Nạn buôn người tại Việt Nam - Dân Làm Báo

Nạn buôn người tại Việt Nam

CTV Danlambao - Theo báo cáo hàng năm của chính phủ Anh vào năm 2018 về nạn buôn người thì Việt Nam đứng thứ 3 trong những quốc gia xuất phát đưa người vào Anh Quốc qua các đường dây buôn người, qua mặt Trung Quốc là nước xếp hạng thứ 4.


Tuy nhiên, Anh Quốc chỉ là một trong rất nhiều "điểm đến" của hệ thống buôn người tại Việt Nam. Đàn ông, phụ nữ lẫn trẻ em Việt Nam đã trở thành những món hàng lao động cưỡng bức và nô lệ tình dục qua đường dây từ Việt Nam sang Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Hàn Quốc, Thái Lan, Mã Lai, Ma Cao, các quốc gia ở Trung Đông... Những nạn nhân này hoặc là bị cưỡng bức lao động, hành nghề mại dâm tại những quốc gia này hoặc được chuyển sang các nước ở Âu Châu, trong đó có Anh Quốc. 

Campuchia là nơi là các trẻ em thường bị đem bán vào các dịch vụ mại dâm, điển hình là tại "làng Việt Nam" Svay Pak đã làm dư luận quốc tế quan tâm từ hơn 10 năm trước hay tại Siem Reap kéo dài đến ngày hôm nay. 

Trung Quốc trong đó có Ma Cao là "điểm đến" của các đường dây đưa phụ nữ Việt Nam cho các dịch vụ mại dâm. Trong khi đó thì Đài Loan "nổi tiếng" với thị trường môi giới phụ nữ Việt lấy chồng Đài và công nhân xuất khẩu lao động. 

Trong nhiều trường hợp, thành phần môi giới bao gồm thành phần xã hội đen Việt, Tàu còn có sự tham gia, tiếp tay của các quan chức cộng sản cũng như thành phần doanh nhân xem đây là một dịch vụ làm ăn màu mỡ, không cần nhiều vốn liếng tài chánh mà chỉ cần vốn con người. 

Hoa Kỳ hiện xếp hạng nhà cầm quyền CSVN vào hạng thứ 2 - Tier 2 trong lãnh vực buôn người. Tier 1 là quốc gia mà nhà cầm quyền không đáp ứng nhưng có cố gắng trong nỗ lực tuân thủ những tiêu chuẩn tối thiểu trong việc ngăn chận tệ trạng buôn người. 

Trước đây một người Việt muốn sang "hợp tác lao động" phải mượn và ký giấy nợ từ USD 6000 đến USD 10000 với các "công ty môi giới" để được ra khỏi "thiên đường XHCN" để "đi tìm một tương lai tươi sáng" ở xứ người. Trong trường hợp mới xảy ra tại Anh Quốc, nạn nhân phải trả đến gần USD40000 để được đưa đi. Thường thì họ phải vay trước và sau đó trả nợ từng phần. 

Số tiền nợ này đã trở thành "vòng kim cô" tròng vào đầu những nạn nhân. Họ trở thành những kẻ bị cưỡng bức lao động mà không thể phản đối hay chống lại vì nguy cơ bị tống trả về nước và mất nhà mất cửa, bị giới xã hội đen "làm thịt" vì không có khả năng trả nợ. 

Nhưng đó vẫn là những người tương đối "may mắn". Nhiều nạn nhân thay vì được đưa vào những công ty tại Đài Loan để làm công nhân nô lệ thì bị đưa đến những hòn đảo hoang vắng ở Đài hay đưa sang các thành phố ở Trung Quốc làm nô lệ tình dục. Họ bị ngăn cách hoàn toàn với quê nhà, thế giới bên ngoài và ngay cả tại những thành phố bị đưa đến. Tất cả đều bị cô lập trong những nhà chứa, ngôn ngữ bất đồng và không được có phương tiện liên lạc như điện thoại, internet. 

Việc những người Việt Nam bị chết trong xe tải đông lạnh ở Essex, Anh Quốc chỉ là một mảng nổi bị phát hiện trong một tình huống bi thảm. Bi thảm hơn là hàng ngàn trẻ em, thiếu nữ vẫn đang còn sống nhưng số phận còn thê thảm hơn những người đã chết như là một giải thoát cuối cùng. ' 

Ở khắp hang đen ngõ tối bên ngoài "thiên đường CSVN" là số phận đen tối của những người bị bỏ quên, đang là nô lệ thời đại mới "modern slaver". Tiếp theo họ sẽ là những người nô lệ mới cứ bị tiếp tục xuất khẩu khỏi Việt Nam trong một hệ thống mà trung ương vẻ vời những chính sách ngăn ngừa nạn buôn người, nhưng chính những chương trình xuất khẩu lao động chính thức cũng là bàn tiệc để cho các quan chức địa phương cấu kết với con buôn và xã hội đen khai thác món thịt người để bán ra xứ người. 

26.10.2019 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo