Thế giới tuần qua (1/9 - 8/9) - Dân Làm Báo

Thế giới tuần qua (1/9 - 8/9)

Dân Làm Báo xin gửi đến các bạn trong thôn, cập nhật các tin thế giới chính đáng chú ý sau đây. Hong Kong - người dân vẫn tiếp tục biểu tình dù có thông báo rút lại dự luật dẫn độ. Quan hệ ngoại giao giữa các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Tình hình chính trị xã hội tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Myanmar.

HONG KONG 

Người biểu tình bao vây sân bay Hồng Kông 

Hàng ngàn người biểu tình đã chặn các tuyến đường hướng đến sân bay quốc tế Hồng Kông sau vụ đụng độ dữ dội vào đêm 31.8. Trong một thông báo và ngày 01.09 cảnh sát Hồng Kông cảnh báo đám đông tập trung ở sân bay là bất hợp pháp và sẽ sớm tiến hành “chiến dịch giải tán”. Theo Reuters - “Chúng tôi yêu cầu tất cả người biểu tình chấm dứt hành động bất hợp pháp và rời khỏi khu vực sân bay ngay lập tức”, thông báo viết. Cảnh sát chống bạo động đã bố trí lực lượng bên trong lẫn ngoài sân bay để đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, đám đông cố thủ, lập rào chắn trên các tuyến đường chính hướng đến sân bay, đồng thời tập trung trước các nhà ga, hô hào khẩu hiệu phản đối chính quyền đặc khu.

Người Hong Kong đã tổ chức chiến dịch Back Home để dùng xe cá nhân đưa rước người biểu tình bị kiểm soát tại các trạm MTR về nhà. Phong trào này thu hút được sự chú ý của giới quan sát.

Trưởng đặc khu Hong Kong muốn từ chức và xin lỗi người dân 

"Nếu tôi được quyền lựa chọn, điều đầu tiên, tôi sẽ từ chức rồi đưa ra lời xin lỗi sâu sắc nhất", Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam thổ lộ trong một cuộc họp kín hồi tuần trước. Đoạn băng ghi âm lại cuộc họp giữa bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) và một nhóm doanh nhân Hong Kong đã bị rò rỉ ngày 2-9, theo Hãng tin Reuters.

Trong cuộc gặp đó, Trưởng đặc khu Hong Kong thừa nhận bà hiện tại gần như lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan trong việc giải quyết cuộc biểu tình ở Hong Kong, bởi những bất ổn ở Hong Kong đã trở thành vấn đề an ninh và chủ quyền quốc gia đối với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ.

Hồng Kông: Sinh viên học sinh tiếp tục bãi khóa, biểu tình

Hôm 03/09/2019, là ngày thứ hai sinh viên và học sinh bãi khóa và tham gia các cuộc tập hợp vì dân chủ, trong lúc trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) khẳng định bà không hề có ý định từ chức.Theo hãng tin Reuters, những người biểu tình vẫn đòi chính quyền phải thỏa mãn 5 yêu sách: rút lại luật đẫn độ, không mô tả biểu tình và “bạo loạn”, trả tự do cho toàn bộ những người biểu tình bị bắt, điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát và để cho người dân Hồng Kông được quyền bầu chọn lãnh đạo một cách dân chủ. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuy tuyên bố sẵn sàng đối thoại với người biểu tình, nhưng dứt khoát không đáp ứng các yêu sách nói trên.

Tòa Hong Kong bãi lệnh cấm tranh cử đối với Agnes Chow

Tòa án Hong Kong đã bãi bỏ lệnh cấm tham gia tranh cử đối với nhà hoạt động Agnes Chow, người bị cấm tham gia Hội đồng Lập pháp năm 2018 vì kêu gọi quyền tự quyết cho Hong Kong.

Theo South China Morning Post, Nhà hoạt động Chow, thuộc đảng Demosisto, đã nộp đơn xin tham gia cuộc bầu cử sơ bộ vào tháng 3/2018, sau khi đồng nghiệp của cô là Nathan Law Kwun Chung bị cách chức vì tuyên thệ không đúng cách. Quan chức phụ trách bầu cử Anne Teng Yu Yan đã hủy bỏ tư cách ứng cử của Chow, cho rằng việc đảng Demosisto kêu gọi "dân chủ tự quyết" đã chống lại chính sách "Một quốc gia, hai chế độ" được thực thi theo Bộ Luật cơ bản của Hong Kong. Tuy nhiên, thẩm phán Anderson Chow Ka Ming phát hiện ra rằng ngay từ đầu, nhà hoạt động Chow đã không có cơ hội giải trình cho những nghi ngờ nói trên. Chow dường như chỉ ủng hộ quan điểm ôn hòa hơn về quyền tự quyết. Agnes Chow, một trong những nhân vật quan trọng trong các phong trào phản đối chính quyền Hong Kong vài năm gần đây đã bị bắt vào sáng 30/8, ngay trước thềm cuộc biểu tình lớn dự kiến diễn ra vào cuối tuần. Nguồn tin cảnh sát nói rằng Chow bị bắt tại nhà ở Tai Po. Sau đó nhà hoạt động này đã được bảo lãnh tại ngoại và hiện bị quản thúc từ 23h mỗi ngày đến 7h hôm sau, bị cấm đến khu vực Admiralty trong thành phố. 

Chow bị cáo buộc kích động và tham gia tụ tập bất hợp pháp. Hình phạt dành cho tội kích động tụ tập bất hợp pháp có thể lên đến 5 năm tù.

Người dân Hong Kong tiếp tục tổ chức biểu tình dù có tuyên bố rút lại Dự luật Dẫn độ

Người Hồng Kông tiếp tục phát động phong trào đấu tranh, thúc giục chính phủ Hồng Kông đáp ứng đủ 5 yêu cầu. Sau cuộc biểu tình tại sân bay hôm 1/9, hôm nay (ngày 7/9), người dân Hồng Kông một lần nữa tổ chức các hoạt động kháng nghị tại khu vực đường giao thông đi vào sân bay Hồng Kông. Bên cạnh đó, nhiều người dân tổ chức tĩnh toạ tại Telford Plaza ở Vịnh Cửu Long (Kowloon Bay), một bộ phận sinh viên ở khu vực Sa Điền (Sha Tin) cũng tổ chức tĩnh toạ kháng nghị. 

Mặc dù Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố rút lại dự luật dẫn độ, nhưng 4 yêu cầu khác của người Hồng Kông vẫn chưa được chính phủ Hồng Kông hồi đáp. Lúc 1 giờ chiều ngày 7/9, người dân tiếp tục tổ chức hoạt động chặn đường vào sân bay, kêu gọi người dân Hồng Kông sử dụng phương tiện giao thông đến sân bay tiến hành tạo áp lực giao thông. 

Hồng Kông triển khai cảnh sát chống bạo động trên toàn lãnh thổ

Chính quyền huy động đông đảo các lực lược cảnh sát chống bạo động đặc biệt là tại khu vực gần phi trường quốc tế. Phong trào dân chủ Hồng Kông tiếp tục xuống đường ngày Thứ Bảy 07/09/2019 cho dù dự luật cho dẫn độ về Trung Quốc đã chính thức bị hủy bỏ.

Công luận Hồng Kông phẫn nộ trước các hành vi đàn áp thô bạo của cảnh sát trong những tuần qua và đòi chính quyền phải cho mở điều tra độc lập về những vụ người biểu tình bị đánh đập thô bạo, đòi được biết sự thật về vụ đàn áp hôm 31/08/2019 tại trạm xe điện ngầm Prince Edward. 

Nhân vật số 2 Trung Quốc lên tiếng về Hồng Kông

Tiếp thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 06/09/2019 tại Bắc Kinh, thủ tướng Lý Khắc Cường là lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc lần đầu tiên lên tiếng về khủng hoảng chính trị Hồng Kông.

Đáp lời bà Merkel kêu gọi Trung Quốc "bảo đảm các quyền tự do" cho người dân Hồng Kông và tôn trọng đối thoại như nguyện vọng của trưởng đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga, thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh: "Hoa Lục "ủng hộ lãnh đạo Hồng Kông chấm dứt bạo động, bảo đảm cho sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông một cách lâu dài".

Đồng thời thủ tướng Trung Quốc dằn mặt cộng đồng quốc tế rằng "mọi người nên tin tưởng là người dân Trung Quốc đủ khả năng và khôn ngoan để giải quyết những công việc của chính mình".

Đức kêu gọi Trung Quốc bảo đảm các quyền tự do cho dân Hồng Kông

Theo hãng tin AFP, tại Bắc Kinh hôm 06/09/2019, thủ tướng Đức Angela Merkel đã công khai kêu gọi Trung Quốc bảo đảm các quyền tự do cho người dân Hồng Kông, sau khi hội đàm với thủ tướng Lý Khắc Cường.

Trên mạng xã hội Twitter, phát ngôn viên của thủ tướng Merkel đã thuật lại tuyên bố của bà: "Các quyền và quyền tự do của người dân Hồng Kông phải được bảo đảm. Chỉ có thể thông qua đối thoại mới tìm ra các giải pháp". Thủ tướng Đức nói thêm: "Phải làm mọi cách để tránh bạo lực".

Thủ tướng Angela Merkel đã đến Bắc Kinh hôm 05/09 mở chuyến viếng thăm chính thức cùng với một phái đoàn doanh nghiệp hùng hậu. Trước khi thủ tướng Đức đặt chân đến Trung Quốc, trong một bức thư đăng trên nhật báo Bild hôm thứ Tư, 04/09/2019, các nhà hoạt động dân chủ ở Hồng Kông đã kêu gọi bà yểm trợ cuộc đấu tranh và nêu lên những yêu sách của họ khi gặp các lãnh đạo Trung Quốc.

TRUNG QUỐC 

Mỹ - Trung dồn dập trả đũa thương mại

Xung đột thương mại Mỹ - Trung đã lên mức cao trào mới sau khi hai bên hôm qua chính thức bước vào đợt áp thuế trả đũa lẫn nhau tiếp theo.

