Hoa Kỳ tuần qua (9/9 -14/9) - Dân Làm Báo

Hoa Kỳ tuần qua (9/9 -14/9)

Dân Làm Báo xin gửi đến các bạn trong thôn, cập nhật các tin tức đáng chú ý của Hoa Kỳ trong tuần qua. Các phát ngôn, quyết định có liên quan đến tình hình chính trị - xã hội nước Mỹ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng trên biển Đông, tình hình ngoại giao giữa các quốc gia khác và Hoa Kỳ.

Tàu khu trục Mỹ áp sát Hoàng Sa

Tàu khu trục USS Wayne E. Meyer của hải quân Mỹ ngày 13.9 đã di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, theo Reuters dẫn nguồn từ quân đội Mỹ. Trung tá Reann Mommsen, phát ngôn viên của Hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ tuyên bố: “Tàu khu trục USS Wayne E. Meyer đã thách thức những hạn chế đối với việc di chuyển vô hại do Trung Quốc đặt ra và cũng phản đối yêu sách của Bắc Kinh đối với đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa”. Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Trước đó, khu trục hạm USS Wayne E. Meyer ngày 28.8 cũng đã áp sát đá Vành Khăn và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo phi pháp. Trung tá Reann Mommsen khi đó cũng tuyên bố rằng chiến hạm USS Wayne E. Meyer thực thi chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) tại Biển Đông. 

Chiến hạm Mỹ chở tên lửa cường lực tới gần Biển Đông

Tàu USS Gabrielle Giffords mang theo một tên lửa cường lực mới nhằm tăng cường cho lực lượng ở Thái Bình Dương - một khu vực tranh chấp thế giới mà Trung Quốc muốn kiểm soát. Sĩ quan John Fag, phát ngôn viên của Hạm đội 3 Hải quân Mỹ xác nhận việc điều tàu. Con tàu rời San Diego đầu tháng Chín, trang bị tên lửa tấn công Naval Strike Missile kiểu mới của Hải quân Mỹ và một máy bay trực thăng không người lái. Theo nhà sản xuất Raytheon, Naval Strike Missiles mới là hệ thống vũ khí được thiết kế bay lướt qua biển chống radar phát hiện, thao tác chống phản công từ kẻ thù. Tàu Hải quân Mỹ cũng đang vận tải máy bay trực thăng trinh sát hỏa lực MQ-8B Fire Scout. 

Biển Đông là một khu vực buôn lậu thương mại nghiêm trọng, căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng về quyền kiểm soát khu vực. Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng lực lượng hải quân nhằm kiểm soát đại dương nhiều hơn và thách thức Hoa Kỳ nhằm giành quyền thống trị trên biển. Trung Quốc có kế hoạch chế tạo thêm 6 tàu sân bay vào năm 2035, 4 trong số đó chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trung Quốc hiện có 5 tàu sân bay.

Hoa Kỳ hiện có 20 tàu hàng không mẫu hạm, có 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân và 9 tàu đổ bộ có khả năng triển khai như tàu sân bay.

Trung Quốc lên tiếng vụ khu trục hạm USS Wayne E. Meyer của Mỹ áp sát Hoàng Sa

Báo South China Morning Post ngày 14-9 đưa tin quân đội Trung Quốc đã lên tiếng sau thông tin tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer của Hải quân Mỹ tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc Việt Nam) hôm qua (13-9).

Ông Lý Hoa Mẫn (Li Hua Min), người phát ngôn Chiến khu Nam Bộ thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), cho biết quân đội nước này đã triển khai máy bay và tàu quân sự để xác định, theo dõi, phát cảnh báo và "đuổi" tàu khu trục USS Wayne E. Meyer. Vị này còn phát biểu một cách vô căn cứ rằng chuyến tuần tra trên là "một hành động xâm phạm" và "không có sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc". "Mỹ đang thực hiện ‘quyền bá chủ hàng hải’ ở Biển Đông trong thời gian dài" - ông Lý Hoa Mẫn tuyên bố.

"Những hành động như vậy đã "làm xói mòn nghiêm trọng" cái gọi là các lợi ích chủ quyền của Trung Quốc, và cho thấy Mỹ "hoàn toàn thiếu chân thật trong việc duy trì hòa bình toàn cầu cũng như an ninh và ổn định khu vực". Ông Lý Hoa Mẫn tuyên bố quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia của nước này ở Biển Đông.

Tổng thống Trump cách chức cố vấn an ninh quốc gia John Bolton

Hôm qua, 10/09/2019, trên mạng Twitter, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo cách chức cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, nhân vật mà ông có rất nhiều bất đồng trên các hồ sơ nóng, từ Iran, Afghanistan, cho đến Bắc Triều Tiên. Nguyên thủ Mỹ cho biết sẽ bổ nhiệm cố vấn an ninh quốc gia mới vào tuần tới. Quyết định của tổng thống Mỹ, qua Twitter, sa thải John Bolton được đưa ra chỉ chưa tới 2 tiếng đồng trước một cuộc họp báo đã được Nhà Trắng thông báo và trên nguyên tắc sẽ có sự tham gia của ông Bolton cùng với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Tổng thống Trump giải thích lý do sa thải cố vấn John Bolton

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư (11/9) đã giải thích với báo giới về lý do ông quyết định sa thải cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Ông Trump nói rằng ông John Bolton muốn làm những điều không phù hợp với chính phủ của ông.

“Tôi thực sự rất hợp với John. Nhưng ông ấy đã mắc sai lầm rất lớn khi nói về mô hình Libya áp dụng cho Kim Jong-un. Tuyên bố đó không tốt để thực thi. Quý vị chỉ cần xem điều gì đã xảy ra với Gaddafi... Thẳng thắn mà mói, John đã muốn làm những thứ không cần thiết, cứng rắn hơn tôi muốn. John vốn nổi tiếng là người cứng rắn. Ông ta cứng rắn đến mức muốn chúng ta tham chiến tại Iraq. Tôi hy vọng chúng tôi chia tay trong tình cảnh tốt đẹp, chúng tôi có thể có điều đó hoặc có thể không. [Dù sao] tôi phải điều hành đất nước này theo cách mà chúng tôi đang điều hành.” Tổng thống Trump cũng nói rằng ông không đồng ý với thái độ của ông Bolton về vấn đề Venezuela.

Khi được phóng viên hỏi về việc bổ nhiệm nhân sự mới thay ông Bolton, Tổng thống Trump cho biết có rất nhiều người giỏi đang mong muốn đảm nhiệm cương vị này.

Ông Trump nói rằng có 5 người rất muốn thay thế vị trí của ông Bolton. Tổng thống cũng nhấn mạnh rằng số lượng ứng viên cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia là rất nhiều, nhưng ông xét thấy 5 nhân vật có trình độ rất cao và ông đã biết rõ những người này trong ba năm qua. Ông Trump hứa sẽ thông báo người ông chọn trong tuần tới.

Tòa án Tối cao trao thắng lớn cho TT Trump về nhập cư

Hôm thứ Tư (11/9), Tòa án Tối cao cho phép ông Trump thực hiện điều luật yêu cầu các di dân tới biên giới Mỹ phải tìm kiếm nơi trú ngụ an toàn ở những nơi họ đi qua trước khi tới Mỹ. Quy định này đã bị chặn ngay lập tức bởi các tòa án cấp dưới, buộc chính quyền Trump phải đẩy vụ kiện lên Tòa án Tối cao.

Căn cứ của quy định này là nhằm chấm dứt chính sách “bắt-thả” mà Tổng thống Trump kịch liệt phản đối là đầy lỗ hổng khiến Mỹ trở thành mục tiêu của bọn buôn người và di dân trái phép. Theo chính sách này, lực lượng biên phòng Mỹ buộc phải thả vào Mỹ những người đã bước chân qua biên giới trái phép và tự nhận mình là người tị nạn. Người này sẽ được yêu cầu có mặt tại tòa án để tòa xét xử căn cứ xin tị nạn, nhưng phần lớn là không trở lại tòa mà tiếp tục sống ở Mỹ trái phép. Quy định mới của ông Trump yêu cầu hầu hết những người tới Mỹ xin tị nạn phải đợi ở một nước thứ ba trong khi chờ tòa nhập cư thụ lý. Trong số 9 thẩm phán tối cao, chỉ có 2 người phản đối phán quyết này. Phán quyết của Tòa án Tối cao đã trao cho chính quyền Trump một chiến thắng ở thời điểm mà hầu hết quy định mới công bố trong chính sách nhập cư của ông đều bị các thẩm phán cấp dưới - phần lớn là những người do Tổng thống Obama bổ nhiệm – chặn lại ngay khi vừa tung ra vào hôm 15/7.

Tổng thống Trump hủy đàm phán với Taliban sau khi Trung Quốc gặp Afghanistan

Tổng thống Donald Trump đã đột ngột hủy các cuộc đàm phán với phiến quân Taliban, Afghanistan, sau nhiều tuần không chắc chắn đàm phán hòa bình có thể chấm dứt cuộc chiến dài nhất và tốn kém nhất của nước Mỹ. Việc hủy bỏ đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc gặp đồng cấp Afghanistan ở Islamabad trước đó cùng ngày. Trước kỷ niệm vụ khủng bố 11/9 tại Hoa Kỳ, Tổng thống Trump đã hoãn cuộc họp theo kế hoạch vào Chủ nhật với thủ lĩnh Taliban và Tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani.

Nghị sĩ cảnh báo Trung Quốc đánh cắp công nghệ Mỹ từ ưu đãi thương mại Hồng Kông

Hôm thứ Ba (10/9), một nhóm các nhà lập pháp Washington đề nghị chính quyền Tổng thống Trump đánh giá quy tắc xuất khẩu Mỹ cho Hồng Kông, quan ngại Trung Quốc đã lấy được công nghệ nhạy cảm thông qua sự ưu đãi đặc biệt cho thành phố theo luật Mỹ.

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và Dân chủ lo ngại chính quyền Hồng Kông sử dụng thiết bị kiểm soát đám đông chống lại người biểu tình. Những công dân đặc khu đã tìm cách gây áp lực với Bắc Kinh sau 3 tháng phản kháng trên đường phố, bao gồm những đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát.

Trong thư gửi Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Ngoại trưởng Mike Pompeo, các Thượng Nghị sĩ nói: “Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là Mỹ cần thực hiện các biện pháp đảm bảo Trung Quốc không lạm dụng vị thế đặc biệt của Hồng Kông theo luật để đánh cắp hoặc lấy được các thiết bị và công nghệ quan trọng, nhạy cảm của Mỹ để phục vụ các mục tiêu chiến lược của họ hoặc xâm phạm quyền của người dân Trung Quốc, Hồng Kông và các nơi khác”. Bức thư yêu cầu đánh giá cập nhật chi tiết tình hình kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với Hồng Kông nhằm giải quyết việc Trung Quốc tiếp tục xói mòn quyền tự trị của đặc khu.

Đồng ký thư gồm Chủ tịch Đảng Cộng hòa, Thượng Nghị sĩ Jim Risch, thành viên cao cấp Đảng Dân chủ trong Ủy ban đối ngoại Bob Menendez, thành viên Ủy ban giám sát Ngân hàng Thượng Nghị sĩ Mike Crapo và Sherrod Brown, cùng các Thượng Nghị sĩ Cộng hòa Cory Gardner, Marco Rubio và Pat Toomey, thành viên Đảng Dân chủ Ed Markey, Ben Cardin và Jack Reed. Bức thư yêu cầu nhận được phản hồi vào ngày 1/10.

Nghị sĩ Mỹ yêu cầu Lầu Năm Góc chống lại gián điệp Trung Quốc

Một nhóm các nghị sĩ lưỡng đảng Hoa Kỳ, hôm thứ Năm, đã yêu cầu Lầu Năm Góc đưa vào danh sách theo dõi hàng loạt công ty quốc doanh của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ, nhằm kiềm chế việc Bắc Kinh thông qua những công ty này đánh cắp công nghệ quân sự của Mỹ.

Các công ty quốc doanh Trung Quốc “mua chuộc các công ty Mỹ để nhận về các thông tin quan trọng”, cùng với việc sử dụng các chiến thuật khác, theo một bức thư của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper được các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa trích dẫn để tăng thêm sức thuyết phục cho đề nghị của họ.Các nghị sĩ này yêu cầu Lầu Năm Góc, căn cứ theo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA), lập danh sách các công ty của Trung Quốc và “càng sớm càng tốt” cập nhật danh sách này để chiến đấu với gián điệp kinh tế của Trung Quốc tại Hoa Kỳ.

Đại sứ Trung Quốc: ‘Trời cũng chẳng biết ông Trump sẽ làm gì ngày mai’

Lin Songtian, đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi, đã dành nửa trang quảng cáo trên một tờ báo địa phương để đăng bài công kích lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề thương mại toàn cầu. Trong một bài xã luận mất phí của tờ Business Day, tờ báo tài chính lớn nhất Nam Phi, ông Lin cáo buộc rằng “thói bắt nạt” của Hoa Kỳ sẽ đẩy cả thế giới vào “suy thoái nghiêm trọng”, đồng thời mô tả ông Trump là “tính khí thất thường.”

Với bài viết có tựa đề “Trung Quốc lên tiếng”, ông Lin lập luận rằng văn hóa Trung Quốc vốn coi trọng “các quý ông giữ chữ tín”, “tôn trọng lời hứa và cam kết là nguyên tắc đạo đức tối thiểu của giới lãnh đạo và doanh nhân”. Ông Lin tiếp tục: “Tổng thống Hoa Kỳ điều hành đất nước một cách tùy ý, ra mệnh lệnh cho cả thế giới bằng Twitter và thay đổi lập trường chỉ sau một đêm”.

Lời chỉ trích của ông Lin là dấu hiệu cho thấy sự bất bình của giới quan chức Trung Quốc đối với những chính sách cứng rắn, quyết đoán và bất ngờ của Tổng thống Trump trong mối quan hệ với Bắc Kinh kể từ khi ông nhậm chức và bắt đầu thương chiến với Trung Quốc.

Việc ông Lin viện dẫn văn hóa Trung Hoa để lý luận rằng “làm người phải giữ chữ tín”, khiến giới quan sát nhíu mày. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng hứa hẹn với Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2015 rằng Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Tuy nhiên, thực tế là Trung Quốc đã ra sức xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các thiết bị quân sự tại Biển Đông, đặc biệt trong thời gian ông Obama không cho phép hải quân Hoa Kỳ tuần tra tự do hàng hải trong khu vực từ năm 2012-2015, theo Navy Times. Bài xã luận quảng cáo tại Nam Phi của ông Lin còn được đăng trên báo Star. Những động thái này cho thấy Bắc Kinh đang tạo điều kiện cho các đại sứ của mình thể hiện lập trường với dư luận quốc tế, qua đó phản ánh mối quan hệ ngày càng xấu đi với chính quyền của Tổng thống Trump.

Ông Lin cho rằng: “Việc Hoa Kỳ kiên quyết leo thang xung đột thương mại với Trung Quốc sẽ tổn hại lợi ích chung của tất cả mọi người trên toàn thế giới, sẽ không sót một ai” Vị đại sứ kêu than: “Đến Trời cũng chẳng biết ông Trump sẽ làm gì ngày mai”.

Thủ tướng Bahamas cảm ơn Mỹ viện trợ sau bão Dorian

Thủ tướng Bahamas, ông Hubert Minnis đã cảm ơn Mỹ vì sự hỗ trợ của quốc gia này trong việc khắc phục hậu quả do bão Dorian gây ra. “Từ ngày đầu tiên [khi cơn bão tiến vào], Mỹ đã ở trong lãnh thổ của Bahamas để hỗ trợ các nhu cầu của người dân. Nếu không có sự giúp đỡ này, chúng tôi sẽ không tiến được cho đến ngày hôm nay”, ông Minnis nói với người dẫn chương trình. “Mặc dù có người thiệt mạng do cơn bão, số người thiệt mạng còn có thể tăng, nhưng nếu Mỹ không đến kịp thời thì con số ấy sẽ còn lớn hơn nữa”, ông nói.

Theo ước tính của Chương trình lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc, có khoảng 70.000 người tại Bahamas cần thực phẩm và nơi trú ẩn sau khi cơn bão Dorian tấn công.

Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ cho biết, họ đã viện trợ Bahamas 2,8 triệu USD và tiếp tế cho 44.000 người tại các đảo. Hội chữ thập đỏ Mỹ cam kết ban đầu chi 2 triệu USD để giúp Bahamas khắc phục sau cơn bão, với thức ăn, nước, nơi trú ẩn và các nhu yếu phẩm khác.

Mỹ giải cứu 3 thủy thủ mắc kẹt trong tàu Hàn Quốc bị lật nghiêng

Các nhân viên cứu hộ Mỹ hôm thứ Hai (9/9) đã giải thoát ba trong số bốn thành viên phi hành đoàn mắc kẹt trong một tàu chở hàng của Hàn Quốc bị lật nghiêng trên bờ biển Georgia, Reuters cho biết thông tin từ Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ (USCG).Chiếc tàu của Hàn Quốc gặp sự cố vào rạng sáng 8/9, nó bất ngờ bị nghiêng và chìm một phần thân tàu xuống biển. Khi sự cố xảy ra, có 23 thủy thủ và 1 hoa tiêu hiện diện trên tàu. 20 người đã được giải cứu ngay sau khi vụ việc xảy ra.

Đại diện USCG, ông John Reed cho biết lực lượng cứu hộ đã từ từ khoan một lỗ hổng trên thân tàu, đầu tiên là giao thức ăn và nước uống cho những người sống sót, sau đó đưa họ ra ngoài. Khi được hỏi về tình trạng của ba thủy thủ mới được giải cứu, ông Reed cho biết hai người đã có thể đi bộ ra khỏi thân tàu và lên tàu cứu hộ. Cả ba đều được đưa đến bệnh viện để chăm sóc y tế.

Người mất tích thứ tư là bị mắc kẹt ở phía sau một tấm kính trong phòng điều khiển kỹ thuật của tàu. Nhân viên cứu hộ có thể nhìn thấy anh nhưng họ vẫn chưa đưa được anh ra ngoài. Người này vẫn chưa nhận được bất kỳ chút thức ăn hay nước uống nào trong khoảng 36 giờ giờ qua.

Các nhân viên cứu hộ đang làm việc khi nhiệt độ thân tàu tăng lên đến 49 độ C. Ông Reed cho rằng nhiệt độ bên trong tàu thậm chí còn nóng hơn. Ông từ chối bình luận về nguyên nhân khiến con tàu bị lật khi nó đang vận chuyển ô tô.

Mỹ trừng phạt hàng loạt nhóm khủng bố

Chính phủ Mỹ tuyên bố áp đặt các lệnh cấm vận đối với nhiều nhóm khủng bố, bao gồm tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngay trước thềm lễ kỷ niệm 18 năm vụ tấn công khủng bố 11.9. Các đối tượng bị cấm vận bao gồm 15 thủ lĩnh, cá nhân, tổ chức liên quan đến nhiều nhóm như mang lưới khủng bố al-Qaeda, IS, theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ ngày 10.9. Đáng chú ý, Mỹ còn cấm vận Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), vốn bị chính phủ Mỹ liệt IRGC vào danh sách khủng bố. Quyết định này được cho là lại tiếp tục làm quan hệ Mỹ - Iran thêm căng thẳng.

Lệnh cấm vận bao gồm đóng băng tất cả tài sản và nghiêm cấm công dân giao dịch với những đối tượng trong danh sách trừng phạt.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố: “Kể từ vụ tấn công khủng bố 11.9.2001, chính phủ tập trung vào nỗ lực chống khủng bố nhằm đối với những mối đe dọa ngày càng gia tăng”.

“Tổng thống Trump đã ký thông qua sắc lệnh hành pháp nhằm chống khủng bố, áp đặt lệnh cấm vận nhắm vào nguồn cung cấp tài chính và thủ lĩnh của những nhóm này.

Mỹ bắt 24 người nhập cư bất hợp pháp từ 7 quốc gia

Các nhân viên tuần tra biên giới Swanton, bang Ohio của Mỹ, đã bắt giữ 24 người di cư bất hợp pháp và một tên tội phạm bị truy nã ở xung quanh trạm kiểm soát nhập cư New Hampshire. Những người di cư bị bắt giữ đến từ 7 quốc gia khác nhau, gồm Brazil, Nga, Cộng hòa Dominican, Ecuador, Guatemala, Honduras, và Mexico.Bốn trong số những người nhập cư bất hợp pháp đã bị bắt giữ tại trạm kiểm soát, trong khi 20 người khác bị bắt ở các khu vực lân cận.

Bảy trong số những người nhập cư bất hợp pháp đã từng bị trục xuất khỏi Mỹ, trong đó một người là tội phạm nghiêm trọng bị truy nã. Lực lượng tuần tra biên giới cũng bắt được một công dân Hoa Kỳ bị truy nã, nhưng các quan chức không tiết lộ thông tin về vụ bắt giữ này.

Các nhân viên biên giới đã chuyển 24 người bị bắt cho Cơ quan Thực thi Di trú để bắt đầu các thủ tục trục xuất. Bảy người di cư từng bị trục xuất trước đây có thể sẽ bị truy tố về các tội nghiêm trọng theo luật liên bang, và có thể phải đối mặt với án tù 20 năm nếu bị kết án.

Mỹ bóc mẽ và trừng phạt 3 nhóm tin tặc Triều Tiên

Trong thông cáo báo chí được phát đi ngày 13-9, Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh 3 nhóm tin tặc nói trên nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ Triều Tiên để hoạt động. Trong đó Lazarus giữ vai trò là lực lượng nòng cốt, hai nhóm còn lại được xem như các lực lượng phụ và dự bị cho Lazarus.

Hiện Bộ Ngoại giao Triều Tiên vẫn chưa lên tiếng trước động thái mới từ Washington. Hôm 1-9, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên khẳng định không có chuyện nước này kiếm được 2 tỉ USD từ tấn công mạng, nhấn mạnh đây là chiêu trò vu khống và bôi nhọ Triều Tiên của các thế lực thù địch.

Trong thông cáo ngày 13-9, Bộ Tài chính Mỹ đã chỉ ra mối quan hệ giữa các nhóm tin tặc và RGB. Chẳng hạn, nhóm Lazarus được thành lập vào năm 2007 là một phần của Trung tâm nghiên cứu số 110 thuộc Cục 3 của RGB. Mục tiêu của Lazarus rất đa dạng, từ các chính phủ nước ngoài đến các cơ quan tài chính, công ty xuyên quốc gia và các cơ sở hạ tầng trọng yếu. Mỹ khẳng định Lazarus chính là thủ phạm vụ tấn công bằng mã độc WannaCry 2.0 gây chấn động toàn cầu năm 2017.Ngoài việc phá hoại hay đánh cắp thông tin, các nhóm tin tặc này còn được giao nhiệm vụ tiến hành các vụ tấn công mạng, chiếm dữ liệu rồi mã hóa để đòi tiền chuộc. Tính đến cuối năm 2018, nhóm Bluenoroff đã cố gắng đánh cắp ít nhất 1,1 tỉ USD từ các ngân hàng trên khắp thế giới, với một số vụ thành công được ghi nhận tại nhiều quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ, Mexico, Pakistan, Philippines, Hàn Quốc, Chile và cả Việt Nam. Tương tự, nhóm Andariel được xác định là thủ phạm đứng đằng sau các vụ trộm thông tin thẻ tín dụng ngân hàng và thẻ ATM. Mục tiêu chủ yếu của nhóm này là Hàn Quốc với các vụ tấn công được ghi nhận vào các năm 2015 và 2016. Hợp lực với nhau, 3 nhóm này đã đánh cắp được số tiền ảo trị giá 571 triệu USD từ 5 sàn giao dịch châu Á trong thời gian từ tháng 1-2017 đến tháng 9-2018. 

Mỹ kết tội một người Trung Quốc

Zhang Yujing, 33 tuổi đến từ Thượng Hải, bị tòa ở Florida kết tội xâm nhập khu nghỉ dưỡng của Trump và nói dối giới chức liên bang ngày 11/9. Zhang bị bắt vào ngày 30/3 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, khi tự nhận mình là một thành viên câu lạc bộ đang đi đến hồ bơi mặc dù không mang áo tắm. Sau đó Zhang nói rằng cô đến dự một sự kiện hữu nghị Mỹ - Trung nhưng sự kiện này không tồn tại. Cô mang theo hai hộ chiếu từ Trung Quốc.

Mật vụ Mỹ phát hiện Zhang mang 4 điện thoại di động, máy tính xách tay, ổ cứng gắn ngoài và USB "chứa phần mềm độc hại". Hành động của Zhang làm dấy lên lo ngại cô là gián điệp nhưng cô không bị buộc tội này. Cô gái dự kiến bị kết án vào ngày 22/11 và có nguy cơ đối mặt một năm tù cùng tiền phạt $ 1.000 vì tội xâm nhập trái phép khu vực bị hạn chế. Cô cũng có thể đối mặt với án tù 5 năm và tiền phạt 250.000 USD vì nói dối cán bộ liên bang. Zhang đến Mỹ theo visa 10 năm được cấp vào năm 2016. Loại visa này cho phép người nước ngoài nhập cảnh Mỹ trong thời gian ngắn với mục đích kinh doanh và y tế. Trump là chủ sở hữu của Mar-a-Lago, khu nghỉ dưỡng sang trọng bên bờ Đại Tây Dương. Ông thường xuyên tới đây vào cuối tuần để chơi golf và gặp bạn bè. Ông có một biệt thự đặt trong khu vực riêng tại Mar-a-Lago và được cho là đang chơi golf ở gần đó vào thời điểm Zhang tìm cách đột nhập

Trung Quốc dỡ thuế đậu nành và thịt heo Mỹ

Các dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu thể hiện rõ hơn. Trong tuyên bố được phát đi ngày 12-9, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết một số doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu yêu cầu phía Mỹ báo giá một số mặt hàng nông sản. Ông Cao cho biết đậu nành và thịt heo sẽ là hai trong số các mặt hàng doanh nghiệp Trung Quốc muốn mua từ Mỹ. Ông này cũng bày tỏ hi vọng Mỹ sẽ tiếp tục có các động thái thiện chí trước giờ đàm phán.

Một ngày trước đó, Trung Quốc cũng thông báo sẽ dỡ bỏ thuế 1 năm với 16 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm 4 loại nông sản cần thiết cho nhu cầu hằng ngày của người dân và ngành chăn nuôi cùng một số loại thuốc chữa ung thư. Động thái ngày 11-9 của Trung Quốc đã nhận được sự hoan nghênh của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Dự kiến các nhà đàm phán cấp cao của hai bên sẽ gặp nhau tại Washington vào đầu tháng 10. Nông nghiệp được xem là lĩnh vực nhạy cảm đối với chính quyền Trump. Nông dân Mỹ là những người thiệt hại rõ ràng nhất trong cuộc chiến thương mại do ông Trump phát động.

Ông Trump cân nhắc thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẵn sàng cân nhắc một thỏa thuận thương mại tạm thời với Trung Quốc nhưng vẫn tìm kiếm một thỏa thuận lâu dài. Tiếp nối những tín hiệu tích cực gần đây về cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, ông Trump ngày 12-9, giờ Mỹ, cho biết không loại trừ khả năng chấp nhận một thỏa thuận hạn chế với Bắc Kinh. "Rất nhiều người đang nói về chuyện này, nhiều nhà phân tích nói đến một thỏa thuận tạm thời - có nghĩa là chúng ta sẽ tiến hành từng phần, những điều dễ trước. Những chẳng có gì là dễ hay khó, chỉ là thỏa thuận hay không thỏa thuận. Nhưng (thỏa thuận tạm thời) là điều tôi sẽ cân nhắc" - Kênh CNBC dẫn lời ông Trump.

Tuyên bố của ông Trump đưa ra sau những thông tin nhiễu loạn về khả năng đạt được thỏa thuận hạn chế giữa hai nước.

Các nhà đàm đàm phán Mỹ và Trung Quốc dự kiến gặp nhau trong những tuần tới. Đây là vòng đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại thứ 13 giữa quan chức phụ trách của Mỹ và Trung Quốc, dự kiến tổ chức ở Washington nhưng chưa công bố ngày giờ cụ thể.

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chế tài TQ lạm dụng nhân quyền tại Tân Cương

Dự luật được Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua hôm 11/9 có tên chính thức là “Đạo luật Chính sách Nhân Quyền Duy Ngô Nhĩ 2019”. Đạo luật này yêu cầu chính phủ Mỹ tích cực gây áp lực lên Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế đa phương khác phải hành động phản đối Trung Quốc lạm dụng nhân quyền và kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét chấm dứt thương mại của Mỹ với các quan chức chính quyền Tân Cương, tỉnh miền cực tây Trung Quốc. Luật này cũng sẽ khuyến khích áp dụng các chế tài theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu lên các cá nhân chịu trách nhiệm thành lập và duy trì các trại tập trung ở Tân Cương. Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ năm nay ước tính rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đang bỏ tù và bắt làm nô lệ khoảng 3 triệu người Hồi giáo tại Tân Cương, phần lớn thuộc cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Những nhân chứng trốn thoát khỏi các trại tập trung Tân Cương nói rằng họ đã thấy bằng chứng về lao động cưỡng bức, tra tấn và thu hoạch nội tạng.

Dự luật chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2019 này là sản phẩm của một sự đồng thuận lưỡng đảng ngày càng tăng tại Quốc Hội Mỹ về vấn đề phản đối Trung Quốc lạm dung nhân quyền. Dự luật do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menedez đồng bảo trợ. Đây là hai thượng nghị sĩ có tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ nhất tội ác chống lại chính nhân dân mình của ĐCSTQ. Dân biểu Cộng hòa Chris Smith và Dân biểu Dân chủ Totm Suozzi cũng đã giới thiệu phiên bản dự luật tương tự ra Hạ viện và đã nhận được sự ủng hộ mãnh mẽ của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Nội dung của bản dự luật vừa được Thượng viện thông qua “lên án những vi phạm nhân quyền thô bạo đối với người Hồi giáo Turkic (Thổ Nhĩ Kỳ) tại Tân Cương” và kêu gọi “chấm dứt bắt giữ tùy tiện, tra tấn và quấy rối đối với những cộng đồng này cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc”. 

Dự luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành bản đánh giá hàng năm về quy mô và điều kiện của các trại tập trung Tân Cương nhằm giúp các quan chức quyết định mức độ nghiêm trọng của việc thi hành chế tài hoặc lên án Bắc Kinh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm thứ Năm (12/9) đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ.

Trái với thái độ giận dữ của ĐCSTQ, Quốc hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới – một nhóm vận động quốc tế hoạt động để cứu người Duy Ngô Nhĩ khỏi sự áp bức của chế độ Trung Quốc, đã lên tiếng hoan nghênh dự luật vừa được Thượng viện Mỹ thông qua.

Chính quyền Trump lập đội đặc nhiệm chống vi phạm nhân quyền

Tổng thống Donald Trump mới thành lập một đội đặc nhiệm để tái khẳng định cam kết của chính quyền trong việc chống lại tội ác hàng loạt đang diễn ra ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.

Theo một báo cáo do Nhà Trắng công bố hôm 12/9, lực lượng vừa được thành lập có tên là “Atrocity Early Warning Task Force”, tạm dịch “Lực lượng đặc nhiệm cảnh báo sớm tội ác”. Đây là sự cam kết mới nhất của chính phủ Mỹ nhằm buộc những thủ phạm tội ác diệt chủng và tội ác hàng loạt phải chịu trách nhiệm. Theo báo cáo, tội ác hàng loạt bao gồm các hành vi như tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, diệt chủng và thanh trừng sắc tộc, tội ác có các dấu hiệu như bạo lực được nhà nước cho phép, gây ra xung đột vũ trang và bất ổn chính trị.

Bản báo cáo dài 11 trang có tên “Báo cáo Phòng ngừa Diệt chủng và Tội ác Elie Wiesel”, được đặt theo tên của một người Do Thái Romania sống sót trong trại tập trung của Đức quốc xã.

Báo cáo tuyên bố: “Chính quyền Trump đã kiên định cam kết ngăn chặn, giảm thiểu và đối phó với các tội ác hàng loạt và đã thiết lập cấu trúc liên ngành toàn Chính phủ để ủng hộ cam kết này”. 

Báo cáo cũng đặc biệt lưu ý về cuộc điều tra các tội ác gần đây của lực lượng an ninh Myanmar. Hơn 730.000 người Hồi giáo Rohingya tại Myanmar đã phải trốn chạy sang nước láng giềng Bangladesh từ khi Quân đội Myanmar bắt đầu cuộc thanh trừng hàng loạt vào tháng 8/2017. Vào ngày 16/7/2019, Chính phủ Mỹ đã liệt 4 lãnh đạo quân đội cấp cao của Myanmar vào danh sách những kẻ vi phạm nhân quyền và đã áp đặt chế tài di trú đối với những người này. 

Theo bản báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ thực hiện chương trình huấn luyện trực tuyến và trực tiếp về phòng ngừa tội ác trong năm tới. Chương trình huấn luyện này là bắt buộc đối với tất cả nhân viên ngoại giao Mỹ.

Đài Loan sẽ mua thêm hàng tỷ đô nông sản Mỹ

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng nặng bởi thương chiến với Trung Quốc, Đài Loan - đồng minh không chính thức của Mỹ lên tiếng muốn giúp Mỹ giải quyết vấn đề này. Đài Bắc vừa tuyên bố sẽ nhập thêm 3,6 tỷ USD nông sản Mỹ. Căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington đã giúp củng cố địa vị của Đài Bắc đối với Tòa Bạch Ốc. Mỹ cũng đã thông qua hợp đồng bán hàng tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan để tự vệ, một động thái khiến Trung Quốc vô cùng tức giận.

Thảo ước hợp đồng mua nông sản sẽ được ký vào tuần sau ở Washington, một hợp đồng mang đầy màu sắc chính trị lẫn kinh tế. SCMP nhận định rằng hành động này nhằm gửi tín hiệu tới cử tri Đài Loan rằng chính quyền của bà Thái là một đối tác tin cậy của Washington trong bối cảnh bà sẽ phải đối đầu với các ứng viên thân Trung Quốc vào cuộc bầu cử 2020. Những sản phẩm trong hợp đồng này sẽ bao gồm đậu nành, ngô, lúa mỳ và thịt lợn, những mặt hàng bị Trung Quốc áp thuế cao trong xung đột thương mại với Mỹ.

“Trong khi quan hệ Mỹ-Trung đang bị cuốn sâu vào mâu thuẫn thương mại, Đài Loan đã trở thành một đối tác thương mại đáng tin cậy của Mỹ và đang có những hành động đáng kể để tăng cường sự gần gũi trong hợp tác kinh tế Mỹ-Đài”, Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc – Đại sứ quán không chính thức của Mỹ ở Đài Loan tuyên bố. Địa điểm diễn ra lễ ký thỏa ước hợp đồng cũng mang nhiều ý nghĩa chính trị – tại Trung Tâm Du khách Quốc hội Washington, nơi dành cho khách du lịch muốn tham quan Quốc hội Mỹ. Nông dân Mỹ hoan nghênh hợp đồng này, tuy nhiên quy mô của nó là rất nhỏ so với giá trị nhập khẩu 19,6 tỷ USD mà Trung Quốc nhập từ Mỹ năm 2017, trước khi thương chiến nổ ra. Riêng đậu nành, Trung Quốc đã nhập hơn 10 tỷ USD của Mỹ. Tổng thống Trump cũng tích cực tìm kiếm đầu ra khác cho nông sản Mỹ, bao gồm Nhật Bản và Châu Mỹ, thêm vào đó là khoản trợ cấp hơn chục tỷ USD được ông trích ra từ tiền thuế nhập khẩu tăng thêm.

Người Đài Loan tại Mỹ tuần hành ủng hộ HK, yêu cầu LHQ công nhận Đài Loan

Khoảng 500 người thuộc cộng đồng Đài Loan tại New York, Mỹ hôm thứ Bảy (7/9) đã tổ chức tuần hành qua Manhattan trong sự kiện thường niên mang tên “Giữ Đài Loan Tự do” (Keep Taiwan Free). Cuộc tuần hành này đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc mở rộng quy chế thành viên đầy đủ cho Đài Loan và bày tỏ ủng hộ phong trào biểu tình tại Hồng Kông. Các nhà tổ chức buổi tuần hành đã quyết định thu hút sự chú ý bằng cách so sánh tình hình Đài Loan với tình huống ngoạn mục ở Hồng Kông hiện nay.

Nhà lập pháp Yeh Yi-jin, thành viên của Đảng Dân tiến cầm quyền của Đài Loan (DPP) cũng tham gia buổi tuần hành và nói việc rút ra bài học từ Hồng Kông cho thấy rõ rằng tự do và dân chủ của Đài Loan không chỉ từ trên trời rơi xuống mà đó là kết quả của những thành tựu đạt được bằng máu và mồ hôi của nhiều người Đài Loan trong những năm qua.

Những người Đài Loan tuần hành tại Manhattan đã thể hiện sự ủng hộ phong trào biểu tình Hồng Kông bằng cách mang theo các bảng hiệu ghi 5 yêu cầu quan trọng của người biểu tình và hô vang các khẩu hiệu nổi tiếng trong các cuộc biểu tình Hồng Kông gần đây. Họ cũng tạo ra một phiên bản của “Bức tường Lennon” trên đó dán các tờ giấy nhiều màu sắc kêu gọi tự do, dân chủ vốn đang rất nổi tiếng trên khắp Hồng Kông. Một số người có quan hệ họ hàng với người Hồng Kông và các nhóm ủng hộ phong trào biểu tình Hồng Kông cũng tới tham gia tuần hành cùng cộng đồng người Đài Loan ở New York. Chính phủ Đài Loan thậm chí đã cử một phái đoàn sang Mỹ tham dự sự kiện này, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Michael Tsai và nhà lập pháp Yeh Yi-jin.

California ra luật cấm lực lượng thực thi pháp luật sử dụng camera gắn người có phần mềm nhận dạng khuôn mặt.

Hạ viện bang California hôm thứ Năm (12/9) đã bỏ phiếu thông qua dự luật nêu trên, có số hiệu AB-1215, với đa số tán thành (42-18). Trước đó, Thượng viện của bang này hôm thứ Tư (11/9) cũng đã phê chuẩn dự luật. Dự luật bây giờ sẽ được chuyển tới bàn của Thống đốc bang California Gavin Newsom để ông này ký thông qua thành luật hoặc phủ quyết. Nếu được thông qua, luật cấm lực lượng thực thi pháp luật sử dụng camera có nhận dạng khuôn mặt sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Dự luật AB-1215 cấm cảnh sát chạy phần mềm nhận dạng khuôn mặt thời gian thực hoặc nhận dạng sau khi đã thu thập được các đoạn video từ camera gắn người. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn có thể sử dụng công nghệ này để làm mờ mặt người trong các video công bố tới công chúng nhằm mục đích bảo vệ quyền riêng tư của các cá nhân xuất hiện trong video.

Dự luật này cho rằng việc sử dụng camera có phần mềm nhận dạng khuôn mặt chẳng khác nào “yêu cầu mọi người xuất trình thẻ căn cước có ảnh cá nhân mọi lúc” và như vậy “có thể làm đóng băng các hoạt động tự do ngôn luận nơi công cộng”. Các nhóm cảnh sát phản đối dự luật AB-1215, trong khi các nhóm khác, trong đó có Liên minh Tự do Dân sự Mỹ của Bắc California ủng hộ dự luật này.

Dự luật này phản ánh sự bất mãn đang tăng lên tại Mỹ về phần mềm nhận dạng khuôn mặt mà các cơ quan chính phủ đã sử dụng trong nhiều năm qua và bây giờ trở nên mạnh mẽ hơn nữa với sự nổi lên của các công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo. Trong năm nay, San Francisco và Oakland đã bỏ phiếu cấm nhân viên dịch vụ công của thành hai thành phố này sử dụng camera gắn phần mềm nhận dạng khuôn mặt. Bang Oregon cũng đã thông qua luật tương tự.

Thu nhập bình quân hộ gia đình ở Mỹ đạt mức cao nhất trong 20 năm

Theo công bố của Cục điều tra dân số Mỹ vào ngày 10/9, thu nhập hộ gia đình ở nước này trong năm 2018 đạt mức cao nhất kể từ năm 1999, trong khi tỷ lệ nghèo đạt mức thấp nhất kể từ năm 2001, cho thấy các chính sách kinh tế của Tổng thống Trump mang lại kết quả tích cực.

Theo bản công bố, thu nhập hộ gia đình trung bình tại Mỹ trong năm 2018 là 63.179 USD, tăng 0,9% so với năm 2017. Số người nghèo trong năm 2018 là 38,1 triệu người, ít hơn 1,4 triệu người so với năm 2017. Trong khi đó, tỷ lệ nghèo trong năm 2018 là 11,8%, mức thấp nhất hàng năm kể từ năm 2001.

Số lượng lao động toàn thời gian tăng 2,3 triệu người trong giai đoạn 2017-2018, bao gồm khoảng 700.000 nam giới và 1,6 triệu phụ nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ người Mỹ có bảo hiểm y tế toàn phần hoặc một phần trong năm 2018 là 91,5%, thấp hơn tỷ lệ 92,1% trong năm 2017.

Ứng viên tổng thống gốc Á thử nghiệm cấp 1.000 USD/tháng cho dân Mỹ

Ứng cử viên Đảng Dân chủ Andrew Yang gây bất ngờ khi tuyên bố sẽ thử nghiệp cung cấp 120.000 USD cho 10 hộ gia đình Mỹ trong vòng một năm tới.

Trong cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Dân chủ đêm 12/9 ở Houston (Texas), ông Yang cho biết đội ngũ tranh cử của ông sẽ lựa chọn ngẫu nhiên 10 gia đình Mỹ. Mỗi gia đình sẽ được cấp 1.000 USD/tháng trong vòng 12 tháng tới. Đây là bước thử nghiệm lý thuyết Thu nhập cơ bản phổ thông (UBI) của ứng cử viên Yang. Doanh nhân gốc Á từng khẳng định nếu ông trở thành tổng thống Mỹ, chính quyền Washington sẽ chia cho mỗi người Mỹ tuổi 18-64 mỗi tháng 1.000 USD. Ông cho biết tiền thuế thu được từ các tập đoàn khổng lồ như Amazon, Google hay Apple là đủ để hỗ trợ người dân Mỹ. Ông cho rằng đây là cách hiệu quả để tái cơ cấu nền kinh tế lớn nhất thế giới theo hướng bình đẳng hơn.

Andrew Yang cho biết toàn bộ số tiền đầu tư vào chiến dịch thử nghiệm được lấy từ quỹ tranh cử của ông. Một người đại diện chiến dịch tranh cử của ông Yang khẳng định các gia đình sẽ được nhận tiền trong toàn bộ 12 tháng kể cả nếu ông Yang không thắng cử. 

Hiện tại, ông Yang đang bỏ tiền túi để hỗ trợ hai gia đình tại Iowa và New Hampshire 12.000 USD/năm. "Các chính trị gia khác dùng quỹ tranh cử để quảng cáo chính trị hoặc thuê chuyên gia tư vấn cấp cao. Chúng tôi chọn một con đường khác. Chúng tôi muốn giúp đỡ các gia đình Mỹ", đại diện của ông Yang nhấn mạnh. Trong cuộc tranh luận ở Houston, một số ứng cử viên Đảng Dân chủ đã bật cười khi Yang tuyên bố thực hiện cuộc thử nghiệm này. Thị trưởng Pete Buttigieg của thành phố South Bend (Indiana) nói: "Đó là ý tưởng độc đáo, tôi thừa nhận điều đó". 

Trên thực tế, các ý tưởng gây tranh cãi đang giúp Andrew Yang có những bước tiến thần tốc trong cuộc đua ở nội bộ Đảng Dân chủ. Vài tháng trước đây, chẳng ai biết đến doanh nhân người Mỹ gốc Đài Loan.Giờ theo khảo sát của Fox News, Yang trở thành ứng cử viên Dân chủ đạt tỷ lệ ủng hộ cao thứ 5, chỉ sau cựu Phó tổng thống Joe Biden, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, Bernie Sanders và Kamala Harris. Khảo sát của SEMrush cho thấy số lượng tìm kiếm cụm từ "Andrew Yang" trên Google tăng 191% kể từ tháng 4. Trong tháng 8, số người tìm kiếm "Andrew Yang" cao hơn "Joe Biden" 170%. Trên Twitter, ứng cử viên gốc Á cũng được nhắc đến nhiều hơn 1,4 lần so với ông Biden.

15.09.2019

 CTV Danlambao
 danlambaovn.blogspot.com



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo