Dân Làm Báo xin gửi đến các bạn trong thôn, cập nhật các tin tức đáng chú ý của Hoa Kỳ trong tuần qua. Các phát ngôn, quyết định có liên quan đến tình hình chính trị-xã hội nước Mỹ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng trên biển Đông, tình hình ngoại giao giữa các quốc gia khác và Hoa Kỳ.
Tàu chiến Mỹ áp sát đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông
Khu trục hạm USS Wayne E. Meyer hôm nay 28.8 đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đá Chữ Thập và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Phát ngôn viên hạm đội 7 của hải quân Mỹ, trung tá Reann Mommsen cho biết chiến hạm USS Wayne E. Meyer thực thi chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) tại Biển Đông.
Trong đó, tàu khu trục lớp Arleigh Burke, mang theo tên lửa hành trình Tomahawk, đã đi vào phạm vi 12 hải lý xung quanh đá Chữ Thập và đá Vành Khăn.
Đây là 2 trong 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp, đồng thời cấp tập quân sự hóa.
Mỹ trục xuất du học sinh vì bạn bè trên Facebook
Sau khi được Đại học Harvard nhận vào học, một du học sinh người Palestine nhưng sống ở Li Băng đã bị cấm nhập cảnh tại phi trường Mỹ sau khi phía an ninh đọc được những bài viết của bạn bè trên mạng xã hội.
Theo CNN hôm 28.8, Ismail Ajjawi cho biết đã bị thẩm vấn nhiều giờ sau khi đáp xuống sân bay ở Boston vào ngày 23.8. Du học sinh 17 tuổi kể lại thị thực nhập cảnh của mình đã bị hủy sau khi giới chức di trú lục soát điện thoại và laptop.
Bất chấp phản đối của đương sự rằng mình không hề có liên quan đến những nội dung mà bạn bè đưa lên mạng xã hội, phía Mỹ vẫn xác định Ajjawi "không phù hợp để nhập cảnh".
Phản hồi trước thông tin trên, phát ngôn viên Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) Michael McCarthy cho hay đây là quyết định “dựa trên thông tin được tìm thấy trong quá trình kiểm tra”.
Ajjawi, đến Mỹ theo diện học bổng, đã quay về Li Băng sau vụ việc.
Đại học Harvard cho biết đang cố gắng giải quyết trường hợp của du học sinh này trước khi niên học mới bắt đầu vào ngày 3.9.
Vào tháng 6, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định gần như mọi đương đơn xin thị thực vào nước này đều phải cung cấp thông tin về tài khoản mạng xã hội, cũng như các địa chỉ thư điện tử và số điện thoại di động sử dụng trong vòng 5 năm trở lại đây.
Ứng viên thứ 2 trong đảng Cộng hòa tranh cử với Tổng thống Trump
Cựu hạ nghị sĩ Joe Walsh tuyên bố sẽ tranh vị trí đại diện đảng Cộng hòa với Tổng thống Mỹ Donald Trump để ứng cử tổng thống.
Ông Walsh (58 tuổi) hiện là người dẫn chương trình phát thanh, chỉ trích Tổng thống Trump “không phù hợp” và cho rằng “ai đó phải bước lên”.
“Có rất nhiều thành viên đảng Cộng hòa cảm thấy giống như tôi nhưng ngại đứng ra nói”, ông phát biểu.
Khi được hỏi về những lời chỉ trích của ông Walsh cũng như việc ông tranh cử vị trí đại diện đảng, Tổng thống Trump đáp ngắn gọn: “sao cũng được”.
Ông Walsh trở thành hạ nghị sĩ đại diện bang Illinois vào năm 2010 nhưng thất bại trước đại diện đảng Dân chủ Tammy Duckworth vào năm 2012. Sau khi rời ghế Quốc hội, ông trở thành người dẫn chương trình cho đài phát thanh khu vực Chicago.
Trước đó, chỉ có cựu thống đốc bang Massachusetts là ông William Weld tranh vị trí đại diện đảng Cộng hòa với Tổng thống Trump nhưng không thu hút được nhiều ủng hộ.
Ông Mark Sanford, cựu thống đốc Nam Carolina Mark Sanford và cựu hạ nghị sĩ, tháng trước cho hay ông cũng đang cân nhắc thách thức vị trí đại diện đảng Cộng hòa và cho rằng nợ liên bang đang tăng.
Ông Weld cho biết ông ủng hộ cả 2 ứng viên Walsh và Sanford tham gia cuộc đua. “Điều đó chỉ góp phần làm các cuộc đối thoại sôi nổi thêm và tốt cho đất nước”, ông nói.
Trong khi đó, khảo sát của Reuters/Ipsos từ ngày 19-20.8 cho thấy 87% thành viên đảng Cộng hòa được hỏi đều ủng hộ năng lực của Tổng thống Trump.
Lần đầu tiên, đại sứ Mỹ viếng nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn
Chiều 27-8, lần đầu tiên trong lịch sử, một đại sứ Mỹ đã đến thắp hương cho hơn 1 vạn liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Đại sứ Mỹ có mặt tại nghĩa trang này chỉ trong khoảng 30 phút giữa buổi chiều. Nhưng chừng đó thời gian cũng đủ để lại vô số những cảm xúc.
Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink xuất hiện theo cách giản dị và gần gũi nhưng không kém phần trang trọng. Cùng với ông Hoàng Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đại sứ Mỹ thỉnh 9 tiếng chuông bắt đầu buổi lễ như để mời anh linh các liệt sĩ về chứng giám.
Trước khi bước lên tượng đài chính của nghĩa trang, đại sứ Daniel Kritenbrink cùng đoàn sứ quán Mỹ đã trang trọng dành 1 phút mặc niệm cho các liệt sĩ. Sau đó, đại sứ trịnh trọng đến thắp hương lên những phần mộ. Đại sứ Daniel Kritenbrink cho biết thông điệp chính của chuyến thăm này là hai nước Việt Nam và Mỹ đã hàn gắn vết thương chiến tranh, đặc biệt là sự hợp tác chung trong việc khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Những kết quả này không chỉ giúp cải thiện đời sống của người dân Quảng Trị mà còn chính là cầu nối của người dân cũng như chính phủ hai quốc gia.
Mỹ điều máy bay quân sự vào biển Đông, qua eo biển Đài Loan
Hôm nay, một máy bay quân sự của Mỹ bay dọc Theo đường phân chia giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục, cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết.
Vận tải cơ chở dầu MC-130J Commando bay dọc “đường trung tuyến” vào khoảng 11h sáng nay, đi từ phía bắc xuống phía nam. “Trong lúc chuyến bay diễn ra không phát hiện điều gì bất thường”.
Chiếc máy bay này rời căn cứ không quân Kadena trên đảo Guam rồi đi qua eo biển Báshi ở phía nam Đài Loan trước khi vào biển Đông, còn chiếc máy bay trinh sát US RC-135W cũng bay vào biển Đông, khu vực phía nam Đài Loan.
Sự xuất hiện của một máy bay quân sự trong khu vực rất nhạy cảm giữa Trung Quốc đại lục với Đài Loan là việc bất thường. Đường trung tuyến được coi là ranh giới ở giữa eo biển có từ khi nội chiến Trung Quốc kết thúc năm 1949.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh tạm chia cắt, cần phải tái thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết. Mỹ chấm dứt công nhận ngoại giao và liên minh quốc phòng với Đài Loan từ năm 1979 nhưng vẫn tiếp tục hỗ trợ không chính thức cho đào này, gần đây nhất là thương vụ vũ khí trị giá 8 tỷ USD để Mỹ cung cấp các máy bay chiến đầu F-16V cho Đài Loan.
Nghị sĩ Mỹ yêu cầu không đầu tư công ty Trung Quốc
Nghị sĩ Mỹ kêu gọi ban quản trị quỹ hưu trí của chính phủ liên bang đảo ngược một quyết định mà theo họ, sẽ chuyển hàng tỉ USD đầu tư vào các công ty Trung Quốc, qua đó giúp tăng cường hoạt động gián điệp và quân sự của Bắc Kinh.
Hai thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc đảng Cộng hòa từ bang Florida và Jeanne Shaheen, thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ từ bang New Hampshire, đã gửi một lá thư đến Chủ tịch Hội đồng quản trị của Quỹ Hưu trí Liên bang Micheal Kennedy, chỉ trích quyết định hồi tháng 5-2017 khi quỹ này thay đổi danh mục đầu tư, rót vốn vào các công ty Trung Quốc.
Hai thượng nghị sĩ viết “Thay đổi dự kiến sẽ được thực hiện trong năm tới này sẽ khiến gần 50 tỉ USD tiền hưu trí của các nhân viên chính phủ liên bang, bao gồm thành viên của Lực lượng Vũ trang Mỹ, đối mặt những rủi ro nghiêm trọng và chưa được tiết lộ” liên quan đến các công ty trên. Họ cũng gửi bức thư này cho một số quan chức chính quyền hàng đầu của Tổng thống Donald Trump, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper.
TT Donald Trump ra lệnh cho General Motors rút khỏi Trung Quốc
Vào lúc 8 giờ sáng ngày 30/8 giờ Washington (tức sáng 31/8 theo giờ Hà Nội) Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra mệnh lệnh yêu cầu General Motors (GM) - hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, rút khỏi Trung Quốc, chuyển nhà máy về Mỹ.
Ông Trump đã viết trên Twitter: “General Motors từng là một người khổng lồ ở Detroit, bây giờ có lẽ là một nhà máy sản xuất xe hơi nhỏ bé nhất ở đây. Trước khi tôi vào Nhà Trắng họ đã chuyển nhà máy chính đến Trung Quốc mặc dù nước Mỹ đã giúp đỡ họ. Có lẽ bây giờ là lúc họ cần được chuyển về Mỹ”.
"Đàm phán thương mại với TQ giúp kiềm chế bạo lực Hồng Kông"
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu (30/8) đã nói rằng những nỗ lực của ông nhằm gây sức ép lên Trung Quốc về thỏa thuận thương mại đã khiến cho Bắc Kinh cố gắng kiềm chế bạo lực trong suốt các cuộc biểu tình ngày càng leo thang tại Hồng Kông,
“Tôi nghĩ nếu không vì các cuộc đàm phán thương mại, Hồng Kông chắc hẳn sẽ còn là một vấn đề lớn hơn nhiều,” ông Trump nói với phóng viên trước khi ông rời Tòa Bạch Ốc tới Trại David.
“Tôi nghĩ chắc sẽ có bạo lực hơn rất nhiều. Tôi thực sự tin rằng Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận [thương mại], và họ biết nếu không giải quyết các vấn đề [Hồng Kông] một cách nhân đạo, thì điều đó sẽ đặt chúng ta vào vị trí rất tồi tệ,”
“Và tôi đã cho họ thấy, họ cần giải quyết [vấn đề Hồng Kông] theo cách nhân đạo. Chúng ta hãy chờ xem. Nhưng tôi tin rằng những gì tôi đang làm về thương mại giúp ích rất nhiều trong việc hạ nhiệt [căng thẳng] tại Hồng Kông,” ông Trump khẳng định.
"Trung Quốc đang chơi “trò xấu” nông dân Mỹ."
Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Họ [Trung Quốc] thực sự nhắm vào [nông dân Mỹ] vì họ biết rằng nông dân Mỹ thích Trump và Trump thực sự yêu quý những người nông dân này. Tôi yêu những gì họ làm. Họ là những người tuyệt vời. Họ không muốn nhận bất cứ trợ cấp nào. Họ không muốn của bố thí nhưng họ cũng biết cần phải làm gì đó đối với Trung Quốc và họ luôn luôn đồng hành cùng tôi.”
Chính quyền TT Trump cập nhật chính sách quốc tịch của con nhân viên Mỹ ở nước ngoài
Trong thông báo ngày 28-8, người phát ngôn của Cơ quan Di trú và nhập tịch Mỹ khẳng định ngay cả khi có cha mẹ là nhân viên Chính phủ Mỹ hoặc là các binh lính sĩ quan Mỹ ở hải ngoại, những đứa trẻ được sinh ra bên ngoài lãnh thổ Mỹ và đang sinh sống ngoài Mỹ sẽ không được mặc định trở thành công dân Mỹ nữa. Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, mỗi năm chỉ có khoảng trên dưới 100 trường hợp trẻ em là con của các binh sĩ Mỹ được sinh ra ở hải ngoại. Đây rõ là một con số tương đối ít.
Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận đã làm việc với các cơ quan liên quan, đánh giá các tác động của chính sách mới đối với cơ quan này là rất nhỏ.
Với chỉ thị mới, chính quyền của Tổng thống Trump tiếp tục thể hiện thái độ cứng rắn trong vấn đề nhập cư.
Theo Đài CNN, trước đây có nhiều cách để một đứa trẻ sinh ra sẽ có quốc tịch Mỹ, bao gồm việc chúng được chào đời trên lãnh thổ nước này. Những đứa trẻ được sinh ra bên ngoài nước Mỹ vẫn có được hưởng quyền công dân Mỹ nếu có cha mẹ quốc tịch Mỹ. Chính sách mới quy định những đứa trẻ đang sống ở nước ngoài và có cha mẹ là nhân viên Chính phủ Mỹ hoặc binh sĩ Mỹ sẽ không được xem là "đang cư trú tại Mỹ". Cha mẹ của những đứa trẻ này sẽ phải nộp đơn xin quyền công dân để chính quyền xem xét, không còn chuyện nghiễm nhiên nếu đáp ứng một số điều kiện như trước nữa. Chính sách mới của chính quyền Trump đã vấp phải những chỉ trích và lo ngại sau khi được đưa ra.
"Buộc người ta phải vượt qua những rào cản quan liêu vì những lý do không rõ ràng chỉ để con cái họ nhập tịch thành công dân Mỹ là hành động gây bất lợi lớn cho những người đã cống hiến cả cuộc đời để phục vụ nước Mỹ", ông Eric Rubin, chủ tịch một công đoàn đại diện cho các nhân viên Mỹ ở hải ngoại, chỉ trích.
Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ cảnh báo ông Trump đang xa rời đồng minh
Lần đầu tiên lên tiếng kể từ khi từ chức, ông James Mattis khẳng định đã làm hết sức có thể dưới thời ông Trump, đồng thời cảnh báo về những hệ lụy khi tổng thống Mỹ tự cô lập khỏi các đồng minh.
Quốc gia nào không có đồng minh sẽ khô héo. Một mình một ngựa, Mỹ không thể bảo vệ người dân và nền kinh tế của mình", cựu bộ trưởng Mattis đưa ra cảnh báo.
"Đã chiến đấu nhiều lần trong các liên minh, tôi tin rằng chúng ta cần mọi đồng minh có thể sát cánh cùng nước Mỹ. Từ các giải pháp quân sự giả định cho tới những lá phiếu ủng hộ của họ tại Liên Hiệp Quốc. Càng nhiều đồng minh thì càng tốt", ông Mattis lập luận.
Mỹ: Triều Tiên có thể đang chế tạo tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới
Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Triều Tiên đang chế tạo một tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới và có thể đang chuẩn bị thử nghiệm loại vũ khí này. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ ngày 28/8 cho biết hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Triều Tiên đang chế tạo một tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới và có thể đang chuẩn bị thử nghiệm loại vũ khí này.
Theo CSIS, các hình ảnh vệ tinh này xác nhận các bức ảnh và bài báo mà truyền thông Triều Tiên công bố hồi cuối tháng 7, trong đó nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã được thấy đang kiểm tra một tàu ngầm mới chế tạo tại nơi được cho là Nhà máy đóng tàu Sinpo South.
CSIS cho biết: "Việc xây dựng và đưa vào sử dụng năng lực thực sự của (tàu ngầm tên lửa đạn đạo) sẽ cho thấy sự tiến triển đáng kể của mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, đồng thời thách thức kế hoạch phòng thủ trong khu vực."
CSIS cũng dự đoán rằng có thể "mất hơn một năm" trước khi tàu ngầm mới này đi vào hoạt động toàn diện, dựa trên khoảng thời gian Triều Tiên dành cho việc sản xuất và triển khai các tàu ngầm trong quá khứ.
Theo CSIS, hình ảnh về Nhà máy đóng tàu Sinpo South được chụp từ năm 2015 đã cung cấp bằng chứng cụ thể cho thấy nhà máy đóng tàu này là căn cứ chủ chốt của các hoạt động đóng tàu ngầm của Triều Tiên, và cơ sở hạ tầng mới đã được phát triển để hỗ trợ hoạt động triển khai tàu ngầm tên lửa đạn đạo.
Lính Mỹ luyện tập khắc nghiệt nhằm chuẩn bị viễn cảnh chiến tranh với Nga, Trung Quốc
Binh lính thuộc lực lượng không quân Mỹ phải sống và tập luyện trong điều kiện khắc nghiệt tại căn cứ Powidz ở Ba Lan.
Trang tin Defence News dẫn lời đại tá Mỹ Donn Yates, chỉ huy của Phi đội chiến đấu thứ 4 cho hay lực lượng này không còn được phục vụ các bữa ăn nóng hổi cũng như không được đi vệ sinh trong nhà trong thời gian tập luyện tại căn cứ không quân Powidz của Ba Lan.
Thay vào đó, họ buộc phải dùng thức ăn đóng hộp, lương khô và đi vệ sinh ngoài trời.
Theo đại tá Yates, quy định mới được đưa ra là có chủ ý vì ông muốn lính của mình được trải nghiệm cuộc sống giống hệt như thời chiến.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ tố Trung Quốc trộm thiết kế chiến đấu cơ F-35
Chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Trung Quốc trong giống y như F-35. Đó chính là vì họ đã trộm thiết kế F-35”, ông Bolton nói trong cuộc họp báo nhân chuyến thăm Ukraine ngày 28.8 (giờ địa phương), theo đài RT.
Ông Bolton không nêu cụ thể loại tiêm kích nào của Trung Quốc, nhưng lâu nay giới chuyên gia nhân định đó là chiến đấu cơ J-20.
Cả F-35 và J-20 đều là chiến đấu cơ tàng hình tối tân, riêng máy bay Trung Quốc có 2 động cơ. Ngoài ra, chiến đấu cơ FC-31 của Trung Quốc cũng có thiết kế tương tự F-35.
Trong nhiều năm, chính phủ Mỹ không ngừng tố Trung Quốc đứng sau những vụ tấn công mạng, trộm sở hữu trí tuệ, bí mật quân sự lẫn thương mại. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ mọi cáo buộc.
Lo ngại an ninh, Mỹ muốn chặn dự án cáp quang xuyên Thái Bình Dương
Giới chức Mỹ đang tìm cách ngăn lại dự án cáp biển nối liền Los Angeles và Hồng Kông vì lý do “quan ngại về mặt an ninh”, theo tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin hôm 28.8.
Hệ thống cáp biển, có tên Mạng lưới cáp quang Thái Bình Dương, là dự án nhận được sự ủng hộ của Google, Facebook và một đối tác Trung Quốc.
Kế hoạch trên lần đầu tiên được công bố vào năm 2016 và được triển khai vô cùng suôn sẻ; các nhà đầu tư muốn hoàn tất đoạn cuối cùng của vào mùa hè năm 2019 và bắt đầu đưa vào hoạt động cuối năm nay.
Bộ Tư pháp Mỹ đã phát tín hiệu phản đối kịch liệt dự án bởi vì quan ngại đối với nhà đầu tư Trung Quốc là Dr. Peng Telecom & Media Group Co, và liên kết trực tiếp mà hệ thống cáp biển kéo dài 12.800 km sẽ cung cấp cho Hồng Kông, theo tờ Wall Street Journal dẫn lời những người có liên quan đến dự án.
Phát ngôn viên an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp Marc Raimondi cho hay cơ quan này không đưa ra nhận xét về các dự án đang trải qua sự thẩm định có dính líu đến an ninh quốc gia.
Google, Facebook và Dr. Peng không lên tiếng về vụ việc.
Cáp biển đóng vai trò là “xương sống” cho internet trên toàn thế giới, chuyển tải 99% số lưu lượng dữ liệu của thế giới.
Mỹ xem xét giảm viện trợ quân sự cho Ukraine
Ông chủ Nhà Trắng đang xem xét cắt bớt 250 triệu USD tiền hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine,
CNN cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thông báo cho một số cơ quan và ủy ban Thượng viện về ý định hạn chế hỗ trợ cho Kiev.
Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến vào tuần tới.
Ngày 29/8, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ ủng hộ việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine.
Mỹ thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ nhằm đối phó Trung Quốc và Nga
Ngày 29 tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ (SpaceCom) tại Nhà Trắng, Đại tướng Không quân bốn sao John Raymond được cử là người lãnh đạo đầu tiên của cơ quan này. Giới quan sát bên ngoài cho rằng động thái này của ông Trump là nhằm chống lại Trung Quốc và Nga.
Ngày 30 tháng 8, tại buổi lễ tuyên bố thành lập bộ tư lệnh này, ông Trump nói, mục đích của việc thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ (SpaceCom) là để bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ trong lĩnh vực không gian và chống kẻ địch xâm lược, “bảo đảm địa vị thống trị trong lĩnh vực vũ trụ của Mỹ mãi mãi sẽ không bao giờ bị đe dọa”.
SpaceCom vừa được thành lập có chức năng bao gồm: cung cấp định vị dẫn đường vệ tinh, kịp thời thông tin, cung cấp kỹ thuật và đảm bảo an ninh cho lực lượng bộ binh Mỹ, bảo vệ tài sản Mỹ trong quỹ đạo không gian, ngăn chặn nước ngoài tiến hành phá hoại vệ tinh của Mỹ và giám sát, cảnh báo hoạt động phóng tên lửa của các nước khác.
Ngay từ thời kỳ Chiến tranh lạnh Mỹ đã từng thành lập Bộ chỉ huy không gian vào đầu năm 1982 như một phần của “Chương trình Chiến tranh giữa các vì sao”. Sau khi Liên Xô tan rã, bộ chỉ huy này vẫn tồn tại cho đến khi nó bị giải thể vào năm 2002. Lý do giải thể là Mỹ bắt đầu tập trung vào phòng thủ lãnh thổ sau vụ tấn công khủng bố 11 tháng 9 năm 2001.
Tiết lộ thông tin mật, nữ trợ lý riêng của Tổng thống Mỹ phải rời khỏi Nhà Trắng
Trợ lý cá nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải nộp đơn từ chức sau khi bị phát hiện chia sẻ với báo chí các thông tin về cuộc sống riêng tư của gia đình Tổng thống cũng như thông tin mật của quan chức quốc gia.
Tờ New York Times dẫn nguồn tin thân cận cho biết, cô Madeleine Westerhout, trợ lý cá nhân của Tổng thống Donald Trump sẽ chính thức rời khỏi Nhà Trắng từ ngày 30/8.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump phát hiện nữ trợ lý đã đề cập đến các vấn đề trong gia đình ông và nội bộ Nhà Trắng với các phóng viên trong một cuộc trao đổi thân mật khi ông tới bang New Jersey công tác gần đây, các nguồn tin giấu tên cho biết.
Một cựu công chức Nhà Trắng hé lộ rằng ông Trump có quan hệ khá thân thiết với cô Westerhout, người có văn phòng ngay đối diện phòng Bầu Dục. Tuy nhiên việc chia sẻ thông tin về cá nhân và gia đình ông là đi quá giới hạn.
Chính quyền TT Trump đặc biệt nhạy cảm với việc nhân viên rò rỉ thông tin với truyền thông. Ông thường lên án cả các quan chức lẫn phóng viên về những bản tin liên quan đến tình hình nội bộ trong Nhà Trắng.
Madeleine Westerhout sát cánh cùng Tổng thống Trump từ chiến dịch tranh cử năm 2016 và trở thành một trong những trợ lý được ông tin cậy nhất trong hơn 2 năm qua.
Hiện, Nhà Trắng và người trợ lý này đều chưa có động thái hay bình luận xung quanh vụ việc.
Mỹ trừng phạt 3 công ty vì giúp Triều Tiên lách luật
Bộ Tài chính Mỹ cho biết chính quyền Trump hôm thứ Sáu (30/8) đã áp lệnh trừng phạt đối với hai cá nhân và ba công ty vì đã hỗ trợ Triều Tiên vận chuyển dầu trái phép.
Ba công ty bị Mỹ áp lệnh trừng phạt gồm có Công ty Vận tải tàu biển Jui Pang, Công ty Quản lý tàu Jui Zong có trụ sở ở Đài Loan và Công ty vận tải tàu biển Jui Cheng có trụ sở đặt tại Hồng Kông vì đã giúp đỡ Bình Nhưỡng tránh lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc bằng cách vận chuyển dầu trái phép “từ tàu qua tàu”.
“Các công ty vận chuyển giao dịch với Triều Tiên đang phải đối mặt với rủi ro trừng phạt đáng kể. Bộ Tài chính sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt hiện nay của Mỹ và Liên Hợp Quốc nhằm vào các cá nhân, các thực thể và những con tàu liên quan tới việc vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp với những con tàu của Triều Tiên”, Thứ trưởng Tài chính Sigal Mandelker nói.
Hai cá nhân ở Đài Loan là Huang Wang Ken và Chen Mei Hsiang bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt bằng cách cấm thực hiện các giao dịch và đóng băng tài sản trên lãnh thổ Mỹ.
Tổng thống Trump: 13% doanh nghiệp sẽ sớm rời khỏi Trung Quốc
Khi loạt thuế quan mới của Mỹ được áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9, Tổng thống Donald Trump cho rằng 13% các doanh nghiệp sẽ rời Trung Quốc “trong tương lai khá gần”.
13% các công ty sẽ rời khỏi Trung Quốc trong tương lai khá gần. Tôi không ngạc nhiên khi biết điều đó. Tôi nghĩ rằng nó sẽ còn cao hơn nhiều. Bởi vì họ (các công ty) không thể cạnh tranh được khi bị áp thuế quan [như vậy]. Họ không thể cạnh tranh được”.
Bộ Lao Động Mỹ đang xem xét mở rộng phạm vi trả lương làm thêm giờ vào đầu tháng tới.
Chính quyền Tổng thống Trump dự kiến sẽ tăng ngưỡng lương cho người lao động, theo đó cũng giúp xác định các đối tượng lao động được miễn làm thêm giờ.
Hiện tại, người lao động có mức thu nhập tối thiểu dưới 23.660 đô/năm được xem xét trả lương làm thêm giờ. Các nguồn tin cho biết, quy định mới sẽ nâng con số lên khoảng 36.000 đô. Tuy nhiên, điều khoản chi tiết vẫn có thể thay đổi trước khi Bộ Lao động hoàn thiện và đưa ra phương án cuối cùng.
01.09.2019