Chính quyền Washington hôm 01/09 đã thực thi quyết định tăng thuế suất đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong nỗ lực gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh phải ký vào thỏa thuận thương mại mới, bất chấp quan ngại về kinh tế Mỹ bị trì trệ và tăng trưởng của thế giới bị ảnh hưởng. Cùng ngày, Bắc Kinh cũng chính thức áp dụng biện pháp đánh thuế mới nhằm vào hàng hóa.

Trung Quốc kiện Mỹ lên WTO sau đợt tăng thuế mới nhất

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 2/9 cho biết Bắc Kinh đã đệ đơn kiện Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về vấn đề thuế nhập khẩu Mỹ áp dụng. Mỹ bắt đầu áp thuế 15% đối với nhiều loại hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9 bao gồm cả giày dép, đồng hồ thông minh và TV màn hình phẳng. Trong khi đó, Trung Quốc cũng bắt đầu áp mức thuế mới đối với dầu thô của Mỹ, làm leo thang căng thẳng cuộc chiến thương mại, theo Reuters.

Các hành động gia tăng thuế quan mới đây nhất đã vi phạm cam kết giữa các nhà lãnh đạo hai bên tại Osaka, Nhật Bản, theo tuyên bố của Bộ thương mại Trung Quốc. Nước này sẽ bảo vệ mạnh mẽ các quyền lợi hợp pháp của mình theo quy định của WTO.

Việc gia tăng thuế quan sẽ đưa mức thuế trung bình đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên 21,2%, tăng từ 3,1% khi ông Trump lên nắm quyền, theo dữ liệu từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.

Mô hình máy bay không người lái Trung Quốc gãy càng

Mô hình máy bay không người lái Dực Long II Trung Quốc gãy cả ba càng đáp khi trưng bày tại triển lãm MAKS nhưng không rõ nguyên nhân.

Chiếc máy bay không người lái (UAV) này dường như gặp vấn đề hôm 1/9, ngày cuối cùng của triển lãm MAKS diễn ra ở ngoại ô thủ đô Moskva của Nga. Ngoài ba càng đáp bị gãy, UAV Trung Quốc không chịu thiệt hại nào ở khung thân và cánh. Không có người bị thương trong tai nạn này.

Nguyên nhân dẫn tới việc gãy càng chưa được xác định. Mô hình chiếc Dực Long (Wing Loong) II chỉ được trưng bày trên mặt đất ngày 27/8-1/9, không tham gia các màn biểu diễn trên không tại triển lãm vì không gắn động cơ và các thiết bị điện tử. Nhiều khách tham quan được phép tiếp cận, 

Dực Long II được Trung Quốc rao bán với giá khoảng hai triệu USD/chiếc, thấp hơn nhiều so với mức 30 triệu USD/chiếc của MQ-9 Reaper.

Triển lãm Hàng không Vũ trụ Quốc tế (MAKS) là hội chợ hàng không lớn nhất của Nga, được tổ chức hai năm một lần tại sân bay Zhukovsky, cách thủ đô Moskva khoảng 40 km. Triển lãm MAKS 2019 diễn ra ngày 27/8-1/9, thu hút hơn 300 tập đoàn quốc phòng và hàng không dân sự cùng nửa triệu khách tham quan.

Trung Quốc trục xuất nhà báo đưa tin em họ của ông Tập rửa tiền

Trung Quốc đã trục xuất một phóng viên của tờ Tạp chí Phố Wall (WSJ), một tháng sau khi tờ báo xuất bản báo cáo tiết lộ em họ của Chủ tịch Tập Cận Bình đánh bạc và khả năng rửa tiền ở Úc, theo bản tin ngày 30/8 của WSJ.

Vào ngày 30/8, chính quyền Trung Quốc thông báo với WSJ, công dân Singapore Chung Han Wong không được gia hạn giấy phép báo chí đã hết hạn cùng ngày. Ông Chung là người đưa tin về chính trị Trung Quốc. Ông Chung Han Wong là một trong hai tác giả của một bài báo mà WSJ đăng tải ngày 30/7, tiết lộ cuộc điều tra tình báo sâu rộng nhắm vào ông Ming Chai, con trai cậu ruột của ông Tập và là một công dân Úc. Báo cáo thông tin chi tiết về cuộc sống xa hoa của ông Ming Chai trong các khu nghỉ dưỡng của ông trùm cờ bạc James Packer. Các quan chức Úc cho rằng ông Ming Chai liên quan tới một đường dây rửa tiền ở Melbourne.

Đại học Trung Quốc gây tranh cãi vì gắn hệ thống nhận dạng để kiểm soát sinh viên

Đại học Dược Trung Quốc ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, “khoe” trên website là một trong những đại học đầu tiên trên toàn quốc tiến hành lắp đặt hệ thống nhận diện khuôn mặt ở cổng trường và hai lớp học. Theo một dự án mang tính thí điểm, hai lớp học tại trường được lắp thiết bị nhận dạng khuôn mặt, tự động chụp ảnh sinh viên mà không cần hỏi ý kiến các học sinh.

Tuy nhiên, kế hoạch trên vấp phải chỉ trích trên mạng, với nhiều người cho rằng đã vi phạm quyền riêng tư của sinh viên và nhân viên.

Australia điều tra tỷ phú Trung Quốc đưa "túi tiền lớn" cho đảng chính trị

Tỷ phú Huang Xiangmo bị cáo buộc đã chuyển đến trụ sở của đảng Lao động tại New South Wales một túi tiền khoảng 100.000 AUD (hơn 67.300 USD), vi phạm luật về tài trợ chính trị.

Ủy ban Độc lập Chống Tham nhũng (ICAC) đang điều tra liệu số tiền hơn 67.300 USD mà tỷ phú Huang Xiangmo gửi cho đảng Lao động New South Wales có vi phạm pháp luật hay không. Bang New South Wales cấm các nhà đầu tư bất động sản quyên góp tiền cho đảng chính trị, theo South China Morning Post. Điều tra của ICAC tập trung chủ yếu vào bữa tiệc tối vận động tài trợ "Những người bạn Trung Quốc" của đảng Lao Động, tổ chức không lâu sau cuộc bầu cử ở New South Wales vào năm 2015. Nhiều bằng chứng cho thấy số tiền của ông Huang được che đậy bằng một loạt các nhà hảo tâm giả danh. Kết quả điều tra hé lộ chi tiết tỷ phú Trung Quốc xuất hiện ở văn phòng đảng Lao động vài tuần sau bữa tiệc tối với một túi đầy tiền mặt. Huang sau đó chuyển túi tiền cho Tổng thư ký đảng Lao động Jamie Clements.

Giới chức tình báo Australia trong thời gian qua nhiều lần bày tỏ sự lo âu Trung Quốc can thiệp vào chính trị nội bộ của nước này, sử dụng các khoản quyên góp thiếu minh bạch để tiếp cận chính trị gia. Cơ quan tình báo Australia đã đề cảnh báo các chính khách về rủi ro khi nhận tiền quyên góp từ Huang Xiangmo và một nhà đầu tư bất động sản khác là Chau Chak Wing. Hai nhân vật này bị tình nghi có quan hệ với chính phủ Trung Quốc. Vào năm 2018 Australia đã tiến hành cải cách các đạo luật tình báo và chống can thiệp từ bên ngoài. Nước này tăng mức án cho nhiều tội danh đồng thời đưa ra nhiều quy định khác ngăn can thiệp chính trị nội bộ, trong đó có lệnh cấm các đảng chính trị nhận tiền quyên góp có yếu tố nước ngoài.

TRIỀU TIÊN 

Triều Tiên có thể không cử Bộ trưởng Ngoại giao dự họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc

Nếu thông tin này là sự thật, cuộc họp bên lề với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng sẽ không diễn ra. 

Theo nguồn tin của hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, phía Triều Tiên trước đó đã thông báo đến Liên Hiệp Quốc rằng Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho sẽ tham dự phiên khai mạc ngày 17-9 của Đại hội đồng. Tuy nhiên, tuần trước, Bình Nhưỡng đã thay đổi cấp độ người báo cáo, theo đó, một đại sứ của Triều Tiên sẽ tham dự phiên họp.

Cụ thể, đại sứ của Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc là Kim Song sẽ đọc diễn văn vào ngày 30-9.

Việc Bộ trưởng Ri không đến New York dập tắt hy vọng rằng ông có thể sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bên lề phiên họp để thảo luận về khả năng nối lại cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ giữa hai nước.

Việc không cử ông Ri đi họp của Bình Nhưỡng diễn ra trong bối cảnh nước này gần đây tăng cường chỉ trích nhằm vào ông Pompeo. Đầu tháng 8-2019, ông Ri ra tuyên bố chỉ trích ông Pompeo là "kẻ ngoan cố độc hại của ngoại giao Mỹ", cảnh báo rằng Mỹ sẽ "sai lầm đáng tiếc" nếu tiếp tục "đối đầu" với Triều Tiên bằng các lệnh trừng phạt.

Triều Tiên bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng quân đội mới

CHDCND Triều Tiên đã bổ nhiệm chỉ huy lực lượng pháo binh Pak Jong-chon làm tổng tham mưu trưởng quân đội nước này.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cuối ngày 6.9 đưa tin ông Pak Jong-chon, chỉ huy Bộ Tư lệnh pháo binh đã được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Triều Tiên. Quyết định được đưa ra trong cuộc họp có sự tham dự của Chủ tịch Kim Jong-un.

Ông Pak được KCNA nhắc đến lần đầu với chức vụ Phó tổng tham mưu trưởng vào năm 2014 khi đưa tin về chuyến thị sát của Chủ tịch Kim đến một đơn vị tên lửa. Trước đó, ông được thăng hàm lên thượng tướng vào đầu năm 2013, theo trang NK News.

Giới chuyên gia nhận định việc thăng cấp cho vị tướng pháo binh Pak Jong-chon cho thấy Triều Tiên đang chú trọng vào việc phát triển vũ khí trong bối cảnh đang bị đe dọa vì nước láng giềng Hàn Quốc tăng cường năng lực bằng chiến đấu cơ tàng hình F-35.

HÀN QUỐC 

Đại sứ quán Hàn Quốc nhận thư kèm đạn

Lá thư nghi kèm theo đạn được gửi đến Đại sứ quán Hàn Quốc tại Tokyo với nội dung dọa bắn người Hàn Quốc. "Tôi có một khẩu súng trường và sẽ săn lùng những người Hàn Quốc", tờ Kyodo của Nhật hôm nay trích nội dung lá thư gửi đến đại sứ quán Hàn Quốc tại Tokyo. Cảnh sát Tokyo đang điều tra sự việc, song từ chối bình luận thông tin trên.

Một thành viên của đại sứ quán Hàn Quốc xác nhận về lá thư, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết.Quan hệ giữa Tokyo và Seoul xấu đi kể từ khi Tòa án tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các lao động khổ sai Hàn Quốc trong thời kỳ bán đảo Triều Tiên là thuộc địa của Nhật Bản ở Thế chiến II.

NHẬT BẢN 

Nhật không muốn tham gia Liên minh Hàng hải của Mỹ

Chính phủ Nhật có thể không đưa tàu chiến tham gia liên minh của Mỹ ở Vùng Vịnh mà triển khai lực lượng một cách độc lập.

Nhật Bản không sẵn sàng tham gia liên minh hàng hải tuần tra Vùng Vịnh do Mỹ khởi xướng vì nước này có những mối quan hệ gần gũi về kinh tế với Iran, một trong những nguồn cung cấp dầu mỏ lớn cho Tokyo.

Chính phủ Nhật đang xem xét kế hoạch triển khai Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) tham gia các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo tại các khu vực xung quanh eo biển Hormuz và eo biển Bab al-Mandab nằm giữa Yemen, Djibouti và Eritrea. MSDF có thể hoạt động tại eo biển Hormuz nếu được Iran đồng ý.

Truyền thông Nhật cho biết chính phủ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về các kế hoạch trên sau cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng này.

Nhật Bản lập đơn vị cảnh sát tuần tra đảo tranh chấp với Trung Quốc

Nhật Bản sẽ lập đơn vị cảnh sát đặc nhiệm mới được trang bị vũ trang để tuần tra các hòn đảo đang tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Hoa Đông. Đơn vị cảnh sát đặc biệt sẽ được trang bị súng tiểu liên và máy bay trực thăng để tuần tra các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông, theo thông tin từ cảnh sát và truyền thông Nhật Bản. Đơn vị này dự kiến được triển khai gần các hòn đảo nhỏ, còn được gọi là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, vào đầu năm 2020, theo truyền hình NHK hôm 2/9.

Cơ quan Cảnh sát Quốc gia cho biết đã yêu cầu thêm 159 sĩ quan để chống lại "cuộc đổ bộ bất hợp pháp của các nhóm vũ trang vào các đảo xa". Kênh NHK cho biết đây là lần đầu tiên cảnh sát tăng cường tuần tra gần các hòn đảo đang tranh chấp.

Chính phủ Nhật Bản từ lâu đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc thường xuyên phái tàu tới các vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư. Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc xấu đi vào năm 2012 khi Tokyo "quốc hữu hóa" một số đảo nhỏ, theo AFP.

NGA 

Nga đưa thêm tên lửa chống hạm đến gần đảo tranh chấp với Nhật

Chính phủ Nga đang có kế hoạch triển khai thêm hệ thống tên lửa chống hạm tới 2 đảo thuộc phía bắc quần đảo Kuril, nơi có 4 đảo ở phía nam nằm trong tình trạng tranh chấp với Nhật Bản. Cụ thể, Kyodo News mới đây dẫn tài liệu nội bộ từ chính phủ Nga tiết lộ hệ thống tên lửa đối hạm mới, được gọi là Bastion, với tầm bắn hơn 300 km, sẽ được đặt trên hai đảo Paramushir và Matua.

Kế hoạch này cho thấy Moscow đặt tầm quan trọng về mặt chiến lược lên quần đảo Kuril trong việc bảo vệ biển Okhotsk và căn cứ lực lượng hạt nhân của Nga. Điều này có nghĩa một tuyến phòng thủ trải dài từ bán đảo Kamchatka đến gần tỉnh Hokkaido của Nhật Bản sẽ được hoàn thành sớm, theo Kyodo News.

Một quan chức Nga cho hay hệ thống tên lửa nói trên đã được chuyển từ bán đảo Kamchatka đến hai đảo Paramushir và Matua và hiện đang chuẩn bị hoạt động.

ISRAEL

Israel và Hezbollah không kích dữ dội gần biên giới Lebanon

Nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon được Iran hậu thuẫn đã tấn công một cứ điểm quân sự Israel và một phương tiện chiến đấu gần đó giữa lúc căng thẳng vẫn leo thang dọc biên giới Israel-Lebanon, theo đài CNN. 

Quân đội Israel cho biết đã đáp trả bằng một trận pháo kích bắn vào miền nam Lebanon, gần vị trí gần đó của phiến quân Hezbollah. Phía Israel nói rằng hiện không có thương vong trong vụ tấn công.

Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) vẫn đang trong tình trạng cảnh giác cao độ tại phía bắc nước này sau khi lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah tuyên bố sẽ trả thù cho một số cuộc tấn công nhắm vào Hezbollah ở Lebanon và Syria cuối tuần trước.

IRAN 

Siêu tàu dầu Iran "biến mất" ngoài khơi Syria

Tàu Adrian Darya 1 tắt thiết bị phát đáp từ chiều 2/9, khi đang ở vùng biển Địa Trung Hải phía tây Syria. Dữ liệu theo dõi tàu thuyền Refinitiv cho thấy tàu chở dầu Adrian Darya 1 gửi tín hiệu về vị trí cuối cùng từ thiết bị phát đáp lúc 15h53 hôm qua, khi đang đi lên phía bắc ở vùng biển thuộc Địa Trung Hải nằm giữa đảo Cyprus và tây Syria. Với việc tắt thiết bị định vị, con tàu gần như "biến mất" trên dữ liệu theo dõi hàng hải quốc tế.

Siêu tàu chở dầu này cũng như điểm đến của nó đang là tâm điểm chú ý trong căng thẳng ngày càng leo thang giữa Iran và Mỹ. Con tàu trước đây mang tên Grace 1 bị Thủy quân lục chiến Anh kết hợp với cảnh sát biển Gibraltar bắt hôm 4/7 do nghi ngờ nó chở dầu tới Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Iran từ chối đàm phán song phương với Mỹ

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói chỉ chấp nhận đàm phán đa phương nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

"Quyết định tổ chức các cuộc đàm phán song phương với Mỹ sẽ không bao giờ được đưa ra. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời đề nghị thảo luận nhưng câu trả lời sẽ luôn là không", Tổng thống Rouhani phát biểu trong phiên họp quốc hội Iran hôm nay.

Ông khẳng định Mỹ có thể tham gia vào tiến trình đàm phán giữa Iran và các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA) nếu Washington chấp nhận dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt nhắm vào Tehran.

Iran lại bắt tàu chở dầu nước ngoài

Đài truyền hình quốc gia của Iran, cho biết tàu kéo này chở theo 284.000 lít dầu diesel. Tuy nói 12 thuyền viên là người Philippines, bản tin này không cho biết chiếc tàu treo cờ nước nào. Iran là một trong những nước có giá nhiên liệu rẻ nhất thế giới nhờ chính phủ trợ giá mạnh tay. Đây cũng là quốc gia đang phải đối phó với nạn buôn lậu dầu ra nước ngoài thông qua đường biên giới và đường biển. Theo Reuters, các vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và phương Tây đang leo thang vì các vấn đề trong khu vực. Căng thẳng bắt bắt đầu kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 vào năm ngoái và sau đó tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Tehran. Trong khi truyền thông Iran đưa tin ước tính mỗi ngày tại đây có 10 triệu lít nhiên liệu bị trộm, Tehran đã vận động xuất khẩu xăng dầu hợp pháp. Truyền hình quốc gia của Iran cho biết doanh thu xăng dầu đã đạt mức kỷ lục 72 triệu USD vào tuần trước.

Hồi tháng 7, Iran đã bắt giữ một tàu dầu của Anh gần eo biển Hormuz vì cáo buộc vi phạm luật hàng hải. Sự việc xảy ra chỉ 2 tuần sau khi Anh bắt giữ 1 tàu dầu Iran gần hòn đảo Gibraltar do nghi ngờ buôn lậu dầu từ Iran đến Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Tàu chở dầu của Iran sau đó đã được thả. Phía Iran trong tuần qua cũng đã thả 7 trong số 23 thuyền viên của chiếc tàu chở dầu Anh.

Iran cắt giảm thêm cam kết trong hiệp ước hạt nhân

“Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif, trong một bức thư gửi đến giám đốc chính sách của EU Federica Mogherini, thông báo rằng Iran đã dỡ bỏ tất cả các giới hạn trên các hoạt động nghiên cứu và phát triển”, ISNA trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Abbas Mousavi cho biết. Trước đó hôm 4/9, trong một bài phát biểu trên sóng truyền hình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố Iran sẽ bắt đầu phát triển các máy ly tâm để đẩy nhanh tốc độ làm giàu uranium, có thể dùng để sản xuất năng lượng cho các nhà máy điện hoặc cho bom nguyên tử.

Theo hiệp ước, Iran được cho phép giữ một số lượng có hạn máy ly tâm thế hệ đầu tiên ở hai cơ sở hạt nhân và được phép thực hiện nghiên cứu và phát triển về làm giàu uranium một cách giới hạn, nhưng không được phép trữ uranium đã làm giàu và phát triển một số loại máy ly tâm tân tiến hơn. Nếu phát triển thành công các máy ly tâm này, Tehran sẽ có khả năng sản xuất nguyên liệu cho một quả bom nguyên tử với tốc độ nhanh hơn rất nhiều. 

ẤN ĐỘ

Ấn Độ điều 8 trực thăng tấn công AH-64E Apache tới biên giới Pakistan

Ấn Độ vừa điều động 8 trực thăng tấn công AH-64E Apache 8 của Mỹ tới sát biên giới với Pakistan giữa lúc leo thang căng thẳng ở khu vực Kashmir.

Ấn Độ đã đưa vào biên chế quân đội 8 chiếc trực thăng đa năng Apache của Mỹ để bảo vệ biên giới với Pakistan. Lô trực thăng tấn công Apache sẽ thay thế phi đội Mi-35 "già cỗi" của Không quân Ấn Độ trong việc bảo vệ biên giới phía tây với Pakistan.Tư lệnh Không quân, thống chế Ấn Độ Birendra Singh Dhanoa, nói trong buổi lễ chuyển giao rằng lô phi cơ này đã được thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn mà Không quân Ấn Độ (IAF) đặt ra.

Buổi lễ chuyển giao chính thức lô trực thăng AH-64E (I) Apache Guardian diễn ra tại căn cứ không quân Pathankot, cách biên giới Ấn Độ - Pakistan 145 km. Đây là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại mọi cuộc tấn công từ Pakistan. "Bên cạnh khả năng mang theo tên lửa phóng (có thể tự tìm đến mục tiêu đã định) dẫn đường chống tăng, hỏa tiễn và các loại đạn dược khác, AH-64E Apache còn có khả năng tác chiến điện tử hiện đại giúp Không quân Ấn Độ ứng biến linh hoạt trong các cuộc chiến trên không", thống chế Dhanoa phát biểu tại buổi lễ.

PAKISTAN 

Pakistan không cho máy bay chở tổng thống Ấn Độ bay qua không phận

Pakistan ngày 7.9 từ chối cho máy bay của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đi qua không phận trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước căng thẳng.

Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi ngày 7.9 cho biết máy bay chở Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đã xin phép sử dụng không phận của Pakistan trên đường đến Iceland nhưng Islamabad từ chối vì hành vi gần đây của New Delhi, theo AFP.

Hồi tháng 2, Pakistan đóng cửa không phận đối với máy bay đến và đi từ Ấn Độ sau vụ không chiến giữa không quân 2 nước. Trước đó, Ấn Độ không kích một khu vực trong lãnh thổ Pakistan để đáp trả vụ đánh bom tự sát ở Kashmir khiến hàng chục binh lính thiệt mạng mà nước này tố cáo do lực lượng vũ trang ở Pakistan tiến hành.

Căng thẳng dâng cao từ đầu tháng 8 sau khi chính phủ Ấn Độ thực thi sắc lệnh về việc hủy quy chế tự trị đặc biệt đối với khu vực kiểm soát tại Kashmir. Động thái này đồng nghĩa với việc bang Jammu và Kashmir bị tách thành 2 khu vực khác nhau để chính quyền trung ương quản lý trực tiếp, theo Reuters. Ngoài ra, Ấn Độ còn siết chặt lệnh giới nghiêm tại khu vực do nước này kiểm soát ở Kashmir nhằm ngăn chặn bất ổn sau một số cuộc biểu tình nhỏ lẻ nhằm phản đối việc bị hủy quyền tự trị. Hàng chục ngàn binh sĩ Ấn Độ được khai triển để thực thi lệnh giới nghiêm bao gồm cắt dịch vụ internet, điện thoại, sóng truyền hình, hạn chế người dân ra đường và cấm tụ tập đông người.

Pakistan trước đó cực lực phản đối quyết định của Ấn Độ và vào đã trục xuất đại sứ Ấn Độ về nước đồng thời ngưng hợp tác thương mại song phương.

ARGENTINA

Argentina siết chặt giao dịch USD, người dân đổ xô đi rút tiết kiệm

Ngay từ sáng 2/9, trước khi các ngân hàng ở Buenos Aires kịp mở cửa, người dân Argentina đã xếp hàng dài chờ rút tiền tiết kiệm do lo sợ chính phủ siết chặt kiểm soát tiền tệ.

"Đây là thời buổi chúng tôi phải đón nhận nhiều bất ngờ. Khi thức giấc vào ngày hôm sau, có thể mọi thứ đã thay đổi. Tôi thà cẩn thận còn hơn hối tiếc sau này", Catalina Pedace, 25 tuổi, một sinh viên tại Buenos Aires, cho biết.

Trong nhiều đợt biến động kinh tế trước đây, người dân Argentina thường đối diện với các biện pháp hạn chế tiếp cận tài sản gửi ngân hàng. Họ đã quen với việc nhanh chóng rút hết tiền khỏi các ngân hàng và tích trữ tại nhà ngay khi nhìn thấy dấu hiệu siết chặt kiểm soát tiền tệ.

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay tại quốc gia Nam Mỹ chưa dẫn đến bất ổn trật tự xã hội. Tuy nhiên, lo ngại của thị trường gia tăng sau khi ứng viên đối lập Alberto Fernandez vượt qua Tổng thống Mauricio Macri ở bầu cử sơ bộ ngày 11/8.

VENEZUELA

Venezuela triển khai hơn 3.000 binh sỹ tới biên giới với Colombia

Ngày 6/9, Chính phủ Venezuela thông báo quân đội nước này đã gửi hơn 3.000 binh sỹ đến khu vực biên giới với Colombia trong khuôn khổ kế hoạch kích hoạt cảnh báo cấp độ da cam về nguy cơ đất nước bị tấn công mà Tổng thống Nicolas Maduro đã đưa ra trước đó.

Đại diện Chính phủ Venezuela tại bang Tachira, ông Freddy Bernal, cho biết quân đội nước này đang trong tình trạng báo động thường xuyên và luôn sẵn sàng đáp trả bất cứ hành động khiêu khích nào. Tuy nhiên, ông Bernal cho biết tình hình hiện nay ở khu vực biên giới vẫn bình thường và chỉ là một thời điểm căng thẳng nhất định, đồng thời cam kết sẽ kiểm soát để không xảy ra bất cứ xung đột nào.

Trước đó, Tổng thống Maduro đã phát lệnh nâng cấp cảnh báo ở khu vực biên giới với Colombia lên mức da cam, đồng thời triển khai một cuộc tập trận quân sự lớn trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước bị đẩy lên cao sau khi một nhóm ly khai của tổ chức đã bị giải thể Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) tuyên bố quay trở lại con đường đấu tranh vũ trang và Chính phủ Colombia cáo buộc Tổng thống Maduro hỗ trợ và tạo điều kiện ẩn náu cho nhóm này.

Tư pháp Venezuela mở cuộc điều tra nhắm vào lãnh đạo phong trào đối lập, Juan Guaido vì tội "phản bội tổ quốc"

Lý do tư pháp Venezuela đưa ra vào hôm 06/09/2019 liên quan đến việc ông Guaido chủ trương trao cho nhiều tập đoàn đa quốc gia một phần lãnh thổ thuộc Guyana mà Caracas luôn khẳng định là thuộc chủ quyền của Venezuela. Theo giới quan sát đây là đòn mới nhằm siết chặt gọng kềm chung quanh tổng thống tự phong Juan Guaido.

SINGAPORE

Ông Lý Hiển Long yêu cầu tờ báo gỡ bài viết mang tính "phỉ báng"

Đại diện của ông Lý gửi thư yêu cầu tờ The Online Citizen gỡ bài viết cáo buộc thủ tướng lừa dối cha, nhà sáng lập Singapore Lý Quang Diệu, để được thừa kế ngôi nhà. Người phát ngôn của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gửi thư tới trang tin Kinh tế - Chính trị The Online Citizen (Singapore), yêu cầu trang này gỡ bỏ một bài viết chứa những cáo buộc “sai sự thật”, “bôi nhọ”, đồng thời đăng lời xin lỗi. Trong thư, bà Chang Li Lin phê phán bài viết có tựa đề “Vợ Thủ tướng Lý, bà Hà Tinh, chia sẻ bài viết về cắt đứt quan hệ với gia đình một cách kỳ lạ”. Bà Chang cho rằng bài viết có chứa những lời đả kích nhân cách Thủ tướng Lý một cách đầy xúc phạm, theo trang tin TODAY (Singapore).Bà Chang nói thêm bài viết và post chia sẻ trên Facebook của The Online Citizen đã nhắc lại những “cáo buộc sai sự thật” về thủ tướng từ em gái ông, bà Lý Vỹ Linh.

Thủ tướng Lý đã yêu cầu ông Xu, Tổng biên tập The Online Citizen, gỡ bỏ các nội dung trên và đăng “lời xin lỗi đầy đủ, vô điều kiện” trước ngày 4/9, hoặc chịu hậu quả về pháp lý. Ông cũng yêu cầu ông Xu không đăng các bài tương tự trong tương lai. Bài viết nói trên đã không còn truy cập được trên trang The Online Citizen.

MIẾN ĐIỆN

Myanmar đóng cửa sân bay lớn nhất vì máy bay quân sự "Made in China" có vấn đề

Sân bay lớn nhất Myanmar đã phải đóng cửa tạm thời sau khi một máy bay quân sự do Trung Quốc sản xuất gặp sự cố trên đường băng. Hãng thông tấn Reuters của Anh đưa dẫn lời một quan chức Bộ Hàng không dân dụng Myanmar cho biết thông tin trên. Máy bay vận tải quân sự Y-8-200F "Made in China" (do Trung Quốc sản xuất) đã trượt ra khỏi đường băng ở sân bay quốc tế Yangon sáng 5/9 do một động cơ bị hỏng. Không có người bị thương trong sự cố này nhưng nhiều chuyến bay tại cảng hàng không quốc tế Yangon buộc phải hủy lịch trình.

08.09.2019




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo