹ quan ngại về vụ quân đội Miến Điện kiện một lãnh đạo tôn giáo

Hoa Kỳ đã tỏ thái độ quan ngại sâu sắc trước việc quân đội Miến Điện đệ đơn kiện một lãnh đạo tôn giáo. Nhân vật này đã nói với tổng thống Mỹ Donald Trump rằng quân đội Miến Điện áp bức người Thiên Chúa Giáo trong một quốc gia mà đa số theo Phật Giáo.

Trong một thông cáo báo chí, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Morgan Ortagus cho rằng đơn kiện hình sự nhắm vào mục sư Tin Lành Hkalam Samson là nhằm "tìm cách giới hạn quyền tự do ngôn luận của ông một cách vô lý và có thể làm gián đoạn công việc thiết yếu của ông nhằm phục vụ hàng chục ngàn người bị di dời trong nước".

Nữ phát ngôn viên Mỹ xác định rằng Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc trước đơn kiện và bất kỳ quyết định nào nhằm bắt giữ mục sư Samson trên cơ sở những phát biểu của ông sẽ rất đáng ngại.

Đơn kiện của quân đội Miến Điện được đưa ra cách đây một tuần dựa trên một bài tường thuật về cuộc gặp tại Nhà Trắng đăng trên trang Facebook của ABC News’ World News Now. Đơn yêu cầu có hành động pháp lý nhưng không nêu tội danh cụ thể.

Ông Samson đã có mặt trong cuộc gặp gỡ vào tháng 7 vừa qua tại Nhà Trắng với tổng thống Mỹ cùng với các lãnh đạo tôn giáo khác đến từ một số quốc gia. Ông là tổng thư ký Giáo Đoàn Baptist Kachin, đại diện cộng đồng người Thiên Chúa Giáo bang Kachin và đã cho biết là cộng đồng này bị chính quyền quân sự đàn áp tra tấn. Ông cũng đã cám ơn tổng thống Mỹ đã ban hành trừng phạt đối với lãnh đạo quân đội, cho rằng biện pháp này rất có ích.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo