Thế giới tuần qua (9/9-14/9) - Dân Làm Báo

Thế giới tuần qua (9/9-14/9)

Dân Làm Báo xin gửi đến các bạn trong thôn, cập nhật các tin thế giới chính đáng chú ý sau đây. Hong Kong - người dân vẫn tiếp tục biểu tình dù có thông báo rút lại dự luật dẫn độ. Quan hệ ngoại giao giữa các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Tình hình chính trị xã hội tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Myanmar.

* HONG KONG:

Người Hồng Kông kêu gọi Mỹ trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền

Chủ nhật (8/9), hàng ngàn người Hồng Kông mang cờ Mỹ đã tuần hành tới Tổng Lãnh sự quán Mỹ, kêu gọi Washington thông qua dự luật trừng phạt những người đàn áp tự do tại thành phố.

Cuộc tuần hành bắt đầu từ công viên Chater Garden, đám đông bao quanh bức tượng người biểu tình cao bốn mét, họ hô vang khẩu hiệu “Free Hong Kong, democracy now”, với hàm nghĩa yêu cầu tự do, dân chủ cho thành phố ngay lập tức. Một số người mang biểu ngữ có ghi “President Trump, please liberate Hong Kong” (Tổng thống Trump, xin hãy giải phóng Hồng Kông), đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ ban hành Luật Nhân quyền Hồng Kông (Hong Kong Human Rights Act). Nếu được thông qua, dự luật này sẽ trừng phạt các quan chức Hồng Kông và Trung Quốc đại lục vi phạm các quyền tự do cơ bản của thành phố, thông qua các biện pháp đóng băng tài sản của họ ở Mỹ và từ chối nhập cảnh vào Mỹ. Cuối ngày, tình huống cực đoan đã diễn ra, sau khi một số người đốt cháy lối vào nhà ga trung tâm MTR. Không rõ danh tính của những người khai hỏa và không rõ liệu họ có thật sự là người biểu tình hay là mật vụ cải trang.

Trước đó, một chuyên gia về Trung Quốc cho biết nguồn tin từ nội bộ Bắc Kinh của ông cho biết chính quyền Trung Quốc có kế hoạch cài cắm mật vụ giả dạng làm người biểu tình, gây ra những tình huống hỗn loạn, sau đó dùng điều đó làm lý do để trấn áp phong trào dân chủ tại Hồng Kông.

Nhà điều hành đường sắt MTR bị buộc tội thông đồng với cảnh sát và từ chối bàn giao đoạn video từ camera giám sát ghi lại một sự cố trong trạm MTR Prince Edward vào ngày 31/8. Đêm hôm đó, cảnh sát cầm dùi cui xông vào sân ga và dùng bình xịt hơi cay, bắt giữ và khiến nhiều người bị thương.

Học sinh Hồng Kông biểu tình kiểu mới bằng hình thức tạo ra kết chuỗi người.

Khoảng 7h sáng thứ thứ Hai (9/9), trước giờ học, học sinh từ hơn 100 trường học liên kết với nhau, hô khẩu hiệu “All five demands, not one fewer”, bày tỏ việc người dân không chấp nhận ít hơn 5 yêu cầu. Hàng trăm học sinh mặc đồng phục, đeo khẩu trang kết thành những chuỗi người trên khắp các quận ở Hồng Kông, nhằm ủng hộ người biểu tình sau cuộc đụng độ cuối tuần qua.

Học sinh Hương Cảng hô vang khẩu hiệu khích lệ người dân đặc khu “Hong Kong people, add oil”. Họ cầm những tấm áp phích với 5 yêu cầu của người biểu tình, kêu gọi chính quyền giữ lời hứa tự do, nhân quyền, thượng tôn pháp luật. Trước đó hàng trăm học sinh và cựu học sinh trường trung học Carmel Pak U, Đại Bộ kết chuỗi người nhằm ủng hộ một trong những bạn học bị cảnh sát bắt tại trạm tàu điện ngầm Chợ Đại Bộ (Tai Po Market) vào thứ Bảy (7/9). Nam sinh bị đánh chảy máu đầu bằng dùi cui. Cảnh sát cũng bắt 5 học sinh trong trường vì “tụ tập bất hợp pháp”, những học sinh này đã được tại ngoại. Khoảng 300 người đi bộ từ trường học đến đồn cảnh sát địa phương gửi khiếu nại. Một phát ngôn viên của nhóm học sinh nói rằng cảnh sát đã “mất tỉnh táo”, đánh đập những học sinh không vũ trang, không phòng vệ. Các học sinh của 18 trường khác đã kết những chuỗi người từ Du Ma Địa, Homantin và To Kwa Wan. Chuỗi người khác được kết từ Hoàng Đại Tiên tới Núi Từ Sơn, từ Du Ma Địa tới Prince Edward, Trung Hoàn và Western District.

Hong Kong tạm dừng biểu tình để tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố Mỹ

Các nhà hoạt động Hồng Kông đã ngừng biểu tình hôm thứ Tư để tưởng nhớ các nạn nhân xấu số trong cuộc tấn công ngày 11/9/2001 tại Mỹ, đồng thời tố cáo một tờ báo Trung Quốc đưa tin sai rằng họ đang lên kế hoạch cho “vụ khủng bố lớn”. "Trong sự đoàn kết chống khủng bố, tất cả các hình thức phản kháng ở Hồng Kông sẽ bị đình chỉ vào ngày 11/9, ngoại trừ việc ca hát và tụng kinh”, người biểu tình cho biết trong một tuyên bố. Trong khi đó, thông tin từ trang Facebook của tờ Nhân Dân Nhật báo “Những kẻ cuồng tín chống chính phủ đang lên kế hoạch cho các cuộc tấn công khủng bố lớn, bao gồm cả việc làm nổ các ống khí gas tại Hồng Kông vào ngày 11/9”.

Nhà hoạt động Hoàng Chi Phong tới Đức và Mỹ sau khi tại ngoại

Nữ phát ngôn nhân của đảng chính trị Demosisto thông báo việc nhà hoạt động Hoàng Chi Phong đã khởi hành tới Đức và sau đó tới Mỹ theo lịch trình được sắp sẵn. Joshua Wong sẽ ở nước ngoài đến cuối tháng 9. Trước đó, tối Chủ Nhật ngày 8/9/2019, Joshua Wong đã bị bắt giữ tại sân bay vì “vi phạm các điều kiện bảo lãnh tại ngoại” sau khi trở về từ Đài Loan. Pháy biểu trước công luận Hoang Chi Phong cho hay “có sự nhầm lẫn, hoặc sai trái trong các thủ tục”, bởi trước đó tòa án Hồng Kông chấp thuận các chuyến đi nước ngoài của anh.

Lãnh đạo Hồng Kông yêu cầu Mỹ không can thiệp

Trong cuộc họp báo thứ Ba (10/9), trưởng đặc khu Carrie Lam yêu cầu Mỹ không can thiệp vào cách giải quyết của chính quyền đối với biểu tình đặc khu.Bình luận trên được đưa ra sau khi vào Chủ nhật (8/20), người biểu tình tuần hành đến lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông, kêu gọi chính quyền Trump thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông. Đạo luật này cho phép chính phủ Mỹ đánh giá mức độ tự chủ chính trị của đặc khu hàng năm để xác định có nên tiếp tục tình trạng thương mại đặc biệt theo Đạo luật Chính sách Mỹ - Hồng Kông năm 1992 hay không. Bà Lam phát biểu trước các phóng viên “Bất kỳ quốc gia nào can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông là cực kỳ không phù hợp. Tôi hy vọng không có thêm ai ở Hồng Kông tìm cách tiếp cận để yêu cầu Mỹ thông qua đạo luật này”. Trưởng đặc khu cho biết thêm, bất kỳ thay đổi nào trong mối quan hệ kinh tế với Washington sẽ đe dọa “lợi ích chung”.

Dân Trung Quốc cám ơn người biểu tình Hồng Kông vì "đã đấu tranh cho tự do của chúng tôi’

Nhóm người ở Trung Quốc đại lục đã đăng một bức thư trên Reddit – trang web nổi tiếng của Mỹ vào ngày 5/9 để cảm ơn những người biểu tình ở Hồng Kông. Bức thư cho biết, kể từ khi Mặt trận nhân quyền dân sự Hồng Kông phát động cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ đầu tiên vào ngày 31/3, những người dân đại lục đã theo dõi chặt chẽ tình hình ở Hồng Kông."Chúng tôi muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc với lòng can đảm và sự kiên trì của các bạn, cùng nỗi buồn của chúng tôi về cái giá mà các bạn phải trả. Đồng thời, là người Trung Quốc đại lục, chúng tôi muốn cảm ơn vì tất cả những gì các bạn đã làm! Thật sự cảm ơn người biểu tình Hồng Kông, các bạn đã không chỉ đấu tranh cho tự do của đặc khu, mà còn đấu tranh cho tự do của chúng tôi nữa"

Những người viết chia sẻ, trong suốt 70 năm cầm quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành các chiến dịch chính trị tàn nhẫn hết lần này đến lần khác, và kết quả là, lòng can đảm của người dân dần biến mất. Ngày nay, ở Trung Quốc, rất ít người dám nói lên sự thật, kẻ ác nắm giữ quyền lực và sự tự do là điều chưa bao giờ có.

“Là người Trung Quốc đại lục, chúng tôi không thấy hy vọng, thậm chí cũng chẳng thể bày tỏ sự thất vọng và nỗi đau ở sâu thẳm bên trong. Nhưng người biểu tình Hồng Kông đã cho chúng tôi hy vọng, khi chúng tôi nhận ra vẫn còn có những người như các bạn. Ở vùng đất gần như vô vọng này, các bạn giúp chúng tôi biết rằng, ít nhất có một nơi còn có hy vọng. Lòng dũng cảm, chính trực và bất chấp của các bạn khi đối mặt với sự áp bức chính trị đã tỏa sáng qua các hành động mà chúng tôi đã không còn nhìn thấy ở Trung Quốc từ rất lâu. Giống như Lion Rock hùng vĩ (một ngọn núi ở Hồng Kông trông giống như một con sư tử), các bạn sẽ không bao giờ cúi đầu khi đối mặt với chính quyền chuyên chế”, bức thư viết.

Bức thư cũng đề cập tới sự kiện thảm sát Thiên An Môn 30 năm trước, khi Bắc Kinh gặp nguy hiểm lớn, chính người Hồng Kông đã hỗ trợ dân Trung Quốc mạnh mẽ nhất. “Nhưng 30 năm sau, khi các bạn cần sự hỗ trợ của chúng tôi nhất thì những gì các bạn nhận được là sự hiểu lầm và những lời cay độc từ nhiều người dân Trung Quốc. Là công dân đại lục, chúng tôi cảm thấy xấu hổ. Tuy nhiên, chúng tôi muốn các bạn biết rằng, vẫn có một nhóm người ở Trung Quốc đang ủng hộ các bạn”.

Tác giả bức thư cũng bày tỏ hy vọng về tương lai “Chúng tôi cũng mơ ước một ngày nào đó được sống trong một xã hội lành mạnh với một hệ thống tư pháp độc lập, công bằng xã hội, tự do và dân chủ. Chúng tôi cũng mơ ước rằng một ngày nào đó ánh sáng của nền văn minh hiện đại sẽ soi đường cho mỗi người nơi đây. Chúng tôi hiểu rằng, khi người Hồng Kông đấu tranh cho sự tự do của chính họ, họ cũng đang chiến đấu cho Trung Quốc”.

Kết thư, những người ở đại lục gửi lời xin lỗi tới Hồng Kông:

“Đáng buồn thay, chúng tôi không thể công khai cùng các bạn tham gia cuộc đấu tranh vì tự do. Chúng tôi thậm chí không dám tiết lộ tên của mình. Xin hãy tha thứ cho sự hèn nhát của chúng tôi, nhưng chúng tôi muốn các bạn biết rằng các bạn không đơn độc, có một nhóm người Trung Quốc đứng sau và cổ vũ cho các bạn”. Chúng tôi cũng hy vọng các bạn sẽ cẩn thận trong mọi việc và trân trọng cuộc sống của mình, vì chừng nào còn tồn tại thì hy vọng vẫn còn”.

Đài Loan gửi mặt nạ phòng độc cho người Hồng Kông

Người Hong Kong chuyển sang mua đồ bảo hộ chống hơi cay ở Đài Loan sau khi chính quyền Trung Quốc chặn các trang web bán loại hàng này. Mặt nạ phòng độc, chống hơi cay là vũ khí cần thiết sau khi cảnh sát đã bắn hơn 2000 bình hơi cay vào người biểu tình Hồng Kông từ cuối tháng Sáu.

Các nhà bán lẻ Đài Bắc cho hay, doanh số bán mặt nạ phòng độc và bộ lọc tăng. Một số tổ chức ở Đài Loan kêu gọi mọi người đóng góp mũ bảo hiểm, mặt nạ phòng độc và kính bảo hộ cho người biểu tình. Tháng trước, tổ chức phi chính phủ Taoyuan Empowerment khởi xướng sự kiện kéo dài 4 giờ, thu thập thiết bị bảo vệ cho người Hồng Kông ở Đào Viên. Ban tổ chức thu được 700 mũ bảo hiểm và khoảng 1.000 mặt nạ và bộ lọc. Những thiết bị này đã được giao cho nhóm sinh viên Hồng Kông ở Đài Loan, Hong Kong Outlanders, họ vận chuyển hàng ngàn mặt hàng quyên góp cho Hương Cảng trong những tuần gần đây. Chánh văn phòng Nâ Sū-phok, thuộc Taoyuan Empowerment, cho biết, việc quyên tặng các thiết bị phòng độc cho người Hồng Kông nhằm “biến sự ủng hộ của người dân Đài Loan thành hành động”. Nhóm này cho hay, họ tổ chức sự kiện cũng nhằm nâng cao nhận thức của người dân Đài Loan về tình hình ở Hồng Kông.

Lãnh đạo đặc khu Hồng Kông hứa ưu tiên về nhà ở và việc làm nhằm xoa dịu người biểu tình

Trưởng đặc khu Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) hứa sẽ ưu tiên về vấn đề nhà ở và việc làm, nhằm xoa dịu người biểu tình ủng hộ dân chủ tại thành phố sau ba tháng bất ổn ở đặc khu. Bình luận của bà Lâm đưa ra khi các nhà hoạt động lên kế hoạch mới nhất trong một chuỗi biểu tình ở thuộc địa cũ của Anh.

Cuối ngày thứ Năm, một bài đăng trên Facebook cho hay, chính phủ bà Lâm sẽ tăng nguồn cung nhà ở với nhiều chính sách khác.

Tỷ phú Hồng Kông lấy làm tiếc về những bình luận bị xuyên tạc

Tỷ phú Lý Gia Thành nói rằng vô cùng tiếc vì những bình luận mới đây của ông liên quan đến các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã bị xuyên tạc, và nhắc lại rằng bất kỳ hành động vi phạm pháp uật không thể được dung thứ. Tuyên bố của ông đưa ra sau khi Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản một bài viết trên phương tiện truyền thông xã hội cáo buộc tỷ phú Lý “dung dưỡng tội phạm”.

Trong bài phát biểu đầu tiên về tình trạng bất ổn ở Hương Cảng, tỷ phú LGia Thành kêu gọi các lãnh đạo chính trị trao cho những người trẻ tuổi một nhành ô liu hòa bình, gọi họ là “masters of our future” hàm ý “những người làm chủ tương lai của chúng ta”.

* TRUNG QUỐC

Trung Quốc cáo buộc ‘thế lực nước ngoài’ đang chia rẽ Hồng Kông

Tờ Nhân dân Nhật báo hôm thứ Hai (9/9) tuyên bố bất kỳ hình thức nào chia rẽ Hồng Kông khỏi Trung Quốc đều sẽ bị diệt trừ.“Hồng Kông là một phần không thể tách rời của Trung Quốc, không một ai nên thách thức điều quan trọng này, dù là người biểu tình hay các thế lực nước ngoài cùng hành động xấu xa của họ”.

Chính quyền Bắc Kinh nhìn nhận, cuộc biểu tình vào Chủ nhật (8/9) tại Hồng Kông là bằng chứng cho thấy các lực lượng nước ngoài đứng sau hậu thuẫn, đồng thời cảnh báo những người biểu tình nên dừng việc thách thức sự kiên nhẫn của chính quyền trung ương.Các quan chức Trung Quốc từng cáo buộc lực lượng nước ngoài cố làm tổn hại Bắc Kinh bằng cách tạo ra sự hỗn loạn ở Hồng Kông về dự luật dẫn độ nghi phạm sang xét xử ở Trung Quốc.Bài xã luận cũng nhấn mạnh, “Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông không vì quyền lợi hay dân chủ. Chúng là kết quả của sự can thiệp từ các thế lực nước ngoài. Để sự kiên nhẫn của chính quyền trung ương không bị hiểu sai thành bạc nhược, chúng tôi xin nói rõ việc ly khai dù là dưới bất cứ hình thức nào, đều sẽ bị đập tan”.Tân Hoa Xã cho biết trong một bài bình luận khác rằng, luật pháp cần phải được thể hiện và Hồng Kông có thể phải đối mặt với một hình phạt lớn và nặng hơn nếu tình hình bất ổn vẫn tiếp tục.

Gần đây, Đài truyền hình trung ương CCTV gọi các nhà ngoại giao Hoa Kỳ là “bàn tay đen đằng sau hậu trường tạo ra sự hỗn loạn ở Hồng Kông”.

Trung Quốc gọi Anh là thực dân khi nước này có ý kiến trái chiều về Hong Kong và tình hình biển Đông

Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh, Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming), cáo buộc các chính trị gia của xứ xở sương mù gần đây thể hiện một “não trạng thực dân” khi họ công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với những người biểu tình ở Hồng Kông, thổi phồng những lo ngại đối với Huawei và vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông, theo The Guardian.

Trong một cuộc họp báo ngắn hôm thứ Hai (9/9), ông Lưu nói rằng các nghị sĩ Anh được tự do bày tỏ ý kiến về cuộc khủng hoảng Hồng Kông nhưng cần phải có giới hạn. Ông này tuyên bố những bình luận gay gắt không đáng kể gì “miễn là các vị không can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông”. Ông Lưu cho rằng một số chính trị gia người Anh vẫn còn giữ “não trạng thực dân” khi đưa ra “những nhận xét vô trách nhiệm để thể hiện sự ủng hộ” đối với những “người biểu tình và những kẻ bạo loạn” ở Hồng Kông. Cũng trong cuộc tiếp xúc ngắn với báo giới của Đại sứ quán Trung Quốc, Tùy viên quân sự Trung Quốc tại Vương quốc Anh, Thiếu tướng Su Guanghui, đe dọa tàu sân bay Queen Elizabeth hay bất kỳ tàu chiến nào khác của Vương quốc Anh có thể phải đối đầu quân sự nếu đi qua Biển Đông. “Nếu Mỹ và Anh hợp tác để thách thức hoặc vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, đó sẽ là hành động thù địch”, ông Su nói.

Phản ứng đối với tuyên bố của các quan chức Trung Quốc, một phát ngôn viên của chính phủ Anh cho biết Anh cam kết khẳng định các quyền tự do hàng hải. “Vương quốc Anh có lợi ích lâu dài trong khu vực và cam kết duy trì an ninh khu vực. Sự hiện diện của hải quân quốc tế ở Biển Đông là bình thường và Hải quân Hoàng gia cũng không ngoại lệ”.Về vấn đề Huawei, ông Lưu cảnh báo rằng việc Anh cấm Huawei cung cấp công nghệ cho mạng di động 5G của nước này, theo yêu cầu của Mỹ, thì sẽ khiến Anh phải đối mặt với những hệ lụy kinh tế.

Ông Lưu đe dọa: “Nếu Anh đóng cửa đối với Huawei, thì nước các bạn sẽ bị tụt hậu một năm rưỡi. Quyết định đó sẽ gửi một thông điệp xấu đến doanh nghiệp Trung Quốc. Vương quốc Anh được coi là cởi mở và thân thiện với doanh nghiệp [nước ngoài]. Nhưng điều này sẽ làm hỏng hình ảnh của Anh và gây tổn hại đến các mối quan hệ kinh doanh. Nó sẽ làm cho nước bạn trông như một nước khép kín”.

Phát biểu của ông Lưu được đưa ra khi Huawei đang đối mặt với làn sóng tẩy chay từ các nước, phong trào dân chủ ở Hồng Kông chưa có dấu hiệu lắng xuống, và Bắc Kinh bị lên án là bắt nạt Việt Nam và các nước khác ở Biển Đông.

Hơn 150 nghị sĩ Anh kêu gọi ‘chính sách bảo hiểm’ cho người Hồng Kông

Gần 130 nhà lập pháp Anh đã ký một bức thư gửi Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, kêu gọi các quốc gia Khối thịnh vượng chung trao quyền công dân thứ hai cho cư dân Hồng Kông. Bức thư gửi chính quyền Trung Quốc thông điệp “người dân Hồng Kông không đơn độc”. Trước đó, 39 thành viên nghị viện khác có động thái tương tự. Trong số gần 130 nhà lập pháp đồng thuận ký thư kêu gọi “chính sách bảo hiểm” cho người dân Hồng Kông gồm có 100 thành viên của House of Lords (Thượng Nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) và 29 thành viên của House of Commons (Hạ Nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland).

Bức thư khẩn thiết kêu gọi Ngoại trưởng Dominic tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế cho người dân Hồng Kông, bao gồm quyền công dân thứ hai và quyền ở lại nơi khác, đồng thời cũng kêu gọi các quốc gia Khối Thịnh vượng chung cấp cho người dân Hồng Kông chính sách bảo hiểm này. Bức thư thể hiện các Nghị sĩ Anh đứng bên cạnh người dân Hồng Kông trên “từng bước đường”, là thông điệp mạnh mẽ gửi Trung Quốc rằng người dân Hồng Kông không đơn độc. Bức thư nhấn mạnh, những lời nói và hành động gần đây của Trung Quốc cho thấy sự lãnh đạo của họ đã xa rời cam kết được quy định trong Luật Cơ bản cũng như các giá trị: cam kết thượng tôn pháp luật, dân chủ và nhân quyền. Người Hồng Kông liên tiếp biểu tình phản ứng với những hạn chế ngày càng tăng đối với những giá trị đó.

Trung Quốc ‘vô cùng bất mãn’ khi Hoàng Chi Phong gặp Ngoại trưởng Đức

Trung Quốc bày tỏ sự tức giận sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas gặp nhà hoạt động nổi tiếng Hồng Kông Hoàng Chi Phong, đồng thời tuyên bố các nước khác không có quyền can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Joshua Wong đã gặp ông Maas vào thứ Hai (9/9) tại Berlin trong một sự kiện do tờ Bild của Đức tổ chức.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh cho biết trong một cuộc họp báo, Trung Quốc “vô cùng bất mãn và kiên quyết phản đối” việc Đức cho phép Hoàng Chi Phong tới gặp Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas. Bà Hoa tuyên bố “Bất kỳ âm mưu nào dựa vào các thế lực nước ngoài để đề cao bản thân, bất kỳ hành động hoặc lời nói nào nhằm chia rẽ đất nước chắc chắn thất bại”.

Trung Quốc cũng thúc giục Đức tránh truyền tải thông điệp sai cho “lực lượng ly khai Hồng Kông”, đồng thời kêu gọi ông Maas tuân thủ những điều cơ bản của luật pháp quốc tế và hành động dựa trên lợi ích chung chứ không phải là “kẻ phá hoại mối quan hệ”.

Xuất khẩu trong tháng 8 của Trung Quốc bất ngờ sụt giảm

Chỉ số xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 8 khi các chuyến hàng đến Mỹ chậm lại, Điều này cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang yếu kém hơn sau khi chiến tranh thương mại Trung-Mỹ leo thang. Bắc Kinh dự kiến sẽ công bố nhiều biện pháp hỗ trợ hơn trong những tuần tới để ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế mạnh khi Mỹ tăng áp lực thương mại, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất cho vay đầu tiên trong 4 năm.

Trung Quốc miễn thuế 16 loại mặt hàng của Mỹ

Bộ Tài chính, Trung Quốc đã công bố 16 loại sản phẩm của Mỹ được miễn thuế bổ sung, bao gồm thức ăn cho động vật và máy gia tốc tuyến tính, chất dỡ khuôn. Việc miễn trừ sẽ có hiệu lực vào ngày 17/9 và có hiệu lực trong một năm cho đến ngày 16/9/2020. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công bố các sản phẩm được miễn thuế kể từ khi nước này áp thuế với hàng nhập khẩu Mỹ từ tháng 7 năm ngoái.

Trung Quốc điều tra người hoạt động tình nguyện Đài Loan

Chính quyền Trung Quốc cho biết, họ đang điều tra Lee Meng-chu, nhà tổ chức các hoạt động tình nguyện ở Đài Loan sau khi nhập cảnh vào Hồng Kông. Ma Xiaoguang, phát ngôn viên của văn phòng chính phủ Trung Quốc về các vấn đề Đài Loan đã xác nhận trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ Tư rằng, Lee Meng-chu đang bị điều tra vì các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh nhà nước nhưng không tiết lộ thêm chi tiết. Chính quyền Đài Loan bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc giam giữ Lee và kêu gọi chính quyền đại lục cung cấp thông tin đầy đủ và cho phép gia đình Lee đến thăm.

Ông Chiu Chui-cheng, Phó chủ tịch Hội đồng phụ trách các vấn đề đại lục của Đài Loan phát biểu “Chính quyền Trung Quốc phải chính thức thông báo và nhanh chóng sắp xếp cho người thân của ông Lee đến thăm trước sự chứng kiến của các luật sư để bảo vệ quyền tư pháp của Lee”.Truyền thông Đài Loan cho biết, Lee đến Hong Kong vào ngày 18/8, đã ở Thâm Quyến vào ngày 19/8 và ông có thể đã bị chính quyền đại lục giam giữ khi trở về Hồng Kông vào ngày 20/8. Có nguồn tin cho rằng, Lee đã gửi ảnh cho anh trai và người đứng đầu một thị trấn ở Đài Loan cho thấy quân đội Trung Quốc triển khai lực lượng và xe quân sự tại Thâm Quyến, giáp giới Hồng Kông.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) ngừng mua dầu của Venezuela trong tháng thứ 2

Động thái này của CNPC để tránh vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. , CNPC đã bất ngờ dừng nhập dầu Venezuela vào tháng trước sau khi chính quyền Trump đóng băng tài sản của chính phủ Venezuela tại Mỹ, đồng thời cảnh báo các công ty không được giao dịch với công ty dầu lửa nhà nước Venezuela PDVSA. CNPC sẽ không nhập dầu từ Venezuela nhưng không nói rõ việc đình chỉ sẽ kéo dài đến khi nào. CNPC từ chối bình luận khi Reuters yêu cầu. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho biết, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Venezuela đã giảm 40% trong tháng 7 xuống chỉ còn hơn 700.000 tấn, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đề nghị Philippines đổi phán quyết Biển Đông lấy lợi ích khác
Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết, ông Tập Cận Bình sẽ trao cho Philippines nắm giữ cổ phần lớn trong một liên doanh khai thác khí đốt ở khu kinh tế độc quyền của Manila (EEZ) nếu Philippines không nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế. “Hãy gạt các phán quyết sang một bên”, ông Duterte nhắc lại lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước các phóng viên tại Manila hôm 10/9. “Sau đó cho phép mọi người liên doanh với các công ty Trung Quốc. Họ muốn thăm dò. Họ nói nếu phát hiện khí, chúng ta sẽ nhận 60% lợi nhuận còn họ chỉ nhận 40%. Ông Tập Cận Bình đã hứa như vậy”, Tổng thống Philippines cho biết thêm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từ chối cung cấp thông tin cụ thể về việc trao đổi giữa hai nước, nhưng cho biết ông Tập lưu ý rằng hợp tác sẽ mang lại tiến bộ lớn hơn trong việc khai thác tài nguyên biển. Bà Hoa nói, ông Duterte đã sẵn sàng đẩy nhanh hợp tác khai thác dầu khí và phát triển mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines. Đối với một số “tình huống cụ thể”, hai bên sẽ bàn luận thêm.

Trung Quốc giám sát Biển Đông bằng hệ thống máy bay không người lái

Trung Quốc vừa thông báo đã triển khai một mạng lưới các máy bay không người lái (drone) trên Biển Đông để gọi là giám sát môi trường ở vùng biển này.

Thông cáo của Cục Nam Hải, bộ Tài Nguyên Trung Quốc, cho biết hệ thống drone nói trên đã được sử dụng trên vùng Biển Đông để « kiểm tra nước biển khi có những dấu hiệu đáng ngờ, điều tra về những địa điểm có vấn đề về lịch sử, giám sát biển đảo theo thời gian thực». Hệ thống drone này bao phủ các đảo xa xôi, không có người ở, cũng như các vùng biển rộng lớn trên Biển Đông. Các thiết bị không người lái được triển khai để bổ sung cho hệ thống vệ tinh hiện nay, mà hoạt động bị hạn chế do vùng Biển Đông thường bị mây che phủ. Việc vận hành hệ thống nói trên là hành động mới nhất của Bắc Kinh nhằm khẳng định quyền kiểm soát vùng Biển Đông, sau khi đã xây các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp ở Trường Sa ., Trung Quốc đang có kế hoạch triển khai một hệ thống vệ tinh mới để giám sát lưu thông trên vùng Biển Đông theo thời gian thực. Theo dự kiến, hệ thống này sẽ được hoàn tất vào năm 2021.

Cho tới nay, Bắc Kinh đã xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng trên Biển Đông, một con đường giao thương hàng hải quan trọng của thế giới, cũng như xây các radar khí tượng, trạm giám sát môi trường, cũng như cung cấp các dịch vụ công cho những người sử dụng con đường giao thương hàng hải này.

Người giàu Trung Quốc di cư sang nước khác tăng kỷ lục

Gần đây, Ngân hàng Á-Phi AfrAsia và New World Wealth đã công bố Báo cáo di cư toàn cầu năm 2019, cho thấy làn sóng di cư của những người giàu Trung Quốc có xu hướng tăng mạnh.

New World Wealth dự kiến tài sản tư nhân toàn cầu sẽ đạt 288 nghìn tỷ đô la vào năm 2028 nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở châu Á. Ngân hàng Á-Phi chỉ ra rằng năm 2018, những người giàu nhất thế giới có tổng tài sản 204 nghìn tỷ đô la Mỹ, trong đó 108.000 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao hơn 1 triệu đô la Mỹ đã di cư, trong đó 13,9% là người Trung Quốc đại lục. Năm 2018, số người Trung Quốc di cư tới các nước đã phá kỷ lục, với tổng cộng 15.000 người, tăng 50% so với năm trước đó. Ảnh hưởng tới quyết định nhập cư của người giàu Trung Quốc khi xét các quốc gia nhập cư là: môi trường sống tốt, hệ thống pháp lý tốt và quản lý tài sản an toàn.

Báo cáo ước tính rằng, tổng tài sản của những người giàu nhất Trung Quốc đã đạt 23,6 nghìn tỷ đô la Mỹ, đứng thứ hai thế giới, chỉ thấp hơn tổng tài sản của những người giàu ở Mỹ (60,7 nghìn tỷ đô la). Trong 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng tài sản của những người giàu nhất Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 120% -130%. Việc những người giàu nhất Trung Quốc di cư sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Trung Quốc cũng như thế giới.

Hacker Trung Quốc hướng tấn công về Đông Nam Á

Hãng Kaspersky vừa phát hiện nỗ lực lây nhiễm mới từ nhóm tấn công mạng khét tiếng APT10 của Trung Quốc hướng vào những tổ chức ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Làn sóng tấn công mới có khả năng nhắm vào các cơ sở y tế ở Malaysia trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 12-2018 và Việt Nam từ tháng 2 đến tháng 5-2019. Loại mã độc được sử dụng ở hai quốc gia lần này khác với các thủ thuật APT10 đã từng dùng, nhưng mục đích vẫn là đánh cắp thông tin riêng tư từ các máy bị nhiễm.

Suguru Ishimaru, nhà nghiên cứu bảo mật tại Kaspersky, cho biết: "Chúng tôi đã theo dõi hoạt động của APT10, đặc biệt là tại Nhật Bản nơi họ gây rò rỉ thông tin và thiệt hại nghiêm trọng về uy tín doanh nghiệp. APT10 được biết đến với các chiến dịch tấn công mạng lén lút và quy mô lớn, bị hấp dẫn bởi thông tin mật và thậm chí là bí mật thương mại. Hiện tại APT10 đang mở rộng tấn công vào Đông Nam Á, có khả năng để mắt đến một số tổ chức y tế và hiệp hội ở Malaysia và Việt Nam".

APT10 - còn được gọi là MenuPass, StonePanda, ChessMaster, Cloud Hopper và Red Apollo - được biết đến với một số cuộc tấn công chống lại các ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm thông tin và công nghệ, chính phủ và quốc phòng, viễn thông, học thuật, y tế và dược phẩm kể từ năm 2009.

Nhóm hacker được biết đến là nhóm tội phạm mạng mang quốc tịch Trung Quốc. Mục tiêu tấn công mạng xuyên suốt của APT10 là đánh cắp thông tin quan trọng bao gồm dữ liệu bí mật, thông tin quốc phòng và bí mật của công ty.

Năm 2017, Kaspersky đã phát hiện một mã độc do APT10 phát tán trong các công ty dược tại Việt Nam để đánh cắp các công thức thuốc quý và thông tin kinh doanh. Mã độc này thường được phát tán thông qua hoạt động lừa đảo và trước đây đã được sử dụng bởi các nhóm hacker quốc tịch Trung Quốc trong những cuộc tấn công chống lại quân đội, chính phủ và các tổ chức chính trị.

* NHẬT BẢN

Nhật Bản có thể xả nước nhiễm xạ ra Thái Bình Dương

Bộ trưởng môi trường Nhật Bản cho biết hôm thứ Ba, nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima có thể phải đổ trực tiếp ra biển vì hết chỗ chứa. “Lựa chọn duy nhất là trút nước nhiễm phóng xạ xuống đại dương để nước biển pha loãng nó. Chính phủ sẽ thảo luận về vấn đề này, nhưng tôi chỉ muốn nêu ý kiến cá nhân”, Chính phủ đang chờ báo cáo từ hội đồng chuyên gia trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về cách xử lý nước nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, phương án xả thải ra Thái Bình Dương có thể sẽ vấp phải phản ứng dữ dội từ các nước láng giềng như Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố, nước này đã yêu cầu Nhật Bản “đưa ra quyết định sáng suốt và thận trọng về vấn đề này”.

Nhật cải tổ nội các

Tokyo ngày 09/09/2019 thông báo thay đổi nhân sự lãnh đạo một số bộ quan trọng. Ngoại trưởng Taro Kono, 38 tuổi, được lòng dân, chuyển sang nắm bộ Quốc Phòng. Bộ trưởng Kinh Tế Toshimitsu Motegi, người có công trong các đàm phán thương mại với Hoa Kỳ mới đây, sẽ trở thành ngoại trưởng. Các trụ cột của chính phủ Abe là bộ trưởng Tài Chính Taro Aso và chánh văn phòng kiêm phát ngôn viên chính phủ Yoshihide Suga tiếp tục tại vị.

* HÀN QUỐC

Hàn Quốc kiện Nhật Bản trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới

Hàn Quốc đã thông báo vào hôm nay, 11/09/2019 sẽ đệ đơn kiện Nhật Bản trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới OMC về các giới hạn mà Tokyo áp đặt lên xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Quan hệ Seoul và Tokyo rất căng thẳng về mặt thương mại cũng như ngoại giao, từ sau khi Nhật Bản quyết định kiểm soát và giới hạn việc xuất khẩu sang Hàn Quốc, trong đó đặc biệt có 3 loại hóa chất thiết yếu cho màn hình và điện thoại di động. Quyết định trên được Tokyo đưa ra sau khi Tư Pháp Hàn Quốc buộc các tập đoàn Nhật bồi thường cho những nhân công Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động, phải làm việc trong các nhà máy của họ thời Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên.

Hai bên tiếp tục trả đũa nhau, xóa tên của nhau ra khỏi danh sách đối tác thương mại. Seoul cũng đã chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân đội với Tokyo.

Hàn Quốc là nhà sản xuất chủ yếu trên thế giới về chíp và màn hình. Theo bộ trưởng Yoo Myung Hee, việc giới hạn xuất sang Hàn Quốc 3 hóa chất cần thiết sẽ tác động đến kinh tế thế giới. Bà Yoo cho biết là Seoul sẽ yêu cầu OMC tổ chức trao đổi song phương để xem cách giải quyết vấn đề này như thế nào. Đối với Tokyo, quyết định giới hạn xuất khẩu trên là do nước này đã mất tin tưởng vào Hàn Quốc. Tokyo cũng tố cáo Seoul là không quản lý tốt hóa chất nhập từ Nhật, tức để thất thoát sang Bắc Triều Tiên.

Đối với Seoul, thì Tokyo trả đũa vì một cuộc tranh chấp về lịch sử.

Hàn Quốc đòi cấm cờ Nhật tại Thế Vận Hội

Ngày 11/09/2019, Seoul đã yêu cầu Ủy ban Thế vận Quốc tế cấm việc sử dụng một lá cờ Nhật gây tranh cãi tại Thế Vận Hội Tokyo -2020. Đó là lá cờ « Mặt trời mọc », với các tia nắng màu đỏ, khác với quốc kỳ chính thức của Nhật hiện nay, chỉ có một hình tròn màu đỏ trên nền trắng. Lá cờ "Mặt trời mọc" vẫn bị nhiều nước châu Á xem là biểu tượng của xâm lược quân sự Nhật thời đệ nhị thế chiến.

* BẮC TRIỀU TIÊN

Triều Tiên kỷ niệm 71 năm thành lập

Hôm thứ Hai, Triều Tiên đánh dấu 71 năm thành lập. Lễ kỷ niệm tổ chức trong bầu không khí thanh bình khiến người xem khó có thể tưởng tượng gần đây nước này liên tục bắn thử đầu đạn tầm ngắn bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hôm thứ Bảy (7/9), Bình Nhưỡng bị tấn công bởi bão Lingling, người dân địa phương phải khẩn cấp tháo dỡ những tấm biển khẩu hiệu của nhà nước và gia cố cây cối bên đường. Việc sửa chữa và dọn dẹp sau bão gần hoàn tất vào sáng Chủ nhật.

Bắc Triều Tiên thông báo đã thử một "giàn phóng tên lửa hàng loạt"

Truyền thông Bắc Triều Tiên vào hôm nay, 11/09/2019, thông báo là lãnh đạo Kim Jong Un đã giám sát một cuộc thử nghiệm mới của « một giàn phóng tên lửa hàng loạt cực lớn ». Quân đội Hàn Quốc hôm 10/09 cho biết Bắc Triều lại bắn thử một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Các tên lửa này bay được 330 cây số trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản.

tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết các tên lửa của Triều Tiên được bắn ra từ tỉnh Pyongan Nam, gần thủ đô Bình Nhưỡng, bay qua đất nước, sau đó đáp xuống vùng biển ngoài khơi phía đông. Thông báo cho biết Hàn Quốc sẽ giám sát các vụ phóng tiếp theo của Triều Tiên, nếu có.

* CANADA

Tàu Canada đi qua eo biển Đài Loan

Tàu khu trục HMCS Ottawa của Canada di chuyển qua eo biển Đài Loan hôm thứ Ba, thực thi quyền tự do hàng hải. Bộ Quốc phòng Đài Loan đã xác nhận rằng vào sáng nay rằng tàu HMCS Ottawa hướng về phía nam. Nó kích hoạt hệ thống nhận dạng tự động nhằm đảm bảo không bị ngăn cản trong quá trình di chuyển. Truyền thông Đài Loan cho biết, con tàu gần đây đã thực hiện chuyến thăm cảng tới Pyeongtaek, Hàn Quốc và đang trên đường đến Thái Lan. Theo báo cáo của China Times, nhiệm vụ hiện tại của Ottawa tại Thái Bình Dương là hỗ trợ thực thi các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Triều Tiên.

Canada muốn tăng cường hiện diện quân sự tại Bắc Cực

Điều này được khẳng định trong Chiến lược 10 năm đối với vùng Bắc Cực và Bắc Canada được công bố ngày 10/09/2019. Trong bối cảnh Trái đất nóng lên, vùng Bắc Cực giầu tài nguyên đang tan băng trở thành nơi dòm ngó của nhiều quốc gia, Canada khẳng định "cương quyết bảo vệ chủ quyền" và an ninh trên tuyến đường hàng hải mới từ Âu sang Á dự kiến xuyên qua Bắc Cực, trong đó một phần đi qua vùng "Bắc Cực Canada".

* ANH

Nghị Viện Anh bác đề nghị bầu cử trước thời hạn của thủ tướng Johnson

Các nghị sĩ Anh trong ngày 09/09/2019 đã bác bỏ đề nghị bầu cử trước thời hạn 31/10, ngày mà Anh được cho là sẽ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Thủ tướng Boris Johnson muốn tổ chức bầu cử vào ngày 15/10, trước khi châu Âu họp thượng đỉnh ở Bruxelles, với hy vọng sẽ chiến thắng và giành lại quyền chủ động về Brexit. Nhưng trong phiên họp cuối cùng hôm qua, trước khi tạm ngưng năm tuần theo quyết định của thủ tướng, Nghị Viện Anh đã chận đứng ý đồ Brexit « no deal » của ông Johnson.

Nữ hoàng Anh phê chuẩn luật ngăn Brexit không thỏa thuận

Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã phê chuẩn thành luật một phần dự luật nhằm tìm cách ngăn chặn Thủ tướng Anh Boris Johnson thực hiện kế hoạch đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận - còn gọi là "Brexit cứng"- vào ngày 31/10 tới.Dự luật này đã được Quốc hội Anh thông qua hồi tuần trước bất chấp sự phản đối của Chính phủ Anh. Luật này nhằm ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận vào cuối tháng 10 tới bằng cách buộc Thủ tướng Johnson phải đề nghị EU gia hạn tư cách thành viên của Anh tại liên minh thêm 3 tháng - tức là đến ngày 31/1/2020 - nếu vào ngày 19/10 tới, Quốc hội Anh hoặc không thông qua được một thỏa thuận Brexit hoặc đồng ý rời EU không thỏa thuận.

* ẤN ĐỘ

Ấn Độ xây nhà tù giam giữ người nhập cư bất hợp pháp

Ấn Độ đang xây dựng một nhà tù có quy mô tương đương 7 sân bóng đá để giam giữ những người nhập cư bất hợp pháp. Nhà tù đang được xây dựng tại bang Assam của Ấn Độ, dự kiến sẽ là nơi giam giữ của ít nhất 3.000 người. Nhà tù sẽ có một trường học, một bệnh viện, một khu giải trí, khu vực dành cho lực lượng an ninh, bức tường cao bao quanh cùng với những tháp canh. Một số công nhân đang làm công việc xây dựng nhà tù cho biết họ không có tên trong danh sách những người có quốc tịch mà bang Assam công bố tuần trước. Điều đó có nghĩa là các công nhân có thể bị giam giữ sau khi nhà tù được xây xong. Chính phủ Ấn Độ nói rằng có hàng trăm ngàn người từ nước láng giềng Bangladesh nhập cư bất hợp pháp vào bang Assam của Ấn Độ, trong khi đó chính phủ Bangladesh đã từ chối chấp nhận bất cứ người nào nhập cư bất hợp pháp vào Ấn Độ trở về Bangladesh. Việc thống kê những người có quốc tịch Ấn Độ tại bang Assam được chính phủ ông Narendra Modi ủng hộ mạnh mẽ. Các nhà phê bình cho rằng chiến dịch này nhắm vào người Hồi giáo, kể cả những người đã sống hợp pháp ở Ấn Độ trong nhiều thập kỷ. Nhiều người Ấn giáo, chủ yếu là người nghèo và không có học thức cũng không có tên trong danh sách công dân được công bố tuần trước.

Lính Ấn Độ - Trung Quốc đối đầu ở giới tuyến

Tình huống xảy ra tại cùng một khu vực nơi các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc từng ẩu đả trong vụ căng thẳng cao nguyên Doklam năm 2017.

Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ vừa đối mặt tại bờ bắc hồ Pangong Tso thuộc khu vực Ladakh nhưng sau đó hai bên đã rời đi sau đối thoại. “Có một vụ đối đầu giữa quân đội hai bên nhưng kết thúc sau đối thoại cấp phái đoàn”, theo thông cáo của quân đội Ấn Độ.

Thông cáo nói thêm rằng các sự cố như vậy xảy ra do quan điểm khác nhau về Đường kiểm soát thực tế (LAC) phân định ranh giới giữa lãnh thổ do hai bên kiểm soát. “Có cơ chế thiết lập nhằm giải quyết những quan điểm khác biệt về LAC và những bất đồng như thế”, theo thông cáo.

Trùng hợp là tình huống trên xảy ra tại cùng một khu vực nơi các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc từng ẩu đả trong vụ căng thẳng cao nguyên Doklam năm 2017. Sự cố này bắt nguồn từ tháng 6.2017 khi Trung Quốc triển khai công binh và máy móc đến xây một con đường ở Doklam. Bhutan và Ấn Độ kịch liệt phản đối hành động này vì cho rằng vi phạm các thỏa thuận trước đây.

Căng thẳng giữa 2 bên sau đó tiếp tục dâng cao sau vụ ẩu đả bằng đất đá và gậy gộc tại khu vực Ladakh, làm nhiều binh sĩ bị thương, trước khi hai bên cùng rút quân sau hơn 2 tháng. Vụ căng thẳng mới nhất xảy ra một ngày sau khi quân đội Ấn Độ bác bỏ thông tin về việc các binh sĩ Trung Quốc xâm nhập vào bang Arunachal Pradesh ở phía đông bắc.

Trước đó vào tháng 8, New Delhi tuyên bố Ladakh là một khu vực hành chính riêng biệt thay vì là một vùng của bang Jammu và Kashmir như trước. Phía Trung Quốc bày tỏ quan ngại và yêu cầu Ấn Độ khôi phục tình trạng cũ nhưng Delhi từ chối vì cho rằng quyết định không ảnh hưởng gì đến LAC.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hủy chuyến thăm New Delhi dự kiến diễn ra vào ngày 9.9 với lịch trình đối thoại về vấn đề biên giới.

Ấn Độ chặn xe tải chuyển vũ khí đến Kashmir

Cảnh sát Ấn Độ bắt giữ 3 người đàn ông bị tình nghi là thành viên của một tổ chức Hồi giáo Pakistan và đang vận chuyển nhiều loại vũ khí đến khu vực do New Delhi kiểm soát ở vùng tranh chấp Kashmir. Cảnh sát đã chặn xe tải của những đối tượng này vào rạng sáng 12.9, tịch thu 4 khẩu súng AK-56, hai AK-47, 6 băng đạn và 180 viên đạn, người phát ngôn cảnh sát Shridhar Patil cho biết trong buổi họp báo.

“Chiếc xe tải này đang di chuyển từ bang Punjab (Ấn Độ) để đến Kashmir. Chúng tôi đang điều tra để xác định nguồn gốc số vũ khí”, theo ông Patil.

Ông Patil cho biết thêm tất cả 4 đối tượng là người Kashmir có dính líu đến tổ chức Hồi giáo Jaish-e-Mohammed (Pakistan). Tổ chức này đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom liều chết ở Kashmir hồi tháng 2, khiến 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Căng thẳng leo thang kể từ khi Ấn Độ hôm 5.8 hủy bỏ quy chế tự trị cho khu vực do New Delhi kiểm soát ở vùng Kashmir tranh chấp với Pakistan.

Ấn Độ cắt đứt mạng di động, internet và chi viện hàng chục ngàn binh sĩ đến duy trì hòa bình tại Kashmir. Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval cho hay “đa phần” người dân Kashmir ủng hộ việc bỏ quy chế tự trị, ngoại trừ những người được Pakistan hậu thuẫn. Ông Doval cảnh báo có ít nhất 230 tay súng Pakistan đã xâm nhập khu vực do Ấn Độ kiểm soát ở Kashmir và một số đối tượng đã bị tiêu diệt trong tuần này.

Bộ Ngoại giao Pakistan yêu cầu Liên Hiệp Quốc điều tra tình hình Kashmir, cho rằng có nguy cơ xảy ra “nạn diệt chủng”. Tuy nhiên, Ấn Độ khẳng định đây là vấn đề nội bộ.

* AFGANISTAN

Vụ nổ gần Đại sứ quán Mỹ ở Kabul ngày 11/9

Một vụ nổ lớn đã xảy ra tại Đại sứ quán Mỹ ở Afghanistan vào sáng sớm ngày thứ Tư, đúng ngày tưởng niệm vụ tấn công ở Mỹ 11/9. Một làn khói bốc lên khắp trung tâm Kabul ngay sau nửa đêm và tiếng còi báo động.Bộ Quốc phòng Afghanistan cho biết một tên lửa đã bắn trúng bức tường gần đại sứ quán, nhưng không gây thương vong. Đây là cuộc tấn công lớn đầu tiên ở thủ đô Afghanistan kể từ khi Tổng thống Donald Trump đột ngột ngừng các cuộc đàm phán Mỹ-Taleban cuối tuần qua.

Venezuela tập trận sát biên giới với Colombia.

Hôm qua, 10/09/2019, quân đội Venezuela khởi sự cuộc tập trận với 150 ngàn quân, trên suốt dọc 2.200 km biên giới. Tập trận kéo dài đến ngày 28/09. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cáo buộc láng giềng Colombia âm mưu lật đổ chính quyền ông.

Phái đoàn đàm phán Taliban đến Nga sau khi ông Trump hủy hẹn

Chưa đầy một tuần sau khi tổng thống Mỹ tuyên bố kế hoạch hòa đàm bí mật với Taliban “đã chết”, các nhà đàm phán Taliban đã tới Matxcơva, Nga.

Một phái đoàn đàm phán Taliban do ông Mullah Sher Mohammad Stanikzai dẫn đầu đã tới Matxcơva ngày 13-9. Đây cũng là chuyến công du quốc tế đầu tiên của Taliban sau thất bại đàm phán với Washington.

Trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga về cuộc gặp, nhấn mạnh việc cần sớm nối lại các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban.

Trước đó, ngày 9-9 ông Trump tuyên bố hủy các cuộc gặp bí mật với các nhà lãnh đạo của Afghanistan và các quan chức thuộc phong trào Taliban dự kiến diễn ra tại Trại David.

Ông Trump dẫn nguyên nhân vì Taliban đã tuyên bố nhận trách nhiệm một vụ tấn công gần đây ở Kabul làm 12 người chết, trong đó có một quân nhân Mỹ.

Trong nhiều tháng qua, phong trào Taliban và chính phủ Mỹ đã tiến hành đàm phán về một thỏa thuận hòa bình. Theo đó, thỏa thuận dự kiến sẽ đi tới việc rút lính Mỹ về nước và đổi lại là những đảm bảo từ phía Taliban không tiến hành các hoạt động tấn công và không để Afghanistan trở thành nơi dung túng cho khủng bố.

* NGA: 

Nga tung thiết bị không người lái dò mục tiêu bằng tín hiệu điện thoại

Một hệ thống quân sự mới bao gồm 3 thiết bị không người lái và trung tâm chỉ huy di động có thể xâm nhập các trạm phát sóng điện thoại, phân tích luồng dữ diệu và định vị mục tiêu trước khi tung đòn kết liễu. Hệ thống thiết bị không người lái mang tên Orlan được tích hợp công nghệ tác chiến điện tử Leer-3, với năng lực dò tìm mục tiêu tấn công dựa trên sóng di động phát ra từ điện thoại mà người này mang theo.

Các Orlan vẫn có thể bắt sóng dù smartphone đang trong tình trạng thực hiện cuộc gọi hoặc tắt máy, theo Sputnik hôm 12.9 dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga. Theo báo chí trong nước, hệ thống Leer đã được thử nghiệm thành công trong năm nay.

Được biết hệ thống này bao gồm 3 thiết bị Orlan-10 và trung tâm điều khiển đặt trên xe tải KamAZ. Trước đó, các thiết bị không người lái chỉ có thể phá sóng ở trạm thu phát sóng di động, và đóng vai trò thay thế những trạm này, gửi tin nhắn sms cho những người dùng điện thoại trong khu vực.

Hiện hệ thống mới đã được nâng cấp, cho phép xâm nhập vào các trạm mặt đất và theo dõi mọi dữ liệu được truyền đi hoặc tiếp nhận.

Một khi đã định vị được mục tiêu, địa điểm của nó sẽ được gửi lên mạng tác chiến quân sự, nơi kết nối các lực lượng pháo binh, không quân và các đơn vị khác, cho phép tung đòn tấn công nhanh chóng. Bán kính hoạt động của Orlan là 120 km, có thể duy trì trên không tối đa 14 giờ, đạt độ cao đến 5.000m.

Nga sẽ ngừng vay vốn bằng tiền USD để giảm lệ thuộc Mỹ

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov vừa tuyên bố nước này không có kế hoạch vay thêm vốn nước ngoài trong năm nay và đến năm 2020 sẽ vay bằng euro hay nhân dân tệ, không dùng USD nữz.

“Chúng tôi sẽ vay bằng các đồng tiền khác chứ không phải đồng USD. Trong năm nay, chúng không có kế hoạch vay thêm trong thị trường nước ngoài vì đã hoàn thành chương trình của mình. Trong năm tới, có lẽ sẽ chỉ vay bằng euro nhưng cũng có thể bằng nhân dân tệ”, ông Siluanov, theo hãng tin TASS.

Theo Đài RT hôm 11.9, Nga có kế hoạch phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ lần đầu tiên vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới và động thái này có thể giúp Moscow cũng như Bắc Kinh giảm tác động từ các thuế suất và lệnh cấm vận của Mỹ.

Chiến lược gia đầu tư Anton Bakhtin thuộc công ty Premier BCS nhận định với RT rằng việc phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ là một “biện pháp tốt” để chống lại xu hướng độc tôn của đồng USD. “Đây là một bước đi hướng tới phi USD hóa”, ông Bakhtin nhận định và dự đoán điều này sẽ tạo nên “cầu nối giữa Nga và các nhà đầu tư Trung Quốc”.

Cũng theo ông Bakhtin, khi xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang, Washington có thể tận dụng sự phụ thuộc vào đồng USD của các nền kinh tế khác làm thứ vũ khí chiến lược và đó là lý do Bắc Kinh đang tìm kiếm thêm các công cụ tài chính để đối phó.

Nga cách chức hàng loạt quan chức để 'điệp viên CIA' trốn thoát qua Mỹ

Interfax ngày 13.9 đưa tin Nga đã cách chức hàng loạt quan chức cho phép một cựu nhân viên Điện Kremlin được cho là điệp viên của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) trốn khỏi đất nước.

Động thái trên diễn ra sau khi CNN hồi đầu tuần đưa tin Mỹ đã rút thành công một nguồn tin cấp cao ra khỏi nước Nga vào năm 2017. Người này đã cung cấp tài liệu mật cho CIA về nghi án Nga can dự vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, theo CNN.

Nhật báo Nga Kommersant cho rằng “điệp viên nhị trùng” là cựu nhân viên Điện Kremlin tên Oleg Smolenkov. Vợ chồng ông Smolenkov cùng ba con đang được chính phủ Mỹ bảo vệ kể từ khi họ "biến mất" trong chuyến du lịch ở Montenegro vào tháng 6.2017.

Theo Interfax, việc để gia đình Smolenkov đi nghỉ ở Montenegro đã vi phạm lệnh cấm các quan chức Nga đến thăm đất nước Balkan này được Moscow ban hành thời điểm đó.

“Ngay sau khi Smolenkov mất tích vào tháng 6.2017, các cơ quan chức năng liên quan đã mở cuộc điều tra và kết quả cho thấy việc các quan chức cho phép một nhân viên của chính quyền tổng thống và gia đình người này đi nghỉ ở Montenegro là vi phạm lệnh cấm du lịch.

Lệnh cấm được đưa ra vào đầu năm 2017 do căng thẳng leo thang giữa Nga và Montenegro sau cuộc đảo chính bất thành tại Podgorica vào năm trước đó, theo nguồn tin trên. Moscow phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến âm mưu đảo chính ở Montenegro.Trong buổi họp báo ngày 12.9, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết thông qua Interpol, Moscow đã chất vấn Washington về tung tích của Smolenkov.

Ông Smolenkov có mối quan hệ mật thiết với cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga, ông Yury Ushakov.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin. Dmitry Peskov xác nhận: “Nhân viên này đã bị sa thải. Chúng tôi không biết ông ta có phải là gián điệp hay không. Cơ quan tình báo Nga đang điều tra”.

Nga tấn công hàng loạt những người ủng hộ lãnh đạo đối lập Navalny

Cơ quan thực thi pháp luật Nga đột kích hàng loạt nhà ở và văn phòng của những người ủng hộ lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny.

Những cuộc đột kích xảy ra sau 4 ngày Đảng Nước Nga thống nhất (United Russia) – đảng ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin, mất một phần ba số ghế trong Hội đồng lập pháp thành phố Moscow. Cụ thể, đảng này đang chỉ kiểm soát 26 trong số 45 ghế, vừa đủ để giữ đa số. 

Ông Navalny có những đồng minh chính trị bị cấm tham gia tranh cử trong một cuộc bầu cử ở Moscow. Ông đã kêu gọi người dân bỏ phiếu có chiến thuật để cố gắng giảm cơ hội của những ứng viên được Kremlin hậu thuẫn. Chiến lược dường như đã thành công trong cuộc bầu cử thủ đô.

“Putin rất giận dữ và tức tối”, Navalny nói trong một video phát hành hôm thứ Năm, và “Hoạt động lớn nhất của cảnh sát Nga hôm nay cho thấy lịch sử Nga hiện đại đang diễn ra”.

Cũng theo ông Alexei Navalny, hơn 200 cuộc lục soát xảy ra trong cuộc điều tra rửa tiền ở 41 thị trấn và thành phố. Lãnh đạo đối lập mô tả đây là cuộc đàn áp lớn nhất của loại hình này trong lịch sử Nga hiện đại.

Giới chức Nga phát biểu, chiến dịch lục soát này liên quan đến cuộc điều tra rửa tiền nhắm vào tổ chức Anti-Corruption Foundation – quỹ Chống tham nhũng do ông Navalny sáng lập công bố điều tra hành động sai trái của quan chức tham nhũng.

Ông Navalny, một luật sư kiêm nhà hoạt động 43 tuổi, trong tháng Bảy bị bỏ tù 30 ngày sau khi kêu gọi người dân biểu tình tuần hành vì chính quyền loại bỏ các ứng viên đối lập khỏi cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp Moscow.Giới chức Nga từ chối cho các ứng viên phe đối lập đăng ký ứng cử, bao gồm một số đồng minh của ông Navalny, kích hoạt phong trào phản kháng dài nhất ở Nga kể từ 2011-2013, tới 60.000 người biểu tình tại một thời điểm.Mùa hè này, cảnh sát Nga tạm giữ hơn 2000 người, đưa ra những án tù ngắn hạn cho gần như toàn bộ những người đi theo ông Navalny, và dùng vũ lực giải tán những vụ việc mà họ nói là biểu tình bất hợp pháp.

Tổ chức phi chính phủ Golos theo dõi các cuộc bầu cử ở Nga, hôm thứ Năm cho biết, chính quyền cũng đột kích nhà của những nhân sự thuộc tổ chức này.

* IRAN 

Thủ tướng Israel tố Iran bí mật phát triển vũ khí hạt nhân

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm thứ Hai (9/9) cáo buộc Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân một cách trắng trợn dù đã phá hủy một địa điểm bí mật sau khi bị Israel phát hiện, Ông Netanyahu nói rằng Netran đã phát triển vũ khí nguyên tử tại một cơ sở ở Abadeh, phía nam thành phố Isfahan của Iran. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Netanyahu nêu rõ địa điểm sau khi công khai cáo buộc Iran cố gắng chế tạo bom vào năm ngoái.

Ông Netanyahu nói: “Tại địa điểm này, Iran đã tiến hành các thí nghiệm để phát triển vũ khí hạt nhân”. Ông cho biết “họ đã phá hủy địa điểm này. Họ mới xóa sạch nó”, sau khi bị tình báo Israel phát hiện.Trong các bình luận nhắm vào các quan chức Iran, ông Netanyahu nói thêm: “Israel biết các ông đang làm gì, Israel biết các ông làm việc đó khi nào và Israel biết các ông đang làm việc đó ở đâu”. “Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy thức tỉnh, để nhận ra rằng Iran đang nói dối một cách có hệ thống”, ông Netanyahu tuyên bố. “Cách duy nhất để ngăn chặn việc Iran tiến bước đến bom [hạt nhân], sự hung hăng của họ trong khu vực, đó là áp lực, áp lực và nhiều áp lực hơn nữa.”

Cáo buộc của Thủ tướng Israel được đưa ra vào cùng ngày khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế của Liên Hợp Quốc (IAEA) tìm thấy dấu vết của uranium tại một địa điểm mà Iran vẫn chưa đưa ra được giải thích nào.

Iran lập tức bác bỏ tuyên bố của ông Netanyahu, nói rằng ông đang tìm cớ gây chiến. Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif tuyên bố trên Twitter: “Người sở hữu vũ khí hạt nhân thực sự đang chu môi nói dối”.

IAEA đã nói với các quốc gia thành viên rằng Iran có hai tháng để trả lời chất vấn về hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân, mặc dù họ chỉ đưa ra mô tả chung về vấn đề này vì tính bảo mật.

Thủ tướng Israel muốn sáp nhập thung lũng Jordan, Liên đoàn Ả Rập nổi giận

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nếu đắc cử, điều đầu tiên ông sẽ làm là tiến hành sát nhập thung lũng Jordan, một phần của Bờ Tây, và tuyên bố này gây nên phản ứng kịch liệt từ Liên đoàn Ả Rập.Các nhà ngoại giao Ả Rập đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch của ông Netanyahu, gọi đây là hành vi “gây hấn”, đe dọa mọi cơ hội đạt thỏa thuận hòa bình với người Palestine.

Lời hứa hẹn trên của ông Netanyahu được đưa ra trong cuộc họp báo vận động tái tranh cử ở thành phố Ramat Gan gần Tel Aviv hôm 10.9. Israel sẽ tiến hành tổng tuyển cử vào ngày 17.9, theo đó lựa chọn 120 thành viên của quốc hội.

Giám đốc hạt nhân của Iran cho biết EU không thực hiện cam kết hiệp ước hạt nhân

Giám đốc hạt nhân Iran hôm Chủ nhật cho biết, các bên châu Âu không thực hiện các cam kết của mình theo hiệp ước hạt nhân năm 2015.“Thật không may, các bên châu Âu đã không thực hiện các cam kết của mình … thỏa thuận không phải là con đường một chiều và Iran sẽ hành động tương tự như chúng tôi đã làm cho đến nay bằng cách hạ thấp dần các cam kết của mình”, ông Ali Dakar Salehi nói sau cuộc họp với người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, 

Iran bắt giữ 2 công dân Anh

Các vụ bắt giữ được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng kéo dài giữa Anh và Iran.

Iran bắt giữ 2 phụ nữ đều mang song quốc tịch Anh và Úc cùng một công dân Úc khác.

Trong số này có một blogger thường đi khắp châu Á, bạn trai người Úc của người này và một chuyên gia thuộc Đại học Cambridge từng giảng dạy đại học tại Úc.

2 phụ nữ trên hiện bị tạm giữ tại nhà tù Even ở Tehran. Đây là những phụ nữ đầu tiên mang quốc tịch Anh không kèm quốc tịch Iran bị bắt giữ trong vài năm gần đây.

Một số nguồn tin cho hay chính phủ Anh đang theo dõi vụ việc, trong khi London và Tehran đều chưa đưa ra bình luận chính thức.

Tháng trước, tòa án ở Iran tuyên án 12 năm tù đối với công dân mang song quốc tịch Anh - Iran là Anushe Ashuri về tội làm gián điệp, trong đó có cáo buộc hợp tác với cơ quan tình báo của Israel.

Tòa cũng giữ nguyên bản án 10 năm tù đối với nhân viên Hội đồng Anh Aras Amiri bị bắt vào năm 2018 về tội làm gián điệp.

EU dự chi 13 tỉ euro cho cơ quan mới về phòng thủ và không gian

Chủ tịch đắc cử Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 10.9 thông báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ thành lập cơ quan chuyên về phòng thủ và không gian trong thời gian tới.

Người chịu trách nhiệm điều hành cơ quan mới là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp hiện làm việc tại ngân hàng trung ương Pháp, bà Sylvie Goulard.

Cơ quan mới sẽ đề xuất ngân sách 13 tỉ euro (332.665 tỉ đồng) nhằm tài trợ cho việc phát triển và mua sắm vũ khí. Kinh phí cho nguồn quỹ này trích từ ngân sách chung của EU dành cho việc nghiên cứu quốc phòng. Bên cạnh đó, các nước EU cũng được cho là sẽ đóng góp thêm.

Không gian cũng là một lĩnh vực mà EU muốn đầu tư trong bối cảnh Nga, Mỹ hay Trung Quốc đều đã phát triển những loại vũ khí nhằm phá hủy hệ thống phòng thủ hay vệ tinh của đối phương.

Nghị sĩ Úc gốc Hoa bị nghi là điệp viên của Bắc Kinh

Đảng Lao động Úc đã yêu cầu thủ tướng Scott Morrison cần phải hành động để đảm bảo bà Gladys Liu, một dân biểu gốc Hoa, đủ tư cách ngồi trong Quốc hội khi bà Liu bị nghi ngờ có những mối liên hệ mờ ám với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Liu là thành viên của Đảng Tự do và là nghị sĩ Úc gốc Hoa đầu tiên. Nghi vấn bà Liu là một tình báo của Trung Nam Hải bùng lên sau khi ABC báo cáo rằng, một hồ sơ trực tuyến của chính phủ Trung Quốc đã liệt kê bà Liu là thành viên của tỉnh Quảng Đông trong Hiệp hội trao đổi nước ngoài Trung Quốc (China Overseas Exchange Association) trong khoảng thời gian 2003-2015.

Hiệp hội này là một nhánh của cơ quan chính trị và hành chính Trung ương của Chính phủ Trung Quốc, sau đó nó đã được sáp nhập với Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất, cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ.

Bà Liu cũng gặp vấn đề khi giới truyền thông đặt ra một loạt câu hỏi về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, vấn đề mà Úc quan tâm và nước này đã liên minh với Mỹ để xây dựng một Thái Bình Dương tự do và cởi mở hơn. Khi được hỏi nhiều lần rằng, liệu bà có nhìn nhận các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp hay không, bà Liu nói rằng đó là vấn đề của Bộ trưởng Ngoại giao.

Malaysia, Trung Quốc sẽ thiết lập cơ chế đối thoại về Biển Đông

Thỏa thuận được thông qua tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh.

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị cho hay nước này và Malaysia vừa đồng ý lập cơ chế đối thoại chung về khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah sau khi hai quan chức gặp nhau tại Bắc Kinh.

Theo ông Vương, các nước ven biển và Trung Quốc cam kết tiếp tục giải quyết thỏa đáng vấn đề Biển Đông và cùng bảo vệ hòa bình, ổn định tại khu vực này.

“Vì thế, hai bên chúng tôi đồng ý thành lập cơ chế tham vấn song phương cho vấn đề hàng hải, một nền tảng mới cho đối thoại và hợp tác giữa hai bên”, theo ông Vương.

Tại buổi họp báo, Ngoại trưởng Abdullah gọi ông Vương là “người anh em” và cho biết cơ chế sẽ do bộ ngoại giao hai nước phụ trách. “Các quan chức sẽ thảo luận chi tiết, nhưng tôi cho rằng đây là một kết quả quan trọng từ cuộc gặp hôm nay và cũng từ 45 năm quan hệ ngoại giao”, ông Abdullah nói.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia. Vào tháng 7, hai bên khôi phục lại dự án đường sắt phía bắc Malaysia sau khi hai bên thỏa thuận cắt giảm chi phí gần 1/3 xuống còn 11 tỉ USD (255.300 tỉ đồng).

Trước đó vào tháng 4, Ngoại trưởng Malaysia Abdullah khẳng định nước này sẽ không thảo luận về tranh chấp ở Biển Đông theo hình thức song phương với Trung Quốc. Phát biểu được đưa ra trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Mahathir Mohamad đến Trung Quốc từ ngày 24.4.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia từng cảnh báo các nước ASEAN nên lấy tư cách khối để đối thoại với Trung Quốc về Biển Đông, thay vì đối thoại song phương vốn dễ bị chèn ép bởi các điều kiện riêng đối với từng nước. 

Philippines bắt 277 người Trung Quốc lừa đảo

Vụ bắt giữ 4 nghi phạm lừa đảo bất ngờ là manh mối dẫn đến việc bắt giữ hơn hai trăm nghi phạm người Trung Quốc khác ở Philippines.

Tờ The Philippine Star ngày 13.9 đưa tin Cơ quan Di trú Philippines vừa bắt giữ 277 người Trung Quốc làm việc bất hợp pháp trong đợt truy quét tại thành phố Pasig vào ngày 11.9.

Thanh tra Jaime Morente cho biết Cơ quan Di trú nhận được thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc về 4 nghi phạm trong một vụ lừa đảo đầu tư trị giá 100 triệu nhân dân tệ (327,7 tỉ đồng).

Chiến dịch truy quét sau đó dẫn đến việc 273 người Trung Quốc khác “bị bắt quả tang đang tiến hành hoạt động phi pháp trên mạng”, theo The Philippine Star.

Những người bị bắt đều không có giấy tờ và sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng Trung Quốc xác định họ là những nghi phạm trong một vụ lừa đảo đầu tư quy mô lớn ở nước này với hơn 1.000 nạn nhân.

Hiện bộ phận tư pháp thuộc Cơ quan Di trú Philippines đang tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan. Trong khi đó, các đối tượng trên đang bị tạm giam tại cơ sở giam giữ của Cơ quan Di trú tại thành phố Taguig chờ ngày trục xuất.

Tổng thống Ukraine mong đợi gặp Tổng thống Trump

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết, ông dự kiến gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào tháng Chín, và các cuộc đàm phán hòa bình giải quyết xung đột Ukraine với Nga ở phía đông Donbass cũng diễn ra trong tháng này. Ông Zelenskiy đắc cử tổng thống Ukraine trong năm nay, hứa mang lại hòa bình cho Donbass, nơi quân đội Ukraine đang chiến đấu với các lực lượng do Nga hậu thuẫn trong một cuộc xung đột giết chết hơn 13.000 người bất chấp lệnh ngừng bắn.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo