Nhà tù mang tên Yêu Nước - Dân Làm Báo

Nhà tù mang tên Yêu Nước

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Lòng ái quốc không những là một cảm xúc mà đôi khi còn được xem là một nghĩa vụ. Nhưng ở đất nước Việt Nam, bày tỏ cảm xúc này là công phu của một người làm xiếc, thực hiện nghĩa vụ này bằng hành động cụ thể là một phiêu lưu đầy dẫy bất trắc. Hình bóng của bất trắc là những nhân viên an ninh mật vụ trước ngõ, điều 79, 88, 258, luật an ninh mạng là những sợi dây thòng lọng treo sẵn sàng, và cửa tù đang thấp thỏm chờ.

Tuy nhiên, nhiều khi sự gậm nhấm của cô đơn lại như lưỡi dao cùn cứa lên da thịt và đau đớn hơn cả vết chém nhanh gọn của một bản án tù đày. Từ thờ ơ cho đến chống đối của gia đình; từ những khoảng cách vừa phải cho đến thái độ ghẻ lạnh của bạn bè, đồng nghiệp; từ những khuôn vàng thước ngọc lên lớp về cách sống thức thời cho đến những ủng hộ bằng lời rẻ rúng; từ những kỳ vọng phải sống xứng đáng với những gì được cuộc đời ca tụng cho đến những soi mói, theo dõi từng lời ăn tiếng nói, nhất cử nhất động... tất cả đã dựng lên những song sắt vô hình bao vây những con người dấn thân. 

Có những người chưa vào tù mà nhiều lúc đã mang cảm giác đang sống trong tù. 

*

Thế nào là yêu nước? 

Đối với đảng độc tài bao gồm luôn độc quyền "yêu nước", yêu nước đồng nghĩa với yêu xã hội chủ nghĩa, yêu cái xác trong lăng và phục tùng sự cai trị "muôn năm" của đảng; yêu nước ngoài vòng kim cô của đảng là phản động. 

Ngay trong "hàng ngũ phản động" với nhau, lòng yêu nước của mỗi người cũng đối diện với nhiều dấu chấm hỏi độc ác mang hình lưởi liềm của đảng. Bị bắt: không khôn ngoan?! Không bị bắt: hai mang?! Bị thả: coi chừng khổ nhục kế Việt cộng nằm vùng! Lòng yêu nước bỗng nhiên có nhiều căn cước mới: Dân chủ chính tông, dân chủ giả hiệu, dân chủ buôn đô la, dân chủ buôn danh, dân chủ bức xúc vì đời đang bắn pháo bông cho người khác mà không bắn pháo bông cho mình! 

Ai là người yêu nước chân chính? Cái gì là chân chính? Có còn vị trí khách quan nào để xác định lòng yêu nước chân chính? 

Dưới bầu trời âm u nhiều năm tháng của một đất nước mưa sa trên màu cờ đỏ, trong một xã hội đã quá nhiều đảo điên, lọc lừa, Lòng Yêu Nước đã bị người ta đem sơn xám xịt vào.

Vì vậy, có những người phải im lặng trong yêu nước cách riêng của mình và chấp nhận mọi sự ngờ vực trong vùng yêu nước xám xịt. Nhưng họ vẫn kiên trì tiến bước. Không phải một năm, hai năm mà có những người rong ruổi cả đời. 

Như người anh của tôi đã nhiều năm tháng, một mình lủi thủi sang sông cho đến ngày hôm nay đầu đã bạc. Như em tôi bỏ cuộc đời lao động kiếm sống ở nước ngoài, quay về lại quê hương lái xe ôm hoạt động nội thành. Như bạn tôi bây giờ vẫn rùng mình ám ảnh bởi hơi lạnh của những đêm tối trong tù ngày ấy và bây giờ tự do co ro một mình; những lời khen ngợi đã im tiếng, chỉ còn lại gánh nặng giang san vẫn đè nặng lên vai.

Vậy đó, có những người vẫn đeo đuổi một con đường. Có những người vừa mới khởi hành, đích đến vẫn mù sương. Có những người đã nằm xuống trước khi được sống trọn một ngày của-ước-mơ-thành-sự-thật. 

*

Mai này đất nước chắc chắn sẽ hồi sinh. Sẽ có những lãnh tụ, anh hùng được ghi tên vào sử sách. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều người âm thầm, vô danh đã làm giọt nước ở đáy ly cho ngày ly đầy nước, đã làm một viên gạch ở tận đáy cùng cho nhà Việt Nam vươn lên. Họ âm thầm trong cô đơn ngày hôm nay và sẽ vô danh trong cô độc ở những trang sử mai sau. Họ sẽ bước vào quên lãng của cuộc đời để nhường chỗ cho những chính trị gia bước vào sân khấu mới. Nhưng hôm nay họ vẫn tiến bước. Vì yêu nước đối với họ không còn là quyết định lý trí, không còn là một nhận thức về trách nhiệm phải cưu mang. Với họ, yêu nước là bản chất con người của họ. Không thể sống khác. 

Và họ mãi mãi vẫn là những kẻ cô đơn trong nhà tù mang tên yêu nước của chính họ.

Rồi sẽ đến ngày ta về với đất
Những sầu, bi, thương, nhớ sẽ thờ ơ
Lòng đất lạ chắc gì yên nhắm mắt
Hỏi đêm nay trống vắng định về đâu?

Trong trí nhớ mịt mù như lá rụng
Những con đường đi, đến đã mông lung
Cả người xưa, nghĩa cũ cũng không còn
Chỉ nằm đó giấc mơ không chịu chết.

Lối mở về chắc hẳn có thênh thang
Hay hệ lụy vẫn theo ta muôn ngàn kiếp
Ta có sống cuộc đời ta đã mất
Giấc mơ nào nhung nhớ đã mang theo?

Dĩ vãng chập chùng biết có còn réo gọi
Ân tình xưa, nghĩa cũ liệu buông tha
Nợ núi sông, mũi kim nhọn hôm qua
Hay nằm đó còn lo miếng cơm manh áo?

Nếu ta chết mang theo đời hệ lụy
Thì chi bằng gạt bỏ, xong, hôm nay
Khi sống chết như một làn chỉ nhỏ
Chết cách nào cũng vậy có sao đâu

Thì sống lại mà đi vào gươm giáo
Vết chém sâu có ngọt cũng vui vui
Biết đâu mai thân xác muốn ngũ vùi
Lòng đất cũ nằm yên mà nhắm mắt...




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo