"Thống kê gần đây nhất cho thấy mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2." Thông tin trên được đưa vào báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô năm 2019, nhưng thực tế đó là dữ liệu từ năm 2005.
Trong bản tin của báo Tuổi Trẻ ngày 30/11/2005 có đoạn: "Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, mỗi năm thành phố tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 46.000 tấn khí CO từ hơn 400 cơ sở công nghiệp. Đó là chưa kể khói của hơn 100.000 ôtô và trên 1 triệu xe máy. Tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nặng đã khiến người dân sinh sống ở Hà Nội ngày càng có nhiều người bị bệnh về đường hô hấp." (1)
Những con số này cũng được lặp lại y chang trong bản tin trên báo Nhân Dân Điện tử ngày 17/9/2010.
Bản tin "Báo cáo của Quốc hội về ô nhiễm môi trường sử dụng số liệu từ 2005" cũng đã bị gỡ bỏ khỏi báo Thanh Niên ngày 10/10/2019.
Không khí ô nhiễm, Hà Nội ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng đang trở thành vấn nạn quốc gia khiến dân chúng bất an. Thay vì chuyên tâm tìm giải pháp, tập trung cải thiện môi trường bằng cách trồng thêm cây xanh, giảm thiểu các nhà máy nhiệt điện, các khu công nghiệp gần thành phố thì các lãnh đạo đã chọn cách quanh co, dối trá.
Từ việc kêu gọi tấn công ứng dụng Air Visual của một thợ chữ, đến tuyên bố các số liệu quan trắc từ Air Visual không đáng tin cậy của quan chức ngành môi trường, nhìn lại hơn 10 năm qua, Ba Đình không hề có phương cách nào để bảo vệ không khí trong lành.
Ông Lê Hoài Nam - vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường) - trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 9/10/2019, cho biết: "Chỉ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quan trắc môi trường thì mới được công bố thông tin về chất lượng môi trường một cách chính thức."
Cũng vẫn là cơ chế độc quyền công bố thông tin, cơ chế này đã khiến hàng ngàn người dân cư ngụ xung quanh vụ cháy Rạng Đông phải lũ lượt kéo nhau đến bệnh viện khám bệnh. Hàng trăm người phát hiện có thủy ngân trong máu, người người lần lượt dọn nhà sang nơi khác sống.
Tại sao người dân tin chỉ số AQI trên ứng dụng Air Visual hơn quan chức?
Bởi hơn ai hết, những người sống ở vùng ô nhiễm chứng kiến bầu trời xám xịt, khói bụi mịt mù, cùng các triệu chứng tức ngực, khó thở có thật. Với thành tích dối trá thượng thừa xưa giờ từ trung ương đến địa phương, những người quan tâm đến tình hình xã hội chắc chắn không còn niềm tin vào những con số dối trá do nhà cầm quyền cung cấp.
Khi các lãnh đạo Ba Đình nhận thức rõ ô nhiễm môi trường sẽ khiến người dân phẫn nộ và bất tuân, họ tiếp tục tái diễn trò dối trá ngày càng ngang nhiên hơn.
Chú thích:
11.10.2019