Nguyễn thị Cỏ May (Danlambao) - Hôm đầu tháng 9 vừa qua, thấy hình bà Chủ tịch Quốc Hội Kim Ngân, mặc áo dài tuyệt đẹp, mặt son phấn cũng bắt mắt, đứng đánh trống rất oai vệ như một vị nữ tướng chuẩn bị ra quân, Cỏ May tôi lấy gởi cho người bạn, vốn là nhà giáo, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Mỹ Tho coi chơi, với vài chữ ghi vội "Ông Hiệu trưởng đi đâu? Còn Thầy Lộc nữa? Để Kim Ngân đánh trống khai trường?". Chỉ có ý báo tin nhau hãy còn mạnh giỏi vì ở xa nên không gặp nhau nhưng không quên bạn. Một cách thăm hỏi nhau theo thời đại internet.
Không ngờ người bạn ở xa đó trả lời ngay: "Câu hỏi của CM và bức hình làm tôi nghẹn lời. CM viết nhanh và thấm thía. Làm ơn viết thêm... Ông Hiệu Trưởng có ý mà cạn lời. Cám ơn CM. LVB".
Bạn “thấm thía”, chắc không phải vì tiếng trống của Kim Ngân xoáy vào tim bạn, mà vì thời điểm khai trường làm cho bạn hồi tưởng những ngày ở ngôi trường lâu đời danh tiếng Mỹ Tho (Collège de Mytho - Thành lập ngày 17-03-1879 dưới tên Collège Le Myre De Vilers, từ 1953, trở thành Lycée Nguyễn Đình Chiểu) của hơn bốn mươi năm trước. Bạn "cạn lời" vì chỉ một ngày 30/4 làm bạn bỏ trường, bỏ học trò, mất bạn bè, trở thành ông thầy "mất dạy", ông Hiệu trưởng thất nghiệp, ông Trưởng ty Giáo dục ôm gói đi trở lại làm học trò học tập cho được thông suốt đường lối cách mạng, mong nhờ sự "khoan hồng" của cách mạng xóa cho tội làm thầy giáo "ngụy".
Tánh mình dễ vâng lời bạn và muốn làm vui lòng bạn nên nay sẽ viết vài hàng về Ngày khai trường. Mà viết về Ngày Khai trường thì ai cũng viết được vì có đi học, dù ít hay nhiều năm, đều có kỷ niệm về ngày đầu tiên đi đến trường. Kỷ niệm đi học luôn luôn đẹp và khó quên.
"Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học." (Thanh Tịnh).
Không biết ngày nay, buổi sáng ngày khai trường, các em đi học có còn những cảm xúc như Thanh Tịnh hay không, người mẹ dẫn con đến trường, có chỉ thấy sung sướng vì nay con mình đi học hay đầy ắp những lo toan phải đóng góp cho nhà trường trăm thứ để con mình có thể không bị đuổi học?
Vì ngày nay là nhà trường xã hội chủ nghĩa! Và cán bộ đảng viên, chớ không phải thấy cô hay nhân viên nhà trường, đánh trống khai trường trên cả nước và cùng một ngày thống nhất, mùng 5 tháng 9!
Khai trường, khai giảng, khai học, tựu trường
Lại cãi nhau về cái ngày "nhà trường mở cửa, thấy trò tới trường, ban quản đốc làm việc, đó là Ngày khai trường, hay khai giảng, hay khai học, hay tựu trường?".
Thật lắm chuyện vì hể có học vào năm ba chữ là có cãi nhau. Ngày xưa, khi học trò nói lại những lời đã học, thường lập lại lời Thầy, tức ông Khổng, ông Mạnh và nhấn mạnh "Tử viết".
Có người bực mình, hỏi "Tử viết là gì?" - Thầy dạy.
- Không phải. Tử viết là "Thầy rằng".
Tại sao? - Vì "Thầy rằng " là "Thằng rầy", là tụi bây lắm chuyện chí chóe đó!
Cho nên Mao Xến Xán mới có lý chỉ lấy bần cố nông làm cốt cán, không biết một chữ nhất một, để đảng dạy cho điều gì thì họ chỉ biết điều đó, không suy nghĩ, không bàn cải thêm. Tờ giấy trắng, đảng bết lên đó thứ gì thì đó là chân lý bất khả tư nghì. Học hành theo thứ “tạch tạch sè “ (tiểu tư sản) là cục cứt!
Sau 3 tháng nghỉ hè, năm học mới trở lại. Các em được gặp lại trường lớp, thầy cô và bạn bè. Ngày trọng đại này có nhiều cách gọi khác nhau, không riêng ở Việt nam, mà ở nước khác.
Nhân dịp này, thử hãy cùng tìm hiểu về các từ ngữ này.
Theo từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, thì "khai trường"," khai giảng", "khai học", "tựu trường" được giải thích đơn giản như sau:
- Khai trường, khai học: Bắt đầu năm học ở nhà trường.
- Khai giảng: Bắt đầu năm học, khóa học.
- Tựu trường: Học sinh tập trung tại trường vào ngày khai giảng.
Còn nhà ngôn ngữ học, PGS Phạm Văn Tình cắt nghĩa dài hơn: "Tất cả các từ khai trường, khai giảng, khai học, tựu trường đều là từ Hán-Việt, cùng nằm trong một trường nghĩa liên quan tới "nhà trường" nói chung. Mỗi một từ lại được hình thành từ các thành tố ghép lại và dĩ nhiên, ngữ nghĩa gốc của chúng là khác nhau".
Khai, có nghĩa là "mở, mở đầu". Nghĩa này ta thường gặp trong các từ, như: khai bút (viết hoặc vẽ lần đầu tiên vào dịp đầu năm - khai bút đầu xuân), khai hoả (hoả: lửa, khai hoả: bắt đầu nổ súng), khai mạc (mạc: màn, khai mạc: bắt đầu, mở đầu (hội nghị, cuộc thi, hội diễn...).
Khai trường (trường: nơi tụ họp) có 2 nghĩa:
1. Bắt đầu mở một công trường (nghĩa này quá cũ, ít dùng);
2. Bắt đầu năm học mới ở nhà trường (thường sau đợt nghỉ hè).
Bình thường, ta hoàn toàn có thể nói: Chúng mình gặp nhau vào ngày khai trường; hay đợi đến ngày tựu trường, chúng mình sẽ gặp nhau...
Tuy nhiên, hiện nay mọi người ít dùng các từ khai trường, tựu trường mà thay vào đó là từ khai giảng. Ví dụ: Lễ khai giảng năm học mới; Trường tổ chức khai giảng muộn hơn 1 tuần; Buổi khai giảng rất long trọng... Giảng, với nghĩa là "giảng dạy" và nghĩa gốc của khai giảng là "bắt đầu công việc giảng dạy".
Vậy “Khai trường, khai giảng, khai học, tựu trường”: Sử dụng từ nào mới đúng?.
Hiện nay từ khai giảng được dùng phổ biến, "gánh" luôn cả từ khai học.
Tất nhiên, tại trường học, giảng dạy mới chỉ là một mặt, một phần việc (là dạy) do các giáo viên đảm nhiệm. Phần việc khác (học tập) là thuộc về phía học sinh, cũng rất quan trọng. Vậy có khai giảng, hiển nhiên phải có từ khai học (bắt đầu học tập). Hai cặp từ này có 1 thành tố chung (khai), 1 thành tố trái nghĩa (giảng/học) và nếu thế thì sẽ thành một "cặp đôi hoàn hảo".
Tuy nhiên, khai học là một từ cũ, ít dùng và gần như không còn được sử dụng trong giao tiếp hiện nay. Chính vì vậy mà khai giảng trở thành từ đại diện, "gánh" luôn nhiệm vụ thể hiện một nghĩa chung là "bắt đầu, mở đầu một năm học, một khoá học". Chỉ Tàu vẫn dùng "Khai học" chớ không khai trường hay khai giảng.
Hơn nữa nói đến khai giảng là mọi người, từ giáo viên, học sinh đến các bậc phụ huynh đều biết phải chuẩn bị những gì cho ngày mở đầu năm học. Tựu trường còn có nghĩa là "ngày học sinh đến trường sau một kỳ nghỉ dài như nghỉ hè, hoặc là nghỉ mùa đông hay nghỉ Tết", còn khai trường là "ngày bắt đầu mở cửa trường sau đợt nghỉ hè, kết thúc năm học cũ".
Vậy ngày nay, ở Việt Nam, người ta nói "Khai giảng" vì ngày Khai giảng không chỉ là ngày tụu trường đầu năm học mới mà ngày ấy có làm lễ khai giảng, có đầy đủ nhà trường, một số phụ huynh học sinh tham dự và, quan trọng hơn, có cả đại diện nhà cầm quyền. Chính đại diện nhà cầm quyền đánh trống khai lễ. Tức chủ lễ khai giảng. Do có đại diện nhà cầm quyền nên ngày khai giảng thường sau ngày nhập học thật sự vài ngày hoặc vài tuần.
Năm học 2018-2019 của Trung học Chu Văn An do Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai giảng. Chỉ ít lâu sau, ông ngã ra chết, như ông đánh trống nhằm giờ thiêng, làm cho âm binh giựt dậy, mà con người ông không đủ thần và đức để đánh trống, mà lại khai giảng ngôi trướng mang tên Vị Vạn thế Sư biểu Chu Văn An nữa?
Niên học 2019-2020 của Trung học Tháp Mười, hôm đầu tháng 9, bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn thị Kim Ngân đánh trống khai giảng..
Ngày khai giảng do đại diện nhà cầm quyền chủ lễ, nhưng chỉ ở những ngôi trường khang trang. Họ chưa bao giờ tới những ngôi trường mà ngày khai giảng, thầy và trò, đứng ngồi ngoài sân sình lầy, nước đọng hay những ngôi trường mà học sinh nhỏ dại phải đu giây hay lội nước đi học. Chọn cùng ngày 5/9 vì để kỷ niệm ngày Hồ Chí Minh, sau ngày tuyên bố độc lập 2/9/1945 ở Hà nội, viết thư gởi học sinh toàn quốc:
"Các em học sinh,
Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam".
Từ bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi học sinh ngày 5-9-1945, Thứ trưởng Bộ Giáo Dục & Đào Tạo Phạm Mạnh Hùng ký Văn bản số 4192/BGDĐT-VP (18-8-2015) gửi các giám đốc Sở GD&ĐT về việc tổ chức lễ khai giảng năm học 2015-2016. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã lấy ngày 5-9, trở thành ngày khai giảng của tất cả trường trên cả nước.
Văn bản nêu rõ: "Lễ Khai giảng tổ chức thống nhất trên toàn quốc vào buổi sáng, ngày 5-9-2015 ” - “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”.
Văn bản viết tiếp: "Khai trường hay khai giảng, hay tựu trường? Chúng ta nên thống nhất cách viết, cách đọc ngày 5-9 là Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường" là ngày "khai trường".
Có mâu thuẫn trong nội bộ nhà cầm quyền về cách gọi ngày mở đầu năm học mới?
Nền giáo dục “hoàn toàn Việt Nam”
Trong thư gởi học sinh toàn quốc ngày khai trường 5/9/1945, Hồ Chí Minh nói “...từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn việt nam”, tức nền giáo dục hoàn toàn xã hội chủ nghĩa Vì chế độ nào, giáo dục đó. Và theo cái gọi là tư tưởng hồ chí minh thì giáo dục có nghĩa là “Vì lợi ích trăm năm, trồng người”!
Đến nay, tuy chưa đủ trăm năm, nhưng áp dụng vào giáo dục, "tư tưởng" Hồ Chí Minh đã mang lại những thành quả vô cùng ngoạn mục: cha con, bà cháu, anh em, lối xóm sẵn sàng chém giết nhau chỉ vì miếng ăn, thước đất, nắm bạc,...Trong nhà trường xã hội chủ nghĩa, học trò gái đánh nhau, lột quần áo bạn, học trò đánh thầy, mắng chửi cô, bốn năm đứa 15, 16 tuổi, xúm lại “bề hội đồng” chính cô giáo của mình...
Cảnh nào đau lòng hơn khi cô giáo lỡ phạt nặng một học sinh ngỗ nhịch trong lớp, hôm sau cha mẹ nó tới ra tay xử phạt cô giáo bằng cách bắt cô giáo phải quỳ gối trước sân trường xin lỗi? Cha mẹ đứa học trò kia là đảng viên cộng sản nên có toàn quyền đối với nhân dân!?
Một bộ phận khác được ưu đãi, xuất thân từ nhà trường xã hội chủ nghĩa, vào đảng, vào bộ máy cầm quyền, năm giữ chức vụ cao, thì cướp giật tài sản, đất đai của dân chúng, cả của cải của Nhà nước để làm giàu. Bộ Thương binh & Xã hội, theo chủ trương ưu tiên xóa đói giảm nghèo, xuất cảng trai đi lao động, gái đi mải dâm để ăn tiền đầu,... Thanh niên Việt Nam tới đâu thì tổ chức ăn cắp, ăn cướp, đánh nhau, chém giết nhau... Xã hội ở Việt Nam ngày nay thật sự không còn một giá trị tiêu chuẩn nào khác hơn tiền, kể cả bán nước làm giàu!
Giáo dục và Đào tạo
Giáo dục là dạy cho trẻ con trở nên người có phẩm hạnh con người. Tức dạy “đức dục” cho con người. Hay đó là phần “Tiên học Lễ”. Đào tạo là dạy con người có kỹ năng chuyên môn để làm việc. Tức “Hậu học Văn”.
Nhưng “giáo dục” của chế độ xã hội chủ nghĩa ngày nay hãy còn được nhắc lại trong bức thư của TBT-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trong gởi cho học sinh toàn quốc nhân Ngày Khai trường năm nay là phải “vừa Hồng, vừa Chuyên”. Hồng là bản chất du đảng. Nhờ được Hồng, học sinh học xong, vào đảng cộng sản, lãnh đạo đất nước, làm giàu. Chuyên là học xong thất nghiệp muôn năm. Để kiếm sống, hãy tạm quên đi cái Chuyên mà làm bất cứ việc gì cơ hội đưa đến.
Trước tình trạng xã hội như vậy do kết quả của chế độ giáo dục hồng và chuyên, Giáo sư Nguyễn Thế Hùng đưa đạo đức xã hội lên hàng đầu khi trả lời cho câu hỏi “những vấn nạn giáo dục ấy bắt nguồn từ đâu?” Và cụ thể hơn thì ông nói rằng chính cái triết lý giáo dục đã khai tử tinh thần tôn sự trọng đạo. Theo ông cần phải có những triết lý giáo dục tôn trọng quyền của người thầy.
“Tôi là người đã thụ hưởng 2 nền giáo dục: 1 của Việt Nam Cộng Hòa và 1 nền giáo dục của CHXHCN Việt Nam nên tôi có cái để so sánh. Bây giờ vì sao tình nghĩa thầy trò nó rất là lạc lẽo?
Tôi thấy nền giáo dục VNCH trước kia rõ ràng là tôn sư trọng đạo thật sự cả về tinh thần và vật chất. Con người có 2 yếu tố tinh thần và vật chất, nếu thiếu 1 cái thì chưa hoàn chỉnh.”
Từ khi chưa có cụm từ “triết lý giáo dục”, các tiền nhân xưa đã đặt nền móng vững chắc cho giáo dục qua Ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Trước năm 1975, Bộ Giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa tập trung vào triết lý: Nhân bản, Khoa học, Khai phóng. Yếu tố con người được đặt lên hàng đầu.
Ngày nay, khi mà khoa học giáo dục con người vẫn luôn luôn là một ngành được đặc biệt đề cao, tôn trọng ở các quốc gia phát triển, thì ở Việt Nam, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng phải ngậm ngùi thốt lên: “Cái tư duy giáo dục của ta, triết lý giáo dục của ta sai lạc. Ta không coi chuyện giáo dục là tạo những thực thể, những con người tự do”...
Vậy làm sao định nghĩa chính xác được giáo dục của chế độ xã hội chủ nghĩa là gì?
Chẳng lẽ lấy lại định nghĩa của Giáo sư Lý Chánh Trung vào những năm đầu sau 75, lúc ông còn đang làm dân biểu Quốc Hội: “Nhà trường xã hội chủ nghĩa là nơi thầy không muốn dạy, trò không muồn học”.
Nhà cầm quyền ở Hà Nội nhận thấy Giáo sư Lý Chánh Trung, người của "Ngụy quyền" từng theo "phe ta", nay định nghĩa giáo dục của chế độ ta quá hay, không gì bằng, nên bèn cho ông về vườn nuôi gà tăng gia sản xuất.
10.10.2019